Chiến lược Marketing cho phòng khám nha khoa

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng và làm đẹp ngày càng tăng cao đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nha khoa. Theo Research and Market, tại Việt Nam giá trị thị trường nha khoa đạt 4,21 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng với tốc độ CAGR đạt 4,75% đến năm 2029. Không chỉ là sân chơi của các thương hiệu lớn như “Nha khoa Kim”, “Nha khoa Parkway”,… thị trường nha khoa còn sôi động bởi sự ra đời của nhiều phòng khám nhỏ lẻ tại địa phương. 

Theo thống kê của Hiệp hội Nha khoa Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 100.000 phòng khám nha khoa, trong đó trên 70% là cơ sở tư nhân. Do số lượng cơ sở nha khoa nhiều, thị trường nha khoa Việt Nam có tính phân mảnh cao (highly fragmented). Điều này dẫn tới:

  • Dễ thâm nhập thị trường
  • Độ trung thành khách hàng thấp
  • Yêu cầu trải nghiệm khách hàng cao
  • Khó tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài

Vậy làm thế nào để phòng khám của bạn trở nên nổi bật và thu hút được nhiều khách hàng? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu đặc thù làm marketing cho phòng khám nha khoa trong bài viết dưới đây! 

1. Phân khúc ngành hàng nha khoa 

Có hai cách phân khúc phổ biến trong ngành nha khoa là theo quy mô và nhu cầu khách hàng: 

Phân khúc thị trường theo nhu cầu khách hàng 

  • Nha khoa thẩm mỹ

Nha khoa thẩm mỹ nói chung là việc hoàn thiện về hình thể, màu sắc, kiểu dáng… của răng, nướu. Một số dịch vụ nha khoa thẩm mỹ phổ biến có thể kể đến như tẩy trắng răng, niềng răng, bọc răng sứ, dán răng veneer,… 

Do nhu cầu về một hàm răng toàn vẹn, hoàn hảo điểm 10 đang dần tăng cao nên nhiều nha khoa cung cấp các dịch vụ này, nổi bật nhất có thể kể đến như Nha khoa Paris, Nha khoa Parkway, Nha khoa Đăng Lưu,… 

  • Nha khoa điều trị 

Nha khoa điều trị tập trung vào chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến răng miệng như sâu răng, viêm nướu, tủy răng và các vấn đề về hàm. Các dịch vụ nha khoa điều trị thường gặp là điều trị sâu răng (trám răng), chữa viêm tủy răng, điều trị viêm nha chu, phẫu thuật nhổ răng (đặc biệt là răng khôn), làm răng giả (hàm giả, cấy ghép răng implant). Các nha khoa nổi bật trong phân khúc này là Nha khoa Việt Đức, Nha khoa Sài Gòn BH,… 

  • Nha khoa du lịch

Nha khoa du lịch (Dental Tourism) là một dạng du lịch y tế mà người ta đến các nước khác nhau để sử dụng các dịch vụ chăm sóc răng miệng. Các dịch vụ này có thể bao gồm nhiều thứ từ phẫu thuật thẩm mỹ cho đến các dịch vụ phục hình răng. Nha khoa du lịch đã trở thành một ngành công nghiệp đầy tiềm năng và phát triển mạnh trong những năm gần đây bởi chi phí tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với mức giá mà bệnh nhân thường phải trả ở các quốc gia phát triển. 

Các nha khoa du lịch chủ yếu tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với các tên nổi bật như Elite Dental Group, Starlight, The East Rose Dental,…  

Phân khúc theo quy mô

  • Nha khoa nhỏ lẻ

Đây chính là các cơ sở nha khoa tự phát được 2-3 nha sĩ/bác sĩ quản lý bán thời gian tại chính địa phương của chúng ta. Các nha khoa trong phân khúc này chủ yếu cung cấp các dịch vụ nha khoa thông thường (nhổ răng, lấy cao răng, chữa nướu,..); hướng đến tệp khách hàng là người dân có thu thập thấp hoặc trung bình sinh sống tại các con phố nhỏ, ngoại thành, nông thôn. 

  • Nha khoa tầm trung

Phân khúc nha khoa tầm trung bao gồm hai loại hình: nha khoa chuyên sâu và nha khoa đa khoa. Nha khoa chuyên sâu sẽ chuyên làm một lĩnh vực, các lĩnh vực khác dừng ở mức độ bổ sung thêm. Thông thường các nha khoa chuyên sâu sẽ có các bác sĩ là chuyên gia trong một ngách cụ thể như chỉnh nha, cấy ghép, thẩm mỹ,… Nha khoa Lạc Việt Intech, Nha khoa iSmile, Nha khoa thẩm mỹ ST Dentists là các nha khoa thuộc trong nhóm này.  

