Tomorrow Marketers – Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2016, TikTok đã thu hút được hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Chìa khóa thành công của Tiktok nằm ở luồng video vô tận và nội dung của chúng được cá nhân hóa tới mỗi người dùng. Hãy cùng TM bóc tách bí mật về thuật toán của TikTok – ứng dụng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay để video có khả năng lên xu hướng nhé!
Đọc thêm: Hướng dẫn chuyên sâu về chiến lược quảng bá thương hiệu trên TikTok
1. Những điều cơ bản về mục tiêu của thuật toán TikTok và trang “For You”
Thuật toán TikTok hoạt động với 4 mục tiêu chính: “user value” (giá trị cho người dùng), “long-term user value” (giá trị dài hạn), “creator value” (giá trị cho người sáng tạo nội dung), và “platform value” (giá trị cho nền tảng). Bạn ở lại nền tảng càng lâu và hoạt động trên TikTok hàng ngày thì TikTok càng có nhiều tiềm năng kiếm tiền từ quảng cáo. Để theo đuổi mục tiêu này, thuật toán của TikTok đã chọn tối ưu hóa hai chỉ số có liên quan chặt chẽ: “tỷ lệ giữ chân người dùng” (user retention rate) và “thời gian sử dụng cho ứng dụng” (total time spent). Nói tóm lại, TikTok muốn giữ bạn ở đó lâu nhất có thể thông qua trang “For You”.
Trang “For You” là trung tâm của trải nghiệm TikTok và nơi hầu hết người dùng dành thời gian cho ứng dụng. Khi truy cập For You, bạn sẽ thấy một luồng video được sắp xếp theo sở thích, giúp dễ dàng tìm thấy nội dung và những người sáng tạo nội dung yêu thích. Trang For You được cung cấp bởi một hệ thống đề xuất được cá nhân hóa với các nội dung có khả năng người dùng sẽ quan tâm.
Đọc thêm: Các loại hình quảng cáo của TikTok
2. Các yếu tố giúp TikTok đánh giá video sẽ hiển thị trên trang For You
Việc TikTok nhấn mạnh vào “sở thích” thay vì “xã hội” đã tạo ra sự khác biệt với các ứng dụng cạnh tranh khác.
Nói một cách đơn giản, trên Facebook và Twitter, những người bạn theo dõi sẽ quyết định phần lớn nội dung bạn xem. Tuy nhiên, trên TikTok, người dùng không phải theo dõi bất kỳ ai. Thay vào đó, thuật toán học rất nhanh từ dữ liệu người dùng và cách họ tương tác với nội dung trong trang For You. Thậm chí TikTok còn có đội ngũ nhân viên kiểm duyệt các video và có khả năng truy cập vào những nội dung riêng tư của người dùng, điều này cho phép Tiktok phân phối nội dung chính xác hơn.
Để quyết định nội dung được phân phối cho người dùng, hệ thống xếp hạng video dựa trên sự kết hợp của nhiều yếu tố. Tài liệu mật của nhóm kỹ sư từ Bắc Kinh – “TikTok Algo 101” – cho rằng thời gian xem không phải là yếu tố duy nhất mà TikTok xem xét. Theo TikTok, các đề xuất còn dựa trên một số yếu tố, bao gồm những yếu tố như:
- Tương tác của người dùng (User interaction): như video bạn thích, chia sẻ hoặc thêm vào danh sách yêu thích, tài khoản bạn theo dõi, comment bạn đăng và nội dung bạn tạo, tỷ lệ hoàn thành video, các nội dung không phải trả tiền và quảng cáo mà bạn xem,…
- Thông tin video (Video information) có thể bao gồm các chi tiết như Captions âm nhạc, Hashtags, hiệu ứng, topic đang trending,…
- Cài đặt thiết bị và tài khoản (Device and account settings) như tùy chọn ngôn ngữ, cài đặt quốc gia và loại thiết bị. Các yếu tố này được đưa vào chỉ để đảm bảo tối ưu hóa hệ thống đề xuất. Vì vậy, chúng sẽ nhận được trọng số thấp hơn các dữ liệu của hai yếu tố trên.
3. Thuật toán phân phối video của TikTok đưa video lên xu hướng theo quy trình nào?
Thực tế, không ai bên ngoài TikTok biết thuật toán trang For You của nó hoạt động như thế nào bởi đây vẫn là thông tin mật mà mỗi công ty công nghệ đều cần bảo vệ. Người dùng TikTok vẫn đang tích cực đưa ra giả thuyết về cách phân phối video của ứng dụng như dưới đây:
Bước 1: Đánh giá và kiểm duyệt video
Veed.io cho rằng, một video khi được đăng trên TikTok sẽ được hệ thống phân tích, đánh giá bằng trí tuệ nhân tạo cùng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Thông tin sẽ được trích xuất để hiểu nội dung văn bản, âm thanh nhằm xây dựng ngữ cảnh của video. Sau khi vượt qua vòng kiểm duyệt ban đầu, video sẽ được phân phối nếu không vi phạm chính sách cộng đồng.
Bước 2: Phân phối video thử nghiệm với một nhóm nhỏ người dùng
Theo Wired, cách TikTok phân phối video đi theo tiến trình sau: Khi một video được tải lên TikTok, thuật toán For You trước tiên sẽ hiển thị video đó cho một nhóm nhỏ người dùng (ví dụ khoảng 200 – 500 người xem). Những người này có thể đã theo dõi hoặc chưa theo dõi người sáng tạo, nhưng TikTok đã xác định rằng họ có nhiều khả năng tương tác với video hơn, dựa trên hành vi trước đây của họ.
Bước 3: Đo lường các chỉ số và xếp hạng theo điểm phân phối
Ứng dụng này sau đó sẽ đánh giá dựa trên tương tác của người dùng với nội dung. Đây là hệ thống điểm số do Veed.io ước tính cho nội dung trên mỗi lần tương tác của người dùng.
- Tỷ lệ quay lại = 10 điểm
- Tỷ lệ hoàn thành = 8 điểm
- Chia sẻ = 6 điểm
- Nhận xét = 4 điểm
- Số lượt thích = 2 điểm
Hệ thống đề xuất cho điểm cho tất cả các video dựa trên phương trình này và trả về cho người dùng những video có điểm cao nhất:
Plike X Vlike + Pcomment X Vcomment + Eplaytime X Vplaytime + Pplay X Vplay
Sau đó, các video được xếp hạng để xác định khả năng người dùng quan tâm đến một phần nội dung và được phân phối đến từng trang For You của người dùng.
Bước 4: Bắt đầu phân phối rộng hơn có vòng lặp
Nếu họ phản hồi thuận lợi với điểm số cao thì TikTok sẽ hiển thị video đó cho nhiều người hơn – đó là tập hợp những người được đánh giá là có cùng sở thích.
Quá trình tương tự sau đó sẽ tự lặp lại và nếu vòng lặp phản hồi tích cực này diễn ra đủ lần, video có thể lan truyền (ví dụ phân phối lần 2 từ 1,000 – 10,000 người xem; lần 3 từ 10,000 – 100,000 người xem;…).
Ở các mức độ phân phối, nếu nhóm người dùng không cho thấy chúng thích nội dung đó, thì nội dung đó sẽ được hiển thị cho ít người dùng hơn, hạn chế phạm vi tiếp cận tiềm năng của nó.
Biểu đồ minh họa cách TikTok phân phối video | Nguồn ảnh: veed.io
Lưu ý, thuật toán sẽ KHÔNG đề xuất các loại nội dung sau:
- Nội dung trùng lặp với các tài khoản khác
- Nội dung bạn đã xem
- Nội dung thuật toán gắn cờ là spam
- Nội dung có khả năng gây khó chịu (TikTok đưa ra các ví dụ về “quy trình đồ họa lành mạnh” hoặc “tiêu thụ hàng hóa hợp pháp”)
- Nội dung “mồi nhử câu like” – các video được thiết kế để đánh lừa thuật toán bằng cách yêu cầu rõ ràng việc mọi người có thể thả like cho video.
4. Một số tips tận dụng thuật toán của TikTok để video lên xu hướng
4.1. Theo cơ chế dán nhãn tài khoản (Phân nhóm tài khoản theo chủ đề nội dung)
Làm nội dung kênh xuyên suốt để được gán nhãn chuẩn: Bạn nên tăng tần suất đăng video và đảm bảo sự liền mạch, đặc biệt khi bạn đang làm nội dung cho ngành có sự cạnh tranh mạnh trên TikTok. Vậy tần suất bao lâu một lần thì phù hợp? Lời khuyên của chúng tôi là hãy đăng hàng ngày (nếu không muốn nói là nhiều lần mỗi ngày).
Bạn có thể sử dụng tính năng Analytics của TikTok để xem các đánh giá về người xem, bao gồm cả thời gian hoạt động thường xuyên để có khoảng thời gian đăng video hợp lý.
Không reup nội dung từ kênh khác: Nhiều người muốn nhanh chóng đạt lượng view cao mà không tốn nhiều công sản xuất nên lựa chọn cách reup video của người khác rồi đăng lại lên kênh. Tuy nhiên, việc reup này vừa thiếu tôn trọng chất xám của người sáng tạo nội dung khác, vừa vi phạm một số tiêu chuẩn cộng đồng của Tiktok. Nếu Tiktok nhận thấy sai phạm, rất có thể video sẽ bị xóa hoặc bị bóp tương tác.
Không đăng tạp nham để AI phân phối đúng tệp khách: Trên TikTok, mọi thứ đều có thể lan truyền (ngay cả video cắt một quả bơ). Bạn có thể tạo nhiều nội dung với định dạng và chủ đề khác nhau khi mới bắt đầu tài khoản để bắt trend giúp tài khoản có những follower ban đầu. Dù vậy, đừng hy sinh chất lượng cho số lượng. Bạn cần quyết định một ngách nội dung để tập trung vào hoặc phát triển tuyến nội dung có liên quan. Điều này không chỉ giúp công nghệ học máy đảm bảo khả năng học chính xác mà còn giúp bạn tiếp cận cộng đồng hiện có và tăng khả năng hiển thị nội dung của bạn với đúng đối tượng.
Không nên mua lại kênh Tiktok khác: Nhiều người nghĩ rằng nếu có sẵn một lượng followers và lượt xem ổn định thì các nội dung sau đó sẽ dễ lên xu hướng hơn. Nhưng sự thật là, nếu như kênh mua lại có tệp người xem không cùng mối quan tâm với định hướng nội dung mà bạn định sản xuất, những video mới có thể sẽ không được đón nhận như video cũ, vì người dùng follow kênh này đang hy vọng xem những nội dung hoàn toàn khác. Dần dần, mọi người sẽ huỷ follow và dừng tương tác với kênh
Chọn đúng danh mục kênh: Tương tự với tip trên, hãy đảm bảo bạn đang chọn đúng danh mục kênh để công nghệ có thể dán nhãn nội dung nhanh và đúng hơn.
Hashtag: Việc sử dụng các hashtag chung chung như #ForYou sẽ không (hoặc gần như không có ảnh hưởng) trong việc giúp video bạn xuất hiện trên Feed của người dùng. Bạn cần phải có chiến thuật với việc sử dụng hashtag bằng việc nghiên cứu, cân đối giữa hashtag của thương hiệu, hashtag thịnh hành trên TikTok và hashtag có liên quan tới nội dung video,…
4.2. Theo trọng lượng tài khoản
Từ bỏ các tài khoản zombie: Zombie là thuật ngữ mà người làm TikTok gọi những tài khoản có đặc điểm như: phát hành video đều trong tuần, lượt view thường dưới 100 và ít tương tác cộng đồng. Lý do có thể bởi tài khoản chưa xác minh đầy đủ thông tin, nội dung quá nhàm chán do không có sự đầu tư hoặc vi phạm chính sách về nội dung trên nền tảng. Các TikToker nên từ bỏ các tài khoản ở trọng lượng này và đầu tư lại 01 tài khoản với nội dung mới.
Duy trì tài khoản đề xuất: Tài khoản được đề xuất là những tài khoản có đặc điểm như có tương tác 1000 đến 5000 thường xuyên, có thể tiếp cận tới 10k đến 1 triệu reach từ video đầu. Để duy trì điều này, bạn cần tập trung tạo nội dung chất lượng, sản xuất đều đặn, tham gia vào các hoạt động chủ đề mới nhất, các thử thách, âm nhạc mới nhất…
Thumbnail: Video nên có thumbnail với một tiêu đề rõ ràng trên đó. Một kênh mà video không có thumbnail ghi nội dung sẽ khó để người vào kênh biết các video đang nói về nội dung gì, có đáng để follow hay không. Nó giống như việc vào cửa hàng mua nước nhưng toàn bộ các chai nước lại không có nhãn dán vậy. Việc đặt tên và chọn thumbnail cẩn thận sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người follow kênh, kênh có hình ảnh gọn gàng và người dùng cũng biết đâu là video mà họ muốn xem.
Đọc thêm: 9 loại content dễ viral trên TikTok mà TikToker mới nên làm
4.3. Theo cơ chế phân phối video
Tối ưu các chỉ số tỷ lệ xem hết và tỷ lệ xem lại: Con số tiêu chuẩn cho tỷ lệ xem hết là 60-80%. Và để đạt được kết quả này, bạn cần:
- Tối ưu headline: TikTok cung cấp cho bạn độ dài phụ đề tối đa là 300 ký tự và chưa tính đến bạn cần “nhường chỗ” cho các hashtag. Vì vậy, bạn có thể “úp mở” để lôi kéo mọi người nhấp vào video để hiểu ngữ cảnh của headline, hoặc đặt một câu hỏi để thu hút người xem đi tìm câu trả lời, gây hồi hộp và gợi ý cho người xem rằng có điều gì đó đáng chờ đợi ở phần cuối,… Bạn cũng có thể thực hiện điều này bằng cách sử dụng văn bản trên màn hình hoặc trong chú thích để đạt được mục đích tương tự.
- Tận dụng hiệu ứng: Tăng khả năng hiển thị và khả năng chia sẻ video bằng cách sử dụng các hiệu ứng. Các hiệu ứng thịnh hành sẽ có tác động lớn nhất do mức độ phổ biến và vì TikTok tích cực quảng cáo các video sử dụng các hiệu ứng đó.
- Sử dụng âm nhạc thịnh hành: Bạn có thể tham khảo các nhạc nền của các video thịnh hành bằng cách nhấp vào âm thanh và xem số lượt xem trên trang âm thanh để biết mức độ phổ biến của nó. Đặc biệt, khi nâng cấp lên tài khoản TikTok Pro, bạn còn có thể truy cập Analytics, vào phần Follower để thấy những nhạc nền mà khán giả của bạn đang thu hút nhất.
- Tốc độ video, góc quay, bối cảnh set up: Đảm bảo rằng bạn giữ tất cả văn bản và những hình ảnh quan trọng có thể hiển thị và không bị che mất bởi các icon ở viền của TikTok.
Tối ưu các chỉ số tương tác: Con số tiêu chuẩn cho tỷ lệ thả tim video là 10-15% trong khi tương tác càng nhiều càng tốt. Và để đạt được kết quả này, bạn cần:
- Tối ưu caption điều hướng
- CTA trong video: Chọn từ ngữ mang ý nghĩa thôi thúc; Sử dụng yếu tố khẩn cấp; Nêu ra lợi ích rõ ràng; CTA phải rõ ràng và đồng nhất với tiếng nói của thương hiệu;… Đọc thêm về cách viết CTA hấp dẫn tại đây.
- Chèn câu hỏi có đáp án vào video.
- Tương tác với các bình luận: Bạn càng nhận được nhiều comment, thuật toán càng cho nhiều tín hiệu tương tác tích cực. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn có thể trả lời mọi bình luận về video. Nhưng đừng cố gắng spam hay đăng các emoji đơn thuần, hãy cố gắng tạo ra cuộc trò chuyện để người xem quay lại.
- Chọn các video có lượng tương tác organic tốt để chạy quảng cáo và đẩy thêm follower cho tài khoản, đây là cách để bạn tăng followers nhanh chóng hơn trong thời gian đầu lập kênh. Tham khảo khoá học Digital Performance để tìm hiểu thêm về cách cài đặt và tối ưu quảng cáo Tiktok tại đây.
- Xây dựng trust account trong vòng những tuần đầu lập kênh: Tiktok thường chưa xác định được sẽ phân phối nội dung gì tới một kênh mới lập và bản thân kênh đó cũng chưa tạo ảnh hưởng gì đến nhóm công chúng quan tâm tới chủ đề mà kênh định khai thác. Vậy nên, trong vòng 3-4 tuần đầu tham gia kênh Tiktok, bạn nên tương tác trên Tiktok với hành vi của một người dùng thông thường như: xem video, thả tim, comment và follow những kênh có cùng định hướng. Việc này sẽ giúp định hình sự phát triển sau này của kênh và cung cấp kim chỉ nam cho các bước đi tiếp theo của thuật toán Tiktok. Bạn nên cân bằng giữa việc sử dụng kênh như một tài khoản người dùng và upload nội dung, thay vì chỉ chú trọng xây dựng kênh mà không tương tác với những người dùng khác.
Tạm kết
Nếu bạn đang sử dụng TikTok như một kênh truyền thông, việc hiểu được cơ chế hoạt động, cách thuật toán TikTok phân phối các bài viết sẽ giúp bạn đưa các video lên xu hướng và giúp truyền tải thông điệp đến đối tượng mục tiêu dễ dàng hơn. Tham khảo ngay khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers để hiểu thêm về nguyên lý hoạt động của các platform nhằm lập được một kế hoạch Digital Marketing bài bản nhé!
Nếu bạn muốn tìm hiểu về cách tối ưu quảng cáo trên Tiktok và các nền tảng phổ biến khác như Meta, Google, hãy tham khảo khoá học Digital Performance của Tomorrow Marketers!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!