Học cách phân tích M&A Case từ thương vụ mua lại đình đám giữa Microsoft và LinkedIn

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Hãy tưởng tượng một thế giới nơi chúng ta không còn phải ngước nhìn lên những ông lớn như Apple, Google, Microsoft, Amazon và Facebook nữa, vì chúng ta đã trở thành một trong số họ”. CEO Jeff Weiner của LinkedIn đã viết như vậy trong một lá thư dành cho các nhân viên vào ngày 13/6/2016, để thông báo về việc Microsoft đã mua lại LinkedIn với cái giá 26,2 tỷ USD.

Sau khi về với Microsoft chưa tròn 3 năm, số người dùng của LinkedIn đã tăng thêm hơn nửa, đồng thời tạo 6,75 tỷ đô la doanh thu cho Microsoft năm 2019. Microsoft đã từng thực hiện không ít thương vụ M&A đình đám nhưng không phải dự án nào cũng đem lại thành công, thậm chí còn dẫn đến thất bại “ê chề”, đơn cử như trường hợp của Nokia hay aQuantive.

Vậy sự khác biệt ở đây là gì, hãy cùng phân tích quy trình M&A của hai “ông lớn” này trong bài viết dưới đây nhé. 

I. M&A Case là gì? 

M&A cases là tên viết tắt của Merger & acquisition case, có nghĩa là các thoả thuận sáp nhập và mua lại của các công ty/tập đoàn với nhau. Đây là loại Case Study phổ biến bạn sẽ gặp phải trong các vòng phỏng vấn khi apply vào các công ty tư vấn (consulting firms) hoặc trong các cuộc thi giải Case,…

Những dạng Case Study này thường đi thẳng vào vấn đề và có thể đoán được. Vì vậy, một khi bạn phân tích được hoàn chỉnh một vài Case Study, bạn hoàn toàn có thể giải quyết bất kỳ M&A case nào.

Đọc thêm:

II. Quy trình phân tích M&A Case

Microsoft đã có những bước đi rất khôn khéo khi chiêu mộ LinkedIn | Ảnh: The verge

Khi tiếp cận với dạng Case study này, chúng ta cần chú ý đến 4 yếu tố chính sau đây: 

  • The market (Thị trường): Phần lớn sự thành công hay thất bại của M&A sẽ phụ thuộc vào động lực mở rộng thị trường.
  • Công ty được mua lại (The target): Tìm hiểu xem sức hấp dẫn của công ty mục tiêu trên khía cạnh tài chính và chiến lược.
  • Công ty đi mua (The buyer): Tìm hiểu những động lực thúc đẩy việc mua lại công ty mục tiêu, cân nhắc đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Sức mạnh tổng hợp và những rủi ro (Synergies and Risks): Việc sáp nhập và mua lại liệu có mang đến sức mạnh tổng hợp về chi phí và doanh thu không, hay những rủi ro nào có thể khiến thương vụ M&A thất bại.

Đọc thêm: Nguyên tắc MECE trong Case Interview là gì?

III. Phân tích Case Study thực tế từ thương vụ mua lại LinkedIn của Microsoft

Sau khi bạn đã nắm rõ 4 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định M&A của doanh nghiệp, hãy cùng phân tích một ví dụ thực tiễn đến từ thương vụ mua lại của gã khổng lồ công nghệ Microsoft và trang mạng xã hội hàng đầu LinkedIn để áp dụng nhé!

1. The market (Thị trường)

Nếu chúng ta để ý kỹ, Microsoft và LinkedIn đều chia sẻ chung một tệp khách hàng.

Microsoft là đơn vị đi đầu bằng vô số giải pháp hữu ích cho khâu quản trị hệ thống doanh nghiệp. Sản phẩm của Microsoft làm chủ trong môi trường tập đoàn lớn và nhỏ như Microsoft Teams, Outlook, Word, Excel, Powerpoint, Windows 11…

Cùng với đó, LinkedIn cũng là một công ty làm chủ mảng khách hàng doanh nghiệp, nhưng là trên một lĩnh vực khác: mạng xã hội. LinkedIn thực chất là một hệ thống cấu trúc CV khổng lồ, nơi người ta có thể tái hiện lại những mối quan hệ quen biết, có liên quan tới môi trường công sở ngoài đời thực vào một mạng xã hội dành cho công việc và những cơ hội trong sự nghiệp.

Mức độ cạnh tranh của thị trường

Dù vẫn là công ty phần mềm lớn nhất thế giới, nhưng Microsoft đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Google và Amazon khi muốn tiến vào những thị trường mới đầy béo bở như công nghệ di động và điện toán đám mây. Việc thâu tóm LinkedIn là một phần quan trọng trong chiến lược của Microsoft để mở rộng sang lĩnh vực mới – mạng xã hội.

2. The target (Công ty được mua lại)

Trước đó, trong năm 2015 LinkedIn đã lỗ 165 triệu USD dù đạt doanh thu 3 tỷ USD. Điều gì đã khiến Microsoft chấp nhận trả giá cao hơn gấp rưỡi giá thị trường của LinkedIn ngay lúc này, thay vì chịu khó đợi thêm một thời gian nữa cho LinkedIn tiếp tục rớt giá?

Xét về thế mạnh của LinkedIn tại thời điểm này, họ đang có một đội ngũ chuyên gia dữ liệu (data scientist) khá mạnh, điều mà bất cứ công ty công nghệ nào cũng mơ ước có được. Ngoài ra, khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ được thu thập từ LinkedIn cũng sẽ là yếu tố cho phép Microsoft phát triển các gói phần mềm quản trị doanh nghiệp hiệu quả hơn. Từ đó, cạnh tranh được với dịch vụ CRM (Customer Relationship Management – quản lý quan hệ khách hàng) – dẫn đầu thị trường là Salesforce.

3. The buyer (Công ty đi mua)

Xét về các thương vụ M&A đến từ Microsoft, họ sở hữu một danh sách dài các thương vụ đình đám mang lại thành công và danh tiếng. Ví dụ như khi kết hợp với Hotmail (dịch vụ thư điện tử trên nền web), Great Plains (nhà phát triển phần mềm kế toán Dynamics), Yammer (mạng xã hội doanh nghiệp), Visio (phần mềm biểu đồ phổ biến), Skype (mạng điện thoại Internet)…

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những thương vụ thất bại nặng nề. Đơn cử là việc Microsoft mua công ty dịch vụ quảng cáo trực tuyến aQuantive hay thâu tóm bộ phận sản xuất thiết bị và dịch vụ di động của Nokia đã khiến tập đoàn phải gánh khoản lỗ khổng lồ.

Vậy thì động lực nào khiến Microsoft quyết định sẽ “chiêu mộ” LinkedIn về với mình? Liệu có phải chỉ vì những tiềm lực sẵn có của trang mạng xã hội này?

Động lực lớn nhất có lẽ đến từ mối quan hệ win-win (đôi bên cùng có lợi) của cả hai. Năm 2016, tập đoàn công nghệ Microsoft đã làm xôn xao dư luận khi ông lớn này quyết định xuống tay mua lại LinkedIn với giá hơn 26 tỷ đô la Mỹ. Đây được coi là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử của Microsoft. 

Ngay sau khi thương vụ được thoả thuận xong xuôi, Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft có trả lời phỏng vấn với tờ Bloomberg News rằng “Tôi chắc như đinh đóng cột rằng giá trị của cả hai công ty nếu kết hợp lại sẽ nhiều hơn giá trị của từng bên riêng lẻ. Sự thật là, ba năm sau đó, quả ngọt cũng đến với cả hai.

Cụ thể:

  • Tổng số người dùng LinkedIn ước tính tăng xấp xỉ 50% ngay sau khi thương vụ được công bố với công chúng. Con số cụ thể tăng từ 433 lên 645 triệu người dùng.
  • Về mặt doanh thu, trong năm tài chính 2018, tức là sau hai năm kể từ khi thương vụ được xác nhận, doanh thu của LinkedIn đã lên tới 6,8 tỷ đô la Mỹ. Con số này ước tính tăng 28% so với năm trước đó. CEO của LinkedIn Jeff Weiner đã phải thốt lên với tờ Bloomberg News rằng “Những con số này vượt xa so với kỳ vọng ban đầu của chúng tôi. Chúng tôi đang từng bước thực hiện được những kế hoạch đặt ra ban đầu, thậm chí tốt hơn kế hoạch đó gấp nhiều lần.
  • Bản thân Microsoft có hơn 1,2 tỷ người dùng Office, nhưng hãng chưa có mấy dấu ấn trong địa hạt mạng xã hội và buộc phải dựa vào những cái tên như Facebook, LinkedIn để cung cấp sự kết nối, liên lạc mà người dùng đòi hỏi. Cụ thể, LinkedIn đã tạo điều kiện cho Microsoft tiếp cận với hơn 433 triệu thành viên và một mạng lưới xã hội vững chắc. Vốn dĩ bản thân mạng xã hội này rất chuyên nghiệp ngay từ những ngày đầu thành lập, vì vậy nó rất ăn nhập với những phần mềm và dịch vụ mà Microsoft cung cấp. 

Chẳng hạn, LinkedIn hiện có thể truy cập được nhanh chóng từ Microsoft Outlook, hay tính năng Newsfeed thông minh lấy thông tin từ các ứng dụng Office có thể được coi là một cách để các nhà quản lý hiểu nhân viên dự án đang làm gì trên LinkedIn. 

4. Synergies and risks (Sức mạnh tổng hợp và những rủi ro)

Sức mạnh tổng hợp

Chúng ta không thể phủ nhận rằng công thức ‘Microsoft + LinkedIn’ là phép kết hợp giữa một công ty luôn hiện diện quá áp đảo trong môi trường doanh nghiệp toàn cầu và một mạng xã hội không có đối thủ về lĩnh vực nhân sự.

Kết hợp lại với nhau, họ nắm cả sản phẩm cho người dùng cuối (Windows, Office), giải pháp kỹ thuật, giải pháp quy trình (AD, Exchange, Sharepoint, Azure…), giải pháp liên lạc (Skype for Business, LinkedIn, Sharepoint) cùng cơ sở dữ liệu nhân sự cho cả thế giới enterprise (LinkedIn).

Rủi ro

Rủi ro của thương vụ này đến từ việc thay đổi hành vi người dùng. Đây là một bài toán khó với cả hai bên. Nadella (CEO Microsoft) đang muốn LinkedIn trở thành mạng xã hội số 1 cho môi trường làm việc, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng thích thú với chuyện cho phép nhân viên có thêm thời gian lướt mạng xã hội.

Microsoft vẫn cần phải thuyết phục các doanh nghiệp không dùng Facebook hay Google Apps, mà tạo thói quen dùng LinkedIn. Đồng thời, hãng cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tích hợp LinkedIn vào các phần mềm, dịch vụ cũng như văn hóa quản trị của Microsoft.

Tạm kết

Trên thực tế, thương vụ M&A này đã trở thành một trong những thành công lớn nhất của Microsoft. Sự đồng bộ, liền mạch giữa LinkedIn và hệ sinh thái ứng dụng Microsoft chính là một trong những thay đổi rõ nét nhất, có đóng góp lớn cho thành công trên.Rèn luyện kỹ năng phân tích M&A Case “nhuần nhuyễn” cũng là một phần nội dung khoá học Case Mastery của TM. Nếu các bạn có hứng thú với Business Case hoặc các cuộc thi Management Trainee, tham khảo ngay khoá học Case Mastery của TM ngay hôm nay nhé.

Bên cạnh việc bổ sung kiến thức, việc tham khảo các bài làm mẫu cũng là một cách tốt để thí sinh nắm được cách trình bày và hơn hết là học tập cách tư duy hợp lý, logic. Với mục tiêu giúp các bạn newbies nói riêng cũng như các bạn sinh viên nói chung bớt lúng túng trong những lần thi đầu, đồng thời cải thiện được thành tích của mịn, tham khảo ngay Case Mastery Resource Hub từ Tomorrow Marketers

Đây là thư mục miễn phí tổng hợp đề thi và hơn 30 bài làm đạt giải cao từ nhiều cuộc thi như Marketing Arena, CMO, Think & Action, L’Oréal Brandstorm, NielsenIQ Case Competition và nhiều cuộc thi uy tín khác

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: