Các loại hình quảng cáo trên TikTok

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Hiện nay, TikTok cung cấp dịch vụ chèn quảng cáo IO (Insertion Order), theo đó các nhà quảng cáo sẽ làm việc trực tiếp với nền tảng để mua và đặt chỗ cho quảng cáo của mình. Bốn hình thức quảng cáo sẵn có bao gồm: In-feed video ad, Brand takeover, Hashtag challenge và Branded lense.

Vậy loại hình quảng cáo TikTok nào phù hợp nhất cho thương hiệu của bạn? 

Tùy thuộc vào mục tiêu Marketing và ngân sách của thương hiệu: ví dụ – nếu bạn muốn tiếp cận đối tượng rộng hơn và nhận nhiều tương tác hơn, thì quảng cáo In-Feed có thể là một lựa chọn phù hợp với các thương hiệu có ngân sách hạn hẹp, trong khi quảng cáo Brand Takeovers sẽ phù hợp với các thương hiệu có ngân sách “rộng tay” hơn. 

Các loại quảng cáo Tiktok
Lựa chọn loại hình quảng cáo TikTok theo phễu chuyển đổi | Nguồn ảnh: digitalbusinesslab.com

Branding Ads

1. In-feed video

In-feed video là quảng cáo dạng video được hiển thị trên mục “For You” của người dùng. Đây là dạng quảng cáo tương tự với quảng cáo trên Instagram story, được hiển thị toàn màn hình và cho phép người dùng bỏ qua. In-feed video hiện hỗ trợ nút dẫn về landing page của thương hiệu hoặc trang tải ứng dụng (áp dụng cho cả Apple Store và Google Play).

Tiktok Infeed video ad

In-feed video được chia thành hai loại: Direct Native Ad và Direct Diversion Ad. 

  • Direct Native Ad thường được sử dụng với mục tiêu tăng lượt xem và engagement cho video ngay trên nền tảng nhờ cho phép người dùng tương tác, comment, chia sẻ, theo dõi tài khoản hoặc tạo ra video mới với âm thanh gốc của video. Ngay cả khi campaign quảng cáo kết thúc, bạn vẫn có thể nhận thêm những tương tác organic mới không phải trả phí. Để mua quảng cáo, bạn cần sử dụng phương thức mua đặt chỗ trên TikTok.
  • Trong khi đó, Direct Diversion Ad lại là giải pháp giúp gia tăng lượt truy cập vào trang chủ (traffic) và lượt chuyển đổi (conversion) nhờ có đa dạng các điểm chạm có khả năng dẫn link. Loại hình quảng cáo này tương đối dễ tạo nhờ không bắt buộc có tài khoản. Để mua quảng cáo, bạn cần sử dụng phương thức mua đặt chỗ trên TikTok và phương thức Phản hồi trực tiếp (Direct Response).

Các chỉ số đo lường quảng cáo in-feed video bao gồm lượt hiển thị, click, CTR, tổng lượt xem (trên 3 giây, 10 giây và xem tới cuối), thời gian chạy video trung bình (duration), lượng tương tác với video (like, chia sẻ, bình luận). Các thương hiệu có thể tạo một chiến dịch và đo lường toàn bộ chiến dịch hoặc đo lường hiệu quả của từng video riêng lẻ. 

Ưu điểm: Quảng cáo có thể được chèn liền mạch vào feed của người dùng mà không làm gián đoạn trải nghiệm xem. 

Nhược điểm: Quảng cáo cần phải phù hợp với phong cách nội dung của thương hiệu cũng như phong cách nội dung của TikTok – điều này gần như chắc chắn bạn sẽ cần thiết kế nội dung quảng cáo mới. 

Thông số kỹ thuật của quảng cáo In-Feed:

  • Tỷ lệ video: 9:16, 1: 1 hoặc 16: 9
  • Kích thước video: phải ≥ 540 * 960px, ≥ 640 * 640px hoặc ≥ 960 * 540px.
  • Loại tệp: .mp4, .mov, .mpeg, .3gp hoặc .avi
  • Thời lượng video TikTok tối đa: 60 giây, đặc biệt, 9-15 giây sẽ là thời lượng được tối ưu theo TikTok.
  • Kích thước video Tiktok: ≤500 MB
  • Tốc độ bit ≥ 512kB. 

Sự kết hợp giữa Dua Lipa và In-feed Ads đã thúc đẩy traffic cho sản phẩm sneaker mới của Puma. Chiến dịch đã mang lại 16 triệu lượt hiển thị (impression) với hơn 112,000 clicks vào sản phẩm trên website. Đặc biệt, quảng cáo còn cho thấy kết quả tích cực với các chỉ số mức độ truy lại quảng cáo tăng 13,5%, mức độ quen thuộc tăng 10,2% và mức độ gia tăng 9,4% về ý định mua hàng.

Đọc thêm: Hướng dẫn chuyên sâu về chiến lược quảng bá thương hiệu trên TikTok

2. Brand takeover

Brand takeover là quảng cáo được hiển thị ngay khi người dùng khởi động ứng dụng, kéo dài tối đa 5 giây. Người dùng không thể thả tim hay comment đối với quảng cáo Brand takeover. Hiểu đơn giản, những quảng cáo này tương tự như non-skippable ads hoặc bumper ads của YouTube. Thay vào đó, khi ấn vào quảng cáo, người dùng sẽ được chuyển tới trang chủ của thương hiệu hoặc tới hashtag challenge – một dạng video được đính kèm hashtag, khuyến khích người dùng khác bắt chước theo để hình thành một trào lưu mới. Ngoài ra, Brand Takeover cũng hỗ trợ cho các chuyển đổi hướng tới landing page bên ngoài ứng dụng. Để mua quảng cáo, bạn cần sử dụng phương thức mua đặt chỗ trên TikTok.

Tiktok Brand Takeover Ad

Quảng cáo Brand takeover được đo lường bằng lượt hiển thị, click và lượt tiếp cận. Brand takeover thường được sử dụng nhằm quảng bá hashtag challenge do nhãn hàng tổ chức nhằm gia tăng lượt xem các video thuộc hashtag challenge cũng như tạo ra các video tương tự.

Ưu điểm: Loại hình quảng cáo này thường được sử dụng với mục tiêu tăng brand awareness nhờ là ưu thế độc quyền cho mỗi category –  tức là chỉ một thương hiệu có thể xuất hiện mỗi ngày trong vị trí đó, hay đồng nghĩa với việc người dùng không thấy nhiều hơn một quảng cáo Brand takeover mỗi ngày.

Nhược điểm:  Loại hình này có thể không phải lựa chọn tốt nếu bạn mới bắt đầu làm quen với quảng cáo TikTok bởi chi phí cho quảng cáo này lại ở mức cao.

Thông số quảng cáo Brand Takeover TikTok:

  • Các loại tệp cho hình ảnh tĩnh: JPG hoặc PNG.
  • Kích thước tập tin: <50 KB
  • Thời lượng video: 3-5 giây
  • Các loại tệp cho video: .mp4, .mov, .mpeg, .3gp hoặc .avi
  • Tỷ lệ khung hình được đề xuất: 9:16, 1: 1 hoặc 16: 9

Với dòng sản phẩm Pepsi Max không đường mới tung ra thị trường, PepsiCo đã sử dụng kênh TikTok để nâng cao awareness về dòng sản phẩm mới với thế hệ trẻ của Úc. 

Để thu hút sự chú ý và thu hút người xem, chiến dịch Pepsi Max Flavors đã thể hiện cá tính của từng biến thể hương vị mới thông qua quảng cáo đầy màu sắc và năng lượng cao. Chiến dịch lựa chọn loại hình In-Feed Ads kết hợp với Brand Takeover nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm video sống động đồng thời tăng số lần hiển thị và phạm vi tiếp cận rộng rãi. Kết quả, Pepsi nhận được tỷ lệ nhấp đạt 17% , hơn 10 triệu lần hiển thị với tiếp cận tới 3 triệu người dùng/ngày, trong đó có 936 nghìn người đã xem hết video.

3. Top View

Top view ads là một loại hình quảng cáo mới của TikTok được phát triển dựa trên quảng cáo Brand takeover. Điểm khác biệt duy nhất là Quảng cáo TopView xuất hiện ở đầu feed 5 giây sau khi người dùng mở ứng dụng. Đây là video đầu tiên họ xem khi mở ứng dụng và có xuất hiện nút “Bỏ qua” ở góc trên cùng bên phải.  

Loại hình quảng cáo này thường được sử dụng với mục tiêu tăng reach và engagement nhờ khả năng hiển thị trên màn hình chính ngay khi mở ứng dụng, phạm vi tiếp cận rộng và số lần hiển thị cao. Theo TikTok, loại hình quảng cáo này đứng đầu về mức độ tương tác và có hiệu quả bán hàng cao hơn 67% so với các loại quảng cáo khác. Bên cạnh đó, quảng cáo Top View cũng hỗ trợ cho các tương tác với người dùng như thả tim, comment, chia sẻ, theo dõi,… 

Tương tự với quảng cáo Brand Takeover, bạn có thể mua quảng cáo Top View với phương thức đặt chỗ trên TikTok.

Ưu điểm: Quảng cáo TopView có thể dài tối đa 60 giây, lâu hơn thời gian chạy thông thường của video TikTok. Do đó, nó hoàn hảo cho các doanh nghiệp muốn quảng cáo các sản phẩm hoặc dịch vụ cần thời gian chú ý lâu hơn, chẳng hạn như đoạn giới thiệu trên truyền hình.

Thông số quảng cáo TopView TikTok:

  • Thời lượng video tối đa: 60 giây
  • Độ phân giải được đề xuất: phải ≥540 * 960px, ≥640 * 640px hoặc ≥960 * 540px.
  • Tỷ lệ khung hình: 9:16, 1: 1 hoặc 16: 9
  • Loại tệp: .mp4, .mov, .mpeg, .3gp hoặc .avi
  • Kích thước tập tin: ≤500 MB
  • Tốc độ bit: ≥516 kbps

Sanofi – thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đã kết hợp In-Feed Ads và TopView Ads để giáo dục người tiêu dùng Brazil về lợi ích của thuốc trị đau đầu Dorflex UNO.Các quảng cáo đã nêu bật những lợi ích cốt lõi của sản phẩm và lý do vì sao người tiêu dùng nên sử dụng Dorflex UNO.

Với gần 27 triệu lượt xem video và tỷ lệ nhấp trung bình là 18,8%, chiến dịch không chỉ đạt được mục tiêu đề ra mà còn giúp tăng 7,8% về mức độ nhận biết thương hiệu.

Đọc thêm: 6 format quảng cáo trên Youtube mà Marketers không thể bỏ qua

4. Hashtag challenge

Hashtag challenge là hình thức tổ chức một trào lưu sáng tạo video với chủ đề được đính kèm dưới dạng hashtag (VD: #InMyDenim, #PretendIstrument). Khác với các loại hình quảng cáo còn lại, bất cứ ai cũng có thể sử dụng chức năng này để tạo nên một trào lưu mới mà không mất bất kỳ chi phí nào (tuy nhiên nhãn hàng sẽ bị hạn chế lượt truy cập so với việc trả phí). 

Hashtag challenge bắt đầu khi một tài khoản (thường là một influencer) đăng tải video đính kèm với hashtag, khuyến khích các fan hâm mộ làm theo. Ở phiên bản trả phí của chức năng này, TikTok cho phép các banner giới thiệu về thử thách xuất hiện ở mục TikTok Discover, dẫn về trang chủ của thương hiệu hoặc trang danh sách các video tham gia thử thách. 

Hashtag challenge được đo lường bằng số lượt xem và click vào banner, lượt xem trang hashtag, số video được tạo ra, số lượt xem video và lượt tương tác với video. Để mua quảng cáo, bạn cần sử dụng phương thức mua đặt chỗ trên TikTok.

Ưu điểm: Loại hình quảng cáo này thường được sử dụng với mục tiêu tăng brand awareness, reach và tăng trưởng follower nhờ khả năng tiếp cận rộng rãi với người dùng. Hashtag challenge cũng thường được các nhãn hàng áp dụng tương tự như các chiến dịch influencer marketing. Thay vì thụ động tiếp nhận thông điệp, các fan hâm mộ có thể đóng góp vào việc lan tỏa thông điệp thương hiệu bằng cách sản xuất ra các nội dung của người dùng (User-generated content) với chi phí nội dung thấp và mức độ tương tác và lan truyền cao.

TikTok cũng đã phát hành “Hashtag Challenge Plus”, cho phép người dùng mua sắm các sản phẩm có trong Hashtag Challenge mà không cần rời khỏi ứng dụng.

Nhược điểm: Hashtag challenge đòi hỏi một khoản chi phí không hề nhỏ bởi bạn sẽ có thể phải trả tới 150.000$ để được xuất hiện trên banner Discovery (Khám phá) của TikTok. 

Mới đây, Samsung đã trình làng sản phẩm điện thoại tân tiến Galaxy Z Fold3. Với mục tiêu đưa sản phẩm tiếp cận rộng rãi tới thế hệ Millennials và thế hệ Z, Samsung đã sáng tạo ra campaign đầy cảm hứng với key message “biến điều không thể thành có thể” – I’Mpossible Generation. Thông điệp của chiến dịch nhằm thể hiện một thế hệ trẻ Việt Nam dám vượt qua ranh giới và mở ra những khả năng mới trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

Thông qua chiến dịch Hashtag Challenge #VuDieuGapMo, người dùng được khuyến khích nhảy theo vũ điệu với cử chỉ tay thể hiện gập mở màn hình, hoặc thậm chí tự sáng tạo các động tác mới của riêng mình. 

Chiến dịch đã thành công vang dội và còn giúp Samsung tăng 14% doanh số so với mục tiêu và đạt thị phần số 1 trong phân khúc cao cấp vào tháng 9 năm 2021.

5. Branded lenses

Hình thức quảng cáo cuối cùng có tên Branded effect. Chức năng Branded effect hoạt động tương tự như các filter ngộ nghĩnh của Snapchat và Instagram Story. Theo đó, các effect được tạo ra bởi thương hiệu sẽ xuất hiện trong danh sách “hot”, “trending” trong 5 ngày đầu tiên ra mắt và tồn tại tối đa 10 ngày. 

Ưu điểm: Tương tự Hashtag challenge, Branded effect là cách thức quảng cáo thúc đẩy sự tương tác hai chiều giữa người dùng và thương hiệu, thông qua nội dung cho chính người dùng tạo ra. Filter và các hiệu ứng cũng đặc biệt phổ biến đối với người dùng TikTok, điều đó có nghĩa là việc tạo ra các hiệu ứng có thể thu hút nhiều người dùng hơn và tăng mức độ tương tác. Vì vậy, các thương hiệu thường sử dụng loại hình quảng cáo này với mục tiêu tăng brand awareness và engagement.

Nhược điểm: Loại hình quảng cáo này đòi hỏi chi phí khá cao, đồng thời không có nhiều khả năng đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi cuối phễu nếu không kết hợp với các loại hình khác.

Senka là thương hiệu chăm sóc da đến từ Nhật Bản nổi tiếng với sản phẩm Senka Perfect Whip. Thương hiệu đã phát động chiến dịch cho dòng sữa rửa mặt mới và lan tỏa thông điệp: Nâng niu làn da trắng hồng.

Để quảng bá thương hiệu và thông điệp của thương hiệu tại Việt Nam, Senka đã tung ra một video ca nhạc, kết hợp với Sunny Hạ Linh nhằm thử thách người dùng với Hashtag Challenge #HonCaTinhDau và hiệu ứng riêng của thương hiệu.

Kết quả là thương hiệu đã tiếp cận 26,9 triệu người, 166.500 video tham gia thử thách và hơn 9.000 video sử dụng hiệu ứng, tất cả đã thu hút hơn 359 triệu lượt xem video trên TikTok với CTR đạt 0,18%. Đặc biệt, doanh số bán Sữa rửa mặt Senka Perfect Whip đã tăng tới 160% trên Shopee so với mức trung bình của hai tháng trước đó. 

Đọc thêm: Các định dạng quảng cáo cơ bản trên Facebook 

Các loại hình quảng cáo Tiktok
Các loại hình quảng cáo Branding trên TikTok | Nguồn ảnh: digitalbusinesslab.com

Ecommerce Ads

Đây là các giải pháp giúp doanh nghiệp bán hàng trực tiếp trên nền tảng hoặc đưa người dùng vào landing page/ website bán hàng của doanh nghiệp.

1. Collection Ads

Tiktok Collection Ads

Với Tiktok Collection Ads, người dùng có thể khám phá đa dạng sản phẩm với trải nghiệm toàn màn hình trên di động. Khi nhấp chuột vào Collection, người dùng sẽ ngay lập tức được chuyển tới Instant Gallery Page (Một trang thư viện các sản phẩm dạng như landing page), nơi họ có thể xem danh mục sản phẩm của doanh nghiệp. Theo một khảo sát của Tikok, người dùng có xu hướng tương tác với Tiktok Collection Ads nhiều hơn 1.8 lần so với quảng cáo trên các nền tảng khác.

2. Deeplink Ads

Deeplink TikTok là một định dạng quảng cáo cho phép người dùng truy cập trực tiếp vào các sàn thương mại điện tử như Shopee hay Lazada. Định dạng này mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch cho người dùng, giúp giảm tỷ lệ thoát và tối đa hóa hiệu quả quảng cáo. Ưu điểm của Deeplink Tiktok:

  • Rút ngắn hành trình mua hàng bằng cách đưa người dùng đến thẳng trang Ecommerce.
  • Tăng tương tác và mức độ quay lại của khách hàng.
  • Giúp thương hiệu nhắm chọn chính xác khách hàng, tăng hiệu quả upsell và tăng ROI.
Deeplink TikTok

4. Quảng cáo điều hướng tới Tiktok Shop

Tận dùng xu hướng mua sắm kết hợp giải trí, Tiktok cho ra mắt Tiktok Shop với một số giải pháp quảng cáo để kích thích người dùng mua sắm ngay khi đang xem clip giải trí:

  • Video Shopping Ads: Quảng cáo cho phép người dùng mua sản phẩm ngay lúc xem quảng cáo. Người dùng sẽ nhấp vào các thẻ sản phẩm (giống 1 thẻ Call to Action) để xem mô tả sản phẩm ngay tại Quảng cáo. Sau đó, họ sẽ được điều hướng tới Tiktok Shop để mua hàng.
  • LIVE Shopping Ads: Quảng cáo cho phép người dùng xem Livestream và mua sản phẩm qua Livestream này.

Tạm kết

TikTok là một điển hình thú vị về một không gian mạng xã hội mang đậm tính biểu diễn và giải trí, cung cấp nội dung “mì ăn liền” vui nhộn và hóm hỉnh, có phần xa rời khái niệm truyền thống về mạng xã hội – nơi con người kết nối và tạo dựng các mối quan hệ. Mặc dù lựa chọn một con đường phi truyền thống, rốt cục số phận của TikTok vẫn phụ thuộc vào một công thức kinh điển đã và đang “kìm kẹp” Facebook, Instagram hay Youtube, đó là dung hòa lợi ích giữa người dùng và các nhà quảng cáo.

Về phía người dùng, nhiệm vụ của TikTok không chỉ dừng lại ở việc duy trì tính giải trí đã trở thành dấu ấn sâu đậm của nền tảng. Bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, đặc biệt là người dùng vị thành niên, cải thiện trải nghiệm của người dùng và hỗ trợ tối đa cho các nhà sáng tạo nội dung là một số thách thức lớn mà TikTok phải đối mặt trong quá trình xây dựng lượng người dùng lâu bền, tạo “bánh đà” thu hút các nhà quảng cáo.

Về phía các nhà quảng cáo, TikTok vẫn còn một hành trình dài phía trước để chứng tỏ mình là một nền tảng tối ưu trong việc kết nối thương hiệu với người dùng trẻ, cùng khả năng cung cấp hệ thống phân phối, quản lý quảng cáo tinh vi và chi tiết. Những yếu tố này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định TikTok sẽ chỉ là một cơn sốt ngắn hạn, hay một nền tảng bền vững song hành với các ông lớn khác trong cuộc chơi mạng xã hội.

Hãy tìm hiểu sâu hơn về cách lập kế hoạch và triển khai Digital Marketing hoàn chỉnh cho doanh nghiệp của mình tại khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách tối ưu quảng cáo trên Tiktok và các nền tảng phổ biến khác như Meta, Google, hãy tham khảo khoá học Digital Performance của Tomorrow Marketers!

khóa học digital performance

Tagged: