Social Media được hiểu là tập hợp các trang web & ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ nội dung và tham gia mạng xã hội trực tuyến. Ví dụ: Facebook, Instagram hoặc Twitter. Trong thời đại 4.0 hiện nay, với sự cạnh tranh gay gắt của các thương hiệu đặc biệt là trên các nền tảng social media do đó Marketer cần phải thật thông minh biết khi nào thì nên làm gì và chọn nền tảng nào để thực thi Digital Marketing.
Hiện nay social media được chia làm 9 loại chính, mỗi loại bao gồm một số nền tảng social media hướng đến một đối tượng người dùng nhất định. Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn tìm hiểu 9 loại hình social media để có chiến thuật sử dụng hợp lý nhé.
1. Mạng xã hội (social networks):
Người dùng sử dụng các mạng này để kết nối với các người dùng khác (và thương hiệu) trực tuyến cũng chia sẻ các thông tin, trạng thái cảm xúc.
Ví dụ: Facebook, Twitter, LinkedIn
Đây là loại social media phổ biến nhất hiện nay, đặc điểm của nó là người dùng sử dụng để chia sẻ, giao lưu với nhau hay cập nhật trạng thái và tin tức cá nhân. Ngoài ra, do sự bùng nổ của Internet mobile đã biến mạng xã hội thành một nguồn (hub) nơi mọi thứ liên quan đến cuộc sống được cập nhật liên tục.
Hơn nữa, đây là nền tảng chính mà các thương hiệu tập trung vào marketing vì đây là social media có lượng người dùng đông nhất trong tất cả các loại và khả năng tiếp cận họ cũng cao hơn. Tuy nhiên, để có thể tối ưu hóa hiệu quả thì thương hiệu cần phải xây dựng chiến lược hợp lý và content muốn truyền tải phải chất lượng và mang lại giá trị cho người xem.
2. Mạng chia sẻ phương tiện truyền thông (media sharing networks):
Người dùng sử dụng các mạng này để tìm và chia sẻ ảnh, video, livestream.
Ví dụ: Instagram, Snapchat, YouTube, TikTok
Sự khác biệt giữa loại hình social media này so với mạng xã hội chính là mạng này ưu tiên, tập trung đăng dưới dạng video, hình ảnh, livestream. Ví dụ, TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội, nó là nền tảng video ngắn hàng đầu ở châu Á, và đã thiết lập chính nó như là ứng dụng phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Hoặc Instagram là một phần mềm chia sẻ ảnh miễn phí cho phép người dùng chụp ảnh trên điện thoại của mình, thêm các bộ lọc hình ảnh, và sau đó chia sẻ trên nhiều mạng xã hội khác nhau, kể cả Instagram.
3. Diễn đàn thảo luận (discussion forums):
Người dùng sử dụng các diễn đàn này để tìm, thảo luận và chia sẻ tin tức, thông tin và ý kiến.
Ví dụ: Reddit, Quora, Digg
Đây là nền tảng mà người dùng sử dụng để tìm hiểu những thông tin mà họ quan tâm nhưng thường không phải lộ danh tính. Loại social media này tập hợp các cộng đồng sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho người dùng về nhiều lĩnh vực và chủ đề khác nhau. Chẳng hạn như Quora là một trang web hỏi đáp (Q&A) được cộng đồng người sử dụng tạo lập, trả lời, và biên tập. Quora tập hợp các câu hỏi và câu trả lời cho các chủ đề phát sinh trong cuộc sống hay công việc hàng ngày. Người dùng có thể hợp tác bằng cách chỉnh sửa câu hỏi và gợi ý chỉnh sửa câu trả lời của người dùng khác, Quora còn giúp các câu trả lời ngắn gọn ấy được đầy đủ hơn qua các bài viết nói lên kinh nghiệm thường gặp của bản thân.
4. Mạng lưới đánh dấu và quản lý nội dung (bookmarking and content curation networks)
Người dùng sử dụng các mạng này để khám phá, lưu, chia sẻ và thảo luận về nội dung và xu hướng mới.
Ví dụ: Pinterest, Flipboard
Loại social media này giúp người lưu trữ, chia sẻ và thảo luận về tin tức, xu hướng hiện tại. Thông thường, nó sẽ là nguồn mà người dùng tìm kiếm thông tin và ý tưởng cho công việc của bản thân, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến sáng tạo. Ví dụ, Pinterest giúp người dùng chia sẻ ảnh theo dạng mạng xã hội, post và phân loại dưới dạng các tấm bảng dán ảnh (hoặc đính vào bằng kim). Người dùng tạo ra và quản lý các bộ sưu tập ảnh theo các chủ đề khác nhau, như theo các sự kiện, sở thích… Người dùng có thể xem các bộ sưu tập của người khác, repin (kéo về) đính vào các bộ sưu tập của mình, hoặc “like” ảnh.
5. Mạng lưới đánh giá của người tiêu dùng (consumer review networks)
Người dùng sử dụng các mạng này để tìm, xem xét và chia sẻ thông tin về thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ, cũng như nhà hàng, điểm đến du lịch,…
Ví dụ: Yelp, TripAdvisor
Social media này cung cấp cho người dùng một nơi để đánh giá các thương hiệu, doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ, điểm du lịch hoặc bất kỳ thứ gì khác mà người dùng quan tâm. Theo đó, yếu tố đánh giá được xem như là giá trị cốt lõi của loại hình này. Ví dụ, TripAdvisor, Inc chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch, bao gồm cả các diễn đàn du lịch nơi mà người dùng có thể để lại review của mình về địa điểm, cơ sở lưu trú hay là ẩm thực tại địa phương.
6. Mạng blog và xuất bản nội dung (blogging and publishing networks)
Người dùng sử dụng các mạng này để xuất bản và bình luận về nội dung trên nền tảng.
Ví dụ: WordPress, Tumblr, Medium
Mạng blog và xuất bản nội dung cho phép người dùng sử dụng các công cụ để xuất bản nội dung kèm theo là các tính năng khuyến khích như chia sẻ và nhận xét. Các mạng này bao gồm từ các nền tảng blog truyền thống hơn như WordPress và Blogger. Ví dụ, Tumblr là một dạng blog và mạng xã hội được sáng lập bởi David Karp vào năm 2007, cho phép người dùng đăng tải các nội dung đa phương tiện lên một trang blog, đồng thời theo dõi blog của những người dùng khác.
7. Mạng mua sắm xã hội (social shopping networks)
Người dùng sử dụng các mạng này để phát hiện xu hướng, theo dõi các thương hiệu, chia sẻ về sản phẩm và mua hàng.
Ví dụ: Polyvore, Etsy, Fancy
Loại mạng xã hội này là sự tích hợp giữa trải nghiệm mua sắm trên thương mại điện tử và trải nghiệm tương tác trên mạng xã hội. Một số nền tảng social media khác cũng có tích hợp các yếu tố thương mại điện tử nhưng chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ người dùng chứ không phải mục tiêu chính mà nó hướng tới. Chẳng hạn, Pinterest có ứng dụng Ghim để mua sắm, nhưng mục đích chính của nó vẫn là chia sẻ hình ảnh giữa những người dùng với nhau.
Sau đây là một số ví dụ điển hình về loại social media này. Etsy là nền tảng mà người dùng kết nối với nhau để mua và bán các đồ thủ công, cổ điển. Nó còn cho phép người bán hàng thiết lập một “cửa hàng” trực tuyến.
Hoặc Polyvore cho phép người dùng sáng tạo phong cách của riêng mình dựa trên hàng ngàn trang phục và phụ kiện. Hơn nữa người dùng cũng có thể tham khảo qua các phong cách được gợi ý sẵn từ những người dùng khác và từ bộ sưu tập của chính Polyvore.
8. Mạng xã hội ẩn danh (anonymous social networks)
Người dùng sử dụng các mạng này để trò chuyện, trút giận và đôi khi bắt nạt người khác. Thậm chí, người dùng có thể đặt câu hỏi cho người khác khi ẩn danh.
Ví dụ: Whisper, Ask.fm, After School
Trong khi xu hướng chung của các loại social media khác là buộc người dùng phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động của họ trên nền tảng. Loại mạng xã hội này cho phép người dùng ẩn danh tính của mình và thường được dùng để xả hơi hoặc trò chuyện với nhau. Một trong những mạng ẩn danh hiện nay là Ask.fm, mạng này cho phép người dùng ẩn danh và đi hỏi những người cùng tham gia Ask.fm khác hoặc là người trả lời tất cả những câu hỏi mà người dùng ẩn danh đặt ra cho bạn.
9. Mạng dựa trên sở thích (interest-based networks):
Người dùng sử dụng các mạng này để kết nối với những người khác có cùng một sự quan tâm hoặc sở thích chung.
Ví dụ: Goodreads, Houzz, Last.fm
Các mạng này tập trung vào thu hút những người dùng có chung sở thích hoặc chủ đề quan tâm, chẳng hạn như sách, âm nhạc hoặc kiến trúc. Mặc dù, có các nhóm hoặc diễn đàn khác cũng có những không gian dành cho những người có chung sở thích, nhưng vì loại mạng xã hội dựa trên sở thích này chỉ tập trung vào một lĩnh vực duy nhất cho phép mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và cộng đồng đó. Ví dụ như Last.fm (dành cho nhạc sĩ và người yêu nhạc); Goodreads (dành cho tác giả và người mê sách). Mỗi nền tảng này có thiết kế riêng biệt hướng đến đối tượng người dùng của họ.
Tạm kết
Am hiểu tường tận các loại hình social media cũng như đặc điểm của thương hiệu là bước chuẩn bị quan trọng để Marketers quyết định hướng đi hợp lý khi xây dựng Digital Planning. Lựa chọn nền tảng social media là một trong những nghiệp vụ quan trọng của Marketer. Nếu bạn có tò mò về social media nói riêng cũng như thế giới digital nói chung, bao gồm các kiến thức và kỹ năng để gia nhập ngành, hãy tìm hiểu khoá học Digital Foundation ngay nhé.