Tomorrow Marketers – Sự bùng nổ của các kênh truyền thông cùng với quá trình hợp nhất bộ phận PR và Marketing trong nhiều doanh nghiệp khiến cho hai lĩnh vực này thường bị nhầm lẫn với nhau, thậm chí bị coi là một. Mặc dù ngày nay mối quan hệ giữa PR và Marketing đang trở nên gần gũi, trong quá khứ chúng từng đảm nhiệm những chức năng tương đối khác biệt. Trong bài viết này, hãy cùng Tomorrow Marketers phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa PR và Marketing nhé.
1. Về mục đích
PR và Marketing phục vụ những mục đích khác nhau của tổ chức. PR đảm nhiệm việc duy trì hình ảnh tích cực và mối quan hệ tốt đẹp giữa tổ chức và những người có ảnh hưởng tới lợi ích của tổ chức (thường được gọi là stakeholders – bao gồm khách hàng, nhà đầu tư, chính quyền địa phương, báo chí,…). Như vậy, PR không can dự quá nhiều vào hoạt động kinh doanh của tổ chức (trong trường hợp tổ chức là doanh nghiệp). Có thể hình dung PR như một “nhà ngoại giao” giúp thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, dung hòa lợi ích giữa các bên.
Trái lại, marketing gắn liền với hoạt động kinh doanh của tổ chức và trong nhiều trường hợp phục vụ mục đích cuối cùng là gia tăng doanh thu cho tổ chức. Các chiến lược của marketing không nhất thiết lúc nào cũng giúp dung hòa lợi ích giữa các bên, chẳng hạn như việc ra mắt sản phẩm mới hay tăng giá sản phẩm hiện tại rõ ràng không đem lại lợi ích cho khách hàng.
2. Hoạt động
PR bao gồm nhiều hoạt động đa dạng, chẳng hạn như liên hệ với báo chí, tổ chức sự kiện, các hoạt động từ thiện, cuộc thi, hội thảo, truyền thông trên mạng xã hội… Trong quá khứ, duy trì mối quan hệ với cánh nhà báo chính là hoạt động chính yếu của PR, trong bối cảnh báo giấy vẫn là phương tiện truyền thông có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới nhận thức của công chúng. Thông qua báo chí, các chuyên viên PR cho công chúng biết được tình hình hoạt động của tổ chức và những thông tin quan trọng khác. Về bản chất, PR không bao giờ trả tiền cho các hoạt động của mình, thế nhưng điều này không còn đúng trong thời đại hiện nay. Xét cho cùng, việc xây dựng và trả lương cho đội ngũ PR đã có thể được coi là một khoản chi phí.
Các hoạt động của marketing trải dài từ xây dựng chiến lược marketing gắn liền với chiến lược kinh doanh, cho tới từng hoạt động thực thi như trưng bày POSM tại điểm bán hay đặt lịch quảng cáo với đài truyền hình. Chi phí cho hoạt động marketing là khác nhau tùy vào tổ chức, nhưng nhìn chung chúng luôn đắt đỏ hơn PR.
3. Đối tượng
Đối tượng của PR là tất cả những bên có ảnh hưởng tới lợi ích của tổ chức, cho dù đó là khách hàng, các cổ đông, chính quyền địa phương hay các đối thủ. Trong khi đó, đối tượng của của marketing thì hẹp hơn, thường xoay quanh hai nhóm chính là khách hàng (trong các doanh nghiệp B2C) và đối tác kinh doanh (trong các doanh nghiệp B2B).
4. Vì sao PR và Marketing lại được hợp nhất ngày nay?
Có nhiều cách thức lý giải cho sự đồng nhất giữa PR và Marketing hiện nay. Trong đó, một số xu hướng trong lịch sử đóng vai trò quan trọng trong sự đồng nhất này bao gồm:
- Báo chí mất đi vị thế và uy tín của mình, các tổ chức có thể tự mình giao tiếp với công chúng, đặc biệt là qua các kênh digital (website, fanpage mạng xã hội,…), do đó, việc vận hành một đội ngũ PR dần trở nên thừa thãi.
- Quyền lực của khách hàng gia tăng (thông qua mạng xã hội, các trang review,…), họ yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội thay vì mù quáng đuổi theo lợi nhuận. Các trào lưu tẩy chay sản phẩm, hàng hóa của các nhãn hàng nổ ra mặc cho các nỗ lực quảng cáo hay giảm giá. Do đó, Marketing buộc phải làm việc gần gũi với PR và gánh vác những phần việc trước đây là của riêng PR.
- Bản thân PR mất đi sức mạnh của mình khi giờ đây bất cứ ai cũng có thể sử dụng các kênh truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để gây ảnh hưởng và dẫn dụ đám đông. Xây dựng và truyền bá nội dung không còn là đặc quyền của báo chí hay các tổ chức.
Đọc thêm: Tác động của KOLs đến thị trường mỹ phẩm Việt Nam
Tạm kết
Tomorrow Marketers hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn phân biệt được sự khác nhau giữa Marketing và PR cũng như phần nào hiểu hơn về những thuật ngữ chuyên ngành từ đó hiểu được bản chất cốt lõi của chúng. Nắm chắc các kiến thức marketing căn bản là bước đệm cần thiết để tiến xa hơn trong sự nghiệp tương lai. Khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers không chỉ cung cấp những nguyên tắc lý thuyết, mà còn giúp người học áp dụng vào các trường hợp thực tế trong ngành marketing, do vậy đừng bỏ lỡ cơ hội này nhé!