Recap sự kiện Case Competition Conference – Phần 2: Trò chuyện với guest speaker về 4 cuộc thi UFLL, P&G CEO Challenge, L’Oréal Brandstorm, Nielsen Case Competition

marketing foundation

Tiếp nối những thông tin quan trọng cơ bản của 4 cuộc thi: Unilever Future Leaders’ League, P&G CEO Challenge, L’Oréal Brandstorm, Nielsen Case Competition. Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn tìm hiểu những tiêu chí đánh giá của từng cuộc thi và những bí kíp chiến thắng và trở thành nhà vô địch của các cuộc thi Business Case này.

Đọc phần 1 tại đây: Tổng quan về 4 cuộc thi UFLL, P&G CEO Challenge, L’Oréal Brandstorm, Nielsen Case Competition

Bài viết này thuộc bản quyền của TM, các bạn vui lòng không sao chép, copy và copy nội dung mà không có sự cho phép của Tomorrow Marketers.

Phần 2. Tiêu chí đánh giá, bí quyết chiến thắng và tương tác, giải đáp thắc mắc với người tham gia

1. Unilever Future Leaders’ League Panel:

Trong phần tương tác và giải đáp thắc mắc với người tham gia, có thể thấy cuộc thi UFLL vẫn là một trong những mối quan tâm rất lớn của nhiều bạn sinh viên. Số lượng câu hỏi dành cho chị Hương – đại diện đến từ Unilever Future Leaders’ League – là rất lớn, đi kèm với đó là chất lượng câu hỏi cũng rất hay và tập trung xoay quanh những vấn đề thường gặp của các bạn khi mới tiếp cận cuộc thi.

Câu hỏi 1: Chị Hương có thể chia sẻ cách để tiếp cận đề thi UFLL? Và với background Luật thì chị đã có sự chuẩn bị như thế nào?

Với xuất phát điểm là một sinh viên Luật, thực tế thì chị đi thi gần như không có kiến thức gì và hoàn toàn dựa vào bản năng. Nhưng điều mà chị nói chính là, dù chưa có kiến thức hay đã là chuyên gia trong ngành, bất kỳ ai khi đi thi đều phải bỏ rất nhiều công sức và đầu tư. Thắng cuộc hay phải dừng chân, những nỗ lực này chắc chắn sẽ đền đáp cho em, không bổ ngang thì sẽ bổ dọc mà. 

Điều đầu tiên, để chuẩn bị để đi thi UFLL lần đó, chị đã phải học hỏi và research rất nhiều. Nếu các em lên Youtube search UFLL 2012, 2013, 2014 thì các em sẽ thấy có rất nhiều bài thi của các đội thi năm trước, đây là hình thức để upload bài dự thi của chương trình trong các năm này. Khi bắt đầu thi, team chị đã đọc hết tất cả những bài thi này, sau đó phân tích ra là bài đó có gì hay, bài đó có được đi sâu không và mình có thể học được gì từ bài thi đó. Năm đó team chị cũng liên hệ thêm cả các anh chị đi thi trước để xin bài làm để nghiên cứu nữa, cũng may mắn là chị nhận được một vài lời đồng ý dù tỷ lệ từ chối cũng rất cao đó.

Bên cạnh đó team chị cũng research rất nhiều về format ra đề của UFLL. Format này mỗi năm sẽ có sự thay đổi khác nhau. Với năm team chị thi, yêu cầu của đề bài chính là giải quyết một bài toán thực tế của doanh nghiệp (Unilever) – liên quan đến vấn đề cộng đồng. Để hoàn thiện được bài thi này, team đã phải tìm kiếm, nghiên cứu và phân tích rất nhiều case study của các công ty lớn trên thế giới, không chỉ vậy chúng chị cũng đọc thêm cả những nhãn hàng của Unilever đã làm gì để thực hiện sứ mệnh mang đến hạnh phúc cho thế giới này. 

Điều thứ hai mà team chị đã chuẩn bị chính là phải trò chuyện với từng thành viên trong team để biết điểm mạnh điểm yếu của mỗi người. Giống như bộ Lego vậy, mỗi người sẽ có một thế mạnh đặc biệt và khi ghép lại có thể thành một bức tranh hoàn chỉnh. Bởi chưa có quá nhiều kiến thức về ngành, chị đóng vai trò là một consumer trong team, là người thử thách ngược lại insight mà team đã đưa ra. Điều này có thể giúp team chị cân bằng lại bởi khi các bạn làm marketing lâu có thể bị đóng khung trong cái suy nghĩ của người làm. Bên cạnh đó, chị cũng nhận thấy thế mạnh của mình là khả năng presentation. Để tận dụng thế mạnh  thuyết trình theo hướng kể chuyện này, thay vì dùng slide bình thường thì team đã vẽ ra hẳn một storyboard, thực tế là video clip nó sẽ có những phân cảnh như thế nào,… giúp ban giám khảo và người đọc có thể hình dung bài làm theo một câu chuyện có kết cấu rõ ràng và liền mạch.

Tóm lại, chị muốn chia sẻ tới các bạn đang có dự định thi UFLL: Hãy cứ tự tin và dành 100% năng lượng để mình có thể học hỏi được điều gì từ cuộc thi. Đừng đặt mục tiêu của mình phải thắng vì điều này có thể tạo ra cho mình những áp lực không cần thiết. 

Đọc thêm: Recap event Unlock Unilever Future Leaders’ League Challenge 2020

Câu hỏi 2: Làm sao để xây dựng creative mindset và khiến bài thi của mình nổi bật khi tham gia cuộc thi?

Mình hoàn toàn có thể tham gia các khóa học hoặc các buổi training, sharing, webinar về câu chuyện làm thế nào để sáng tạo. Unilever vào năm trước đó cũng đã từng tổ chức buổi sharing “Creativity and where to find them” trong khuôn khổ UFLL 2020. 

Điều thứ nhất, hãy lục về những material cũ để học cách sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính ứng dụng cho doanh nghiệp.

Điều thứ hai, bản thân sự sáng tạo đối với mỗi cuộc thi và doanh nghiệp sẽ mang lại những giá trị khác nhau, nó hướng đến những hướng khác nhau. Cái quan trọng nhất là mình hiểu được trong doanh nghiệp đó thì creativity có nghĩa là gì. Em hãy tự đặt ra câu hỏi creativity là gì đối với Unilever? Đối với Unilever, đây là một tập đoàn có độ phủ tại Việt Nam rất lớn, vì vậy mà sự sáng tạo cũng cần đáp ứng khả năng cho phép cộng đồng người tiêu dùng có thể làm điều đó được ở một quy mô rất lớn, thay vì chỉ phục vụ cho một nhóm người rất là nhỏ. 

Một vài keyword dành cho các bạn chính là practical – thực tế. Một case study mà các em có thể học hỏi: chiến dịch của Sunsilk với câu hỏi “Làm thế nào để giúp mọi người sử dụng dầu xả nhiều hơn?”. Chiến dịch chiến thắng cấp toàn cầu đã sử dụng hashtag #Saveyourday với insight và big idea xuất phát từ fact “mỗi lần gỡ tóc rối, mình sẽ mất trung bình khoảng 3 phút để gỡ, vậy thì trong suốt cuộc đời, chỉ việc gỡ tóc rối có thể mất tới 82 ngày.” Với Sunsilk, tóc của bạn sẽ mượt hơn và tiết kiệm thời gian 82 ngày.

Thứ hai là scalable – đẩy quy mô ra toàn quốc, toàn Việt Nam, bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. 

Điều thứ ba là relevance- vì sao chỉ có Unilever mới làm được mà các nhãn hàng khác không làm được. 

Cuối cùng là meaningful – làm thế nào để mình dùng nhãn hàng của mình và tạo ra được những câu chuyện hoặc có những ảnh hưởng tích cực giúp cộng đồng trở nên tốt đẹp hơn.

Câu hỏi 3: Chị có thể chia sẻ những tiêu chuẩn để đánh giá bài thi của BGK được không ạ?

Điểm đặc biệt của UFLL chính là không hướng tới việc tìm các bạn có khả năng vô địch tất cả các cuộc thi khác, thay vào đó, cuộc thi mong muốn khai phá những bạn có khả năng mới bước chân vào cuộc thi để có những trải nghiệm ý nghĩa nhất. Chính vì vậy nên những các tiêu chí chấm điểm luôn được chia sẻ rất rõ ràng trong đề thi mỗi năm.

Thông thường, tiêu chí sẽ có đánh giá “insight identification” – vấn đề của nhãn hàng đang gặp phải thì vấn đề của nó nằm từ đâu, cội nguồn vấn đề là gì. Thứ hai là đánh giá “big idea” – giải pháp và cuối cùng là chấm điểm “execution plan” – chiến lược & kế hoạch hoạt động. Với mỗi tiêu chí này, UFLL sẽ liệt kê một list các câu hỏi dựa theo tính chất của đề bài và nhãn hàng.

Riêng đối với top 6 thì sẽ có thêm một tiêu chí: khả năng các bạn trình bày ý tưởng nhằm mục đích đại diện cho Việt Nam đi ra thế giới. 

Đọc thêm: Recap Event 04 – How to win UFLL & Young Marketers 

2. L’Oréal Brandstorm Panel:

Với vai trò là diễn giả chính cũng là đại diện cho BTC cuộc thi L’Oréal Brandstorm Việt Nam, anh Bảo Huy đã giúp giải đáp rất nhiều các thắc mắc xoay quanh về chủ đề cuộc thi. Bên cạnh đó, TM cùng các bạn tham gia sự kiện cũng rất vui mừng chào đón đại diện 2 đội thi National Champion của L’Oréal Brandstorm 2021 cùng tham dự và chia sẻ kinh nghiệm.

Đại diện team Trilogy:

► Bạn Nguyễn Thị Trà My – SV năm 3, Đại học Ngoại Thương TPHCM 

► Bạn Đặng Nguyễn Đan Thuỳ – SV năm 3, ĐH Quốc tế, TPHCM

Đại diện team Mountaineers:

► Bạn Dương Bích Vân – SV năm 3 ĐH RMIT Vietnam

► Bạn Trần Đan Khánh – SV năm 4 ĐH RMIT Vietnam

Câu hỏi 1: Có các nền tảng nào để mình chuẩn bị các bài thi của mình trong quá trình thi L’Oréal Brandstorm? 

Chị My: Theo mình nghĩ sẽ không có một nền tảng nào cụ thể cho tất cả mọi người có thể áp dụng. Đối với trải nghiệm cuộc thi, chúng mình đã lựa chọn bắt đầu với framework bài làm thường gặp: customer của mình đang gặp những khó khăn gì, từ customer insight đó để đưa ra idea. Quá trình này của chúng mình không hề quá nặng về kiến thức business case, chính vì vậy các bạn năm 2 cũng đừng quá lo lắng nhé.

Chị Thùy: Với đề bài năm ngoái, thử thách mà các thí sinh đã nhận được thử thách về shopping experience, và theo em thấy thì trong đó có rất nhiều category mà mình có thể nảy ra idea. Rồi sau khi đánh giá và lựa chọn category thì chúng em cũng mới bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về “L’Oréal”, về “innovation” và về “issue” mà L’Oréal hiện đang có. Khi có được những thông tin cơ bản này thì chúng em bắt đầu ngồi lại và tìm kiếm idea mà mình có thể phát triển hoặc tìm ra một vấn đề nào đó có thể cải thiện được. Sau đó thì chúng em bắt đầu thực hiện bước research, hoàn thiện idea và kế hoạch thực thi và trình bày theo những tiêu chí của vòng thi.

Câu hỏi 2: Tiêu chí thẩm mỹ được đánh giá như nào khi tham gia cuộc thi L’Oréal Brandstorm?

Anh Bảo Huy: Mặc dù tính thẩm mỹ không được quy định một cách chính thức trong tiêu chí, tuy nhiên, khách quan mà nói thì L’Oréal là một công ty về làm đẹp. Chính vì vậy, yếu tố thẩm mỹ luôn luôn là một trong những tiêu chí ngầm: các bạn sinh viên cần phải yêu cái đẹp, làm ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, và điều này cũng sẽ là một lợi thế trong quá trình trình bày với BTC.

Câu hỏi 3: Anh chị có lời khuyên nào trong quá trình tìm kiếm đồng đội và lập đội thi không ạ?

Chị My: Theo mình nghĩ, khi lập team, các bạn nên đảm bảo trong nhóm cần có một vài yếu tố nhất định và đặc biệt trong team để giúp cho bài làm được trở nên hoàn thiện nhất. Đầu tiên thì trong team nên có 4 yếu tố: Data Analyzer sẽ là người cung cấp những phân tích insight từ các data thu thập và khảo sát được; Innovator – một người biết tổng hợp từ những data analyze đó để có thể tổng hợp thành những ý tưởng khả thi để team có thể khai thác sâu hơn; Visualize – đây sẽ là người phụ trách công việc trực quan những thông tin đó ra để người đọc có thể get được cái idea của mình một cách tốt nhất.

Câu hỏi 4: Anh chị có thể chia sẻ một số nguồn tài liệu để bắt đầu cuộc thi không ạ?

Chị Khánh; Về kinh nghiệm tham gia cuộc thi, các bạn có thể bắt đầu với những cuộc thi vừa và nhỏ trước (ví dụ như các cuộc thi do trường mình tổ chức). Bên cạnh đó thì cũng có rất nhiều đầu sách về Business Case framework rồi, thì các bạn có thể tham khảo sách về Business Case của McKinsey. Hoặc các bạn hoàn toàn có thể lập các hội nhóm, tham gia các câu lạc bộ và tạo thành một team giải đề cùng nhau để mình có thêm động lực cùng cố gắng. 

Câu hỏi 5: BGK cuộc thi Brandstorm sẽ thích practical idea (ý tưởng thực tế) hay creative idea (ý tưởng sáng tạo) hơn?

Anh Bảo Huy: Trong một cuộc thi Business Case như L’Oréal Brandstorm, các bạn thí sinh nên cân bằng cả hai cả hai tính chất này – vừa phải đảm bảo ý tưởng đề xuất phải mới với đặc điểm của innovation, đồng thời phải có tính ứng dụng cao và giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp.

3. Nielsen Case Competition Panel:

Trong sự kiện lần này, các bạn tham gia phòng của cuộc thi Nielsen Case Competition đã có một cơ hội tương tác với chị Thuỵ – đại diện đến từ Nielsen IQ Vietnam để chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp những thắc mắc xoay quanh cuộc thi Nielsen Case Competition (NCC).

3.1. Tips giúp bài thi của đội nổi bật hơn

Dưới cương vị là một thí sinh đã từng tham gia NCC (một trong những thí sinh xuất sắc lọt Top 6 NCC 2016), và hiện tại là cương vị Ban tổ chức, Ban giám khảo, chị Thụy đã chia sẻ có 5 tips mà các bạn cần “nằm lòng” nếu muốn tham gia NCC:

Xây dựng một storyflow có kết nối chặt chẽ: NCC là một cuộc thi về market research, vì vậy cuộc thi đòi hỏi rất nặng về data và yêu cầu thí sinh cần phải có những kỹ năng nhất định về dữ liệu. Các bạn thí sinh cần phải đọc được các con số có “message” – thông điệp gì, có khả năng kết nối các thông điệp đó lại với nhau thành một câu chuyện. Giống như một bài tập làm văn, các luận điểm trong bài được thể hiện ở mỗi slide cần có sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau để củng cố cho luận điểm lớn trong bài, không nên lan man, dài dòng. Bài làm nên đi từ một bức tranh lớn và sau đó giống như một cái phễu, lọc câu chuyện chi tiết dần.

Một lưu ý nhỏ nữa là nếu bài làm của bạn có một cái tên ấn tượng và liên quan cho câu chuyện của mình, chắc chắn sẽ là một yếu tố gây ấn tượng cho BGK.

Làm thêm desk research bên cạnh thông tin đề bài: Điều này cho thấy những nỗ lực của bạn và là một chi tiết giúp bài làm nổi bật hơn so với những đội khác.

Bài làm thể hiện sự nhất quán: Sự nhất quán ở đây thể hiện ở việc các message và luận điểm trong bài đều hỗ trợ để đưa ra những giải pháp tương ứng. Ví dụ: đưa ra đề nghị giải pháp Khách hàng nên tập trung phát triển ở khu vực nông thôn nhưng các phân tích lại chỉ ra Hồ Chí Minh, Hà Nội… các thành phố lớn đang phát triển nhanh thì đó là một biểu hiện của việc bài làm không thống nhất.

Thứ hai, sự thống nhất còn thể hiện ở việc trình bày slide: font chữ, màu sắc, cách thiết kế slide phải thống nhất trong toàn bài.

Đưa ra một giải pháp SMART: Model SMART được ứng dụng để đưa ra một giải pháp Specific (Giải pháp cụ thể) – Measurable (Có thể đo lường được) – Attainable (Có thể đạt được) – Relevant (Liên quan đến Business Issue của khách hàng) – Time Bounce (Có thời gian hoàn thành xác định).

Đọc thêm: Recap event Nielsen Insider Webinar – Chuẩn bị cho vòng 1 NCC 2020

3.2. Những lỗi thường gặp trong bài thi NCC

Bên cạnh chia sẻ những tips làm bài tốt, chị Thuỵ cũng chia sẻ thêm những lỗi thường gặp trong quá trình chị tham gia làm BGK – trực tiếp chấm bài làm của các bạn thí sinh. Trong đó, có 6 lỗi cơ bản thường gặp như sau:

Bài làm quá nhiều slide, quá nhiều thông tin: Ở vòng 1, có rất nhiều bài thi và BGK không có đủ thời gian để đọc kỹ từng slide một, tỷ lệ chọi ở vòng này cũng rất cao. Bên cạnh đó, khi tiến sâu vào các vòng trong, các bạn cũng chỉ có khoảng 15-20 phút thuyết trình, vì vậy nên cân nhắc bao nhiêu slide và những thông tin quan trọng nào nên được đưa vào slide. Một slide chỉ nên có 1-2 thông điệp.

Slide chưa thể hiện được key message: Không nên chỉ đơn thuần mô tả data, mà nên chỉ ra từ data đó, có thể nhìn ra được cơ hội hay vấn đề gì. Ví dụ: thay vì chỉ nói công ty A đang sụt giảm doanh số, công ty B đang tăng và bỏ ngỏ đó. Có thể chỉ ra rằng công ty A đang giảm vì lý do xyz, trong khi đó công ty B có thể tận dụng xyz để tăng tốc.

Không nên làm hiệu ứng, visual quá phức tạp: Việc sử dụng quá nhiều màu sắc, hiệu ứng và hình ảnh hoạt hình có thể khiến bài làm thiếu chuyên nghiệp.

Phụ thuộc quá nhiều vào data đề cho sẵn: Trên thị trường có rất nhiều báo cáo, dữ liệu chính thống được công khai trên mạng, các đội nên tận dụng nguồn thông tin này để làm cho bài làm của mình phong phú và thuyết phục hơn. BGK cũng có thể thấy được nỗ lực của đội trong bài làm.

Bài làm bị thiếu Agenda, Summary: Dù bài làm bỏ rất nhiều công sức nhưng nếu không có một Agenda cho thấy những nội dung chính, thông điệp chính thì BGK sẽ rất khó hình dung được bài làm. Vì vậy, nên có một Agenda ở đầu, cho thấy những điểm chính sẽ được trình bày trong bài làm và summary ở cuối nên đi lại 3 điểm này và tóm tắt lại những giải pháp tương ứng của nhóm.

Một lỗi phổ biến là thiếu kế hoạch thực thi: Nhiều nhóm thường đưa ra giải pháp nhưng thiếu kế hoạch làm thế nào để thực thi được những giải pháp đã đề xuất đó.

Ngoài ra, có một thuật ngữ “size of prize” là mức doanh thu mang lại cho doanh nghiệp nếu thực hiện giải pháp đề xuất. Dựa vào đó, họ sẽ quyết định có nên thực hiện giải pháp này hay không khi so sánh chi phí và lợi nhuận mang lại. 

Cuối cùng, để nổi bật giữa hàng trăm nhóm tham gia, đâu là WOW factor khiến BGK nhớ đến bài thi của nhóm bạn. Đây là một yếu tố không kém phần quan trọng mà các nhóm nên lưu ý khi làm bài để có ấn tượng tốt.

Đọc thêm: Recap Nielsen Webinar – Những điều cần nhớ để chinh phục vòng 2 NCC 2020

3.3. Hỏi đáp trực tiếp cùng đại diện đến từ Nielsen IQ

Câu hỏi 1: Trong cuộc thi sẽ phải đọc data từ Excel, cần học và dùng Excel thế nào là đủ để đi thi?

Không có một mức độ nhất định rằng bạn phải giỏi Excel để có thể đi thi. Nhưng các bạn nên có những kỹ năng cơ bản về những hàm IF, SUMIF, VLOOKUP…hay Pivottable để lọc data từ đề bài. Tuy nhiên khi đi thi, vì 1 đội có 4 người nên hãy tận dụng những điểm mạnh của đồng đội. Ví dụ, những bạn rất giỏi về đọc số, nhìn ra được insight từ những con số thì những bạn này có thể phụ trách đọc số, xây dựng storyflow, còn những bạn lại giỏi về tech, sử dụng excel thì sẽ phụ trách việc lọc data. Vì vậy, hãy chọn những đồng đội có những thế mạnh khác nhau để hỗ trợ, bổ sung điểm mạnh cho nhau.

Câu hỏi 2: Vì chỉ có từ 24-48 giờ giải case, làm sao để desk research hiệu quả?

Đầu tiên, trước khi làm desk research hãy tập trung phân tích đề và tìm ra key message trước, xây dựng storyflow. Sau đó, nếu thấy slide cần bổ sung thêm dữ liệu vì đề bài chưa đầy đủ thì có thể đi tìm thêm dữ liệu từ các báo cáo, thông tin chính thống từ các nguồn uy tín để bổ sung. Tóm lại, nên đi từ data đề cho, không nên vội vàng làm desk research ngay từ đầu.

Câu hỏi 3: Vòng một có tỷ lệ chọi cao nhất, bài làm chỉ trong 15 trang PDF. Vậy làm cách nào để toả sáng trong vòng 1? BGK tìm kiếm gì ở bài thi vòng này?

Vòng 1 thường được gọi là “vòng thuyết phục không dùng lời nói”, vì các team không được thuyết trình và phản biện với BGK. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng câu chuyện dễ hiểu và rõ ràng vì không có cơ hội giải thích với BGK. Slide ở vòng 1 rất quan trọng, tiêu đề nội dung không nên dài quá 2 dòng, visual không nên quá phức tạp. Luôn nhớ cần phải có slide summary để BGK có thể dễ dàng so sánh giải pháp của đội bạn và các đội thi khác.

4. P&G CEO Challenge Panel:

Sau phần chia sẻ tổng quan của 04 cuộc thi, các bạn tham gia event đã có cơ hội trực tiếp tương tác, đặt câu hỏi với chị Trân Nguyễn và chị Helena Hương về cuộc thi P&G CEO Challenge. 

Câu hỏi 1: Để giải Case tại cuộc thi P&G cần kiến thức về lĩnh vực nào?

Chị Trân Nguyễn: Ngoài những kiến thức về Marketing, để tiến sâu vào những vòng trong của P&G CEO Challenge, thí sinh cần thêm những kiến thức ở các mảng khác nhau: Sales, Finance, Human Resources, Supply chain,… Tính thực tế luôn được ưu tiên khi giải Case tại P&G, và phải cân bằng, tối đa được hiệu quả của rất nhiều các bộ phận trong công ty. Đó cũng chính là lý do tại sao cuộc thi có tên là CEO Challenge.

Đọc thêm: Recap event 02 – How to win P&G CEO Challenge

Câu hỏi 2: Làm thế nào để cải thiện được kỹ năng Analysis và Research?

Chị Helena Hương: Những kỹ năng như analysis và research đều được rèn luyện và cải thiện liên tục trong quá trình làm việc nhóm tại trường đại học. Để research & analysis một cách hiệu quả, bạn cần xác định rõ thông tin cần tìm kiếm. Ngoài ra, bạn cần xác định sẵn những nền tảng, nguồn sẽ cung cấp những thông tin bạn đang tìm kiếm. Các bạn sinh nên tham gia các cuộc thi nên tạo cho mình những nguồn có chứa thông tin phù hợp từ trước để tiết kiệm thời gian research cho bản thân. 

Đối với kỹ năng phân tích, thông thường khi xảy ra một vấn đề thì nguyên nhân thường được đổ lỗi lòng vòng. Điều này gây ra sự mâu thuẫn trong nội bộ, cũng như sự thiếu trung thực, đổ lỗi lẫn cho nhau dẫn tới việc communication giữa các bên thất bại dẫn tới hoạt động hoặc dự án có thể bị đổ vỡ. Cách tốt nhất giải quyết việc này là cần xác định được nguyên nhân cốt lõi (root cause) của vấn đề thay vì chỉ quan sát bề ngoài của vấn đề. Để giải quyết vấn đề này, các bạn có thể tìm hiểu thêm về mô hình xương cá (fishbone diagram) để cho ra được một mô hình phân tích nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề hiệu quả.

Tạm kết

Để chinh chiến các cuộc thi, kiến thức thôi là chưa đủ… Ngoài việc có kiến thức và kỹ năng về nghiên cứu thị trường, các bạn thí sinh cần nắm được những tiêu chí chấm điểm của từng cuộc thi và đặc điểm của từng vòng thi để có điều chỉnh bài làm và có phần thể hiện tốt nhất trong một thời gian ngắn giải đề. 

Vì vậy, với sự tham gia giảng dạy của các quán quân, BGK và BTC ra đề của các cuộc thi Business & Marketing Case danh tiếng, khoá học Case Mastery chắc chắn sẽ giúp bạn xác định cho mình lộ trình chinh phục cuộc thi phù hợp, đồng thời tích lũy thêm các kinh nghiệm đúc rút từ những người đi trước để tự tin chiến thắng các cuộc thi và chinh phục tập đoàn đa Quốc gia!

Tagged: