Bên cạnh việc tìm kiếm insight cho thật sắc, việc chọn kênh truyền thông để có thể “nói một, chạm mười” vào lòng khách hàng cũng là một nước cờ khó. Hãy cùng điểm mặt qua 5 kênh truyền thông phổ biến trong Marketing để vận dụng vào các bài toán “thực tế” nhé!
1. Tivi
Với sự lên ngôi của nền tảng Digital, thị phần tivi được chọn làm kênh tiếp thị sụt giảm rõ rệt. Tuy nhiên, đây vẫn là kênh hiệu quả với người dân nông thôn và nhóm đối tượng không (hoặc ít) sử dụng Internet. Có 2 loại chính: Traditional TV (loại hình TV truyền thống) và Cable TV (Truyền hình cáp). Đối với nhóm đối tượng nông thôn, nhãn hàng cần tiếp cận qua kênh TV truyền thống, qua các đài quốc gia VTV, hay đài địa phương, còn với nhóm thành thị thì tiếp cận qua các kênh truyền hình cáp. Kênh tivi có thể tạo nhận biết thương hiệu trong thời gian ngắn, tiếp cận được đại chúng nhanh nhất, nên vẫn được các doanh nghiệp chi tiền nhiều nhất, tuy nhiên chi phí cho kênh này rất cao. Trong thời đại công nghệ lên ngôi, kênh tivi thì không có 2 chiều tương tác, vì vậy nhãn hàng đang cắt giảm dần chi phí cho TV để chuyển dần sang digital.
2. Digital
Sự ra đời của Internet đã đưa digital marketing nổi lên như một sân chơi mà không một marketer nào có thể bỏ qua trong cuộc đua tới tâm trí và trái tim người dùng. Có thể chia Digital thành 5 mảng nhỏ: Search (SEO, SEM), quảng cáo Banner (quảng cáo hiển thị), Social Media Marketing (Facebook, Instagram, Youtube,…) và Email Marketing.
Search
Search bao gồm 2 hình thức SEO và SEM.
SEO (Search Engine Optimization) là tối đa hóa công cụ tìm kiếm, bằng cách làm cho trang web của bạn xuất hiện ở vị trí càng cao và càng nhiều trong kết quả tìm kiếm.
SEM – Search Engine Marketing là hình thức Internet Marketing nhằm tăng sự hiện diện của bạn hay doanh nghiệp, tổ chức thông qua công cụ tìm kiếm. Ngày nay, khi consumer journey đã dần chuyển sang phương thức trực tuyến: có nghĩa là người mua hàng sẽ tìm kiếm và tìm hiểu thông tin trên Internet trước khi quyết định mua qua Google và thường lựa chọn kết quả hiện ra đầu tiên.
Banner
Đây là hình thức quảng cáo hiển thị trên các website, có thể xem như đòn bẩy thị giác để người dùng Internet nhấp chuột vào quảng cáo. Tuy nhiên, banner làm cho website chậm hơn và làm giảm hiệu suất của máy tính. Các marketer cần cân nhắc chỉ dùng banner quảng cáo cho những website chọn lọc và cần thấu hiểu tâm lý nhóm khách hàng mục tiêu để đánh banner hiệu quả.
Social media marketing
Phương pháp tiếp thị được sử dụng khi nhãn hàng có nhu cầu xây dựng hoặc gia tăng nhận diện thương hiệu trên môi trường social networks bằng cách trao đổi 2 chiều với nhóm khánh hàng mục tiêu với các nền tảng digital phổ biến: Facebook, Instagram, Youtube,…Đây là kênh truyền thông “must-have” trong thời đại công nghệ để tiếp cận nhóm đối tượng trẻ, thành thạo công nghệ, có nhu cầu thông tin cao.
Email marketing
Đây là hình thức marketing nhằm nuôi dưỡng, giữ kết nối với khách hàng tiềm năng thông qua email cá nhân của họ, thường được sử dụng trong các ngành giáo dục, công nghệ, thương mại điện tử… Email marketing giúp xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tạo lòng tin và tăng độ nhận diện thương hiệu.
3. OOH (Out of Home hoặc Outdoor Advertising | Marketing)
OOH (Out of home advertising) là một cách để các nhãn hiệu quảng bá sản phẩm của mình đến càng nhiều khách hàng càng tốt bằng cách tiếp thị ngoài trời.
Có thể chia OOH thành 4 loại chính: Billboard (Biển quảng cáo ngoài trời), Street Furniture (Nội thất đường phố), LCD building (Quảng cáo trên màn hình lớn LCD) , Transit Advertising (Quảng cáo chuyển tiếp). Vậy điểm khác biệt giữa các subcategory của OOH là gì và bí quyết mà các marketer trẻ có thể lựa chọn để “đánh đâu thắng đó” như thế nào?
- Billboard: Là không gian quảng cáo lớn ngoài trời, được đặt tại khu vực có mật độ giao thông cao. Hình thức này phù hợp khi nhãn hàng muốn quảng bá sản phẩm mới, hoặc chỉ đơn thuần là tăng độ nhận biết thương hiệu trong một khu vực/ vùng cụ thể. Coca – Cola từng làm sửng sốt hàng triệu người dân Mỹ khi tung ra một billboard chuyển động 3D đầu tiên trên thế giới vào tháng 11/2017 tại Quảng trường Thời đại Time’s Square. Với chiều cao 68 feet và chiều rộng 42 feet được hình thành từ 1.760 màn hình LED di chuyển độc lập và được đồng bộ hóa, billboard 3D này thật sự khiến người tiêu dùng mãn nhãn để thực sự “taste the feeling” khi đứng trước tấm billboard khổng lồ này.
- Street furniture: Là loại quảng cáo tầm thấp như nhà chờ xe buýt, kiot, các banner trên đường phố giúp tăng độ nhận diện cho nhãn hàng thông qua những micro-moments của khách hàng.
- LCD Building: loại hình quảng cáo công nghệ cao, sử dụng màn hình ghép cỡ phóng đại LCD nhắm tới nhóm đối tượng dân công sở. Màn hình quảng cáo này thường được đặt trong nội bộ văn phòng, trung tâm thương mại hay chung cư – là những nơi sầm uất, tập hợp nhóm tầng lớp thượng lưu, tri thức cao, nên những sản phẩm cao cấp như đồng hồ đeo tay, trang sức, sản phẩm công nghệ và điện tử sẽ thích hợp với loại hình LCD Building.
- Transit Advertising: quảng cáo di động trên các phương tiện vận tải, thể hiện qua các poster, brochure, leaflet…được gọi chung là POSM (points of sale materials). Đây là hình thức rẻ nhất, tiếp cận các nhu cầu liên quan tới đi lại, như hãng hàng không, du lịch, hay dịch vụ liên quan tới sinh viên, học sinh, người lao động. Các nhãn hàng tiêu dùng nhanh FMCG, dịch vụ Grab, dịch vụ bảo hiểm thường được quảng cáo bằng hình thức này vì đây là những nhu yếu phẩm mọi người đều cần. Thông qua lợi thế tiếp cận được rất nhiều người trong ngày bởi đặc tính di chuyển từ nơi này sang nơi khác, transit advertising đang ngày càng được ưa chuộng.
4. Print-ads
Quảng cáo trên Báo và Tạp chí (hay còn gọi là print-ad) là kênh marketing truyền thống của ngành quảng cáo, xuất hiện trước cả khi TV và radio ra đời, và trong thời đại số, nó vẫn còn giữ được tầm quan trọng của nó mặc dù có dấu hiệu cho xu hướng dịch chuyển sang e-content. Rõ ràng Digital chưa thể soái ngôi hoàn toàn Print-ads bởi lẽ Target audience của kênh này là những người trung niên, nhân viên văn phòng,…vẫn còn giữ thói quen đọc báo giấy, và những tín đồ thời trang muốn cập nhật xu thế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ và xu hướng mobile hóa, kênh này đang chuyển sang báo mạng và các trang e-magazine.
Có 2 loại: báo giấy (newspaper) và tạp chí (magazine)
BÁO | TẠP CHÍ |
Tính tức thì | Tính chuyên biệt |
Tin tức đáng quan tâm trong ngày – “cần phải đọc” | Tin tức chuyên môn và sâu sắc – “đọc chọn lọc” |
Mật độ phát hành dày (hằng ngày), lượng phát hành lớn, bao phủ toàn quốc | Mật độ phát hành thấp hơn (hàng tuần hoặc hàng tháng), lượng phát hành ít hơn (do chất lượng giấy và giá cả), bao phủ khu vực |
Phù hợp với những thông điệp quảng cáo rầm rộ, cần độ lan tỏa | Phù hợp với những thông điệp quảng cáo cần tính chuyên sâu, nhiều thông tin hoặc giàu cảm xúc |
Độ lan tỏa của thông điệp rộng | Tuổi thọ của thông điệp cao (khả năng đọc lại cao gấp 4 lần báo giấy) |
Nhiều kích thước và lựa chọn quảng cáo khác nhau (rao vặt, ô nhỏ, ô lớn, nửa trang, nguyên trang, trang đôi, trang màu) | Nhiều cơ hội quảng cáo và tặng kèm: hàng mẫu, coupon, quà tặng,… |
5. Radio
Radio được xếp vào trong số các phương tiện truyền thống đã có lịch sử lâu đời cùng với báo in, truyền hình. Mặc dù hiện nay đã có nhiều kênh truyền thông mới xuất hiện, nhưng radio vẫn được xem là một mảnh đất màu mỡ để các nhà quảng cáo tiếp cận khách hàng.
Các Marketers có thể dùng radio để tiếp cận nhóm đối tượng có công việc phải tham gia giao thông với tần suất cao (như tài xế đường dài, Grab, bán bảo hiểm xe), hoặc nhóm trẻ có nhu cầu giải trí, muốn được lắng nghe và thấu hiểu như học sinh, sinh viên.
Thế còn bạn, bạn đã từng tiếp xúc với bao nhiêu loại quảng cáo rồi?