Tomorrow Marketers – Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh và mô hình SWOT là hai công cụ dùng để phân tích và đưa ra các quyết định chiến lược, giúp các công ty xác định vị thế của mình trên thị trường. Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh tương đối vĩ mô, được sử dụng để phân tích các yếu tố cạnh tranh bên ngoài của một ngành, trong khi mô hình SWOT lại mang tính vi mô, giúp phân tích tiềm năng bên trong một tổ chức.
Những điều cần nhớ
- Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh là một chiến lược nhằm phân tích các yếu tố cạnh tranh trong một ngành trên thị trường.
- Mô hình SWOT xem xét điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của một cá nhân hoặc tổ chức để đánh giá tiềm năng bên trong.
- Trong khi mô hình 5 yếu tố cạnh tranh đánh giá tất cả các yếu tố bên ngoài, mô hình SWOT xem xét cả yếu tố bên trong (điểm mạnh, điểm yếu) và yếu tố bên ngoài (cơ hội, thách thức).
- Cả hai công cụ đều giúp đảm bảo quy trình hoạch định chiến lược diễn ra trơn tru, góp phần mang lại thành công cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh
Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh là một chiến lược so sánh, giúp các công ty xác định mức cạnh tranh trong ngành, cùng với đó là điểm mạnh và điểm yếu của toàn ngành. Mô hình này cũng có thể được áp dụng để tìm kiếm lợi nhuận và tiềm năng ở bất kỳ phân khúc nào của nền kinh tế.
Chiến lược này được trích ra từ một phần cuốn sách “Chiến lược cạnh tranh: Các kỹ thuật phân tích ngành hàng và đối thủ cạnh tranh” (xuất bản năm 1980) của giáo sư Michael E. Porter, Trường Kinh doanh Harvard. Chiến lược này có thể được sử dụng để phân tích cấu trúc ngành và phân tích chiến lược công ty, giúp các công ty đặt ra mức kỳ vọng về lợi nhuận phù hợp.
Mô hình 5 yếu tố cạnh tranh đề cập đến 5 yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với mọi ngành hàng, bao gồm:
1. Threat of new entrants – rủi ro đến từ những công ty mới tham gia vào ngành. Nếu các công ty mới dễ dàng gia nhập vào một ngành hàng, mức độ cạnh tranh trong ngành đó sẽ cao hơn.
2. Degree of rivalry – mức độ cạnh tranh hiện có trong ngành. Một ngành hàng có nhiều đối thủ nghĩa là ngành hàng đó mức độ cạnh tranh cao.
3. Threat of substitutes – sự xuất hiện của hàng hóa hoặc dịch vụ mới trên thị trường. Các sản phẩm và dịch vụ mới hơn có thể gây ảnh hưởng đến những sản phẩm đang tồn tại.
4. Bargaining power of suppliers – quyền lực ép giá của các nhà cung cấp. Khi nhiều nhà cung cấp “ép” giá sản phẩm, tình trạng khan hiếm hàng hóa có thể xảy ra, làm tăng sự cạnh tranh về nguyên liệu thô và các nguồn lực khác, khiến chi phí của công ty tăng lên và lợi nhuận giảm đi.
5. Bargaining power of buyers – quyền lực ép giá của người tiêu dùng. Những người tiêu dùng có quyền lực cao trong việc mặc cả hàng hóa có thể dẫn đến việc công ty bị giảm lợi nhuận.
Đây đều là những tác nhân bên ngoài, không phải là những tác nhân đến từ nội bộ của công ty.
Hiểu rõ 5 yếu tố cạnh tranh của Porter sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh các chiến lược kinh doanh, thúc đẩy lợi nhuận tăng lên và gia tăng thu nhập cho các nhà đầu tư của mình.
Ví dụ, mạng xã hội (social network) là một thị trường cực kì cạnh tranh với những thay đổi không ngừng. Khi các loại hình công nghệ mới liên tục xuất hiện trên thị trường, Facebook cũng luôn phải cải tiến sản phẩm và cập nhật thêm các công nghệ mới để thích nghi với áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, khả năng các sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường mạng xã hội cũng dễ dàng hơn so với các thị trường khác. Số lượng đối thủ tăng làm mức độ cạnh tranh cũng tăng theo, do đó, rủi ro đến từ 2 yếu tố là những công ty mới gia nhập vào ngành và mức độ cạnh tranh hiện tại sẽ đáng chú ý hơn. Ngoài ra, thị trường các thiết bị di động cũng đang nổi lên, trong khi đó chi phí chuyển đổi (switching cost) để người dùng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động lại ở mức thấp, nên Facebook cũng cần quan tâm đến nguy cơ bị thay thế trong tương lai.
Mô hình SWOT
SWOT là tên viết tắt của 4 yếu tố “strength” (điểm mạnh), “weakness” (điểm yếu), “opportunity” (cơ hội) và “threat” (thách thức). Mô hình SWOT là một công cụ chiến lược được sử dụng để định hình thành công của một doanh nghiệp, một địa điểm, một ngành hàng, một sản phẩm hoặc một người nào đó. Nó chỉ ra những việc họ có thể hoặc không thể làm dựa trên những yếu tố bên trong và cả những yếu tố bên ngoài, đồng thời vạch ra những cách giúp họ đạt được mục tiêu và xác định những yếu tố gây cản trở họ.
Mỗi phần trong mô hình SWOT là một yếu tố so sánh giữa các giải pháp và các đối thủ cạnh tranh hiện có. Tuy nhiên, mô hình này vẫn tập trung vào đánh giá sức mạnh nội bộ. Phân tích theo mô hình SWOT thường mang tính vĩ mô hơn bởi nó cho biết liệu mục tiêu có thể đạt được hay không, đồng thời giúp người sử dụng xác định những lợi thế và bất lợi cạnh tranh của chính mình một cách đơn giản.
Điểm mạnh và điểm yếu là hai yếu tố bên trong – các yếu tố thường có thể bị kiểm soát và/ hoặc thay đổi một cách dễ dàng từ bên trong. Điểm mạnh thường là những đặc tính nổi bật và khả năng vượt qua đối thủ cạnh tranh của một tổ chức, bao gồm các yếu tố như: vị trí, sức mạnh thương hiệu, marketing, lượng tiền mặt, công nghệ hoặc giá cả. Ngược lại, điểm yếu là những yếu tố gây cản trở một thực thể phát triển ở mức tối đa, chẳng hạn như: nợ nần, thiếu vốn và thiếu nguồn nhân lực.
Hai yếu tố bên ngoài của mô hình SWOT là cơ hội và thách thức – hai yếu tố khó xác định hơn cả. Cơ hội có thể là những yếu tố thuận lợi khiến một tổ chức có lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh trong ngành, ví dụ như chính sách cắt giảm thuế và hoặc cải cách về thuế. Trong khi đó, thách thức lại là những yếu tố có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh của công ty, chẳng hạn như lực lượng lao động yếu kém và chi phí mua nguyên liệu thô tăng cao.
Quy trình phân tích theo mô hình SWOT có thể diễn ra dưới dạng đề xuất ý kiến hoặc tự đánh giá. Để áp dụng mô hình SWOT hiệu quả, doanh nghiệp phải tạo ra một môi trường cởi mở để mọi người thoải mái đưa ra ý kiến của mình. Sau khi hoàn thành, người quản lý của một công ty (hoặc một cá nhân) có thể phân tích từng ý kiến và đưa ra một kế hoạch chiến lược giúp doanh nghiệp (hoặc cá nhân) tiến đến thành công.
Ví dụ, dưới đây là bảng minh họa quy trình phân tích SWOT của thương hiệu Starbucks khi vào thị trường Việt Nam:
Strength – Thương hiệu nổi tiếng có sức ảnh hưởng toàn cầu, tài chính vững chắc – Có kinh nghiệm thành công tại thị trường Châu Á – Thực đơn các đồ uống về cà phê phong phú – Phương thức kinh doanh hướng tới con người và môi trường |
Weakness
– Giới hạn hình thức kinh doanh tại thị trường Việt Nam – Starbucks chỉ phát triển thực sự mạnh mẽ tại một số quốc gia phát triển – Giá cả nhìn chung vẫn chưa thực sự ưu đãi
|
Opportunity
– Phần lớn bộ phận giới trẻ Việt Nam sẵn sàng và dễ thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới – Thu nhập trung bình của người Việt Nam tăng dần – Phát huy được lợi thế vốn có là “cà phê mang đi” (takeaway coffee)
|
Threat
– Cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nội địa như Highlands, Trung Nguyên – Thói quen uống cà phê với khẩu vị đậm, đắng của người Việt – Suy thoái kinh tế dẫn đến rủi ro lượng người tiêu dùng giảm – Bị lệ thuộc vào biến động giá cà phê tại thị trường Việt Nam |
Từ bảng phân tích này, Starbucks có thể đưa ra những chiến lược cụ thể nhằm tăng nhận diện thương hiệu, mở rộng kinh doanh và mang đến những trải nghiệm mới lạ hơn cho khách hàng Việt như: mở thêm một số quán cà phê ở các thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng; phát triển thêm các sản phẩm mới phù hợp với khẩu vị và văn hóa người Việt, v.v…
Tạm kết
Hiểu rõ về mô hình 5 yếu tố cạnh tranh và mô hình SWOT sẽ giúp các doanh nghiệp đánh giá tiềm lực phát triển và vị thế của mình trên thị trường một cách đầy đủ nhất, từ đó đưa ra được những quyết định mang tính chiến lược để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển doanh nghiệp trong tương lai. Đây cũng là một trong những framework hữu ích ứng dụng vào các bài giải Case Study. Hãy tham gia khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers để học và thực hành đa dạng các dạng case khác nhau – đặc biệt những case thường gặp trong Business/Marketing Competition và Assessment Center nhé!
Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép hay đăng lại dưới mọi hình thức