Tomorrow Marketers – Các chỉ số đo lường của bộ phận Manufacturing (Sản xuất) là phép đo nhằm cung cấp góc nhìn về toàn bộ quy trình sản xuất. Đây là cơ sở để các nhà quản trị kiểm soát và tối ưu hóa chất lượng sản xuất, cũng như các khía cạnh chi phí khác nhau.
- Production Volume: Theo dõi khối lượng sản xuất
- Production Downtime: Theo dõi thời gian bảo trì trong quy trình sản xuất
- Production Costs: Đo lường chi phí bao hàm của bộ phận sản xuất
- Overall Equipment Effectiveness (OEE): Đo lường hiệu suất thiết bị tổng thể
- Overall Operations Effectiveness (OOE): Đánh giá hiệu suất vận hành
- Total Effective Equipment Performance (TEEP): Đo lường tổng mức hữu dụng thiết bị
- Capacity Utilization: Đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp
- Revenue Per Employee: Đo lường doanh thu trung bình mỗi nhân viên tạo ra
- Defect Density: Đo lường số lượng sản phẩm hư hỏng
- Rate of Return: Đo lường số lượng sản phẩm bị gửi trả
- Total Asset Turnover: Vòng quay tổng tài sản
- Unit Costs: Đo lường chi phí cho mỗi đơn vị sản phẩm
- Return on Assets: Đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản
- Maintenance Costs: Đánh giá chi phí duy trì để vận hành thiết bị
Đọc thêm: Đừng quyết định cảm tính, hãy sử dụng dữ liệu để tính ROI trong Marketing
1. NHÓM CHỈ SỐ KHỐI LƯỢNG SẢN XUẤT (PRODUCTION VOLUME)
1.1. Production Volume (Khối lượng sản xuất)
Định nghĩa: Chỉ số này sẽ cho bạn bức tranh toàn cảnh về tổng khối lượng sản phẩm mà doanh nghiệp có thể sản xuất trong một tháng, một kỳ hoặc một năm.
Ý nghĩa: Việc kiểm soát chặt chẽ khối lượng sản xuất sẽ giúp các nhà quản trị nắm được năng lực và hiệu quả sản xuất hiện tại, đồng thời có cái nhìn bao quát về sự biến động trong kết quả sản xuất. Đây là cơ sở để doanh nghiệp phân bổ nguồn lực, quản trị rủi ro và có kế hoạch cho tăng trưởng khối lượng sản xuất.
Một khối lượng sản xuất tốt là một khối lượng đáp ứng đủ nhu cầu và tạo ra tối đa doanh thu nhưng không để lại quá nhiều hàng tồn trong kho.
1.2. Production Downtime (Thời gian chết trong sản xuất)
Định nghĩa: Thời gian chết trong sản xuất là những khoảng thời gian nhà máy ngừng hoạt động và không tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Thời gian ngừng hoạt động trong sản xuất được chia thành hai loại khác nhau:
- Thời gian ngừng hoạt động theo kế hoạch: hoạt động bảo dưỡng thiết bị đã được lên lịch và dự trù ngân sách cho các rủi ro, nhằm bảo đảm khả năng vận hành trơn tru của bộ máy hoặc chuyển đổi sản xuất sang sản phẩm khác.
- Thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến: xảy ra khi có sự cố phát sinh không mong muốn – ví dụ như máy móc thiết bị gặp trục trặc, hết nguyên liệu, các sự cố về mạng,…
Ý nghĩa:
Trong ngắn hạn, việc ngừng sản xuất (theo kế hoạch hay ngoài dự kiến) đều làm giảm hiệu suất và khối lượng sản xuất trong khi vẫn giữ nguyên số lượng lao động. Điều này dẫn tới tăng chi phí thực tế và khiến doanh nghiệp không thu được lợi nhuận tiềm năng.
Tuy nhiên, khi nhìn dài hạn hơn, việc ngừng hoạt động theo kế hoạch giúp làm giảm xác suất xảy ra các vấn đề trục trặc của máy móc. Cần lưu ý rằng, thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến có thể tốn gấp 15 lần thời gian ngừng hoạt động theo kế hoạch.
Vì vậy, chỉ số này là cơ sở giúp các nhà quản trị đưa ra kế hoạch kiểm tra, bảo trì, cải tiến quy trình và ứng dụng kỹ thuật sản xuất tinh gọn,…
1.3. Production Costs (Chi phí sản xuất)
Định nghĩa: Chi phí sản xuất bao gồm tất cả các chi phí trực tiếp và gián tiếp mà một doanh nghiệp phải gánh chịu trong quá trình sản xuất một sản phẩm/dịch vụ.
Ý nghĩa: Ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đo lường chi phí sản xuất chính là để xác định điểm hòa vốn nhằm đưa ra mức giá bán tối ưu. Theo lý thuyết kinh tế, một công ty sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất hàng hóa cho đến khi chi phí sản xuất biên của nó bằng với sản phẩm cận biên (doanh thu cận biên).
Bên cạnh đó, việc phân tách kết quả này thành các loại chi phí khác nhau sẽ cho biết chi phí nào đang chiếm phần lớn nhất trong giá thành sản phẩm, từ đó tối ưu hóa chúng nhằm có lợi nhuận cao hơn.
Công thức tính: Chi phí sản xuất bao gồm chi phí trực tiếp và gián tiếp cho sản xuất:
- Chi phí trực tiếp: các loại chi phí biến đổi theo mức sản xuất khác nhau, bao gồm các chi phí cho nguyên vật liệu và chi phí nhân công;
- Chi phí gián tiếp: các loại chi phí chung khác như tiền thuê mặt bằng sản xuất, chi phí cho quản lý, chi phí khấu hao,…
Đọc thêm: Data-driven Marketing: Kim chỉ nam dẫn lỗi cho các chiến lược kỷ nguyên số
2. NHÓM CHỈ SỐ SẢN XUẤT (MANUFACTURING)
2.1. Overall Equipment Effectiveness (Hiệu suất thiết bị tổng thể)
Định nghĩa: Chỉ số này là thước đo hiệu suất của các thiết bị trong thời gian được lên lịch trình. OEE sẽ không tính tới khoảng thời gian dây chuyền phải ngừng sản xuất theo lịch bảo trì.
Ý nghĩa:
- OEE đạt 100%: hiệu suất sản xuất lý tưởng hóa, đồng nghĩa với việc sản xuất sản phẩm có chất lượng cao với tối đa năng lực sản xuất mà không có thời gian chết.
- OEE đạt 85%: đây là con số mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp hướng tới, với thời gian ngừng sản xuất và sản phẩm hư hỏng ở mức tối thiểu và ít có mất mát trong hiệu suất hoạt động.
- OEE đạt 60%: con số này cho thấy doanh nghiệp còn nhiều vấn đề cần cải thiện.
- OEE đạt 40%: đây là con số rất thấp cho thấy hiệu suất tổng thể của thiết bị có thể có tác động xấu tới kết quả sản xuất.
2.2. Overall Operations Effectiveness (Hiệu quả hoạt động tổng thể)
Định nghĩa: Chỉ số này là phép đo lường hiệu suất hoạt động sản xuất thực tế trên tổng thời gian có lịch làm việc.
Ý nghĩa:
- OEE là công cụ giúp bạn hiểu năng lực sản xuất tối đa của nhà máy. Đây là cơ sở để tìm ra những khoảng thời gian ngừng hoạt động không hợp lý như thời gian bảo trì hoặc chuyển đổi sản xuất. Từ đó, các nhà quản trị có thể chủ động dự đoán thời gian bảo trì và sắp xếp lịch hoạt động của dây chuyền.
- OEE đạt khoảng 85% là con số thể hiện công ty đang quản lý tốt hoạt động sản xuất của mình.
2.3. Total Effective Equipment Performance (Tổng mức hữu dụng thiết bị)
Định nghĩa: TEEP là thước đo hiệu suất hoạt động sản xuất thực tế trên tổng quỹ thời gian tối đa – tức là 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm..
Ý nghĩa: Dựa vào kết quả TEEP, bạn có thể tìm ra khoảng trống thời gian tiềm năng chưa được khai thác, từ đó lên lịch sản xuất nhằm tăng sản lượng mà không cần mua thêm thiết bị mới.
Lưu ý: Mặc dù công thức tính OOE, OEE và TEEP mặc dù đều bằng tích của Hiệu suất (Performance), Chất lượng (Quality) và Mức độ sẵn sàng của dây chuyền (Availability), với:
- Hiệu suất (Performance) = Sản lượng đầu ra thực tế (Actual Output) ÷ Sản lượng theo lý thuyết (Theoretical Output).
- Chất lượng (Quality) = Số sản phẩm đạt chất lượng (Good product output) ÷ Sản lượng đầu ra thực tế (Total count).
Điểm khác biệt giữa OOE, OEE và TEEP là cách định nghĩa Mức độ sẵn sàng của dây chuyền (Availability):
- Availability của OEE = Tổng thời gian hoạt động thực tế (Actual production time) ÷ Tổng thời gian có thể hoạt động (Scheduled Time)
- Availability của OOE = Tổng thời gian hoạt động thực tế (Actual production time) ÷ Tổng thời gian có lịch làm việc (Total Operating Time).
- Availability của TEEP = Tổng thời gian hoạt động thực tế (Actual production time) ÷ Tất cả thời gian sẵn có (All Availability Time)
2.4. Capacity Utilization (Công suất hiệu dụng)
Định nghĩa: Đây là một trong những thước đo trả lời cho câu hỏi “Bạn đang sử dụng bao nhiêu công suất khả dụng trong dây chuyền sản xuất?”. Chỉ số này đánh giá hiệu quả hoạt động và đo lường sản lượng tiềm năng mà doanh nghiệp có thể tạo ra.
Ý nghĩa:
Nếu tỷ lệ công suất hiệu dụng nhỏ hơn 100%, doanh nghiệp đang hoạt động dưới mức tối đa công suất và có thể tăng sản lượng mà không cần mua thiết bị hoặc tài sản mới. Trong khi đó, nếu tỷ lệ này đạt mức trên 100%, doanh nghiệp đang hoạt động quá công suất. Hầu hết các doanh nghiệp đều phấn đấu đạt tỷ lệ công suất hiệu dụng từ 85% đến 100%.
Công thức tính: Để tính tỷ lệ công suất hiệu dụng, bạn có thể áp dụng công thức:
Capacity Utilization Rate (Tỷ lệ năng lực sản xuất) = Sản lượng thực tế (Actual Output) ÷ Sản lượng tiềm năng tối đa (Potential Output)
2.5. Revenue Per Employee (Doanh thu trên mỗi nhân viên)
Định nghĩa: Doanh thu trên mỗi nhân viên là chỉ số đo lường doanh thu trung bình mà mỗi nhân viên tạo ra cho doanh nghiệp.
Ý nghĩa: Chỉ số này sẽ giúp các doanh nghiệp:
- Có được bức tranh toàn cảnh về hiệu quả công việc của đội ngũ nhân viên.
- Xác định các cơ hội để cải thiện: Bạn có thể thực hiện những phương pháp nhân sự nào, đâu là cơ cấu thù lao tốt nhất để tạo động lực cho nhân viên,…
- Số lượng nhân viên cần có: Bạn cần thêm bao nhiêu nhân viên để tăng doanh thu lên X%? Hoặc bạn có thể giữ nguyên doanh thu với ít nhân viên hơn không?
- Đánh giá nhân viên ở khía cạnh đầu tư cho phát triển: Chỉ số này giúp các nhà quản trị nhìn nhận nguồn nhân lực như vốn đầu tư dẫn đến kết quả của doanh thu.
Nhìn chung, doanh thu trên mỗi nhân viên tương đối cao là một dấu hiệu tích cực cho thấy doanh nghiệp đang tối ưu hóa chiến lược sử dụng nguồn nhân lực.
Công thức tính: Để tính doanh thu mỗi nhân viên, bạn có thể áp dụng công thức sau:
Doanh thu trên mỗi nhân viên (Revenue Per Employee) = Tổng doanh thu của công ty (Total Revenue) ÷ Số nhân viên hiện tại (Number of Employees)
3. NHÓM CHỈ SỐ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM (PRODUCTION QUALITY)
3.1. Defect Density (Mật độ sản phẩm lỗi)
Định nghĩa: Chỉ số này là công cụ nhằm xác định số lượng sản phẩm lỗi/hư hỏng trên tổng số sản phẩm được sản xuất.
Ý nghĩa: Mật độ sản phẩm lỗi giúp bạn so sánh chất lượng của các sản phẩm, đồng thời xác định các vấn đề xảy ra trong quy trình sản xuất.
3.2. Rate of Return (Tỷ lệ hoàn trả)
Định nghĩa: Chỉ số này đo lường số lượng mặt hàng được gửi trả và cần được xử lý lại toàn bộ. Có nhiều nguyên nhân khiến khách hàng trả lại sản phẩm: sản phẩm lỗi, lỗi trong đóng gói,…
Ý nghĩa: Phân tích những lý do này để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, giúp tiết kiệm chi phí tái sản xuất/sửa đổi sản phẩm, đồng thời tạo dựng niềm tin trong mắt khách hàng.
Đọc thêm: 14 chỉ số & KPI chuỗi cung ứng đáng quan tâm
4. NHÓM CHỈ SỐ CHI PHÍ QUẢN TRỊ SẢN XUẤT (MANUFACTURING COST MANAGEMENT)
4.1. Total Asset Turnover (Vòng quay tổng tài sản)
Định nghĩa: Vòng quay tổng tài sản là chỉ số đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp để sản xuất bán hàng. Ví dụ: nếu vòng quay tổng tài sản là 1,0 lần, nghĩa là công ty đang tạo ra $ 1,00 doanh thu cho mỗi đô la đầu tư vào tất cả tài sản.
Vòng quay tổng tài sản được chia nhỏ thành vòng quay tài sản cố định, đo lường việc sử dụng tài sản cố định của một công ty để tạo ra doanh thu. Và vòng quay vốn lưu động, đo lường mức độ sử dụng tài sản lưu động của công ty trừ đi nợ phải trả để tạo ra doanh thu.
Ý nghĩa: Đây là một chỉ số hiệu quả tốt để đánh giá xem tài sản của doanh nghiệp có đang tạo ra giá trị hay không.
- Tỷ lệ vòng quay tài sản thấp: Thường chỉ ra năng lực sản xuất dư thừa, phương pháp thu gom hoặc quản lý hàng tồn kho kém hiệu quả.
- Tỷ lệ vòng quay tài sản cao: Cho thấy công ty đang phân bổ vốn và thu được nhiều lợi ích hơn từ tài sản của mình.
Công thức tính: Để tính vòng quay tổng tài sản, bạn có thể áp dụng công thức:
Vòng quay tổng tài sản (Total Asset Turnover) = Doanh thu thuần (Net Sales) ÷ Bình quân tổng tài sản (Average Total Assets), trong đó:
- Doanh thu thuần = Tổng doanh thu (Gross Sales) – Lợi nhuận (Returns) – Giảm giá (Discounts) – Phụ cấp (Allowances)
- Bình quân tổng tài sản (Average Total Assets) = Nợ phải trả trong kỳ (Liabilities ) + Vốn chủ sở hữu (Owner’s Equity)
Ví dụ, công ty A có 500.000$ doanh thu thuần và có 2.000.000$ tổng tài sản. Vòng quay tổng tài sản có thể được tính = 500.000 ÷ 2.000.000 = 0,25 x 100 = 25%. Điều này có nghĩa là cứ 1$ tài sản tạo ra 25$ doanh thu bán hàng ròng.
4.2. Unit Costs (Chi phí đơn vị)
Định nghĩa: Chi phí đơn vị đo lường chi phí trung bình trên mỗi đơn vị mặt hàng được sản xuất, bao gồm cả chi phí cố định và chi phí biến đổi và được đo lường trong một khoảng thời gian cụ thể (ví dụ: tháng, năm).
Ý nghĩa:
Chi phí đơn vị có thể giúp bạn tìm ra điểm hòa vốn và tính toán đưa ra chiến lược định giá phí cho mỗi sản phẩm để tạo ra lợi nhuận. Ví dụ: nếu chi phí cho mỗi chiếc mũ bạn bán là 10 đô la, bạn có thể bán mỗi chiếc cho khách hàng của mình với giá 25 đô la, tạo ra lợi nhuận 15 đô la cho mỗi chiếc.
Chi phí sản xuất càng được tối ưu, bạn càng có khả năng lợi nhuận cao hơn. Trong thời gian đầu, doanh nghiệp có thể có chi phí đơn vị cao do các chi phí cố định cần được đầu tư nhiều. Theo thời gian và tận dụng giá trị kinh tế theo quy mô, các công ty có thể tối ưu hóa chi phí cho mỗi đơn vị.
Công thức tính: Để tính chi phí đơn vị, bạn có thể áp dụng công thức sau:
Chi phí đơn vị (Unit Costs) = Tổng chi phí cố định và chi phí biến đổi (Total Fixed Costs + Total Variable Costs) ÷ Tổng sản lượng sản xuất (Total output in period), trong đó:
- Chi phí cố định (Total Fixed Costs): đây là chi phí sản xuất không phụ thuộc vào khối lượng đơn vị sản phẩm. Ví dụ như tiền thuê nhà, bảo hiểm, thiết bị, kho bãi,…
- Chi phí biến đổi (Total Variable Costs): thay đổi tùy thuộc vào mức sản lượng được sản xuất. Các khoản chi phí này có sự phân chia thành các loại cụ thể như chi phí nhân công trực tiếp và chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
4.3. Return on Assets (Tỷ suất sinh lời trên tài sản)
Định nghĩa: Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) cho biết mức độ sinh lợi của một công ty so với tổng tài sản của nó.
Ý nghĩa: ROA trả lời câu hỏi: “Bạn có thể làm gì với tài sản mà bạn có sẵn?”. Chỉ số này càng cao càng có lợi vì nó cho thấy rằng công ty đang quản lý hiệu quả hơn tài sản của mình để tạo ra lượng lợi nhuận ròng lớn hơn. Khi ROA tăng lên theo thời gian, điều đó cho thấy rằng công ty đang thu được nhiều lợi nhuận hơn từ mỗi đô la mà họ sở hữu trong tài sản. Ngược lại, ROA giảm cho thấy một công ty đang phân bổ nguồn lực không hiệu quả hoặc gặp phải các vấn đề khủng hoảng trong tài chính.
Bạn có thể tìm thấy mức ROA trung bình của ngành tại đây.
Công thức tính: Để tính tỷ suất sinh lời trên tài sản, bạn có thể áp dụng công thức sau:
Tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) = Thu nhập ròng (Net income) ÷ Tổng tài sản (Average Total assets), trong đó:
- Thu nhập ròng: tổng doanh thu còn lại sau khi hạch toán tất cả các chi phí sản xuất, chi phí chung, hoạt động, quản lý, dịch vụ nợ, thuế, phân bổ và khấu hao,…
- Tổng tài sản bình quân: bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền như các khoản phải thu, hàng tồn kho, đất đai, thiết bị vốn đã khấu hao và giá trị của tài sản trí tuệ được tính theo mức bình quân trong một thời kỳ.
4.4. Maintenance Costs (Chi phí Chuyển vận và Bảo trì)
Định nghĩa: Chi phí này bao gồm các chi phí gián tiếp và trực tiếp để giữ cho các thiết bị, cơ sở vật chất và quy trình công nghệ sản xuất hoạt động trơn tru. Ví dụ: chi phí mua phần mềm chống virus, chi phí thêm dầu vào máy móc sản xuất,…
Ý nghĩa: Hiểu chi phí bảo trì, hao mòn và sửa chữa khẩn cấp có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn về máy móc, thiết bị của doanh nghiệp. Bằng cách chia nhỏ chi phí bảo trì, bạn có thể quyết định giữ máy móc nào, thay thế cái gì và phân bổ bao nhiêu nguồn lực cho khu vực này.
Công thức tính: Chi phí chuyển vận và bảo trì có thể được tính theo công thức:
Chi phí bảo trì (Total maintenance costs) = Chi phí nhân lực (Labor costs) + Chi phí nguyên vật liệu (Spare past and materials) + Chi phí bảo hành (Maintenance vendors) + Chi phí cho năng lượng duy trì (Energy costs) + Chi phí chung (Overhead expenses)
Đọc thêm: Ví dụ về metrics & KPI cho từng phòng ban
Tạm kết
Với các KPI này, bộ phận Manufacturing có thể theo dõi, đo lường và đánh giá hiệu suất sản xuất cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra trơn tru. Nếu bạn đang phải tiếp xúc với hàng loạt dữ liệu, biểu đồ của bộ phận Manufacturing, mà chưa biết tận dụng chúng như thế nào để tìm kiếm Insights phục vụ công việc và ra các quyết định kinh doanh chiến lược, đừng bỏ lỡ khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketes nhé!
Nếu bạn muốn tận dụng tối đa hiệu quả của dữ liệu, bạn sẽ cần suy nghĩ tới hướng đi chuyển đổi số trong tương lai của doanh nghiệp. Không đơn thuần là giảm dần các công đoạn giấy tờ thủ công hay số hóa các dữ liệu vận hành, doanh nghiệp còn phải đóng gói quy trình bài bản và tối ưu hiệu suất bằng các phần mềm cập nhật real-time.
Thay đổi đầu tiên cần có chính là nhà quản trị phải trang bị tư duy về khai phá dữ liệu nội bộ và xây dựng văn hóa dữ liệu để tăng trưởng dài hạn trong thời đại chuyển đổi số.
Khóa học Data System sẽ truyền tải những tư duy này và giúp bạn hiểu rõ:
- Tầm quan trọng của hệ thống dữ liệu nội bộ đối với sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
- Cấu trúc của hệ thống dữ liệu nội bộ: Hiểu rõ các thành phần của một hệ thống dẽ liệu hoàn chỉnh.
- Tư duy xây dựng quy trình và số hóa quy trình kinh doanh nhằm thu thập được dữ liệu qua thời gian.
- Tư duy xây dựng đường ống dữ liệu và nhà kho dữ liệu, giúp doanh nghiệp chuẩn hóa dữ liệu từ sớm.
- Tư duy khai thác dữ liệu để xây dựng báo cáo quản trị, cung cấp bức tranh toàn cảnh của kinh doanh và giám sát hoạt động.
Đăng ký khoá học Data System ngay tại đây.
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!