Thin content (Phần 1): Tác hại của thin content và tiêu chuẩn về content của Google

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Thin content từng là một trong những vấn đề của SEO mà Google muốn giải quyết triệt để với thuật toán Panda được update vào năm 2011. Sự kiện đó gây chấn động ngành công nghiệp và châm ngòi cho cuộc chiến chống những nội dung chất lượng kém của gã khổng lồ Google.  

Động thái này cũng gây khó khăn cho những thủ thuật SEO “mũ đen” cố tình thay đổi SERP. SERPs là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Search Engine Results Page dùng để chỉ những trang kết quả được các bộ máy tìm kiếm (Google, Yahoo, Bing…) trả về khi một ai đó thực hiện một truy vấn tìm kiếm tới các bộ máy tìm kiếm này.

Tuy nhiên, vẫn có những lí do chính đáng mà thin content nên xuất hiện trên website của bạn. Trong bài viết này, Tomorrow Marketers sẽ giải thích thin content là gì, làm thế nào để phát hiện và cần làm gì với nó.

Thin content là gì?

Google miêu tả thin content là nội dung hầu như không mang lại thêm giá trị gì. Và bạn sẽ chỉ nhìn thấy định nghĩa này nếu chẳng may bạn nhận được cảnh báo từ Google Search Console rằng bạn đã… bị phạt vì website của bạn chứa thin content.

Vậy thứ nội dung “hầu như không mang lại thêm giá trị gì” trong định nghĩa của Google chính xác là gì vậy?

Trở về những ngày đầu thuật toán Panda mới ra đời, Google đã để mắt đến những cách sử dụng dễ gây nhầm lẫn của thin content. Ví dụ như:

1. Nội dung được tạo ra tự động

Trong trường hợp này, chúng ta xét đến content chất lượng kém được tạo ra bởi hàm concat (hàm kết hợp hai hoặc nhiều chuỗi làm một) cơ bản đem lại nội dung với giá trị thấp. Để cho dễ hiểu, hãy tưởng tượng bạn lấy một mẩu tin tiếng Tây Ban Nha cho vào Google Translate rồi đăng lên website. Đừng bao giờ làm như vậy!

Sự thật là chúng ta đang bắt đầu quen với việc máy móc có thể viết lách một cách “điêu luyện” không kém gì con người với sự phát triển của AI và học máy. Tuy nhiên, những content kiểu này vẫn cần được kiểm tra cẩn thận trước khi được đăng.

Đọc thêm: Sử dụng công cụ tìm kiếm sao cho sang 

2. Nội dung chất lượng kém của các đối tác (affiliates)

Affiliate Marketing có lẽ là một thuật ngữ mới mẻ đối với khá nhiều người, nhưng trên thực tế, đây là một mô hình rất phổ biến hiện hữu trong Digital Marketing. Affiliate Marketing là một mô hình quảng cáo mà trong đó doanh nghiệp trả tiền cho một bên khác để đăng tin về sản phẩm của họ nhằm tạo ra thêm traffic và lead. Những bên này được gọi là các affiliate. Các affiliate sẽ cố gắng để quảng bá sản phẩm của công ty vì họ sẽ được “ăn” hoa hồng từ số sản phẩm bán được bài viết của họ. Còn nơi để các affiliate đăng bài review là các affiliate website. Và mục này sẽ là lời khuyên dành riêng cho những website như vậy.

Gã khổng lồ Amazon đã lan tỏa hình thức này khi chạy chương trình affiliate marketing. Trong đó, các website và blogger đăng bài review sản phẩm đang được bán trên Amazon lên trang web của Amazon và nhận được “thù lao” quảng cáo với mỗi sản phẩm được bán. Theo thống kê của Business Insider, 15% doanh thu của thương mại điện tử đến từ affiliate marketing.

Vậy quay trở lại câu chuyện tại sao chúng ta lại phải lo về chất lượng content của các affiliate. Không ai có thể đảm bảo rằng tất cả các thông tin affiliate cung cấp về sản phẩm thực sự hỗ trợ cho quyết định mua hàng của người dùng. Và giả sử trong chương affiliate marketing trên, Amazon nhận được những bài review “không có tâm” với nội dung nghèo nàn từ các affiliate thì liệu các “cặp mắt diều hâu” của hơn 10 000 Google Quality Raters sẽ bỏ qua cho họ chứ?

Hãy khách quan tự hỏi bản thân xem liệu có lí do nào mà người dùng phải vào trang của bạn để tìm hiểu về sản phẩm trước khi vào trang web chính thức của nhãn hàng. Tức là, người dùng đã phải thêm một bước vào hành trình mua hàng của họ thì liệu giá trị mà website của bạn tạo ra có xứng với một bước mà họ phải bỏ ra không? 

Chỉ cho phép các affiliate đăng bài có liên quan mật thiết tới công chúng mục tiêu. Điều này giúp website tránh khỏi việc thông tin “hổ lốn” gây ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm và tương tác của người dùng.

3. Nội dung được sao chép từ các nguồn khác

Nếu bạn thêm content từ các nguồn khác bên ngoài vào website của bạn, bạn cũng có nguy cơ bị phát hiện vì sử dụng thin content. Có hàng tỉ cách để sao chép nội dung, và cách nào thì cũng bị phát hiện ra thôi! Dưới đây là một vài cách phổ biến hay được sử dụng: 

  • Copy – paste y nguyên toàn bộ/ một phần
  • Copy lộ liễu dù cố thay đổi một vài chi tiết nhỏ
  • Sử dụng những biện pháp thay đổi mục đích của content gốc để khiến nó trở nên độc đáo
  • Copy toàn bộ bài từ nhiều nguồn khác nhau

4. Sử dụng Doorway Page

Doorway pages là những trang được tạo ra  để spam trên công cụ tìm kiếm. Trên hàng trăm kết quả tìm kiếm, có thể có một số doorway pages. Làm thế nào để bạn nhận ra chúng? Khi bạn click vào một doorway page, trang này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin chung liên quan đến từ khóa tìm kiếm và yêu cầu bạn “click here” để được điều hướng đến một trang web khác. Nó sẽ đưa bạn đến trang khác nhau ngay sau khi click chuột vào. Những trang này không thể truy cập thông qua thanh điều hướng trên trang web. Dĩ nhiên, điều này mang đến trải nghiệm tìm kiếm không hay cho người dùng vì họ bị đưa đến những trang web chất lượng kém và chằng liên quan mấy đến kết quả cần tìm.

Nếu content của bạn đến từ nguồn khác, được tạo ra một cách tự động hay trang web của bạn không chứa nội dung gì, bạn sẽ gặp rắc rối. Mặc dù bạn không cố tình đi lừa đảo người khác (ví dụ chia sẻ một mẩu chuyện hay), Google sẽ chỉ nhìn vào sự thật là content của bạn được lặp lại từ một nguồn khác và không mang lại thêm giá trị gì cho người dùng.

Google đã giải thích trên Search Console Help như sau:

“Một trong những bước quan trọng nhất để cải thiện xếp hạng của trang trên SERP là đảm bảo trang chứa nhiều thông tin hữu ích, với các từ khóa có liên quan được sử dụng hợp lí.”

“Tuy nhiên, hiện nay, các chuyên gia về web đang cố cải thiện thứ hạng của trang và thu hút người xem với những nội dung không chính thống và không có giá trị. Google sẽ hành động để ngăn chặn những hành động như vậy.” 

Câu chuyện cuối cùng quy về việc mang lại thêm giá trị cho người dùng vì đó là sứ mệnh mà Google hướng đến với công cụ tìm kiếm của họ.

Thin content có gì nguy hiểm?

Rủi ro rõ ràng nhất khi sử dụng thin content là có khả năng cao bị Google “sờ gáy”, nhưng thiệt hại thực sự thì còn nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng ra. Nếu những thuật toán của Google đã có thể phát hiện ra bạn đang sử dụng content chất lượng kém rồi thì tại sao người dùng khi ghé thăm website lại không cảm nhận được?

Bất kể bạn lập ra trang web với mục đích gì, bạn cũng không thể nào thuyết phục nhiều người ở lại với nội dung kém chất lượng được cả. Bạn sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa trong việc khiến họ gắn bó với thương hiệu và truyền cảm hứng để họ trở thành khách hàng. Điều này có nghĩa là bao nhiêu công sức bạn bỏ ra trong hoạt động marketing sẽ đổ xuống sông xuống bể.

Trở lại với hình phạt của Google Search, mặc dù mức phạt khá “chát”, nhưng nó giúp chúng ta hiểu được thuật toán Panda hoạt động như thế nào.

Thin content và những cập nhật mới nhất của thuật toán Panda

Panda của Google được cập nhật lần đầu năm 2011 với mục đích khiến những website với nội dung nghèo nàn không phát huy được hiệu quả, ngăn việc những website đó xuất hiện ở những vị trí đầu của SERP.

Ngoài ra, một mục đích ít được biết đến hơn của lần update này là dành vị trí cao hơn cho những website có content với chất lượng tốt.

Những cập nhật của Panda có thể ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới một hoặc nhiều trang, một topic hoặc nhiều topic.

Bộ lọc của Panda áp dụng nhiều tiêu chí đánh giá content cũng như các câu hỏi của hệ thống hơn 10000 chuyên gia xếp hạng chất lượng tìm kiếm của Google trên toàn thế giới (Google Quality Raters) khi họ trực tiếp đọc các nội dung. Những câu hỏi phổ biến là:

  • Content này có đảm bảo các tiêu chí E-A-T (Expertise, Authority and Trust – tính chuyên môn, tính độc quyền và độ tin cậy) không?
  • Trang của bạn có rơi vào loại YMYL (Your Money or Your Life) không? Đây là các loại trang web có khả năng ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khoẻ, ổn định tài chính trong tương lai, hoặc sự an toàn của người dùng, ví dụ như các trang web bạn có thể thực hiện giao dịch trên đó, nắm giữ thông tin tài chính và thu thập thông tin cá nhân của bạn. Nếu có thì trang của bạn có cung cấp đầy đủ thông tin cho người dùng không?
  • Nội dung của bạn có chiều sâu không? Ví dụ, các trang nói về sản phẩm có cung cấp những thông tin quan trọng nhất không và có để cho người dùng tìm hiểu kĩ hơn nếu họ muốn không?
  • Content có thể tiếp cận không? Nó có thể dễ dàng được tiếp cận trên trang web không? Thời gian load content là  bao lâu? Content có tối ưu cho các thiết bị di động không?

Trên đây mới chỉ là bước đầu trong quy trình bảo vệ website và content của Panda.

Việc có một bên thứ hai đánh giá về content của bạn là điều cần thiết. Hãy khách quan và thành thật với bản thân cũng như team của mình về việc content đang được sản xuất như thế nào và nó cần được cải thiện ra sao.

Tìm hiểu thêm về thin content tại đây.

Tạm kết

Sáng tạo ra content hay không khó, tạo ra content hoạt động có hiệu quả mới là thử thách. Trong thời đại 4.0, chỉ có tài “múa bút” thôi là chưa đủ để cho ra lò content có thể mang về khách hàng mà bạn còn cần có những kiến thức cơ bản về Digital Marketing. Vì vậy, hãy đến ngay với khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé.

Tagged: