Tomorrow Marketers – Nếu bạn đang triển khai các chiến dịch trên các nền tảng digital như mạng xã hội, search engine, quảng cáo hiển thị,… và cố gắng dẫn traffic về website của mình, bạn có thể đã sử dụng hàng trăm đường link khác nhau. Nhưng làm sao để biết được đường link nào mang lại hiệu quả nhất, chẳng hạn như traffic đến nhiều nhất từ nguồn nào, hay loại nội dung nào đang hoạt động tốt? UTM tracking code sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên bằng cách ghi nhận kết quả từng đường link mang lại.
Vậy cụ thể, UTM tracking code cung cấp những loại dữ liệu nào? Làm sao để tận dụng hiệu quả chức năng của đoạn mã này? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
UTM tracking code là gì?
Mã UTM (Urchin Tracking Module) là các đoạn văn bản được thêm vào cuối URL để giúp bạn theo dõi lưu lượng truy cập trang web đến từ đâu nếu người dùng ấn vào liên kết đến URL này. Các Marketer có thể tùy chỉnh văn bản này để phù hợp với trang web mà URL được đính kèm, từ đó đánh giá được hiệu quả của chiến dịch đến từ những nội dung cụ thể nào.
Đọc thêm: Các mẫu báo cáo digital marketing giúp bạn theo dõi hiệu quả chiến dịch
Mã UTM giúp bạn theo dõi những gì?
Dưới đây là 5 thứ bạn có thể theo dõi bằng mã UTM và lý do vì sao bạn nên theo dõi chúng:
1. Chiến dịch (Campaign)
Thẻ theo dõi dựa trên chiến dịch (Campaign-based tracking) nhóm tất cả các nội dung từ một chiến dịch vào dữ liệu phân tích của bạn. Ví dụ, mã UTM dưới đây sẽ giúp bạn theo dõi lượng truy cập website đến từ những link nào trong chiến dịch ưu đãi 20%.
Ví dụ: utm_campaign=20percentpromocode
2. Nguồn (Source)
Tham số URL dựa trên nguồn (source-based URL) có thể cho bạn biết website nào đang tạo ra traffic. Với mã UTM dưới đây, bạn có thể thêm nó bên dưới bất cứ đường link nào bạn đăng trên Facebook, nó sẽ giúp bạn theo dõi tất cả traffic đến từ Facebook.
Ví dụ: utm_source=Facebook
3. Kênh (Medium)
Loại thẻ theo dõi này sẽ thông báo cho bạn đường link bạn muốn theo dõi được hiển thị trên kênh nào. Ví dụ, bạn có thể sử dũng mã UTM bên dưới để theo dõi tất cả lượng truy cập đến từ mạng xã hội (so với các kênh khác, như email chẳng hạn)
Ví dụ: utm_medium = socialmedia
4. Nội dung (Content)
Loại mã UTM này được sử dụng để theo dõi các nội dung cụ thể với cùng một đích đến từ một nguồn/kênh phổ biến. Nó thường được sử dụng trong các chiến dịch pay-per-click (PPC – trả tiền cho mỗi lần nhấp chuột) hoặc với 2 đường link giống hệt nhau trong cùng một trang – như được hiển thị ở ví dụ dưới đây.
Ví dụ: utm_content=sidebarlink hoặc utm_content=headerlink
5. Từ khoá (Term)
Mã theo dõi dựa trên từ khóa (keyword-based tracking) sẽ xác định những từ khóa mà bạn đã trả tiền cho quảng cáo PPC (pay-per-click).
Nếu bạn trả tiền cho một chiến dịch Google Ads để xếp hạng theo từ khóa “marketing software”, bạn có thể thêm mã UTM dưới đây vào cuối liên kết mà bạn gửi cho Google để chạy quảng cáo này.
Ví dụ: utm_term=marketing+software
Một ưu điểm của các tham số UTM là bạn có thể kết hợp bất cứ mã nào mà bạn thích – sử dụng riêng rẽ từng loại hoặc kết hợp (cả chiến dịch, kênh, từ khoá,..), tùy theo mục đích cụ thể của bạn:
- Đo lường độ thành công của các hoạt động Marketing
- Đánh giá xem các mạng xã hội giúp bạn quảng bá nội dung tốt như thế nào, cũng như việc follower của bạn quảng bá cho nội dung của bạn
- Đo lường mức hiệu quả của traffic đến từ bài đăng giới thiệu (guest posting referral)
- Theo dõi độ hiệu quả của một content trên những kênh truyền thông khác nhau
- Biết được trong bài blog của bạn, đầu là những liên kết nội bộ (internal link) được nhiều người nhấp chuột vào nhất
Cách tạo mã UTM
Có nhiều cách để tạo mã UTM. Dưới đây chính là 2 cách phổ biến nhất:
1. Phương thức thủ công
Việc tạo mã UTM không hề phức tạp về mặt kỹ thuật. Ở cách đầu tiên này, bạn có thể thêm các tham số một cách thủ công, chẳng hạn như nhập các tham số riêng lẻ vào cuối liên kết URL. Điểm cần lưu ý ở đây là bạn không được mắc bất kỳ sai sót nào. Các mã UTM có thể khá dài và dễ gặp lỗi sai trong quá trình nhập, vì thế phương thức thủ công này không phải lựa chọn tối ưu.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn thêm tên một chiến dịch hay nguồn vào cuối liên kết URL, việc gõ thủ công lại là một lựa chọn hợp lý.
Ví dụ, nếu bạn muốn theo dõi lượng nhấp chuột vào đường link trên bio của mình, bạn có thể thêm URL thế này vào bio của mình: http://mysite.com/page/?utm_source=blogsite.com&utm_content=author_bio
2. Google URL builder
Google URL builder cung cấp cho bạn một giải pháp nhanh chóng để tạo các mã UTM. Bạn có thể tìm thấy công cụ này ở đây.
Để sử dụng, bạn chỉ cần nhập địa chỉ website và nguồn chiến dịch (campaign source), các tham số khác đều không phải thông tin bắt buộc.
Sau khi đã nhập những tham số mà bạn muốn, hãy di chuột xuống bên dưới để thấy liên kết URL của bạn.
Cuối cùng, hãy sao chép và dán đường link này cùng mã UTM vào chiến dịch hoặc nội dung của bạn.
Cách sử dụng mã UTM để theo dõi chiến dịch
Bạn đã biết mã UTM là gì, có thể theo dõi những thông tin gì và làm thế nào để tạo mã UTM, bây giờ câu hỏi quan trọng chính là: Bạn nên sử dụng UTM như thế nào để theo dõi các chiến dịch Marketing của mình?
Đọc thêm: Mẫu marketing dashboard giúp bạn theo dõi và đánh giá hiệu quả bộ phận marketing
Hãy tham khảo 4 cách dưới đây nhé!
1. Biết được traffic của bạn đến từ đâu
Lý do quan trọng nhất để sử dụng mã UTM chính là để biết được chính xác lượng truy cập của website đến từ đâu. Bạn có thể có được thông tin này bằng cách sử dụng các tham số về chiến dịch (campaign), nguồn (source) và kênh (medium).
Trong giao diện của mình, Google Analytics hiển thị các nhóm kênh mặc định. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các tham số UTM, bạn có thể theo dõi các nguồn với độ chính xác cao hơn. Theo dõi bằng UTM đặc biệt hữu ích khi bạn muốn hiểu lưu lượng truy cập trực tiếp (direct traffic) và giới thiệu (referrals traffic) trong Google Analytics.
Trong Google Analytics, bạn có thể vào phần Acqusition -→ All Traffic -→ Referrals để xem những trang nào đã tạo ra lượng truy cập.
Trong ví dụ này, chúng ta thấy lưu lượng truy cập giới thiệu (Referrals) từ Quora.com. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đã viết 10 bài trên Quora và muốn biết chính xác bài đăng nào đã tạo ra lưu lượng truy cập?
Bằng cách thêm “& utm_campaign = name-of-post” vào cuối đường link của bạn trên Quora, bạn có thể xem trong Google Analytics những bài đăng nào đã tạo ra traffic.
Lưu lượng truy cập trực tiếp (Direct Traffic) cũng là một traffic “bí ẩn” khác trong Google Analytics. Nó chủ yếu bao gồm những khách truy cập nhập url của bạn trực tiếp vào trình duyệt của họ hoặc đánh dấu trang của bạn. Tuy nhiên, direct traffic cũng bao gồm những khách truy cập đã nhấp vào liên kết trong email, ebook và các tài liệu Marketing offline khác. Hãy thêm liên kết UTM có nguồn truy cập cụ thể, nếu không nó sẽ được phân loại là direct traffic.
Ví dụ, nếu bạn muốn viết một ebook có chứa các đường link dẫn đến website của bạn, bạn có thể thêm những mã UTM như thế này:
- mywebsite.com?utm_source=ebooks&utm_campaign=agency_playbook
Trong giao diện Google Analytics, bạn có thể lọc traffic theo nguồn để hiểu rõ mức độ hiệu quả của ebook trong việc tạo ra traffic và khách hàng tiềm năng (leads).
2. Biết được mọi người ấn vào liên kết nào trong một chiến dịch
Giả sử bạn phụ trách hoạt động newsletter cho khách hàng của mình. Hàng tuần, bạn gửi newsletter đi, trong đó là đường dẫn đến những thông tin, câu chuyện thú vị trên Internet, cũng như một call-to-action tới website của khách hàng của bạn.
Khả năng là bạn đã có thể đo lường được tỉ lệ mở và click chuột của những thư bạn gửi đi. Thế nhưng, bạn có biết những đường link nào được quan tâm nhiều nhất, và những đường link nào thì bị lờ đi? Đây là chính là lúc mã UTM phát huy công dụng của mình.
Bằng cách thêm tham số “utm_content” vào những đường link khác nhau trong newsletter, bạn có thể theo dõi số lượng click tương ứng mà chúng nhận được.
Do đó, một newsletter về chủ đề mua sắm có thể 2 mã UTM riêng biệt cho sản phẩm giày (shoes) và áo khoác (jacket), như dưới đây:
- utm_source=mailchimp&utm_campaign=newsletter1&utm_content=shoes
- utm_source=mailchimp&utmp_campaign=newsletter1&utm_content=jackets
Khi bạn đăng nhập vào Google, hãy vào Acquisition → Overview → Campaigns → All Campaigns. Bạn sẽ quan sát được đường link nào thu hút nhiều traffic hơn.
Có rất nhiều cách để sử dụng tham số UTM này. Ví dụ, bạn có thể tạo ra một mã utm_content riêng biệt cho những banner khác nhau trong cùng một chiến dịch. Hoặc bạn có thể thêm một mã tuỳ chỉnh vào đường link chữ ký email để theo dõi toàn bộ lượt click vào nó.
3. Phân loại & nhóm traffic theo kênh
Giả sử bạn đang chạy một chiến dịch marketing trên mạng xã hội cho khách hàng. Một phần trong các hoạt động của chiến dịch chính là chia sẻ nội dung trên những mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter,… Những thông tin này sẽ được hiển thị dưới mục “Social” trong Google Analytics.
Đọc thêm: Sử dụng Google Analytics thế nào để theo dõi sức khoẻ website?
Tuy nhiên, nếu như bạn quảng bá nội dung trên những mạng xã hội mà Google không phân loại vào mục “Social” (ví dụ như imgur.com) thì sao?
Trong trường hợp thế này, bạn sẽ không có cách nào để đo lường chính xác kết quả từ các hoạt động trên mạng xã hội của mình.
Đây chính là lúc bạn có thể sử dụng utm_medium. Bằng cách thêm “utm_medium=social” vào tất cả các đường link mà bạn chia sẻ trên mạng xã hội, bạn có thể đo lường hiệu quả của chiến dịch trên các kênh social media.
Bạn sẽ thấy rằng tham số utm_medium đặc biệt hữu ích để làm những phân tích tổng quan về lượng traffic. Bạn có thể nhóm tất cả các đường link vào một vài kênh chính – mạng xã hội, tìm kiếm (search), email, giới thiệu (referral),… – để đo lường traffic của từng kênh qua thời gian.
Ngoài ra, tham số này cùng rất hữu ích để phân biệt các truy cập trả phí (paid traffic). Ví dụ, tất cả những traffic đến từ Facebook sẽ xuất hiện trong nhóm “social” theo như mặc định của Google Analytics. Nếu bạn đang chạy một chiến dịch trả phí trên Facebook, bạn sẽ không muốn traffic đến từ chiến dịch này lẫn vào traffic tự nhiên (organic) của bạn.
Bằng cách thêm utm_medium=cpc hoặc utm_medium=cpm vào liên kết URL của Facebook Ads, bạn có thể nhóm tất cả paid traffic vào một báo cáo.
4. Theo dõi traffic của những chiến dịch khác nhau
Nếu bạn ra mắt sản phẩm mới (launching), bạn có thể chắc chắn rằng traffic đến hoàn toàn từ chiến dịch launching không? Hay là, bao nhiêu trong số các chiến dịch marketing vào ngày lễ (holiday marketing) của bạn thực sự dẫn đến chuyển đổi thành công?
Theo dõi những chỉ số này là một trong những công việc khó nhằn nhất của Marketer. Những dữ liệu Google Analytics khó mà cho bạn câu trả lời về việc chiến dịch marketing nào đang đóng góp vào kết quả hiện tại của bạn.
Tham số utm_campaign có thể giải quyết được vấn đề này!
Ví dụ, nếu bạn đang chạy chiến dịch ưu đãi 20%, bạn có thể sắp xếp tất cả đường link của bạn như sau:
- utm_campaign=20off&utm_source=facebook
- utm_campaign=20off&utm_source=googleplus&utm_content=first-link
Đây là một ví dụ khác: giả sử bạn muốn đo lường hiệu quả của hoạt động marketing hướng tới những đối tượng khách hàng (customer persona) khác nhau.
Bạn có thể sắp xếp tất cả những đối tượng này vào các chiến dịch khác nhau, như thế này:
- utm_campaign=persona1
- utm_campaign=persona2
Tạm kết
Một đường link UTM có thể giúp các marketers trả lời những câu hỏi như: Kênh nào mang lại lượng traffic website tốt nhất? Người dùng quan tâm tới nội dung nào trong chiến dịch? Các chiến dịch khác nhau đang hoạt động như thế nào? Với các dữ liệu này, bạn hoàn toàn có cơ sở để tối ưu phân chia ngân sách kênh và xây dựng định hướng nội dung phù hợp với sở thích, nhu cầu của đối tượng mục tiêu.Mã UTM là một cách thức để bạn thu thập dữ liệu.
Nếu bạn muốn tự động tổng hợp mọi dữ liệu đó về một dashboard, tự động trực quan hoá chúng thành các nhóm biểu đồ, nhanh chóng phân tích tình hình chiến dịch, cũng như đánh giá hoạt động website, bạn sẽ cần tới một hệ thống dữ liệu. Để tìm hiểu thêm về cách xây dựng hệ thống dữ liệu, nắm được logic của các phương pháp, cũng như tiếp cận giải quyết các bài toán thực tế của doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, hãy tham khảo khóa học Data System của Tomorrow Marketers!
Khoá học Data System của Tomorrow Marketers muốn truyền tải, để giúp các doanh nghiệp xây dựng văn hoá dữ liệu và khai phá những tiềm năng tăng trưởng ngay từ dữ liệu nội bộ. Khoá học Data System sẽ giúp bạn hiểu rõ:
- Tầm quan trọng của hệ thống dữ liệu nội bộ đối với sự tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp.
- Cấu trúc của hệ thống dữ liệu nội bộ: Hiểu rõ các thành phần của một hệ thống dữ liệu hoàn chỉnh.
- Tư duy xây dựng quy trình và số hoá quy trình kinh doanh nhằm thu thập được dữ liệu qua thời gian
- Tư duy xây dựng đường ống dữ liệu và nhà kho dữ liệu, giúp doanh nghiệp chuẩn hoá dữ liệu từ sớm.
- Tư duy khai thác dữ liệu để xây dựng báo cáo quản trị, cung cấp bức tranh toàn cảnh của kinh doanh và giám sát hoạt động.