Tips để bài thuyết trình ‘cưa đổ’ mọi ban giám khảo

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Chúng ta đều biết những điều cấm kỵ của một bài thuyết trình là không đọc từ bản script, không làm choáng ngợp người nghe bằng hàng tá slides,…Tuy nhiên, bạn cần nhiều hơn thế để nổi bật hơn những ứng viên còn lại. Vậy cụ thể có những bí quyết hay kỹ năng gì để thêm “lửa” cho bài thuyết trình? Cùng TM tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. 3 ý không thể thiếu trong bài thuyết trình

Vấn đề cần giải quyết là gì

Bạn cần nêu ra bối cảnh và thách thức/ vấn đề đang gặp phải tại thời điểm này khi mở đầu bài thuyết trình. Nhiều bạn mắc phải sai lầm là đi trực tiếp đến giải pháp, điều này sẽ khiến người nghe bối rối không biết bạn đang giải quyết vấn đề gì.

Tại sao vấn đề này cần được giải quyết ngay lập tức?

Bạn phải chứng minh cho người nghe thấy vấn đề bạn đưa ra không thể trì hoãn hơn được nữa. Và nó sẽ tồi tệ hơn nếu không được giải quyết ngay bây giờ. Hãy phân tích và thêm dẫn chứng số liệu để tăng độ tin cậy.

Chứng minh vì sao ý tưởng này có thể “làm nên chuyện”

Nếu bạn chỉ đưa ra giải pháp mà không chứng minh rằng đây là giải pháp khả thi và mang lại hiệu quả, sẽ không ai chấp nhận bản đề án của bạn cả. Ví dụ, bạn tham gia cuộc thi marketing. Bạn đề xuất một kế hoạch IMC (integrated marketing communication) cho đề bài này. Như chúng ta đều biết, IMC Plan được xây dựng dựa trên insight khách hàng. Nếu như bạn không chứng minh insight đó đúng với số đông, và bạn cũng không đưa ra dữ liệu từ phỏng vấn chuyên sâu và khảo sát định lượng với một tệp đủ lớn, bạn sẽ không thể thuyết phục ban giám khảo rằng ý tưởng này sẽ ‘viral’ và sẽ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

2. Kỹ năng trình bày bài thuyết trình sao cho rõ ràng và thật thuyết phục

Đơn giản hoá cấu trúc bài thuyết trình

Tất nhiên, bạn quen thuộc với ý tưởng của mình. Nó không có gì gọi là quá phức tạp với bạn. Thế nhưng, người nghe thì không. Họ không cùng nghiên cứu và lên ý tưởng của bạn. Bạn hãy làm rõ ràng và đơn giản hoá mọi thông tin đưa vào bài thuyết trình. Để làm được điều đó, bạn cần biết người đọc cần nghe và biết gì. Bạn không nên làm quá thừa thãi và rối tinh mọi thứ.

Để đơn giản hoá bài thuyết trình, bạn tuyệt đối nên tránh dàn trải nội dung như một bài diễn văn | Ảnh: Harvard Business Review

Khéo léo đưa câu chuyện vào trong bài thuyết trình

Bạn có thể là chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Bạn có hàng tá số liệu thực tế để chứng minh cho vấn đề và giải pháp của mình. Thế nhưng, có bao giờ bạn đặt mình vào vị trí của người nghe. Đặc biệt họ là những người chưa hiểu rõ về lĩnh vực bạn đang nói tới. Liệu họ có hiểu hết những gì bạn đang cố gắng diễn giải? Hoặc nếu họ có hiểu đi chăng nữa thì liệu họ có cảm thấy nhàm chán hay không? 

Có lẽ bạn cũng tự vấn bản thân và tự hiểu ra vấn đề. Kể chuyện không có nghĩa là bạn phải bay bổng hay đại loại như vậy. Kể chuyện đơn giản là bạn thêm ngữ cảnh cho số liệu của mình. Từ đó, bạn có thể biến nó từ những con số khô khan trở thành những con số “biết nói”. Như vậy, người nghe sẽ dễ hình dung được vấn đề mà bạn muốn hướng tới và kích thích sự hứng thú trong họ. 

3. Làm thế nào để “bình yên vô sự” trước những làn sóng câu hỏi “cân não” từ ban giám khảo?

Dưới đây là các cách bạn có thể áp dụng ngay và luôn để không còn run sợ trước những câu hỏi hóc búa mà vẫn giữ được thế chủ động:

Bắt đầu với sự sẵn sàng mở lòng đón nhận và ủng hộ quan điểm của người đặt câu hỏi

Đôi lúc, bạn sẽ không tránh khỏi những câu hỏi thể hiện quan điểm không đồng tình với bạn. Bạn rất dễ rơi vào trạng thái “đóng băng” và dễ xảy ra xung đột nếu bạn không khôn khéo trả lời. 

Để cả bạn và người đặt câu hỏi suy nghĩ theo hướng đóng góp cho sự thành công của bài thuyết trình chứ hoàn toàn không phải cuộc “cãi tay đôi”, bạn nên bắt đầu với câu khẳng định “Em/mình đồng ý với quan điểm của anh/chị/bạn ở điểm….” Điều này được các nhà tâm lý học gọi với cái tên “in-group” – một cảm giác như đang cùng chung một team và cùng chung chí hướng với nhau. Nó đặc biệt giúp bạn giảm bớt đáng kể cảm giác sợ hãi và vui vẻ tiếp nhận lời nhận xét từ người khác, thay vì việc nghĩ rằng người ta đang cố ý bác bỏ và phá hỏng mọi sự cố gắng của mình.

Một số cách bạn có thể tham khảo để khéo léo thể hiện quan điểm:

  • Tóm tắt ngắn gọn xem bạn hiểu câu hỏi như thế nào: “Nếu em/mình hiểu không nhầm thì bạn/anh/chị đang cảm thấy/ đang muốn nói tới….” Câu này sẽ cho người nghe thấy được sự quan tâm của bạn tới câu hỏi của họ. Đặc biệt, bạn nên thể hiện sự chân thành bằng cách như nhìn thẳng vào mắt họ hay mỉm cười chẳng hạn.
  • Tóm tắt lại những gì chung giữa bạn và người hỏi: “Chúng ta đều cho rằng…”
  • Thẳng thắn và khéo léo nói ra quan điểm về sự không đồng tình của bạn: “Đúng là đang có một điểm mà 2 bên không đồng tình…”
  • Không quên giải thích nguyên nhân dẫn tới quan điểm của bạn: “Sở dĩ em/mình nghĩ như vậy là bởi vì…”

Thể hiện sự chân thành của bạn

Đừng sợ những câu hỏi, bạn nên sợ khi tất cả mọi người đều im lặng. Khi mọi người liên tục đặt câu hỏi cho bạn, bạn nên vui vì điều đó có nghĩa là họ rất chú ý đến bài thuyết trình của bạn. Đây chính là cơ hội để bạn thể hiện bản lĩnh của mình. Dưới đây là hai điều bạn rất nên làm:

  • Ngay khi có ai đó dơ cao tay và hỏi bạn điều gì đó khi bạn thuyết trình xong, hãy tự nhủ với bản thân rằng “Ồ, đây là một cơ hội tốt, mình phải trả lời xuất sắc nhất có thể”
  • Bắt đầu câu trả lời của bạn bằng một thái độ chân thành và cho người hỏi thấy bạn đánh giá cao câu hỏi của họ. Ví dụ như “Câu hỏi rất hay…” hoặc “Cảm ơn anh/chị/bạn đã đặt câu hỏi”. Cách này còn giúp bạn “ăn gian” một chút để có thể suy nghĩ thêm về câu trả lời thay vì trả lời bồng bột.

Thể hiện sự ham học hỏi

Đôi khi, mọi người không đặt câu hỏi cho bạn mà họ chia sẻ một điều gì đó với bạn, từ những gì họ đã biết hoặc đã trải qua chẳng hạn. Hoặc họ có thể đưa ra feedback cho một nội dung nào đó trong bài thuyết trình của bạn. Khi đó, hãy kiên nhẫn lắng nghe và tiếp thu trên tinh thần ham học hỏi. Có thể bạn không thể chuẩn bị trước cho những câu trả lời bất thình lình. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phản hồi lại bằng một tâm thế sẵn sàng nhận lấy.

Ví dụ như:

  • Chủ đề này khá thú vị và đặc biệt. Không biết anh/chị/bạn có thể giải thích thêm cho em/mình được không?
  • Đó là một vấn đề khá mới mẻ, có phải anh/chị/bạn đã từng trải qua chuyện đó rồi không?

Đọc thêm: 

Tạm kết

Thuyết trình là một kỹ năng quan trọng khi bạn tham gia các cuộc thi hay ứng tuyển vào các tập đoàn đa quốc gia. Khoá học Case Mastery của Tomorrow Marketers sẽ là sân chơi cho bạn rèn luyện kỹ năng thuyết trình của mình với bài thi “Hackathon” trong buổi học cuối. Buổi hackathon cho bạn trải nghiệm mô phỏng thi thật, bạn sẽ được nghe nhận xét chi tiết từ dàn ban giám khảo “cực chất” đến từ các tập đoàn đa quốc gia và cựu quán quân các cuộc thi giải Case. Hãy đăng ký khoá học Case Mastery của TM ngay hôm nay. 

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.