Tomorrow Marketers – Xây dựng thương hiệu (branding) là một trong những công việc quan trọng nhất mà marketer trong các doanh nghiệp lớn nhỏ cần phải thực hiện. Một chiến lược xây dựng thương hiệu hiệu quả sẽ mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Thế nhưng cốt lõi của việc xây dựng thương hiệu là gì và nên bắt đầu từ đâu? Hãy cùng TM tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
Cốt lõi của việc xây dựng thương hiệu
Xây dựng thương hiệu xuất phát từ một lời hứa với khách hàng
Có nhiều khái niệm khác nhau về thương hiệu. Hiểu một cách đơn giản, thương hiệu là một lời hứa của doanh nghiệp hướng tới người tiêu dùng, giúp họ thỏa mãn một nhu cầu hay thực hiện một mục tiêu nào đó. Lời hứa của thương hiệu giúp người tiêu dùng biết được họ có thể kỳ vọng gì ở sản phẩm, dịch vụ và giúp sản phẩm, dịch vụ trở nên khác biệt với các sản phẩm, dịch vụ khác trên thị trường. Chