6 loại Influencer marketing phổ biến hiện nay

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Influencer marketing là việc quảng bá các sản phẩm và dịch vụ bằng cách hợp tác với các người có ảnh hưởng (Influencer) thường có một nhóm lớn người theo dõi (từ vài nghìn đến vài triệu) trên các nền tảng Social Media. Thay vì quảng cáo trực tiếp đến một nhóm khách hàng, thương hiệu sẽ truyền cảm hứng và trả tiền cho influencer để làm điều đó. Vậy cụ thể Influencer marketing được ứng dụng như thế nào? Hãy cùng TM tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Influencer được chia ra làm hai loại là marco Influencer và micro Influencer. Macro Influencer thường là những người mẫu, diễn viên, người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực của họ, thậm chí được biết đến rộng rãi ngay với cả những người không quan tâm đến lĩnh vực đó. Ở chiều hướng ngược lại, micro Influencer thường có từ 10,000 – 50,000 người theo dõi trên trang có nhân. Họ thường không được biết đến rộng rãi mà chỉ được biết đến trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, ví dụ như thời trang, beauty blogger hay các mẹ bỉm sữa.

1. Nội dung được tài trợ – Sponsored content

Với nội dung tài trợ, Influencer và thương hiệu sẽ hợp tác với nhau trong một khoảng thời gian ngắn, thường là vài bài đăng trên kênh Social Media của Influencer. Thương hiệu thường sẽ gửi một bản tóm tắt nội dung chiến dịch để Influencer nắm bắt, nhưng cần lưu ý rằng trong loại hình này Influencer sẽ là người quyết định nội dung và hình thức của bài post. Do đó, họ sẽ có thể sáng tạo ra những hình thức quảng bá phù hợp với chiến dịch của sản phẩm bởi vì chỉ họ mới hiểu được về đặc điểm và tính cách của những người theo dõi mình. Nếu thương hiệu muốn lo liệu từ A-Z từ hình thức đến nội dung sẽ dẫn đến sự “gượng gạo” không phù hợp với phong cách và tính cách của Influencer.

2. Review sản phẩm – Reviews

Influencer thường sẽ có nhiệm vụ đánh giá sản phẩm hoặc dịch vụ trên kênh Social Media của họ. Theo đó, thương hiệu sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ miễn phí cho Influencer và họ sẽ đăng một bài đánh giá (review) cụ thể cũng như giải đáp thắc mắc với những người theo dõi của mình. Đôi khi những Influencer gặp phải vấn đề đạo đức khi thương hiệu yêu cầu phải review những mặt tích cực mà bỏ qua những mặt tiêu cực của sản phẩm.

Nổi bật nhất của lọai hình review chính là các video unbox hay còn gọi là video “đập hộp”, trong đó Influencer thường chưa bao giờ nhìn thấy hoặc sử dụng qua sản phẩm. Chính điều này sẽ mang đến những “review” chân thật nhất về sản phẩm và tạo ra sự tin tưởng cho người xem.

3. Cuộc thi và quà tặng – Competitions and giveaways

Có một sự thật rằng mọi người đều thích được nhận quà. Và thông thường hình thức này sẽ nằm trong chuỗi chiến dịch marketing và nó luôn mang lại sự thành công cho cả thương hiệu, Influencer và cả người dùng. Những cuộc thi với cách thức tham gia thường đơn giản để người tham gia dễ dàng giành chiến thắng. Về quà tặng, thương hiệu thường sẽ cung cấp cho Influencer một số lượng sản phẩm nhất định để họ tặng cho những người theo dõi mình.

Một số loại cuộc thi và quà tặng phổ biến như:

  • Tham gia bài đăng của Influencer: like bài post, bình luận một cụm từ, hashtag hoặc một hình ảnh nhất định, tag 3 người bạn vào bài post.
  • Tham gia với thương hiệu bên ngoài bài post: like và theo dõi kênh Social Media của thương hiệu, vào trang web của thương hiệu để đăng ký thông qua biểu mẫu (forms) hoặc danh sách email (mailing list).

4. Hợp tác sản phẩm và nội dung – Product and content collaborations

Thay vì thương hiệu và Influencer chỉ hợp tác với nhau một lần duy nhất, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trong một thời gian dài để cùng tạo ra sản phẩm hoặc nội dung. Hình thức này thường áp dụng cho ngành công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, thời trang. Nơi những Influencer tạo ra dòng sản phẩm quần áo, phụ kiện hoặc sản phẩm làm đẹp với thương hiệu của riêng họ và gây dựng một cộng đồng những người yêu thích sản phẩm. Influencer thường sẽ quảng bá cho thương hiệu và call-to-action (CTA) một cách trực tiếp và rõ ràng đến với những người theo dõi họ.

5. Đại sứ dài hạn – Long-term ambassadors

Giống như tên của nó, Influencer sẽ  làm “đại sứ” cho thương hiệu trong thời gian dài, giống như một người nổi tiếng làm phát ngôn viên cho một chiến dịch truyền thông. Thông thường thời gian hợp tác giữa “đại sứ” và thương hiệu thường kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Hình thức đại sứ mang đến một số lợi ích nhất định như sự ổn định sẽ giúp thương hiệu của bạn luôn nằm trong top of mind của những người theo dõi Influencer cũng như tạo dựng mối quan hệ bền lâu với Influencer. Đây chính là cách để tăng sự tin tưởng, uy tín trong mắt của khách hàng hơn.

6. Tiếp quản nền tảng của thương hiệu – ‘Takeovers’ on your platforms

Influencer sẽ tiếp quản kênh Social Media của thương hiệu trong một khoảng thời gian ngắn. Thông thường khoảng thời gian này sẽ kéo dài khoảng 1 ngày hoặc lâu hơn nếu như có các sự kiện đặc biệt diễn ra. Influencer thường chia sẻ những câu chuyện hậu trường thú vị hoặc cuộc sống hằng ngày của họ thông qua bài post, video và những câu chuyện để lôi cuốn người dùng quan tâm và tham gia.

Nhược điểm lớn nhất của loại hình này chính là thương hiệu của cung cấp tài khoản cho Influencer để họ có thể đăng nhập vào. Vì vậy, cần có một mức độ tin tưởng cao giữa hai bên và phải có hợp đồng được giao kết. Tuy nhiên, có một nền tảng Social Media duy nhất đã giải quyết được vấn đề này đó chính là Snapchat, nó cho phép tài khoản của thương hiệu có thể đăng các nội dung được tiếp quản của Influencer mà không cần phải đăng nhập.

Tạm kết

Như vậy, Influencer marketing là phương án hoàn hảo cho cả doanh nghiệp nhỏ và lớn, thường nhắm đến một tệp khách hàng nhất định, sử dụng Influencer để gửi thông điệp của thương hiệu. Nếu bạn quan tâm nhiều hơn thế giới Digital thì hãy tham gia khoá học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé.

Tagged: