Tomorrow Marketers – Với tiêu chuẩn đầu vào đặc biệt cao, các doanh nghiệp Management Consulting luôn dành sự đầu tư kỹ lưỡng cho các vòng phỏng vấn. Theo đó, những câu hỏi xuất hiện trong vòng tuyển dụng này thường phức tạp, đòi hỏi ứng viên phải vận dụng cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm mới có thể vượt qua được. Vậy đâu là những dạng câu hỏi mà ứng viên Consultant thường phải trả lời? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu 5 dạng câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi ứng tuyển Management Consultant bạn nhé!
1/ Interview warm-up questions (Câu hỏi khởi động buổi phỏng vấn)
Giống như bao buổi phỏng vấn khác, vòng phỏng vấn tại các công ty Management Consulting cũng bắt đầu với một số câu hỏi khởi động (Interview warm-up questions), ví dụ như “Bạn đang cảm thấy thế nào?” hay “Bạn nghĩ sao về (…)?”.
Mục đích của dạng câu hỏi này là để giúp ứng viên có được tâm lý thoải mái nhất trước khi đến với những phần sau của buổi phỏng vấn. Đồng thời, nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá được phần nào kỹ năng gây ấn tượng với khách hàng của ứng viên. Đây chính là lý do bạn không cần phải quá áp lực trước dạng câu hỏi này, thay vào đó hãy cố gắng trả lời thoải mái, lịch sự và chân thành.
2/ Regular Fit interview questions (Câu hỏi phỏng vấn mức độ phù hợp)
Câu hỏi phỏng vấn mức độ phù hợp được sử dụng để đánh giá Consultants trên 3 phương diện:
- Kỹ năng mềm: Khả năng thuyết trình, tương tác với khách hàng, cộng sự,…
- Mức độ phù hợp với ngành Consulting
- Mức độ phù hợp với văn hóa công ty
Một số ứng viên nhầm lẫn rằng nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến yếu tố “Mức độ phù hợp với công ty”. Tuy nhiên điều này là không đúng hoàn toàn trong ngành Consulting, bởi phần lớn các Consultant đều có thể làm tốt công việc của mình bất kể là họ công tác ở McKinsey, BCG hay Bain. Chính vì vậy, mức độ phù hợp với ngành nghề sẽ là thứ được nhà tuyển dụng quan tâm hơn cả, tiếp đến là những kỹ năng mềm cần thiết và sau đó mới là mức độ phù hợp với văn hóa công ty.
Các câu hỏi thường gặp
Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân bạn? (Tell me about yourself)
Các cách hỏi phổ biến:
- Hãy giới thiệu đôi nét về bản thân bạn? (Tell me about yourself)
- Hãy giới thiệu xem bạn là ai và lý do gì đưa bạn tới đây? (Why don’t you tell me who you are and why you’re here?)
- Điều gì đưa bạn tới buổi phỏng vấn này?
Mục đích:
Mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này là để kiểm tra kỹ năng storytelling của các Consultant qua việc chọn và sắp xếp chủ đề khi nói về bản thân mình. Ngoài ra, với những dữ kiện có được từ câu trả lời, người phỏng vấn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn các câu hỏi tiếp theo.
Cách trả lời:
Mỗi ứng viên đều có một câu chuyện của riêng mình, do đó “one-size-fits-all” chắc chắn không phải là cách tiếp cận hợp lý cho câu hỏi này. Tuy nhiên, sẽ có 2 nguyên tắc mà bạn nên tuân thủ để có được một câu trả lời tốt.
Đầu tiên, chỉ nói những thứ liên quan đến bản thân mình. Để làm được điều này, hãy giả sử người phỏng vấn đang hỏi bạn câu hỏi “Hãy kể cho tôi nghe một câu chuyện cô đọng về bạn, từ đó giúp tôi hiểu lý do bạn ứng tuyển cho vị trí này”.
Thứ hai, hãy chắc chắn rằng câu chuyện của bạn có chủ đề xuyên suốt. Thay vì trình bày lan man, bạn nên chọn ra 1-2 lý do nổi bật nhất để kể câu chuyện của mình.
Lý do bạn theo đuổi ngành Consulting? (Why consulting?)
Các cách hỏi phổ biến:
- Lý do bạn theo đuổi ngành Consulting? (Why consulting?)
- Tại sao bạn muốn trở thành một consultant? (Why do you want to be a consultant?)
- Tại sao bạn quyết định rời ngành nghề trước đó của bạn để theo đuổi ngành Consulting? (Why are you leaving your previous profession to become a consultant?)
Mục đích: Nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi này để nắm được 3 thông tin.
- Mức độ hứng thú và lý do ứng viên yêu thích ngành Consulting.
- Mức độ hiểu về các công việc trong ngành Consulting.
- Kỹ năng gây ấn tượng, thuyết phục, giao tiếp,… của ứng viên.
Cách trả lời:
Để trả lời tốt câu hỏi này, hãy đưa ra dẫn chứng để củng cố cho từng lý do của bạn. Ví dụ, nếu lý do bước vào ngành Consulting của bạn là vì lộ trình thăng tiến rõ ràng, bạn có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng về cách bạn tìm hiểu được thông tin đó.
Ngoài ra, hãy kết nối những lý do với trải nghiệm cá nhân. Vẫn với ví dụ trên, giả sử lý do bước vào ngành Consulting của bạn là vì lộ trình thăng tiến rõ ràng, nhưng CV của bạn lại có quá nhiều lần “nhảy việc” với các công việc không hề liên quan tới nhau hay không theo 1 lộ trình theo chiều dọc, nhà tuyển dụng sẽ có thể không quá tin vào những gì bạn trả lời. Trong trường hợp này, để câu trả lời hợp lý và đáng tin hơn, bạn có thể đưa ra lý do đến với ngành Consulting là vì “luôn muốn có những thử thách mới”, hay “được đào tạo bài bản”…
Lý do bạn chọn công ty của chúng tôi? (Why our firm?)
Các cách hỏi phổ biến:
- Lý do bạn chọn công ty của chúng tôi? (Why our firm?)
- Tại sao lại là McKinsey/ Bain/ BCG/ Accenture? (Why McKinsey/ Bain/ BCG/ Accenture?)
- Điều gì khiến bạn chọn công ty chúng tôi thay vì những công ty khác? (What attracts you to this firm more than others?)
Mục đích: Kiểm tra những thông tin mà ứng viên đã tìm hiểu về công ty trước khi tham gia buổi phỏng vấn.
Cách trả lời: Cấu trúc câu trả lời cho câu hỏi này không quá khác so với câu hỏi “Lý do bạn theo đuổi ngành Consulting?” ở phần trên. Ở đây, bạn cần nắm rất rõ sự khác nhau giữa các công ty, từ đó đưa ra những lý do cho sự lựa chọn của mình.
Đọc thêm: McKinsey, BCG và Bain khác nhau ở đâu?
3/ PEI Fit Interview questions (Câu hỏi phỏng vấn trải nghiệm cá nhân)
Ngoài Regular Fit (Câu hỏi phỏng vấn mức độ phù hợp), vòng phỏng vấn tại các công ty Consulting còn bao gồm PEI (Personal Experience Interview) – câu hỏi phỏng vấn trải nghiệm cá nhân. Đây là một hình thức phỏng vấn rất phổ biến tại McKinsey và đang được nhiều doanh nghiệp Consulting mang vào quy trình tuyển dụng của mình trong những năm gần đây.
Nhìn chung, PEI là dạng câu hỏi kiểm tra sâu về kỹ năng mềm của ứng viên. Trong vòng 10-15 phút, bạn sẽ được hỏi một loạt câu hỏi về một kỹ năng cụ thể thông qua những trải nghiệm cá nhân. Ví dụ, người phỏng vấn có thể đặt câu hỏi cho bạn về “Một tình huống khi bạn dẫn dắt đội nhóm và đạt được kết quả tốt”, sau đó có thể ngắt lời bạn để đặt câu hỏi bất cứ lúc nào:
- Tại sao bạn lại làm như vậy? (Why did you do that?)
- Bạn đã nghĩ gì khi phát biểu như vậy? (What did you think as you were saying that?)
- Bạn đã làm gì khiến người khác nói về bạn như vậy? (What would you have done, leading the other person to say that to you?)
Các câu hỏi thường gặp
Câu hỏi về Ảnh hưởng cá nhân/ Thuyết phục/ Giải quyết xung đột (The Personal Impact / Persuasion / Conflict Resolution Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Hãy kể về một lần bạn thuyết phục người khác thay đổi ý định.
- Hãy kể về một tình huống mà bạn đã giải quyết bất đồng với một người.
- Hãy kể về một lần bạn giải quyết bất đồng cho 2 đồng nghiệp tại công ty cũ.
Cách trả lời:
- Miêu tả tình huống và mục tiêu của bạn để người đặt câu hỏi hiểu được bối cảnh và lý do xung đột xảy ra
- Miêu tả nhân vật trong câu chuyện. Hãy nhớ rằng đây là câu hỏi về trải nghiệm cá nhân. Vì vậy bạn nên miêu tả chi tiết về nhân vật và cách bạn thấu hiểu suy nghĩ của nhân vật ấy.
- Miêu tả việc bạn đã làm để thuyết phục đối phương. Bạn nên đưa ra một cách tiếp cận lý trí nhưng “không quá thao túng”. Kết thúc câu chuyện, tình huống phải trở nên tốt hơn nhờ giải pháp của bạn.
Câu hỏi về Kỹ năng Lãnh đạo/ Khả năng Làm việc nhóm (The Leadership/ Teamwork Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Hãy kể lại một lần bạn đóng vai trò trưởng nhóm và đạt được một kết quả thuyết phục (Tell me about a time when you led a group of people to achieve a challenging objective).
- Bạn có thể kể lại một tình huống làm việc nhóm mà bạn phải giải quyết khó khăn để đạt được mục tiêu không? (Can you remember a situation when you had to work in a group and you had to overcome difficulties to achieve a goal?)
- Hãy kể lại một trải nghiệm lãnh đạo đáng nhớ nhất của bạn tại công ty cũ? (What was your greatest leadership challenge at [place X from your resume]?)
Cách trả lời:
- Miêu tả tình huống và mục tiêu của bạn.
- Miêu tả nhân vật trong câu chuyện, nhấn mạnh vai trò của bạn trong quá trình làm việc nhóm.
- Miêu tả việc bạn đã làm để giúp đội nhóm đi đến thành công theo từng bước một. Đừng quên đi kèm những lý do ở từng bước.
Bạn cũng có thể sử dụng model STAR đơn giản mà quen thuộc để trình bày câu trả lời cho các câu hỏi mang tính storytelling nhé.
4/ Case Interview questions (Câu hỏi tình huống doanh nghiệp)
Công việc chính của các Management Consultant là giải quyết các tình huống “khó nhằn” của những doanh nghiệp. Chính vì vậy, không quá khó hiểu khi các câu hỏi tình huống (Case Interview questions) đặc biệt được đề cao trong quá trình tuyển dụng Consultant. Ở những công ty tư vấn chiến lược hàng đầu, ứng viên thậm chí còn phải trải qua trên dưới 5 vòng Case Interview trước khi nhận được offer.
Case Interview là kiểu phỏng vấn có “muôn hình vạn trạng”, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 hình thức Candidate-led và Interviewer-led.
- Với Candidate-led, ứng viên sẽ là người chủ động dẫn dắt cuộc phỏng vấn. Bạn sẽ được quyền hỏi bất kỳ câu hỏi nào, theo bất kỳ thứ tự nào mà bạn muốn.
- Interviewer-led sẽ giống với hình thức trả lời phỏng vấn truyền thống. Bạn sẽ được hỏi một loạt câu hỏi cho đến khi tình huống được giải quyết.
Đọc thêm: Chinh phục 4 dạng interview thường gặp trong Management Trainee
Các câu hỏi thường gặp
Câu hỏi Framework (The Framework Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Khách hàng của bạn là một cửa hàng về nội thất chuyên phân phối trên các kênh thương mại điện tử. Qua khảo sát, người mua của cửa hàng này cho biết sẽ mua nhiều hơn nếu có thể nhìn và sờ vào sản phẩm trước khi đưa ra quyết định. Chính vì vậy, cửa hàng nội thất này đang dự định mở showroom ở một vài thành phố. Họ có nên thực hiện quyết định này không?
- Bạn sẽ giúp một cửa hàng pizza phục hồi sau một giai đoạn sụt giảm doanh thu như thế nào? Hãy vẽ ra framework giải quyết vấn đề.
- Hãy giúp một trường học địa phương tăng số điểm thi toán của học sinh?
- Bạn sẽ đề xuất những bước nào để lập kế hoạch chiến lược cho một công ty như Apple?
Cách trả lời:
Thông thường, người phỏng vấn sẽ đưa cho bạn một vấn đề không quá rõ ràng. Do đó, công việc của bạn là phải hỏi những câu hỏi chính xác, đúng trọng tâm để thực sự khai thác được thông tin và hiểu vấn đề.
- Sắp xếp từng phần của vấn đề thành các danh mục có tính MECE
MECE (Mutually Exclusive, Collectively Exhaustive) hay “Không trùng lặp, Không bỏ sót” là nguyên tắc “bất di bất dịch” trong Case Interview. Sắp xếp từng phần của vấn đề thành các danh mục MECE sẽ giúp bạn tìm kiếm được nhiều thông tin nhất trong khoảng thời gian ngắn.
- Xác định yếu tố bạn sẽ đánh giá trong từng danh mục
Sau khi đã sắp xếp vấn đề thành từng danh mục MECE, bước tiếp theo bạn cần làm là đặt ra những câu hỏi để kiểm chứng giả thuyết. Ví dụ, bạn đang có trong tay một danh mục là “Nhu cầu của khách hàng”, thì câu hỏi trong trường hợp này nên là “Liệu nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này có phải là nhất thời”?
- Xác định những bước tiếp theo
Sau khi đã hoàn thành những đánh giá của mình, bạn nên trình bày nó với người phỏng vấn. Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu phần trình bày là chọn một nhánh có mức độ ưu tiên cao, sau đó bắt đầu kiểm chứng các giả thuyết ở nhánh đó.
Đọc thêm: 3 kỹ thuật lập Issue Tree để xác định và giải quyết vấn đề
Câu hỏi ước tính (The Estimation Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Ước tính chi phí dạy toán cho mỗi học sinh, từ cấp mầm non đến cấp trung học phổ thông?
- Apple đang dự tính gia nhập thị trường đồ gia dụng. Ước tính quy mô tiềm năng của thị trường này.
Cách trả lời:
- Chọn công thức để ước tính
Với dạng câu hỏi này, bạn bắt buộc phải xác định được công thức ước tính ngay từ đầu.
- Củng cố con số bằng cá giả thuyết
Sau khi đã chọn được công thức tính, hãy thêm những con số theo ước tính vào biến số để bắt đầu quá trình tính toán. Đừng quên đưa ra những giả thuyết để khiến con số của bạn thêm phần thuyết phục.
- Tính toán kết quả cuối cùng
Từ công thức và những giả thuyết đã đề xuất, hãy tính toán kết quả ước lượng cuối cùng.
- Kiểm tra tính thực tế của kết quả
Với dạng câu hỏi ước tính, ứng viên khá dễ có xu hướng đưa ra những kết quả quá xa rời so với thực tế. Chính vì vậy, nếu tính toán của bạn quá chênh lệch so với những con số ngoài đời thực, hãy điều chỉnh lại những giả thuyết.
Câu hỏi phân tích định lượng (The Quantitative Analysis Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Khảo sát của các khách hàng mua đồ nội thất qua kênh thương mại điện tử cho thấy, việc cung cấp một quy trình đổi trả hàng miễn phí sẽ tăng 15% tỷ lệ chuyển đổi. Điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến khả năng sinh lời của cửa hàng?
- Một cửa hàng pizza dự định sẽ giảm giá 10% để lôi kéo lại các khách hàng đã mất về tay đối thủ. Bao nhiêu khách hàng sẽ cần phải quay lại để cửa hàng pizza này có một chiến dịch hòa vốn?
- Một trường trung học muốn cung cấp các lớp gia sư toán cho tất cả các học sinh có điểm thi giữa kỳ dưới 6 điểm để cải thiện điểm số của toàn trường. Điều này có khả thi với tình hình tài chính của nhà trường hay không?
Cách trả lời:
- Chọn công thức để trả lời câu hỏi
Việc chọn công thức để tính ngay từ đầu sẽ giúp bạn tận dụng triệt để được những dữ kiện đã cho và nắm rõ những việc mình cần phải làm ở các bước sau.
- Hỏi thêm những dữ kiện từ người phỏng vấn
Người phỏng vấn nhiều khả năng sẽ không đưa cho bạn hết tất cả những dữ liệu cần thiết để giải Case, bởi họ muốn kiểm tra khả năng phân tích của bạn. Chính vì vậy, việc hỏi từ 2-3 câu hỏi để lấy thêm dữ kiện là điều nên làm trong Case Interview.
- Tính toán kết quả cuối cùng
Mặc dù dạng câu hỏi phân tích định lượng không yêu cầu bạn tính toán ra một con số cụ thể, nhưng việc tính toán ra kết quả vẫn là cần thiết để chứng minh bạn có khả năng tư duy bằng số liệu và thoải mái khi làm việc với các con số.
- Đưa ra các kết luận từ kết quả
Sau khi đã có được con số cụ thể, hãy lập luận để đưa ra những insights sắc bén, phục vụ cho câu trả lời của bạn.
Câu hỏi đọc hiểu biểu đồ (The Chart Interpretation Question)
Các cách hỏi phổ biến:
- Bạn thấy được insights gì từ biểu đồ này?
- Hãy xem bảng sau, bạn nghĩ điều gì đang xảy ra trong tình huống này?
- Bạn sẽ đề xuất những gì cho khách hàng của mình với những dữ liệu này?
Cách trả lời:
- Trình bày sơ qua về cấu trúc của biểu đồ
Trước khi nói về những con số, hãy trình bày cách bạn hiểu về biểu đồ. Điều này sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn cảnh trước khi đi vào phân tích chi tiết.
- Chỉ ra những insights mà bạn thấy
Hãy chắt lọc và chỉ ra những insights quan trọng. Tránh đọc lại những biểu đồ và những dữ liệu được cho. Insight thường xuất hiện đằng sau những điểm, những xu hướng bất thường trên biểu đồ.
- Đưa ra những đề xuất có tính thực thi cao
Từ những insights đã có được, hãy tập trung đưa ra những đề xuất có tính thực thi cao, dễ thực hiện hóa. Người phỏng vấn thường sẽ không đánh giá quá cao nếu bạn đưa ra những giải pháp quá bề mặt.
Đọc thêm: Kể chuyện bằng dữ liệu (data storytelling) không khó chỉ với 4 bước
5/ Câu hỏi kết thúc buổi phỏng vấn (End of interview questions)
Thông thường, những câu hỏi kết thúc buổi phỏng vấn là phần không tính vào kết quả tuyển dụng cuối cùng. Tuy nhiên, nếu bạn đặt những câu hỏi thông minh và follow-up các tốt tình huống trong khi phỏng vấn, nhiều khả năng bạn sẽ gây được ấn tượng tốt với công ty. Chính vì vậy, đừng bỏ qua cơ hội này để “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng. Mời bạn tham khảo thêm các cách trả lời dạng câu hỏi: “Do you have any questions for us” qua video dưới đây.
Xem thêm:
- Webinar “How to answer application & interview questions for global companies?”
- 7 dạng câu hỏi thường gặp trong Case Interview
Tạm kết
Việc chuẩn bị và luyện tập trước các câu hỏi phỏng vấn là điều bắt buộc khi ứng tuyển vào các công ty Management Consulting. Nếu bạn muốn luyện tập trả lời các dạng câu hỏi thông qua trải nghiệm thi thử Management Trainee/ Management Consulting, hãy tham khảo khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers!
Với thiết kế lộ trình bài bản 10 buổi học, đi qua các dạng Model và Business Case khác nhau, khóa học Case Mastery sẽ giúp học viên nâng cao tư duy Problem-Solving, tự tin chinh phục các cuộc thi và chương trình tuyển dụng như Management Trainee/Management Consultant.
Nếu bạn muốn tự tin trong các vòng phỏng vấn, hiểu rõ format, tiêu chí các vòng Interview trong Management Consulting Programs, hãy tham khảo khoá học Master Critical Thinking & Interview của Tomorrow Marketers.
Với lộ trình 10 buổi học, bạn sẽ được trang bị tư duy critical thinking để ứng dụng trong các vòng thi Management Consulting Programs, luyện tập viết CV & Essays ứng dụng AI Tools, giải Aptitude Test, và rèn luyện kĩ năng Interview cùng Trainers nhiều kinh nghiệm đến từ các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu.