Tomorrow Marketers – Meta description là một trong những chủ đề đầu tiên và cơ bản nhất khi bạn chân ướt chân ráo vào làng SEO. Quá trình tối ưu meta description không quá phức tạp và có thể thành thạo trong một thời gian ngắn. Vậy meta description là gì? Làm cách nào để “nhào nặn” ra một meta description chất lượng? Tất cả đều có trong bài viết này, cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu nhé.
Meta Description là gì?
Meta description là một thẻ mô tả dạng HTML, xuất hiện ở dưới thẻ tiêu đề (title tag) được dùng để mô tả ngắn gọn và chính xác nội dung của một bài viết/trang trong một website.
Dạng code của meta description:
<meta name=”description” content=”Site Explorer runs on a huge database of 12 trillion links and 402 million tracked keywords to give you the most complete SEO data about any website or URL.”>
Dạng mã hoá của meta description:
Meta description không phải một yếu tố ảnh hưởng tới xếp hạng website nhưng vẫn cần được đầu tư thời gian, bởi nó là một trong những điểm chạm đầu tiên kéo người đọc nhấp chuột vào bài viết.
Đọc thêm: SEO và nguyên lý hoạt động của SEO
Tại sao marketers không thể “phớt lờ” một meta description chất lượng?
Một meta description hấp dẫn sẽ thu hút người đọc click vào trang web của bạn trong hàng loạt kết quả tìm kiếm khác.
Theo thống kê từ Neipatel, những trang web có meta description nhận được tỷ lệ nhấp chuột trung bình cao hơn các trang web không có là 5.8%. Thực tế, trong trường hợp bạn không có meta description, Google sẽ tự viết nó cho bạn, nhưng không ai đảm bảo nó sẽ đúng như ý định của bạn, có đủ hấp dẫn người xem hay không. Thực tế việc người đọc click vào đường link sẽ tăng cơ hội tạo chuyển đổi và doanh thu cho bạn. Muốn được như vậy, nội dung bạn cung cấp cũng phải thật sự chất lượng và khơi dậy tò mò muốn giải đáp khúc mắc của người xem.
Meta description có thể được hiển thị trên các nền tảng mạng xã hội nếu bài viết/trang web được chia sẻ trên mạng xã hội.
Thực tế, khi bạn chia sẻ trên Facebook, một đoạn mô tả về bài viết hoặc website của bạn sẽ hiện lên và là một trong những thứ đầu tiên người đọc chú ý đến. Hơn nữa, những người sử dụng mạng xã hội thường xuyên như Facebook thường có thói quen lướt đọc nhanh để tìm kiếm thông tin có giá trị. Vì vậy, một đoạn mô tả ấn tượng sẽ khiến họ có thêm lý do để click vào xem tiếp.
Bạn không cần quá khắt khe và đặt ra quá nhiều tiêu chuẩn trong việc tạo meta description, nhưng đầu tư thời gian để viết đoạn mô tả hoàn hảo cho các trang tiềm năng là điều đáng để thực hiện. Cụ thể, để biết đâu là trang web bạn cần chú trọng nhiều hơn vào meta description, hãy trả lời 2 câu hỏi sau:
- Trang này có nhằm mục đích thúc đẩy lưu lượng truy cập tự nhiên (organic trafic) hay không?
- Trang này có khả năng được chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội không?
5 bước có thể áp dụng ngay để tạo meta description chất lượng
Bước 1: Làm rõ hơn thông tin đã được nói đến trong title tag (Expand on your title tag)
Hãy luôn xem meta description như một phiên bản chi tiết hơn của title tag (thẻ tiêu đề). Thực tế, các tiêu đề thường tóm tắt một trang/bài viết bằng cách sử dụng một vài từ khoá chính mô tả chính xác nhất chủ đề của trang/bài viết đó. Vậy thì tại sao bạn không tận dụng meta description để làm rõ ràng ý của tiêu đề hơn, vì thực tế, meta description có thể hiển thị nhiều hơn trên trang kết quả tìm kiếm.
Ở ví dụ dưới đây, Ahrefs rất khéo léo trong việc tạo động lực cho người xem click vào trang web của họ, bằng việc thêm những cụm từ thể hiện giá trị mà bài viết trong phần meta description.
- Thêm “any website or webpage”, tức là trang web này có thể kiểm tra “broken link” cho bất kỳ loại website hoặc trang web nào.
- Thêm “internal and external backlink”, tức là trang web của họ có thể kiểm tra cả đường liên kết nội bộ lẫn bên ngoài một website hoặc trang web nào đó.
- Họ thêm “in second”, tức là trang web này cung cấp một công cụ hay bí quyết nào đó để kiểm tra thật nhanh “broken link”.
- Ở cuối meta description là câu chốt hạ “no signup or download required”, tức là người dùng không cần phải đăng ký hay tải bất cứ thứ gì về máy của họ.
Bạn thấy đấy, chỉ bằng việc triển khai thêm một chút từ title tag, meta description đã trông thu hút và có tính liên kết chặt chẽ với nội dung bên trong mà bạn hứa hẹn với người xem. Bạn không cần quá lo lắng mình sẽ gây cảm giác khó chịu cho người xem khi đặt nhiều từ khoá ở đây. Nhiệm vụ của bạn là kết hợp khéo léo các từ khoá một cách tự nhiên và rõ ràng nhất có thể. Trong trường hợp bí quá, bạn có thể kết hợp USP (unique selling point) của bài viết/trang của bạn ở trong phần mô tả này, nhưng phải thật súc tích và hợp lý.
Bước 2: Viết sao cho phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng (Match search intent)
Ý định tìm kiếm (hay search intent) là động lực đằng sau truy vấn tìm kiếm (search query). Nói một cách dễ hiểu, đó là nhu cầu về thông tin người dùng muốn hiển thị trước khi họ gõ một chủ đề nào đó trên công cụ tìm kiếm, như Google. Khi nói đến khái niệm này, chúng ta phải trả lời được những câu hỏi như:
- Tại sao mọi người lại tìm kiếm chủ đề này?
- Có phải họ đang muốn tìm kiếm và học điều gì đó?
- Họ tìm kiếm sản phẩm phù hợp để mua?
- Có phải họ đang tìm kiếm một website cụ thể?
Bạn có thể lên Google và gõ cụm từ khoá meta description và nghiên cứu sơ qua meta description của những bài viết top đầu. Thực tế, nhiệm vụ của Google là cung cấp các kết quả phù hợp nhất có thể cho người dùng. Vì vậy hãy nhanh mắt lướt qua và tìm ra những điểm tương đồng giữa meta description của các trang xếp hạng hàng đầu này. Chắc bạn cũng đoán được. Đúng vậy, hầu hết kết quả hiển thị ở đây mô tả meta description dưới dạng khái niệm. Điều đó chứng tỏ ý định của người xem khi gõ từ khóa này trên Google là muốn hiểu rõ hơn meta description thực sự là gì?
Trường hợp ngược lại, kết quả tìm kiếm trả về nhiều ý định tìm kiếm khác nhau được thể hiện trong meta description. Ví dụ, bạn hãy thử gõ cụm từ khoá “standing desk” trên Google. Như bạn thấy ở đây, ý định tìm kiếm của người dùng khác nhau khi gõ cụm từ khoá này. Vậy nên trên top đầu các kết quả tìm kiếm, một số trang là bài blog dạng đánh giá loại “standing desk” nào là tốt nhất, trong khi lại có trang danh mục sản phẩm từ các cửa hàng trực tuyến.
Trong trường hợp này, nếu bạn muốn biết chính xác mình nên nhắm vào ý định tìm kiếm nào để cung cấp thông tin thích hợp. Đơn giản thôi, bạn nên tham khảo meta description của các trang web có cùng chủ đề nội dung với trang của bạn.
Bước 3: Tạo thế chủ động cho người xem (Use active voice)
Để hiểu hơn về cách làm này, chúng ta cùng tìm hiểu ví dụ sau:
Giả sử bạn gõ từ khóa “improve writing skills” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google.
Trường hợp thứ nhất, kết quả hiển thị là trang web “Cambridge English Write & Improve”. Bạn hãy để ý kỹ meta description của trang này. Những động từ quan trọng như “writing”, “improve” được để ở thể chủ động. Điều meta description muốn nói là, trang web này cung cấp giải pháp, bằng cách đưa ra nhận xét và đánh giá, để bạn có thể TỰ cải thiện khả năng viết tiếng Anh. Nếu là người đã có nền tảng tiếng Anh, bạn muốn cải thiện kỹ năng viết nhưng tự học mãi mà không khá lên được, bạn có nghĩ mình cần người chỉ ra đâu là lỗi sai và tự sửa luôn để nhớ?
Trường hợp thứ hai, kết quả hiển thị là trang web “Bad English Course”. Trái ngược với trang web bên trên, các động từ quan trọng trong meta description của trang này như “improve” để ở thể bị động. Nếu đặt mình vào vị trí người xem, bạn sẽ chọn ưu tiên tiếp cận nội dung nào. Liệu có phải một khóa học chỉ nhắc đến kỹ năng viết tiếng Anh nói chung mà không có tính phân chia đối tượng học cụ thể, trong khi mỗi người sẽ có cách viết và lỗi sai tiếng Anh khác nhau, có thể thu hút được đối tượng nhấp vào bài viết?
Bước 4: Ngắn gọn và súc tích (Be concise)
Meta description không phải là nơi để bạn thể hiện khả năng kể chuyện (storytelling) của mình. Đoạn mô tả sẽ không hiển thị hết nếu nó quá dài so với mức quy định của Google. Bên cạnh đó, người xem thường quyết định rất nhanh nên click vào trang nào chỉ bằng việc đọc lướt qua một loạt các kết quả tìm kiếm. Vì thế, mỗi từ trong đoạn mô tả này rất đáng giá và không thể tuỳ tiện thêm vào.
Hiện tại, chiều dài tiêu chuẩn của một meta description là 920px tương đương với khoảng 160 ký tự ở trên máy tính và 680px tương đương 120 ký tự trên điện thoại di động. Có hai cách nhanh chóng bạn có thể áp dụng để kiểm tra và chỉnh sửa độ dài của meta description:
- Dùng công cụ Spotibo rồi nhập đoạn meta description của bạn vào đó. Công cụ này sẽ kiểm tra giúp bạn nhanh chóng đoạn mô tả của bạn đã đạt tiêu chuẩn về độ dài chưa.
- Sử dụng plugin giúp thực hiện SEO hiệu quả của WordPress như Yoast với các chức năng được tích hợp sẵn. Màu xanh hiện lên ở dưới meta description tức là đoạn mô tả của bạn đã đủ tiêu chuẩn về độ dài.
Lưu ý: Nếu bạn tối ưu hoá đoạn mô tả cho người dùng máy tính, bạn có thể viết dài một chút nhưng đảm bảo đi thẳng vào vấn đề chính khi đến 3/4 của đoạn mô tả này. Như vậy, người dùng trên thiết bị di động cũng có thể nắm bắt được hết nội dung quan trọng (những nội dung sau đó bị ẩn sẽ không quan trọng và không ảnh hưởng gì nhiều tới nhận biết thông tin từ người đọc).
Bước 5: Thêm từ khóa chính vào meta description
Có hai nguyên nhân chính lý giải tại sao bạn rất nên thêm từ khóa vào meta description:
- Các công cụ tìm kiếm có thể hiểu được trang/bài viết của bạn đang muốn nói về chủ đề gì, từ đó kết hợp với các yếu tố SEO quan trọng khác để xếp hạng nhanh hơn cho trang của bạn.
- Người xem có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin và quyết định xem đây có phải thông tin họ hứng thú và muốn tìm hiểu thêm không.
Lưu ý: Bạn không nên lạm dụng hay nhồi nhét từ khóa trong phần meta description này, nếu không rất có thể bạn sẽ có nguy cơ bị công cụ tìm kiếm phạt. Thực tế, mỗi meta description chỉ nên chứa một đến hai từ khóa chính và chúng cần phải phù hợp với nội dung được nói đến ở trong trang/bài viết.
Một vài ví dụ tiêu biểu về một meta description chất lượng
Healthline
Healthline là một website của Mỹ, chuyên cung cấp những thông tin về sức khoẻ, có trụ sở chính tại San Francisco. Như chúng ta thấy ở đây, hầu hết mọi người khi gõ từ khoá “glycine” đều muốn nhận kết quả là những trang web giải thích rõ ràng cụm từ này. Vì vậy, meta description của bài viết dưới đây được triển khai dưới hình thức là một định nghĩa bao quát và đúng trọng tâm. Sau đó, đoạn mô tả kết thúc bằng việc bật mí giá trị nội dung của bài viết, khiến người đọc muốn click vào và đọc tiếp.
Timeout
Thẻ tiêu đề này cung cấp giải pháp một cách ngắn gọn, thú vị và dễ dàng để hành động.
Cụ thể, ý định của người xem đã được đáp ứng trong đoạn mô tả ngắn gọn và đúng trọng tâm này. Ví dụ, bạn là người trực tiếp tìm kiếm thông tin cho từ khoá này, bạn đã nghĩ rằng bạn sẽ nhìn thấy một loạt các khách sạn hoặc khu vực lân cận gần khu vực này. Tuy nhiên, sự thật lại không hẳn vậy. Đoạn mô tả này tập trung vào các khu vực ngay tại Prague, cụ thể ở đây là khu vực lân cận xung quanh thành phố của Prague là Czech.
Hơn nữa, meta description này thêm cụm từ “five best”, tức là thông tin của trang web này được chắt lọc hết mức và người xem sẽ không mất nhiều thời gian để tìm cho ra nơi ở tốt nhất cho họ.
Patagonia
Nhìn lướt qua một chút, bạn có thể thấy meta description được mở đầu một cách hết sức ngắn gọn, tự nhiên và có thể nói là khác biệt so với các trang web bán hàng thông thường “Here today, gone tomorrow”. Ở đây, đoạn mô tả đã khéo léo hiểu được tâm lý và ý định tìm kiếm của người dùng khi gõ cụm từ “patagonia sale”.
Ở đây, đoạn mô tả muốn nhấn mạnh vào tính cấp bánh của sale, cơ hội mua hàng chất lượng với giá tốt không có nhiều, hãy nhanh tay bấm vào xem ngay để không bỏ lỡ cơ hội này. Sau đó, đoạn mô tả này còn càng làm tăng động lực cho người xem ấn vào trang web bằng cách thêm cụ thể những mặt hàng ưu đãi mà người xem có thể tìm kiếm được khi vào trang web chính thức của Patagonoia. Như vậy, họ sẽ biết rõ được những thứ họ cần có xuất hiện trên trang này hay không. Và kết thúc đoạn mô tả này bằng điểm đặc biệt của họ.
Nordstrom
Ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ là những cụm từ có thể dùng để nhận xét cho meta description này. Đây là một ví dụ cho một trang danh mục sản phẩm khá tuyệt vời của website thương mại điện tử. Như chúng ta thấy ở đây, đoạn mô tả gây ấn tượng đầu tiên bằng việc thêm cụm từ “free shipping” để kích thích người mua hàng khi họ tìm kiếm thông tin cho “men coats”.
Đó có thể là sản phẩm bán chạy của trang thương mại điện tử này. Họ biết mọi người sẽ tìm kiếm nhiều sản phẩm này trên Google và thế là, chỉ cần thêm một cụm từ mang tính khích lệ mua hàng, người xem đã phải chú ý ngay lập tức. Vì họ biết được hầu như ai cũng thích có một ưu đãi nào đó từ mặt hàng, nhất là khi mặt hàng đó rất có giá trị như sản phẩm “men’s coat” này. Và tất nhiên, sẽ ít có trang thương mại điện tử nào có thể làm được điều tương tự.
Shopify
Ví dụ cuối cùng này là meta description cho một trang chủ. Chúng ta thường chú ý nhiều đến đoạn mô tả ở trang chủ này hơn những trang thành phần khác trong website vì nó phản ánh rõ nhất đặc trưng thương hiệu và những giá trị thương hiệu mang lại. Thành thực mà nói thì Shopify đã làm rất tốt điều này. Đoạn mô tả rất rõ ràng và nêu bật được giá trị mà người dùng sẽ có được sau khi tham gia. Cụ thể, đoạn mô tả bắt đầu với việc kích thích người dùng bằng dịch vụ free và nhiều giá trị khác hơn cả một trang thương mại điện tử. Nếu bạn là người muốn kinh doanh online và chỉ mới bắt đầu, liệu bạn có tò mò muốn thử dịch vụ hỗ trợ kinh doanh online miễn phí hay không, không rủi ro khi phải trả phí mà lại được nhiều giá trị hơn nữa.
Đọc thêm: SEO onpage phần 2 – Cách tối ưu SEO URL cho website
Tạm kết
Hiểu tâm lý và hành vi người dùng sẽ giúp bài viết của bạn thu hút độc giả và kéo họ đi qua từng tầng trong phễu chuyển đổi. Với sự bùng nổ nền tảng số như hiện tại, việc thấu hiểu người dùng vượt ngoài tầm của những kênh truyền thống, các marketers cần theo dõi hành vi khách hàng trên những nền tảng này để mang lại nhiều cơ hội doanh thu hơn cho doanh nghiệp.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cách nghiên cứu hành vi người dùng trên digital platforms, hãy tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers!
Hiểu tâm lý người dùng và “nhào nặn” ra những nội dung chuẩn SEO cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu và không dễ thực hiện trong Content Marketing. Thế nhưng, chỉ vậy thôi chưa đủ để khiến độc giả chuyển đổi thành khách hàng tiềm năng. Là Content Marketers chuyên nghiệp, bạn cần nhiều hơn những kiến thức nền tảng đó. Đó là tư duy bài bản trong xây dựng chiến lược nội dung để thúc đẩy chuyển đổi. Nếu bạn còn băn khoăn về cách tạo bài viết chuẩn SEO hay tư duy còn rời rạc về sáng tạo nội dung chuyển đổi cao, hãy cân nhắc tham gia khoá học Content Marketing của TM ngay hôm nay.
Bài viết bởi Ahref và được biên dịch bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!