Tomorrow Marketers – Social Media là công cụ Digital phổ biến và được nhiều hầu hết các doanh nghiệp sử dụng cho các chiến dịch truyền thông của mình. Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ giúp bạn hiểu tổng quan về định nghĩa social media marketing, lợi ích của nó đối với doanh nghiệp và quá trình thực thi social media marketing với 5 bước chính.
1. Social Media Marketing là gì?
Trước khi tìm hiểu về Social Media Marketing, bạn cần phải hiểu được thế nào là Social Media. Định nghĩa khái quát nhất có thể hiểu Social Media là tập hợp các trang web & ứng dụng cho phép người dùng chia sẻ nội dung và tham gia mạng xã hội trực tuyến.
Trên thực tế, có rất nhiều loại social media như mạng xã hội (Facebook, Twitter), mạng chia sẻ phương tiện truyền thông (Instagram, YouTube), diễn đàn thảo luận (Reddit, Quora) hay mạng lưới đánh dấu và quản lý nội dung (Pinterest, Flipboard).
Social Media Marketing là việc sử dụng các nền tảng social media để kết nối với khách hàng nhằm xây dựng thương hiệu, thúc đẩy lượng truy cập website và tăng doanh số bán hàng. Cụ thể, Social Media Marketing bao gồm việc tạo ra nội dung, lắng nghe và tương tác với những người theo dõi, phân tích kết quả và chạy quảng cáo trên social media.
2. Lợi ích mà Social Media Marketing mang lại cho doanh nghiệp
Gia tăng nhận thức về thương hiệu
Theo số liệu từ Statista, vào năm 2020, có đến 3,6 tỷ người dùng social media trên khắp thế giới, và con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên tới 4,4 tỷ người vào năm 2025. Do vậy, bằng cách hiện diện và hoạt động tích cực trên các nền tảng social media, doanh nghiệp sẽ nâng cao cơ hội được biết đến và lựa chọn bởi khách hàng.
Tạo ra lead và cải thiện tỷ lệ chuyển đổi khách hàng
Việc chia sẻ nội dung hữu ích liên quan đến sản phẩm trên social media là một cách tạo ra khách hàng tiềm năng, thúc đẩy chuyển đổi và tăng doanh số bán hàng. Cách mà doanh nghiệp thường làm để tăng thêm lead là hướng lưu lượng truy cập vào website bằng việc dẫn đường link trực tiếp trên các bài đăng. Ngoài ra, các chức năng thường có trên social media như share, like, comment cũng giúp tăng tương tác và hỗ trợ việc thu hút khách hàng tiềm năng.
Duy trì mối quan hệ với khách hàng
Bằng cách thường xuyên mang đến những nội dung hấp dẫn và tích cực tương tác với những người theo dõi trên social media, doanh nghiệp có thể xây dựng mối quan hệ lâu dài với đối tượng khách hàng tiềm năng của thương hiệu. Không chỉ dừng lại ở việc trả lời bình luận và tin nhắn từ phía người khách hàng, ngày nay các thương hiệu còn có những hình thức rất sáng tạo nhằm nâng cao sự hài lòng và trung thành như mang đến dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng 24/24 qua chatbox, tổ chức cuộc thi hay hoạt động giveaway (tặng quà miễn phí).
Đọc thêm: Interactive Marketing – Làn sóng mới thu hút tăng sự thu hút người dùng trên Social Media Marketing
Trước khi đi vào tìm hiểu các bước cụ thể để truyền thông hiệu quả trên mạng xã hội, có thể bạn muốn hình dung rõ hơn về cách thức làm Marketing trên môi trường số khác so với trước kia như thế nào? Marketers phải trang bị cho mình những vũ khí gì để trụ vững và phát triển trên môi trường đầy biến động này. Cùng TM khám phá qua một video ngắn dưới đây nhé.
3. Quá trình thực thi Social Media Marketing
Để thực thi một chiến dịch trên social media, doanh nghiệp cần dựa trên năm bước chính dưới đây:
Bước 1: Lên chiến lược (Strategy)
Trong bước này, doanh nghiệp cần phải xác định KPIs cụ thể, khách hàng mục tiêu, kinh phí và hình thức chiến dịch cho từng kênh. Nếu khách hàng mục tiêu là doanh nghiệp thì Linkedin sẽ là một lựa chọn tốt. Trong khi đó, nếu khách hàng mục tiêu là B2C thì Facebook hay Youtube sẽ phù hợp hơn.
Cụ thể hơn, khi lên chiến lược cho các hoạt động social media, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:
Mục tiêu của doanh nghiệp khi sử dụng social media là gì?
Mỗi công ty sẽ có chiến lược Social Media Marketing khác nhau dựa vào ngành kinh doanh, định hướng phát triển, thời điểm, nền tảng social media,…Nhưng nhìn chung, mục tiêu hàng đầu mà Social Media Marketers thường hướng tới là: tăng nhận thức về thương hiệu (brand identity), tạo ra sự gắn kết giữa người dùng và nhãn hàng (engagement), tăng số lượt nhấp vào trang web doanh nghiệp (traffic).
Social media còn có thể giúp doanh nghiệp tạo ra tương tác xoay quanh thương hiệu, tạo ra một cộng đồng và hoạt động như một kênh hỗ trợ khách hàng. Cho dù mục tiêu là gì thì việc đặt ra các mốc hoặc số liệu cụ thể sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi được tiến độ hoàn thành mục tiêu.
Nền tảng social media nào doanh nghiệp nên tập trung xây dựng?
Các nền tảng social media phổ biến trên thế giới là Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat, LinkedIn và Twitter. Cũng có những nền tảng mới nổi như TikTok, Tumblr và các giao diện nhắn tin như Messenger, WhatsApp và WeChat. Khi mới bắt đầu hoạt động trên social media, doanh nghiệp chỉ nên chọn một vài nền tảng mà khách hàng mục tiêu thường xuyên hoạt động tích cực hơn là trên tất cả các nền tảng bởi có thể gây ra sự lãng phí ngân sách không cần thiết.
Loại nội dung nào doanh nghiệp muốn chia sẻ?
Doanh nghiệp nên nghiên cứu xem loại content nào sẽ thu hút khách hàng mục tiêu nhất. Đó là dạng hình ảnh hay video? Nội dung mang tính giáo dục hay giải trí? Để trả lời cho những câu hỏi này doanh nghiệp nên vẽ chân dung khách hàng cụ thể (persona). Chân dung này không nhất thiết phải cố định, mà có thể luôn thay đổi tùy vào kết quả hoạt động của các trang social media.
Bước 2: Lên kế hoạch và đăng bài (Planning and Publishing)
Social media marketing cho các doanh nghiệp nhỏ thường bắt đầu với sự hiện diện thường xuyên và nhất quán trên social media. Việc đăng bài cũng đơn giản như chia sẻ hình ảnh hay video trên social media. Tuy nhiên cần lên kế hoạch thật kỹ càng từ trước thay vì tạo và đăng tải nội dung một cách tự phát. Bên cạnh đó, để nội dung có cơ hội tiếp cận tối đa trên social media, doanh nghiệp cần đảm bảo những nội dung đó thực sự hấp dẫn với khách hàng mục tiêu vào thời điểm thích hợp.
Đọc thêm: 3 điều Content Marketer cần lưu ý khi xây dựng Content Planning hiệu quả trên social media
Bước 3: Lắng nghe và Tương tác (Listening and Engagement)
Khi hoạt động kinh doanh và kênh social media đều phát triển, các thảo luận xoay quanh thương hiệu cũng tăng lên. Những người quan tâm sẽ bình luận dưới các bài đăng, gắn thẻ hoặc thậm chí nhắn tin trực tiếp cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối tượng khách hàng tiềm năng cũng có thể có những trao đổi liên quan đến thương hiệu trên social media mà doanh nghiệp không nắm bắt được. Do vậy mà doanh nghiệp nên thường xuyên theo dõi thảo luận của người dùng, để nếu đó là một bình luận tiêu cực, doanh nghiệp có thể nhanh chóng phản hồi và giải quyết trước khi tình hình trở nên xấu đi.
Tuy nhiên, sẽ là mất thời gian và không hiệu quả nếu doanh nghiệp dành thời gian kiểm tra tất cả các bình luận xoay quanh thương hiệu trên toàn bộ hệ thống social media một cách thủ công. Thay vào đó, doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ lắng nghe khách hàng trên social media (social listening tools) để hỗ trợ việc theo dõi và phân tích các lượt đề cập này.
Bước 4: Tiến hành phân tích (Analytics)
Dù xuất bản nội dung hay tương tác với khách hàng, doanh nghiệp cũng đều cần nắm được kết quả hoạt động marketing trên các nền tảng social media của mình. Liệu các trang này có thu hút số người theo dõi nhiều hơn so với tháng trước? Có bao nhiêu lượt đề cập tích cực trong một tháng qua? Có bao nhiêu người sử dụng hashtag của thương hiệu trên các bài đăng?
Phân tích ở đây bao gồm việc đo lường các chỉ số và từ đó vạch ra chiến lược để cải thiện tỷ lệ truy cập web cũng như tỷ lệ chuyển đổi mong muốn. Khi một người vào page của doanh nghiệp và sau đó trở thành một khách hàng, điều gì sẽ thúc đẩy quá trình đó? Tìm ra lời giải đáp chính là kết quả của quá trình phân tích.
Thông thường, sẽ có 3 loại công cụ điển hình để phân tích số liệu từ các kênh Social Media bao gồm: công cụ phân tích từ chính nền tảng đó (In-platform Analytics), công cụ được chèn vào nền tảng đó (Integrated Analytics), và công cụ đo lường dựa trên KPI (Measure against KPIs).
Tuy nhiên, trước khi bắt đầu, doanh nghiệp nên biết rằng các chỉ số chỉ hiệu quả nếu họ biết rõ ý nghĩa và thấy được tình trạng kinh doanh đằng sau những con số. Nói cách khác, nếu doanh nghiệp chỉ biết thu thập thông tin mà không hiểu hết ý nghĩa của các con số này, hoặc thu thập những chỉ số không cần thiết thì hoạt động đánh giá và phân tích sẽ trở nên vô nghĩa.
Đọc thêm: Đọc vị các chỉ số đo lường cơ bản trên Social Media
Bước 5: Quảng cáo (Advertising)
Khi doanh nghiệp có thêm ngân sách để phát triển social media marketing, cần cân nhắc thêm social media advertising, bởi quảng cáo trên social media cho phép doanh nghiệp tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn bên cạnh những người đang theo dõi thương hiệu. Việc quảng cáo trên social media ngày nay cũng vô cùng hiệu quả giúp cho doanh nghiệp nhắm đến những đối tượng khách hàng tiềm năng nhất. Nếu đang chạy nhiều chiến dịch social media advertising cùng lúc, doanh nghiệp có thể xem xét sử dụng công cụ để có thể tự động hóa quy trình và tối ưu hóa những quảng cáo này.
4. 03 ví dụ Social Media Marketing nổi bật
Có rất nhiều cách thức khác nhau để có được một chiến dịch social media hiệu quả và thành công. Dưới đây TM sẽ giới thiệu 3 chiến dịch social media nổi bật trên thế giới trong năm 2020, để xem các thương hiệu nổi tiếng đã sáng tạo thế nào trên nền tảng social media của mình.
Dove
Dove là một thương hiệu thường xuyên mang đến những chiến dịch dựa trên mục đích cao đẹp, vì xã hội trên social media. Những chiến dịch này chủ yếu xoay quanh việc tôn vinh vẻ đẹp, sự đa dạng, và xóa bỏ định kiến về sắc đẹp của phụ nữ.
Trong chiến dịch mới nhất, Dove đã kêu gọi những người phụ nữ đến từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ ảnh chụp chân dung nhằm đề cao những phẩm chất và nét đẹp riêng của họ. Ý tưởng này đã được đón nhận rất nồng nhiệt, được chia sẻ nhiệt tình bởi cộng đồng người dùng Instagram và giúp Dove xây dựng được thư viện với hơn 5,000 bức ảnh.
Sự thành công của chiến dịch social media này không chỉ đến từ việc truyền tải thành công thông điệp chạm tới trái tim khán giả (ai cũng sở hữu vẻ đẹp của riêng mình) mà quan trọng hơn là việc thông điệp đó đã khuyến khích khách hàng tự tạo nội dung xoay quanh thương hiệu (user-generated content).
Netflix
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn ra phức tạp, Netflix đã chọn social media là nơi để tương tác với khách hàng theo cách vô cùng ý nghĩa.
Cụ thể, nền tảng chiếu phim trực tuyến này đã cho ra mắt series trên Instagram Live giúp mọi người có cơ hội kết nối với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ và xin tư vấn về vấn đề của họ. Đây cũng là một chiến lược thông minh dựa trên sự thấu hiểu về nhu cầu muốn được kết nối và sẻ chia của khách hàng.
Bằng việc mang đến những talk show, hay chỉ đơn giản là một buổi nói chuyện gần gũi, chiến dịch của Netflix đã giúp khách hàng gắn kết tốt hơn với thương hiệu và từ đó thúc đẩy và nuôi dưỡng sự trung thành của họ.
Zoom
Có thể nói năm 2020 là một năm bùng nổ của ứng dụng Zoom, nơi người dùng thực hiện những cuộc gọi trực tuyến dù họ đang ở bất cứ đâu.
Cũng như Netflix, Zoom đã phát huy tuyệt đối thế mạnh của mình trong thời điểm dịch bệnh bằng việc cung cấp giải pháp làm việc và học tập trực tuyến vô cùng hữu ích. Để gia tăng tương tác với khách hàng và nâng cao nhận thức thương hiệu, Zoom đã tổ chức cuộc thi Virtual Background trên Instagram, trong đó người tham dự cần chia sẻ một bức ảnh hoặc video với sự hỗ trợ của phông nền ảo.
Đây là một cách thức thú vị nhằm mục đích thu hút khách hàng tiềm năng trải nghiệm gói dùng thử miễn phí với những tính năng đặc sắc của Zoom, bên cạnh đó còn có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo và nhận được những phần quà hấp dẫn.
Đọc thêm: Marketer làm thế nào để bắt kịp khi social media đang thay đổi chóng mặt?
Tạm kết
Social media thực sự là một kênh marketing quan trọng và cần sự phát triển lâu dài, bền vững và cần một thời gian dài để xây dựng. Hiểu rõ về các kênh Social Media sẽ giúp cho doanh nghiệp có một chiến lược marketing hiệu quả và mang lại doanh thu cao hơn. Nếu bạn quan tâm tới việc lập kế hoạch digital bài bản, để giảm chi phí và tăng doanh thu, hãy tìm hiểu kĩ hơn ở khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!