Tomorrow Marketers – Khi ứng tuyển vào các chương trình Management Trainee, ứng viên thường sẽ phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn khác nhau từ Initial Interview, Individual Interview, Group Interview, Panel Interview, đến Final Interview. Với mỗi vòng phỏng vấn, nhà tuyển dụng lại đặt ra những khung tiêu chí khác nhau nhằm kiểm tra toàn diện năng lực của thí sinh. Song chính điều này khiến việc tìm hiểu và chuẩn bị sao cho phù hợp với từng vòng thi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, dù có nhiều tên gọi khác nhau, thông thường các ứng viên sẽ trải qua 4 dạng phỏng vấn khi ứng tuyển chương trình quản trị viên tập sự. Trong bài viết này, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu chi tiết và bí quyết chinh phục các vòng thi interview trong Management Trainee nhé!
Tổng quan về nội dung và hình thức tổ chức các vòng interview trong Management Trainee
Về nội dung
Trong quá trình ứng tuyển Management Trainee, các ứng viên đều sẽ đều trải qua 2 vòng phỏng: Fit Interview (hay Behavioral Interview) và Case Interview.
- Fit Interview (Behavioral Interview)
Đây là phần phỏng vấn đánh giá tố chất, động lực, kỹ năng mềm và mức độ phù hợp với văn hóa công ty của ứng viên.
Cụ thể, Fit Interview thường bao gồm các câu hỏi về tình huống cụ thể, câu hỏi mở về bản thân và lý do ứng viên chọn công ty. Mục tiêu của vòng phỏng vấn này là tìm hiểu liệu ứng viên có thực sự hòa hợp và phát triển được trong môi trường làm việc của doanh nghiệp hay không. Các câu hỏi trong vòng phỏng vấn này sẽ không liên quan đến khả năng giải Case Study hay đánh giá vấn đề như Case Interview, mà chủ yếu tập trung vào các kỹ năng của ứng viên như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,…
Chính vì vậy, Fit Interview là một bước quan trọng trong quá trình tuyển chọn Management Trainee, giúp doanh nghiệp tìm kiếm những tài năng không chỉ có khả năng làm việc mà còn phù hợp với con đường phát triển lâu dài của công ty.
- Case Interview
Nội dung phỏng vấn thứ hai mà ứng viên Management Trainee thường gặp là Case Interview. Đây là vòng phỏng vấn giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng phân tích, tư duy logic, và giải quyết vấn đề của ứng viên thông qua các tình huống kinh doanh thực tế.
Trong vòng phỏng vấn này, ứng viên sẽ được đưa ra một tình huống hoặc vấn đề kinh doanh cụ thể và yêu cầu đưa ra các giải pháp hoặc chiến lược phù hợp. Quá trình này không chỉ kiểm tra khả năng nắm bắt và phân tích thông tin mà còn đánh giá cách ứng viên xây dựng và truyền đạt các giải pháp của mình.
Case Interview yêu cầu ứng viên cần chủ động đặt câu hỏi hợp lý, áp dụng đúng các mô hình phân tích (framework), có tư duy kinh doanh sắc bén và khả năng diễn đạt tốt. Đây cũng là cơ hội để ứng viên thể hiện kiến thức chuyên môn và khả năng áp dụng chúng vào các tình huống thực tế. Qua đó, nhà tuyển dụng có thể xác định được những ứng viên có tư duy chiến lược và khả năng giải quyết vấn đề vượt trội, phù hợp với các vị trí quản lý tương lai.
Đọc thêm: Cách vượt qua Case Interview – những kỹ năng cần chuẩn bị và điều cần lưu ý
Về hình thức
Với hai nội dung phỏng vấn như trên, các vòng phỏng vấn có thể diễn ra theo hai hình thức chính: phỏng vấn cá nhân hoặc phỏng vấn nhóm.
Trong phỏng vấn cá nhân, ứng viên sẽ gặp gỡ trực tiếp với nhà tuyển dụng hoặc một nhóm nhỏ người phỏng vấn (hay Panel Interview) để trả lời các câu hỏi liên quan đến chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, hoặc động lực làm việc của mình. Tùy vào là Fit Interview hay Case Interview, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra những khung tiêu chí khác nhau. Các vòng phỏng vấn cá nhân cho phép nhà tuyển dụng hiểu sâu hơn về từng ứng viên, từ đó có những đánh giá chi tiết về kỹ năng, kinh nghiệm và tính cách.
Phỏng vấn nhóm, hay còn gọi là phỏng vấn tập thể, là một hình thức phỏng vấn mà trong đó nhiều ứng viên sẽ tham gia cùng một lúc. Các ứng viên có thể đến từ cùng một bộ phận hoặc từ nhiều phòng ban khác nhau. Phụ thuộc vào việc buổi phỏng vấn nhóm là về Fit Interview hay Case Interview, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra các khung đánh giá riêng biệt. Tuy nhiên, thông thường, phỏng vấn nhóm được thiết kế để doanh nghiệp có thể so sánh các ứng viên, đánh giá khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường áp lực.
Với 2 dạng nội dung và hinh thức phỏng vấn như trên, thông thường các ứng viên sẽ trải qua 4 vòng thi phổ biến khi ứng tuyển Management Trainee: Initial Interview, Individual Interview, Group Interview/ Group Discussion và Final Interview.
Với mỗi vòng thi, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về nội dung, hình thức, tiêu chí đánh giá và bí kíp chinh phục thành công nhé!
Initial Interview
Tổng quan
Initial Interview là “cửa ái” phỏng vấn đầu tiên của các ứng viên sau khi vượt qua vòng CV và Aptitude test. Đây là cơ hội để nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về ứng viên trước khi quyết định xem họ có đủ điều kiện để tiến vào các vòng phỏng vấn tiếp theo hay không. Trong vòng này, nhà tuyển dụng sẽ tập trung vào việc xác minh thông tin cơ bản trong CV của ứng viên, đánh giá sơ bộ về kỹ năng và kinh nghiệm, cũng như kiểm tra mức độ phù hợp với yêu cầu cơ bản của vị trí. Vì vậy, về cơ bản Initial Interview là một dạng của Fit Interview.
Về hình thức, đa phần các chương trình Management Trainee hiện này sẽ tổ chức vòng phỏng vấn đầu dưới hình thức cá nhân. Buổi phỏng vấn có thể được thực hiện qua điện thoại hoặc video call để tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả hai bên.
Tuy nhiên, gần đây một vài chương trình Management Trainee tổ chức Initial Interview trực tiếp và dưới hình thức phỏng vấn nhóm. Ví dụ với chương trình Manulife Future Leaders 2024, vòng First Interview được diễn ra offline và gồm 3-4 ứng viên từ các phòng ban khác nhau. Một ưu điểm của việc phỏng vấn nhóm là tạo cơ hội để nhà tuyển dụng có thể so sánh năng lực, khả năng giao tiếp và chuyên môn của các ứng viên. Tuy nhiên với ứng viên, đây sẽ là áp lực cần phải “tỏa sáng” giữa dàn ứng viên.
Tiêu chí đánh giá
Nhìn chung, vòng Initial Interview tập trung đánh giá tổng quan mức độ phù hợp của ứng viên với phòng ban ứng tuyển và các interpersonal skills khác. Các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn tìm thấy ở các bạn ứng viên có thể bao gồm:
- Giao tiếp (Communication)
- Làm việc nhóm (Teamwork)
- Giải quyết vấn đề (Problem-solving)
- Lãnh đạo (Leadership)
Với từng phòng ban, nhà tuyển dụng cũng sẽ đánh giá sơ bộ các kỹ năng chuyên môn. Ví dụ với 1 bạn ứng tuyển Management Trainee vị trí Marketing có thể được hỏi:
- “Tại sao em lại muốn theo mảng Marketing”
- “Theo em, Marketing là gồm những hoạt động nào?”
Ngoài ra, tại Initial Interview, nhà tuyển dụng cũng mong muốn nhìn thấy sự đam mê và nhiệt huyết của các bạn ứng viên trong ngành nghề cũng như mức độ cam kết với công ty.
Tips chinh phục vòng thi
Với Initial Interview, bí kíp quan trọng để ứng viên chinh phục vòng thi là hiểu mình – hiểu công ty, từ đó thể hiện sự phù hợp của bản thân với vị trí.
Để tìm hiểu về doanh nghiệp, ứng viên có thể tra cứu thông tin trên trang web và LinkedIn của công ty, sử dụng các trang web đánh giá như Glassdoor hoặc thông qua mạng lưới kết nối cá nhân. Hiểu rõ về tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của công ty sẽ giúp ứng viên tránh những câu trả lời mơ hồ khi được hỏi về sự hiểu biết về công ty. Bên cạnh đó, ứng viên nên tích hợp các từ khóa liên quan đến công ty vào phần giới thiệu bản thân để thể hiện sự phù hợp giữa cá nhân và công ty.
Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn, một trong những lỗi thường mắc là trình bay lan man khi được hỏi về kinh nghiệm bản thân. Mô hình STAR sẽ là công cụ hữu hiệu giúp ứng viên có câu trả lời nổi bật trong vòng Initial Interview.
Individual Interview
Tổng quan
Individual Interview (hay Individual Case) được đánh giá là một trong những vòng thi áp lực nhất trong quá trình ứng tuyển Management Trainee. Trong vòng thi này, ứng viên sẽ đối mặt trực tiếp với nhà tuyển dụng để giải quyết các tình huống kinh doanh thực tế. Mục tiêu chính là đánh giá khả năng phân tích, tư duy logic và giải quyết vấn đề của ứng viên thông qua việc áp dụng các kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm. Vì vậy đây là 1 dạng Case Interview.
Thông thường, hình thức Case Interview cá nhân thường được áp dụng khi ứng tuyển vào các chương trình Management Consulting. Tuy nhiên, một số chương trình Management Trainee của các tập đoàn công nghệ như Shopee Graduate Development Program cũng có vòng thi này.
Tùy vào từng công ty, vòng thi thường diễn ra giữa một người phỏng vấn và một ứng viên trong khoảng 30-45 phút. Sau khi người phỏng vấn đưa ra business case, ứng viên sẽ có thời gian để làm rõ vấn đề trước khi bắt đầu giải quyết và trình bày giải pháp ngay sau đó.
Tiêu chí đánh giá
Vòng Case Interview cá nhân thường được xây dựng để kiểm tra toàn diện khả năng của họ trong việc giải quyết các tình huống kinh doanh thực tế. Dưới đây là một số tiêu chí quan trọng mà nhà tuyển dụng thường quan sát ở thí sinh:
- Khả năng phân tích và giải quyết vấn đề: Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá khả năng xác định vấn đề cốt lõi, thu thập thông tin cần thiết và vận dụng kiến thức chuyên môn của ứng viên.
- Tư duy logic và chiến lược: Ứng viên cần chứng minh được họ có thể đưa ra các giải pháp cụ thể, chi tiết và có tính logic trong quá trình giải quyết vấn đề.
- Kỹ năng giao tiếp và trình bày: Khả năng truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục là một tiêu chí không thể thiếu. Ngoài ra ứng viên cũng cần sẵn sàng trả lời các câu hỏi phản biện từ người phỏng vấn.
- Sự sáng tạo và linh hoạt: Sự sáng tạo trong việc đưa ra các giải pháp độc đáo và khả năng linh hoạt thay đổi chiến lược khi cần thiết cũng là một điểm cộng lớn trong vòng thi này.
- Kỹ năng làm việc dưới áp lực: Case Interview thường yêu cầu ứng viên giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn và dưới áp lực cao. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá khả năng của ứng viên trong việc giữ bình tĩnh, quản lý thời gian hiệu quả và đưa ra các quyết định nhanh chóng, chính xác.
- Kiến thức chuyên môn: Kiến thức sâu rộng về lĩnh vực liên quan và khả năng áp dụng kiến thức này vào các tình huống thực tế cũng là điều nhà tuyển dụng muốn kiểm tra thông qua Individual Interview.
Tips chinh phục vòng thi
Với vòng thi khó như Individual Case, một trong những bước quan trọng nhất là chuẩn bị kỹ càng nền tảng về giải quyết business case. Bạn có thể ôn luyện cho vòng phỏng vấn thông qua:
- Đọc sách tham khảo về Case Interview như Case in Point, Crack the Case hoặc các casebook đến từ những trường đại học lớn trên thế giới
- Bổ sung các kiến thức về ngành hàng liên quan thông qua báo cáo, tài liệu từ các research agency như Kantar, Decision Lab hoặc các công ty tư vấn lớn như McKinsey, Deloitte
- Làm quen với các dạng câu hỏi thường gặp trong Case Interview. Bạn có thể tham khảo 8 dạng business case cơ bản nhất tại đây
- Thực hành phỏng vấn thử với nhiều người để luyện tập khả năng giao tiếp
Đọc thêm: Những framework phổ biến trong Case Interview – Phân loại và cách áp dụng
Trong quá trình diễn ra buổi phỏng vấn, các ứng viên cần lưu ý một vài điểm sau để không gây mất điểm với nhà tuyển dụng:
- Lắng nghe cẩn thận và đặt câu hỏi làm rõ: Lượng thông tin được đưa ra trong một buổi Individual Case thường khá nhiều, bao gồm các số liệu phức tạp khác nhau. Hãy đảm bảo bạn hiểu chính xác vấn đề, đặt ra các câu hỏi làm rõ và vận dụng số liệu trong việc đưa ra giải pháp.
- Không sử dụng lại mô hình có sẵn: Tùy vào từng vấn đề, với mỗi tình huống và mỗi doanh nghiệp, ứng viên cần có cách tiếp cận riêng thay vì sử dụng các bài giải có sẵn. Vận dụng thành thạo issue tree để tự giải quyết bài toán theo logic của mình sẽ là một điểm cộng lớn trong vòng thi này.
- Đưa ra một giải pháp rõ ràng: Hãy đảm bảo đáp án của bạn được đưa ra dựa trên lập luận logic, số liệu cung cấp và các hành động cụ thể có thể giải quyết được vấn đề.
Group Interview
Tổng quan
Cũng là 1 dạng case interview, tuy nhiên với hình thức phỏng vấn nhóm, bạn sẽ cần phối hợp với các ứng viên khác để giải quyết bài toán doanh nghiệp. Tùy thuộc vào từng chương trình Management Trainee, các vòng Group Interview (hay Group Discussion) có thể bao gồm các bạn đến từ cùng 1 phòng ban hoặc đến từ nhiều function khác nhau.
Thông thường, 1 buổi Group Interview có thể kéo dài hết 1 buổi trong ngày với 3 phần chính. Nhà tuyển dụng sẽ giới thiệu quy trình và mục tiêu của buổi thảo luận nhóm, sau đó cung cấp một tình huống kinh doanh hoặc chủ đề cụ thể để các ứng viên thảo luận. Tiếp theo, các ứng viên sẽ có thời gian nhất định để thảo luận, tương tác và đưa ra giải pháp hoặc ý kiến về tình huống được đưa ra. Sau đó, nhóm sẽ trình bày kết quả thảo luận và các giải pháp đề xuất, trong khi nhà tuyển dụng quan sát và đánh giá kỹ năng làm việc nhóm, khả năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp và khả năng giải quyết vấn đề của từng ứng viên.
Tiêu chí đánh giá
Group Interview (hay Group Discussion) thường là những vòng thi cuối cùng của các chương trình Management Trainee. Chính vì vậy, nhà tuyển dụng mong muốn có thể đánh giá toàn diện nhất từ khả năng chuyên môn đến kỹ năng mềm để có thể lựa chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất.
Thông thường, để vào được đến Group Discussion, các bạn ứng viên đã chứng minh được năng lực thông qua Initial Interview và Individual Interview. Chính vì vậy, vòng thi này thường tập trung vào 3 yếu tố sau của ứng viên:
- Interpersonal effectiveness: khả năng thấu hiểu và làm việc tốt với con người
- Oral communication: kỹ năng giao tiếp
- Teamwork: Kỹ năng làm việc nhóm
Một ứng viên phù hợp là người có khả năng gắn kết và khiến tất cả thành viên cùng làm việc, vừa biết lắng nghe ý kiến, vừa biết nêu và bảo vệ luận điểm của mình.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng bằng việc thể hiện khả năng tư duy mạch lạc, tính quyết đoán, óc sáng tạo trong việc đề xuất giải pháp.
Tips chinh phục vòng thi
Cũng giống với Individual Case, việc trau dồi các kiến thức chuyên môn và nền tảng giải quyết Business Case là bước chuẩn bị quan trọng trước khi bước vào vòng thi này.
Song để bạn có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng với năng lực bản thân, đây những lỗi ứng viên nên chú ý tránh:
- Nói quá nhiều hoặc quá ít: Ứng viên nên cân bằng giữa việc phát biểu ý kiến và lắng nghe đồng đội để tránh tạo ấn tượng xấu hoặc bị đánh giá là không đủ tự tin và không có khả năng làm việc nhóm.
- Lạc lối trong thảo luận: Để tránh điều này, bạn nên xác định vai trò của mình trong nhóm và chủ động ghi chép, theo dõi cuộc thảo luận để không bị lạc đề.
- Đọc không kịp đề bài: Ứng viên nên luyện kỹ năng đọc chủ động để hiểu rõ đề bài một cách nhanh chóng và chính xác.
- Diễn đạt không gãy gọn, thuyết phục: Một tip để trình bày luận điểm một cách hiệu quả là sử dụng lối nói top-down thay vì bottom-up. Với lối nói top-down, bắt đầu bằng một câu khẳng định luận điểm của bạn, sau đó giải thích các lập luận và số liệu hỗ trợ cho luận điểm đó.
Đọc thêm: Recap Webinar Crack Group Work & Final Interview in Management Trainee
Final Interview
Tổng quan
Final Interview là “cửa ải” cuối cùng trước khi chinh phục vị trí Management Trainee. Cũng giống với Initial Interview, Final Interview cũng là 1 dạng Fit Interview. Tuy nhiên điểm khác với phỏng vấn sơ bộ, vòng phỏng vấn cuối sẽ tập trung vào sự cam kết của ứng viên với công ty cũng như định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Thông thường Final Interview sẽ diễn ra với hình thức phỏng vấn cá nhân. Các ứng viên có thể phỏng vấn với các lãnh đạo cấp cao trong công ty như CEO, Director hoặc các vị trí senior khác.
Các câu hỏi thường gặp trong Final Interview có thể bao gồm
- Định hướng nghề nghiệp của bạn trong 5 năm tới?
- Bạn sẽ làm với công ty đến khi nào?
- Tại sao bạn lại lựa chọn apply Management Trainee tại công ty?
Ngoài ra, ứng viên cũng có thể gặp những câu hỏi để kiểm tra mức độ hiểu biết về công ty và công việc. Đây cũng là một cách để nhà tuyển dụng đánh giá được tính gắn kết (commitment) của bạn với doanh nghiệp. Ví dụ, với vị trí Marketing, bạn có thể gặp những câu hỏi như: “Em thích brand nào, ghét brand nào của công ty?”
Tiêu chí đánh giá
Tùy vào từng doanh nghiệp, Final Interview sẽ có khung tiêu chí khác nhau. Nhưng chắc chắn doanh nghiệp mong muốn tìm những ứng viên có khả năng gắn kết từ 2 năm trở lên (thời gian thông thường của một Management Trainee). Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng sẽ đề cao các ứng viên có hiểu sâu – hiểu rộng về các lĩnh vực kinh doanh hiện tại của công ty. Điều này chứng tỏ niềm yêu thích và tính gắn kết của thí sinh với doanh nghiệp.
Tips chinh phục vòng thi
Tương tự với vòng thi Initial Interview, hiểu rõ về bản thân và doanh nghiệp từ đó tìm những tương đồng là bước chuẩn bị quan trọng. Đặc biệt với vòng Final Interview, bạn có thể tập trung hơn vào các ý sau:
- Định hướng nghề nghiệp của bạn trong 3-5 năm tới
- Sự phù hợp của công ty/ phòng ban ứng tuyển với định hướng nghề nghiệp
- Tìm hiểu kỹ về các danh mục kinh doanh của công ty liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển
Đọc thêm: Vòng Initial Interview, Assessment Camp, và Final Interview cần kiến thức Marketing gì?
Tạm kết
Trung bình 1 chương trình Quản trị viên Tập sự có thể có đến 3-4 vòng thi khác nhau. Chính vì vậy, không dễ dàng để trở thành Management Trainee. Tuy nhiên nếu có sự chuẩn bị sớm với nền tảng kiến thức bài bản thì bạn hoàn toàn có thể chinh phục vị trí ước mơ trong các tập đoàn đa quốc gia!
Tham khảo ngay khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers để trang bị tư duy problem solving, thành thạo giải quyết business case để tự tin chinh phục các chương trình Management Trainee mơ ước!
Mong muốn sở hữu bộ kiến thức và kỹ năng toàn diện để chinh phục vị trí Management Trainee tại các tập đoàn đa quốc gia? Tham khảo ngay khóa học Management Trainee Mastery của Tomorrow Marketers.