Ngược lại, nha khoa đa khoa sẽ cung cấp dịch vụ toàn diện từ tổng quát đến chuyên sâu. Nha khoa đa khoa có sự đầu tư lớn cho trang thiết bị và công nghệ hiện đại đi kèm với đội ngũ bác sĩ đa ngành, có nhiều năm kinh nghiệm. Một số cái tên trong phân khúc này là Nha khoa Kim, nha khoa Việt Đức,… 

  • Trung tâm nha khoa lớn hoặc bệnh viện nha khoa

Các đơn vị nha khoa thuộc phân khúc này cung cấp tất cả các loại dịch vụ nha khoa, từ cơ bản đến phức tạp với quy mô lớn và chuyên nghiệp. Điển hình nhất là Nha khoa Quốc tế Việt Pháp, Hệ thống Nha khoa MEDLATEC,… 

Đọc thêm: Phân khúc thị trường (STP) thế nào để nhắm đúng đối tượng mục tiêu?

2. Hành trình khách hàng ngành nha khoa 

Hành trình khách hàng là hành trình một người đi từ việc được tiếp cận một thương hiệu cho đến đến khi trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu đó. Dựa vào hành trình này, các thương hiệu nha khoa có thể xác định được đâu là những “điểm chạm thương hiệu”, ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn sản phẩm của khách hàng và từ đó, biết cách tiếp cận, chăm sóc khách hàng của mình hiệu quả.

Có thể rút ra đặc điểm khách hàng trong ngành nha khoa như sau:  

  • Khách hàng thường tìm kiếm các nha khoa uy tín qua review trên mạng xã hội, Google hoặc qua người quen giới thiệu. Họ cũng có thể trực tiếp lên các các hội nhóm để đăng bài hỏi, hoặc hỏi trong các bài review của KOL về uy tín của các nha khoa. 
  • Sau khi lên danh sách, khách hàng lựa chọn ra các nha khoa uy tín dựa trên 4 yếu tố chính: chứng chỉ hành nghề của nha sĩ, giấy phép kinh doanh của nha khoa, mức giá tham khảo và địa điểm. Càng đối với các dịch vụ với mức giá cao (niềng răng, răng sứ, …) khách hàng càng lựa chọn kỹ lưỡng. 
  • Khách hàng thường không tự ý thức được tình trạng răng miệng của mình. Trong quá trình điều trị với các dịch vụ nha khoa cơ bản, nha khoa nên chủ động thăm khám tình trạng răng cho khách hàng và chủ động tư vấn, giải thích cho khách hàng về tình trạng răng hàm mặt của họ. Điều này giúp tạo thiện cảm tốt cho khách hàng, và dễ để được khách hàng đề xuất cho người khác.
  • Quá trình tư vấn tại phòng khám đóng vai trò chính trong việc tạo thiện cảm và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ tại nha khoa. Với các dịch vụ điều trị chỉnh nha lâu dài, khách hàng để ý tới sự tận tâm và trách nhiệm của nha sĩ dành riêng cho họ. Nói cách khác, quá trình thăm khám càng cá nhân hóa càng tốt, chẳng hạn như nên có một nha khoa chăm sóc riêng cho một khách hàng trong suốt quá trình điều trị.

3. Một số quy định cần lưu ý trong quảng cáo nha khoa

Các cơ quan Nhà nước và nền tảng truyền thông đặt ra một số quy định, điều khoản hạn chế về nội dung được sử dụng cho quảng cáo cho nha khoa. Việc nắm rõ những điều khoản này trước khi đi vào truyền thông giúp các cơ sở nha khoa tránh bị phạt tiền, hoặc tước giấy phép kinh doanh.  

Pháp luật Việt Nam

Theo Điều 9 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần lưu ý

  • Phù hợp với giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở được cấp phép
  • Phù hợp với chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với người hành nghề

Ngoài ra, nội dung quảng cáo dịch vụ nha khoa cần đảm bảo đầy đủ các thông tin về:

  • Tên và địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động.
  • Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính, được ghi rõ trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề mà cơ quan có thẩm quyền về y tế đã cấp phép.

Quy định các nền tảng

Nội dung quảng cáo trên Facebook không được hạ thấp vẻ đẹp của người khác, hoặc đặt ra một tiêu chuẩn vẻ đẹp chung khiến người khác nhận định tiêu cực về bản thân. Cụ thể, quảng cáo không được có hàm ý:

  • Mục tiêu tuyên bố hoặc ngầm ám chỉ rằng có một kiểu ngoại hình hoàn hảo mà mọi người muốn có. 
  • Cổ xúy hoặc củng cố hình ảnh ngoại hình tiêu cực hoặc không lành mạnh. 
  • Lợi dụng cảm giác tự ti, bất an để áp đặt một số tiêu chuẩn không đúng đắn về vẻ đẹp. 
  • Chứa thông điệp phản cảm, tiêu cực, có thể khiến mọi người cảm thấy xấu hổ về ngoại hình của họ. 
  • Khuyến khích lạm dụng các loại thực phẩm hoặc việc tập thể dục quá mức. 
  • Không đánh giá hay phê phán vẻ ngoại hình của ai dưới bất kỳ hình thức nào. 

Hiện tại, Google và TikTok chưa có giới hạn gì cho các hoạt động nha khoa.

Với những đặc điểm khách hàng và các tiêu chuẩn quảng cáo như vậy, phòng khám nha khoa nên xây dựng chiến lược truyền thông như thế nào? Cùng TM tìm hiểu trong phần dưới của bài viết! 

4. Chiến lược xây dựng website

Tối ưu SEO để tăng traffic và thứ hạng website 

Website là điểm chạm quan trọng giúp phòng khám nha khoa củng cố niềm tin của khách hàng. Các thông tin bắt buộc phải có trên website bao gồm: 

  • Chuyên môn của từng nha sĩ: chứng chỉ hành nghề, kinh nghiệm trong nghề, các giải thưởng liên quan
  • Giấy phép kinh doanh của cơ sở nha khoa
  • Các ca khám chữa bệnh thành công
  • Địa chỉ các cơ sở
  • Mức giá dịch vụ

Ngoài các thông tin trên, marketers có thể cân nhắc xây dựng thêm trang blog chia sẻ kiến thức để tăng traffic tự nhiên cho phòng khám. Bởi theo hành trình khách hàng, khi phát sinh nhu cầu chăm sóc sức khỏe răng miệng, khách hàng thường có xu hướng tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp trên google. 

Marketers có thể tối ưu SEO website với các từ khóa về nhu cầu khám chữa răng phổ biến. Ví dụ, top 5 từ khoá mang lại traffic của website nha khoa Kim đều về các vấn đề nha khoa của khách hàng như “sưng lợi”, “nhổ răng khôn bao nhiêu tiền” , “trám răng”. 

Slide cách chọn các loại từ khóa cho SEO của khóa Digital. Tham gia khóa Digital Foundation để biết cách chọn từ khóa giúp website/blog hiển thị trong top 10 tìm kiếm của Google

Đọc thêm: Keyword Research: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner

Tận dụng Search Ads để tăng hiển thị 

Google Search Ads là một hình thức quảng cáo giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua trang kết quả tìm kiếm (SERP) nhờ vào việc trả phí cho Google. Khi người dùng gõ một từ khóa bất kỳ trên trang tìm kiếm, Google sẽ trả về các kết quả có liên quan đến truy vấn của người dùng, bao gồm kết quả tự nhiên và kết quả trả phí. 

Trong ngành nha khoa, khi phát sinh nhu cầu điều trị, khách hàng thường tìm kiếm các cơ sở uy tín trên Google. Vì vậy Search Ads là một trong những cách hiệu quả giúp thương hiệu xuất hiện trong quá trình tìm kiếm của khách hàng. Để thu hút khách hàng click vào trang web, quảng cáo tìm kiếm của nha khoa nên làm nổi bật sự khác biệt về giá cả hoặc trải nghiệm dịch vụ. 

Dưới đây là một số nội dung thương hiệu nha khoa có thể sử dụng trong tiêu đề hoặc phần meta description:

  • Giảm giá/ưu đãi
  • Nhận phác đồ/tư vấn miễn phí
  • Số lượng ưu đãi có hạn
  • Đội ngũ bác sĩ giỏi

Các bài search ads của nha khoa chủ yếu tập trung vào chi phí (giảm giá, ưu đãi, miễn phí)

Đọc thêm: Tối ưu Google Ad là làm gì? Bỏ túi checklist tối ưu quảng cáo Google Search

Tối ưu quảng cáo là quá trình lặp đi lặp lại, bạn sẽ không thể chữa tất cả mọi yếu tố chỉ trong một lần thử. Nếu bạn cứ cố gắng thay đổi thật nhiều thứ chỉ trong một lần duy nhất, bạn sẽ không thể biết đâu đâu là yếu tố tiên quyết giúp mang lại kết quả tích cực, và đâu là yếu tố khiến kết quả tệ hơn. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách tối ưu quảng cáo chuyên sâu dựa trên việc thấu hiểu thuật toán và dựa trên insight từ dữ liệu, hãy tham khảo khóa học Digital Performance của Tomorrow Marketers!

Xây dựng Google Business Profile  

Khách hàng có xu hướng ưu tiên những nha khoa ở gần để thuận lợi cho quá trình chăm sóc răng hàm mặt. Đối với các dịch vụ nha khoa điều trị cơ bản, khách hàng có thể trực tiếp tìm kiếm trên Google Map để tìm cơ sở gần nhất để đi thăm khám. Các nha khoa có Google Business Profile tốt sẽ dễ lên top tìm kiếm của Google Map và dễ tiếp cận với khách hàng hơn. 

Để tối ưu Google Business Profile, nha khoa nên cập nhật các thông tin về: 

  • Địa chỉ
  • Website
  • Hình ảnh phòng khám
  • Giờ làm việc
  • Số điện thoại liên hệ

Google Business Profile của Nha khoa Quốc tế Việt Pháp được tối ưu với đầy đủ các thông tin

5. Chiến lược xây dựng kênh Social Media 

Facebook 

Nha khoa có thể tận dụng các giải pháp quảng cáo trên Facebook phục vụ cho việc tìm kiếm khách hàng mới. Để quảng cáo trên Facebook hiệu quả, nha khoa cần chú ý:

  • Cân nhắc chia ngân sách chạy tập trung cho 1 dịch vụ làm thế mạnh định vị (răng sứ/niềng răng/trồng răng). Sau khi có khách hàng thì mới chăm sóc sang các dịch vụ khác. Ví dụ Nha khoa Parkway chỉ tập trung chạy quảng cáo cho dịch vụ niềng răng invisalign.
  • Khách hàng thường cân nhắc kỹ các thông tin khác về nha khoa trước khi quyết định đến tư vấn. Vì vậy, mục tiêu quảng cáo của nha khoa chủ yếu là thu hút sự quan tâm của khách hàng mới (Potential Customers và Traffic Acquisition). Nha khoa có thể chạy các chiến dịch click-to-message với các nội dung về uy tín (công nghệ cao, đội ngũ nha sĩ giỏi, testi khách hàng) và ưu đãi.

Toàn bộ quảng cáo của nha khoa Parkway đều chạy cho dịch vụ niềng răng invisalign

Sau khi thấy quảng cáo, những khách hàng quan tâm có thể truy cập vào Fanpage của nha khoa để đánh giá qua tình hình hoạt động của thương hiệu. Các thông tin về hoạt động thăm khám thường ngày, testi của khách hàng và các ưu đãi sẽ giúp khách hàng cảm nhận được sự uy tín của nha khoa, từ đó tiếp tục tìm hiểu và đến nghe tư vấn.

Đọc thêm: 5 chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả Facebook conversion ad – Case study phân tích chiến dịch Shopping Mall

TikTok

Tuy không phải kênh chính đem lại chuyển đổi song TikTok lại là một trong những kênh truyền thông hiệu quả nhất giúp nha khoa gia tăng độ phủ. Khi xây kênh TikTok cho nha khoa, bạn cần lưu ý một số điều sau: 

Nội dung 

Thuật toán TikTok phân phối nội dung dựa trên sở thích và mối quan tâm của khách hàng. Vậy nên, nội dung bạn đăng tải lên kênh nên ngắn gọn, dễ hiểu và dặc biệt là có sự kết hợp giữa yếu tố giáo dục và giải trí (edutainment).  

Nguồn ảnh: Mega Digital 

Hình ảnh

TikTok là nền tảng chia sẻ video giúp bạn có thể kết nối với hơn 1.5 tỷ người dùng mỗi tháng. Vì vậy, ngoài nội dung, bạn còn cần để ý cẩn thận trong khâu hình ảnh với một vài lưu ý sau:

  • Hình ảnh có logo hay nhận diện thương hiệu 
  • Chèn chữ & đồng bộ thumbnail để có nhận diện tốt
  • Nên sử dụng chân máy để cố định góc quay, chụp, tránh rung lắc
  • Tránh đăng những hình ảnh mờ ảo, không rõ nét, tạo trải nghiệm xấu đến người dùng

Nha khoa Kim đồng bộ hình ảnh thumbnail trên kênh TikTok 

Hashtag và âm thanh 

Khi viết mô tả cho video, hãy tìm và dùng 2-3 hashtag đang hot phù hợp với chủ đề của video. Cùng với đó, hãy thường xuyên cập nhật và lựa chọn những bản nhạc thịnh hành cho video của bạn. Sử dụng đúng hashtag và âm thanh là cách tốt để tăng lượt hiển thị và thu hút hàng nghìn lượt tương tác cho video.

Thông tin tài khoản

Hoàn thiện hồ sơ kênh TikTok một cách chỉn chu, bắt mắt là điều cần phải làm để tăng độ uy tín kênh, bạn hãy hoàn thành các hoạt động sau:

  • Điền đầy đủ thông tin như thông tin liên hệ, email, đường dẫn sang trang mạng xã hội khác (nếu có).
  • Thêm link Landing page trong mục hồ sơ để điều hướng người xem qua các trang khác của bạn.

6. Chiến lược Influencer Marketing 

Influencer là một kênh không thể bỏ qua trong ngành nha khoa để tăng uy tín cho phòng khám và tạo sự tin tưởng với khách hàng. Khi lựa chọn influencer để truyền thông, marketers cần lưu ý: 

  • Đối với các dịch vụ nha khoa điều trị như niềng răng, trồng răng, chữa tủy,… nha khoa có thể lựa chọn những influencer đang sinh sống và làm việc tại khu vực đó. Sở dĩ như vậy bởi đặc thù của nha khoa điều trị cần di chuyển trong các khu vực lân cận nên không thể book một influencer ở Hà Nội review cho một nha khoa ở Vinh. Những video này nên ưu tiên đăng trên kênh của influencer để tạo UGC (User generated content).  
  • Đối với các dịch vụ nha khoa có tính thẩm mỹ cao như dán sứ veneer, bọc răng sứ,… nha khoa nên ưu tiên chọn những influencer có ngoại hình nổi bật. Những video này có thể đăng tải trực tiếp trên trang của nha khoa để quảng bá cho thương hiệu. 

7. Triển khai activation 

Chỉ thông qua các video/hình ảnh online, khách hàng rất khó để cảm nhận được sự khác biệt về chất lượng dịch vụ giữa các nha khoa. Đó chính là lý do thương hiệu cần triển khai các activation để thúc đẩy khách hàng tới nha khoa trải nghiệm. Dưới đây là một số gợi ý về hoạt động activation: 

  • Kết hợp cùng các tổ chức B2B tổ chức ngày hội niềng răng/chỉnh nha/thăm khám tình trạng răng miệng miễn phí 
  • Tổ chức chương trình minigame “Bốc thăm trúng thưởng”, “Ném vòng may mắn”,… trong sự kiện khai trương để thu hút sự tham gia của khách hàng 

Nha khoa Parkway đồng hành cùng Nous by Sun Life chăm sóc sức khỏe răng miệng cho toàn thể nhân viên

Khai trương phòng khám nha khoa Parkway tại Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Đọc thêm: Brand Activation là gì? Phát triển ý tưởng cho Brand activation như thế nào?

8. Tối ưu trải nghiệm tại phòng khám

Thiết kế không gian hiện đại và tạo cảm giác thoải mái cho khách hàng 

Theo quy định của pháp luật, cơ sở vật chất phòng khám nha khoa cần đáp ứng các tiêu chuẩn sau: 

  • Diện tích phòng khám chữa bệnh phải đảm bảo ít nhất 10m2 (trừ phòng tư vấn sức khỏe trực tiếp hoặc qua các phương tiện viễn thông) và nơi đón tiếp bệnh nhân
  • Khu vực thực hiện thủ thuật phải có diện tích ít nhất là 10m2 (bao gồm cả kỹ thuật ghép răng – implant)
  • Trường hợp phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt có hơn 01 ghế răng thì phải đảm bảo diện tích cho mỗi ghế răng ít nhất là 5m2
  • Phòng khám chuyên khoa có ứng dụng thiết bị bức xạ thì cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn bức xạ theo quy định pháp luật

Ngoài ra, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng tại phòng khám, bạn sẽ cần lưu ý: 

  • Thiết kế khu vực lễ tân trang trọng, thể hiện được sự mến khách

Khi khách hàng bước vào phòng khám lần đầu, họ sẽ không khỏi “bỡ ngỡ” về quy trình khám bệnh như thế nào, phòng nào thì họ được phép vào. Và nhiệm vụ của phòng lễ tân chính là tiếp đón, giúp khách hàng hiểu sơ lược về các vấn đề họ gặp phải cũng như điều tiết họ đi đúng hướng để có thể tiếp cận được dịch vụ nhanh nhất. 

Phòng lễ tân là ấn tượng đầu tiên khi khách hàng bước vào. Bởi thế, nội thất phòng khám khu vực lễ tân cần được bài trí sao cho lịch sự, trang trọng, thể hiện được sự mến khách của phòng khám. Khu vực lễ tân thường có quầy bàn dành cho nhân viên, hàng ghế ngồi cho khách hàng và quan trọng nhất là logo thương hiệu thể hiện được độ uy tín của phòng khám.

  • Sắp xếp không gian chờ cho khách hàng 

Không gian chờ là nơi khách hàng chờ đợi đến lượt khám và điều trị cụ thể . Tùy thuộc vào số lượng khách hàng mà thời gian chờ đợi đến lượt có thể nhanh hoặc chậm. Vì thế, để thể hiện sự thân thiện cũng như quan tâm đến khách hàng, phòng khám cần bày trí ghế ngồi, tivi giải trí hay cây xanh để khách hàng không cảm thấy bị nhàm chán, mệt mỏi khi chờ đợi tới lượt mình. 

Khu vực lễ tân và không gian chờ của Nha khoa Kim

  • Lựa chọn concept thiết kế khu vực điều trị 

Các phòng điều trị nha khoa thường tuân theo ba concept chung:

Mở: Loại này là một không gian mở với nhiều ghế bệnh nhân được chứa trong phòng. Mặc dù nó mang lại hiệu quả cao về chi phí, nhưng cũng không có không gian riêng tư cho bệnh nhân và thông thường sử dụng nhiều cho các điều trị chỉnh nha.

Một cửa: Loại phòng điều trị này có tường ngăn cách để phân chia các phòng điều trị và mang lại sự riêng tư cho bệnh nhân do chỉ có một cửa vào. Nó cũng có thể cho phép thiết kế phòng nhỏ hơn để tiết kiệm hơn không gian cho nha khoa. Tuy nhiên, nó sẽ hạn chế sự di chuyển của nhân viên ra vào phòng trong thời gian điều trị, do đó cần phải lập kế hoạch và thiết kế các phòng chức năng hợp lý để đảm bảo luồng di chuyển không bị gián đoạn.

Hai cửa: Là kiểu thiết kế phổ biến nhất. Loại phòng điều trị này được ngăn cách bằng tường hoặc tủ để phân chia các phòng điều trị và tạo sự riêng tư hợp lý cho bệnh nhân. Lợi ích chính là tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của bệnh nhân và nhân viên bằng cách cho phép vào từ hai bên của ghế và phòng bệnh nhân.

Khu vực điều trị Nha khoa Paris 

Một số yếu tố khác cần lưu ý khi thiết kế không gian phòng khám nha khoa như: 

  • Sử dụng màu sắc nhẹ nhàng, tươi sáng và trung tính để tạo cảm giác thư giãn và thoải mái cho bệnh nhân. Màu xanh dương, xanh lá cây và màu trắng thường được sử dụng trong không gian nha khoa để tạo cảm giác sạch sẽ và yên bình.
  • Đối với phòng khám mục tiêu làm đẹp, thẩm mỹ, cần bố trí không gian đẹp và sang trọng nhưng vẫn tạo được cảm giác thoải mái
  • Đối với các phòng khám có đối tượng khách hàng là trẻ em, cần bố trí thêm một số loại trò chơi, nội thất giúp khích lệ tinh thần trẻ em như bể cá, tủ đựng đồ chơi,…

Xây dựng quy trình tư vấn chuyên nghiệp 

Như đã đề cập ở trên. quá trình tư vấn tại phòng khám đóng vai trò chính trong việc tạo thiện cảm và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ. Vì vậy, khi tư vấn điều trị cho khách hàng, các nha khoa nên cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng răng miệng của bệnh nhân kèm nguyên nhân, và các hậu quả nếu không điều trị. Tiếp theo là trình bày các phương án điều trị khả thi, bao gồm lợi ích và rủi ro của từng phương pháp. Lưu ý phác đồ điều trị phải được cá nhân hóa theo tình trạng của bệnh nhân và tôn trọng lựa chọn của họ. Các nha khoa cũng có thể cung cấp thêm tài liệu minh họa/hướng dẫn chi tiết về thời gian, quy trình, công nghệ,… dùng trong điều trị để khách hàng theo dõi. Cuối cùng là thảo luận chi phí, bao gồm ưu đãi và cả những khoản phát sinh nếu có trong từng trường hợp. 

Trang bị thiết bị nha khoa mới và hiện đại 

Cơ sở vật chất & trang thiết bị hiện đại nằm trong top 4 lý do khiến khách hàng quyết định lựa chọn nha khoa (nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học quốc gia). Có 2 thiết bị không thể thiếu trong mỗi nha khoa, một là thiết bị vô trùng cùng quy trình chuẩn về thanh trùng và hai là máy chụp X-quang. Thiết bị vô trùng nhằm đảm bảo tính an toàn, tránh lây nhiễm chéo các bệnh cho khách hàng. Còn máy chụp x-quang để giúp các nha sĩ quan sát được chân răng dưới xương hàm, phục vụ cho quá trình chữa tủy, nhổ răng khôn,… 

Ngoài ra, việc trang bị thêm nhiều thiết bị nha khoa tân tiến khác còn có ý nghĩa đặc biệt giúp phòng khám thu hút được nhóm khách hàng có thu nhập cao (yêu cầu chất lượng dịch vụ tốt), tăng năng suất làm việc của nha sĩ, tăng uy tín thương hiệu từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường. 

Tận dụng Digital Signage để truyền thông cho phòng khám 

Digital Signage (tạm dịch: công nghệ Màn hình kỹ thuật số) là một hình thức hiển thị thông tin, quảng cáo hay các loại tin khác trên màn hình LCD, LED, Plasma,… Trung bình mỗi khách hàng thăm khám tại nha khoa phải chờ từ 15’-20’. Lúc này các màn hình trong phòng chờ với những video trực tiếp sẽ phát huy tác dụng. Màn hình có thể phát nội dung về tin tức hoặc các thành tựu (giải thưởng, chứng nhận), giới thiệu công nghệ nha khoa, đội ngũ y bác sĩ,… nhằm giúp bệnh nhân giảm cảm giác chờ đợi đồng thời củng cố hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng. 

9. Xây dựng ý tưởng nội dung trong ngành nha khoa 

Sử dụng công thức content BAB: Before – After – Bridge 

BAB là cách viết content dựa trên nguyên tắc so sánh trạng thái của khách hàng trước và sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Cụ thể: 

  • Before (Trước): Mô tả tình trạng hoặc vấn đề mà khách hàng đã hoặc đang gặp phải
  • After (Sau): Mô tả tình trạng hoặc kết quả mà khách hàng đạt được sau khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ
  • Bridge (Cầu nối): Nhấn mạnh lợi ích mà sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mang lại cho khách hàng

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y Tế Quốc Gia, hình ảnh trước/sau điều trị nằm trong top 3 nguyên nhân thúc đẩy khách hàng tới thăm khám tại cơ sở nha khoa. Chính vì vậy, BAB là công thức sản xuất nội dung không thể thiếu trong ngành này. 

Ví dụ sử dụng công thức BAB: 

  • Before: Tình trạng răng trước khi niềng
  • Răng lộn xộn, chen chúc
  • After: Kết quả sau khi niềng
  • Răng về đúng vị trí, cung hàm tròn đều và khớp cắn chuẩn 
  • Bridge: Kế hoạch điều trị 
  • Niềng mắc cài kim loại tự buộc
  • Nhổ 4 răng 
  • Nong rộng đều 2 hàm
  • Thời gian điều trị: 24 tháng

Chia sẻ kiến thức chuyên sâu về nha khoa 

Khi phát sinh vấn đề về răng miệng, bệnh nhân thường có xu hướng tìm đọc các bài phân tích chuyên môn trước khi đến gặp nha sĩ. Lúc này, các bài chia sẻ kiến thức nha khoa sẽ là cầu nối giữa khách hàng và thương hiệu. Nội dung các bài viết có thể xoay quanh các chủ đề: 

  • Giải thích các bệnh lý răng miệng phổ biến: viêm nướu, sâu răng, nha chu, hôi miệng
  • Chia sẻ mẹo chăm sóc răng miệng tại nhà: cách đánh răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng
  • Giải đáp các thắc mắc thường gặp về răng miệng: răng khôn mọc lệch, răng nhạy cảm, cách làm trắng răng
  • Cung cấp thông tin về các phương pháp điều trị nha khoa: tẩy trắng răng, niềng răng, bọc răng sứ, cấy ghép implant

Mức độ tỉ mỉ của nội dung được xây dựng trên website và các kênh social media là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa các đơn vị nha khoa. Ví dụ, khi nhìn vào một kênh TikTok có nhiều video chia sẻ về kiến thức niềng răng như Nha Khoa Paris hay Nha Khoa Vân Anh, khách hàng sẽ có niềm tin về có cảm giác muốn tìm hiểu 2 bên nha khoa này sâu hơn. 

Bên cạnh đó, để khách hàng có thể dễ dàng tiếp nhận nội dung kiến thức về nha khoa, bạn nên hạn chế sử dụng những từ ngữ chuyên sâu khó hiểu, gây hoang mang, bối rối cho người đọc. Việc dùng những video hình họa để trực quan hóa phương pháp và quá trình điều trị thay cho những bài viết quá nhiều kiến thức khô khan sẽ thu hút người xem hơn. 

Video trực quan hóa các giải pháp nha khoa của Nha khoa Parkway

Tận dụng User Generated Content (UGC)

User-Generated Content (nội dung do người dùng tạo ra) được xem là một dạng của Word-of-mouth. Ra đời trong thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, UGC xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ trang cá nhân đến các phần bình luận đều có thể trở thành không gian cho người dùng “sáng tạo” content: bình luận, chia sẻ, đánh giá. Các dạng UGC phổ biến hiện nay gồm: đánh giá (review), ảnh và video tag tên thương hiệu, thử thách sáng tạo, “đập hộp” (unboxing). 

Như đã đề cập ở trên, khách hàng thường tìm kiếm các nha khoa uy tín qua review trên mạng xã hội, Google hoặc qua người quen giới thiệu. Vì vậy, việc tận dụng User Generated Content sẽ giúp các nha khoa mở rộng tệp khách hàng tiềm năng, gia tăng niềm tin và gắn kết thương hiệu với khách hàng khi có những đánh giá/phản hồi tích cực về phòng khám trên mạng xã hội. Để khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung, các nha khoa có thể tổ chức các minigame hoặc tặng voucher giảm giá khi check-in tại sự kiện của thương hiệu như “Minigame 8/3: Chụp ảnh cười xinh – Nhận quà bao xịn” của Nha khoa Parkway. 

Minigame 8/3: Chụp ảnh cười xinh – Nhận quà bao xịn của Nha khoa Parkway

Khách hàng check-in tại sự kiện khai trương của Nha khoa Parkway

Đọc thêm: 30+ bài viết nổi bật về xây dựng chiến lược Content Marketing

Xây dựng nội dung thăm khám trực tiếp 

Đối với các dịch vụ nha khoa có nhiều rủi ro như nhổ răng, trồng răng, niềng răng, khách hàng thường hay tò mò về quá trình thực hiện trong phòng khám. Chính vì vậy, việc đăng tải thông tin minh bạch về quá trình và giá cả sẽ tăng thêm sự an tâm cho khách hàng. Điều này cũng giúp khách hàng thấy rõ chất lượng dịch vụ và trình độ chuyên môn của bác sĩ. Tuyến nội dung này có thể khai thác những video quay lại quá trình bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân trước điều trị hoặc cận cảnh quá trình phẫu thuật trồng/cấy ghép răng trên thực tế,… Tuy nhiên nha khoa cần lưu ý xin phép khách hàng trước khi đưa nội dung lên mạng xã hội. 

Cận cảnh quy trình phẫu thuật implant bằng máng định vị tại Lạc Việt Intech

Cập nhật công nghệ được ứng dụng trong nha khoa 

Việc nha khoa cập nhật tin tức về những công nghệ trồng răng/chỉnh răng mới nhất giúp tăng đáng kể sự uy tín của đơn vị nha khoa. Nha Khoa Lạc Việt Intech, với định vị chuyên sâu về trồng răng implant, là một ví dụ làm tốt về tuyến nội dung công nghệ chất lượng cao. 

Tuyến nội dung chia sẻ về công nghệ của Nha khoa Lạc Việt Intech

TẠM KẾT

Đối với ngành hàng nha khoa, cảm giác an tâm là yếu tố thúc đẩy khách hàng ra quyết định. Để làm được điều này, các thương hiệu nha khoa cần đầu tư xây dựng nội dung inbound marketing đa dạng, hấp dẫn, thể hiện được uy tín và chất lượng của phòng khám. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách xây dựng chiến lược nội dung phù hợp với đặc thù thương hiệu, hãy tham khảo khóa học Content Marketing của Tomorrow Marketers!

Tuy nhiên nội dung hay thôi là chưa đủ, bạn còn cần thấu hiểu cách thức vận hành của từng kênh digital để đưa nội dung đến đúng người đúng thời điểm. Tích hợp các kênh truyền như thế nào, nên xây dựng và tối ưu các kênh ra sao để tăng chuyển đổi, mời bạn tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers! 10 buổi học sẽ giúp bạn hiểu rõ tính chất các kênh truyền thông và biết cách vận dụng Digital Tools trong lập kế hoạch truyền thông.