Tomorrow Marketers – Mua bán và sáp nhập (M&A) là một trong những dạng Case thường xuất hiện tại vòng Case Interview của các chương trình Management Trainee/ Management Consulting. Vậy, đâu là những hình thức M&A mà doanh nghiệp có thể thực hiện? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về 6 dạng M&A Case qua các ví dụ cụ thể trong bài viết dưới đây bạn nhé!
1/ M&A theo chiều ngang
M&A theo chiều ngang là hình thức mua bán và sáp nhập giữa 2 công ty hoạt động trong cùng một 1 lĩnh vực và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ giống nhau. Hình thức M&A này giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, đồng thời giảm chi phí hoạt động thông qua các cơ sở sản xuất, kênh phân phối và nguồn nhân lực có được sau thương vụ.
Facebook “mua để diệt” Instagram
Một ví dụ điển hình của M&A theo chiều ngang là thương vụ trị giá 1 tỷ USD giữa Facebook và Instagram diễn ra vào năm 2012. Ở thời điểm đó, Facebook và Instagram đều là 2 mạng xã hội nổi tiếng với chức năng chia sẻ ảnh. Chính vì vậy, thương vụ này đã giúp nền tảng của Mark Zuckerberg loại bỏ được 1 đối thủ đáng gờm, đồng thời tiếp cận được đối tượng người dùng trẻ vốn là đặc trưng của Instagram.
Đọc thêm: Case Study M&A: Đằng sau thương vụ mua lại Lazada đình đám của Alibaba
Học cách phân tích M&A Case từ thương vụ mua lại đình đám giữa Microsoft và LinkedIn
M&A mở rộng thị trường
M&A mở rộng thị trường là một biến thể của M&A theo chiều ngang. Theo đó, hình thức M&A này bao gồm 2 công ty đang kinh doanh cùng loại sản phẩm, nhưng ở các thị trường khác nhau và hướng đến những nhóm đối tượng khác nhau.
X-Men “rước” Purité de Prôvence và Ôliv về dinh
X-Men vốn là cái tên không quá xa lạ trong ngành hàng chăm sóc cá nhân dành cho nam giới tại Việt Nam. Tháng 12/2022 vừa qua, công ty mẹ của X-Men là Marico South East Asia (MSEA) đã quyết định mua lại Beauty X – công ty sở hữu 2 nhãn hiệu chăm sóc cá nhân dành cho nữ là Purité de Prôvence và Ôliv. Như vậy, với việc mang về 2 thương hiệu trên, MSEA giờ đây đã có nguồn lực ở cả hai thị trường chăm sóc cá nhân dành cho nam giới và nữ giới.
Đọc thêm: 3 nguyên tắc khi tiếp cận Market Entry Case – Case study TH True Milk
2/ M&A theo chiều dọc
M&A theo chiều dọc là sự hợp nhất giữa 2 công ty trong cùng một dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Thực hiện M&A theo chiều dọc, doanh nghiệp có thể giảm được chi phí trung gian, đồng thời kiểm soát tốt hơn chất lượng nguồn hàng hoặc đầu ra của sản phẩm.
Kinh Đô mua lại Wall’s từ tay Unilever
Thương vụ Kinh Đô mua lại nhãn hiệu kem Wall’s từ tay Unilever vào năm 2003 có thể coi là ví dụ kinh điển cho hình thức M&A theo chiều dọc tại thị trường Việt Nam. Về bối cảnh, Wall’s mặc dù chiếm phân nửa thị trường kem nội địa, nhưng lại liên tục gây thua lỗ cho Unilever. Do vậy, tập đoàn đến từ Hà Lan đã quyết định “buông” thương hiệu này cho Kinh Đô – công ty đang có tham vọng muốn dấn thân vào ngành hàng đông lạnh ở thời điểm đó.
Ngoài mang về nhà máy sản xuất kem, Kinh Đô còn thừa hưởng hơn 50% thị phần và hệ thống 130 nhà phân phối cùng 4000 điểm bán từ Wall’s. Kết hợp cùng những nguồn lực vốn có, Kinh Đô khởi đầu không thể tốt hơn khi bước vào thị trường kem Việt, qua đó tạo tiền đề cho sự phát triển của 2 thương hiệu Merino và Celano sau này.
Đọc thêm: Cách vượt qua Case Interview – những kỹ năng cần chuẩn bị và điều cần lưu ý
3/ M&A tập đoàn
Một tập đoàn là một công ty lớn bao gồm các công ty nhỏ hơn mà nó đã mua. Theo định nghĩa này, M&A tập đoàn có thể được hiểu là thương vụ sáp nhập liên quan đến 2 công ty đang hoạt động trong 2 lĩnh vực khác nhau. Hình thức này diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn những năm 1960 và 1970, còn ở thời điểm hiện tại thì gần như là khá hiếm.
Không có gì quá khác biệt so với 3 hình thức M&A phía trên, một số ưu điểm của loại hình sáp nhập này là đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và thị trường mục tiêu, gia tăng lợi nhuận từ việc bán chéo sản phẩm và mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư mới.
Thương vụ M&A lớn nhất ngành hàng xa xỉ: LVMH mua lại Tiffany & Co.
Tháng 01/2021, tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới LVMH công bố sáp nhập thành công thương hiệu trang sức cao cấp Tiffany & Co. với giá 15.8 tỷ USD. Trước khi thương vụ diễn ra, LVMH và Tiffany & Co. được đánh giá là không có quá nhiều điểm chung bởi sự khác nhau về lĩnh vực kinh doanh, cũng như văn hóa giữa 2 quốc gia Pháp (LVMH) và Mỹ (Tiffany & Co.). Mặc dù vậy, hiệu quả mà thương vụ M&A tập đoàn này mang lại đã khiến nhiều người phải rút lại nhận định trên.
Sự có mặt của Tiffany & Co. giúp LVMH cán đích năm 2022 với mức tăng trưởng kép 15%, bỏ xa các đối thủ như Kering hay Richemont. Ở chiều ngược lại., Tiffany & Co. ghi nhận mức tăng trưởng 16% trong giai đoạn 2021-2022. Tiffany cũng cho thấy nhiều sự đổi mới khi mạnh tay đầu tư vào quảng cáo, đại sứ thương hiệu,…
Đọc thêm: Ma trận BCG là gì và cách áp dụng ma trận BCG cho chiến lược danh mục sản phẩm
4/ SPAC và tiếp quản ngược
Tiếp quản ngược xảy ra khi một công ty tư nhân mua lại một công ty đại chúng với mục đích bỏ qua quá trình đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán dài và phức tạp. Những năm gần đây, hình thức tiếp quản ngược ngày càng trở nên phổ biến với sự xuất hiện của SPAC (Special Purpose Acquisition Company), tức công ty mua lại với mục đích đặc biệt.
Theo đó, SPAC thực chất là một công ty rỗng, được lập ra với mục đích huy động vốn để mua lại các công ty đang muốn IPO. Chính vì vậy, SPAC sẽ không có hoạt động kinh doanh hay bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào. Thời gian để các doanh nghiệp IPO qua SPAC thông thường kéo dài từ 2-4 tháng – ngắn hơn nhiều so với thời gian 8-10 tháng của hình thức IPO truyền thống.
Grab niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ bằng thương vụ SPAC lớn nhất thế giới
Ngày 02/12/2021, Grab chính thức niêm yết trên đất Mỹ với mã GRAB. Ngoài việc mang tiếng vang cho thị trường Đông Nam Á, Grab gây nhiều sự chú ý khi thực hiện sáp nhập với công ty Altimeter Growth Corp – 1 công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Với định giá lên tới 40 tỷ USD, đây là thương vụ SPAC lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm hiện tại.
Đọc thêm: GrabFood & Go Food thực hiện chiến lược Growth Marketing như thế nào?
5/ Acqui-hire
Acqui-hiring là hình thức M&A khác biệt nhất so với 6 hình thức M&A kể trên. Theo đó, thay vì nhắm đến thị phần hay sản phẩm, công ty mua sẽ quan tâm hơn đến đội ngũ nhân tài của công ty mục tiêu. Điều này khá phổ biến trong lĩnh vực công nghệ – nơi các công ty công nghệ hàng đầu sẵn sàng làm mọi cách để mang về những nhân tài, bao gồm cả việc mua công ty của họ.
Cách Google dùng Acqui-hiring để tuyển mộ nhân tài
Năm 2012, trước sự phát triển nhanh chóng của Facebook và Twitter, Google cũng có tham vọng lập nên một mạng xã hội mới. Để hiện thực hóa điều này, thay vì tự tay chiêu mộ nhân sự, Google đã mua lại Milk – một công ty chuyên về phát triển ứng dụng, qua đó mang về doanh nhân nổi tiếng Kevin Rose. Milk sau đó được Google cho ngừng hoạt động và toàn bộ kỹ sư của công ty này được chuyển sang phát triển mạng xã hội Google +.
6/ Mua lại tài sản (Asset Acquisition)
Mua lại tài sản (Asset Acquisition) là hình thức M&A khác biệt nhất so với 5 hình thức M&A kể trên. Cụ thể, bên mua sẽ không tiến hành mua lại cả doanh nghiệp, mà chỉ mua lại một hay nhiều tài sản nhất định của bên bán (lĩnh vực kinh doanh, hợp đồng, tên thương mại,…). Điều này sẽ giúp cho bên mua vừa tiết kiệm được nguồn lực về tài chính, vừa có thể đạt được mục đích về kinh doanh.
UOB mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Việt Nam
Thương vụ UOB mua lại mảng bán lẻ của Citigroup hoàn tất vào đầu tháng 03/2023 vừa qua là một ví dụ cho hình thức mua lại tài sản. Thay vì một cuộc sáp nhập giữa 2 bên, kết quả cuối cùng của thương vụ là một cuộc chuyển nhượng kinh doanh. Mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup bao gồm các danh mục cho vay tín chấp và có bảo đảm, các mảng kinh doanh quản lý tài sản và ngân hàng bán lẻ tiền gửi sẽ thuộc quyền sở hữu của UOB. Ngoài ra, 575 nhân sự của Citigroup cũng sẽ được chuyển giao cho UOB sau thương vụ này.
Đọc thêm: 7 dạng câu hỏi thường gặp trong Case Interview
Tạm kết
Nắm được đặc trưng của các loại hình M&A sẽ giúp bạn đánh giá vấn đề và đưa ra quyết định tốt hơn khi gặp phải dạng Case M&A trong các chương trình Management Trainee/ Management Consulting. Để hiểu rõ 04 bước giải quyết dạng case này và biết thêm về các dạng Case khác, hãy đăng ký ngay khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers!
Với thiết kế lộ trình bài bản 10 buổi học, đi qua các dạng Model và Business Case khác nhau, khóa học Case Mastery sẽ giúp học viên nâng cao tư duy Problem-Solving, tự tin chinh phục các cuộc thi và chương trình tuyển dụng như Management Trainee/Management Consultant.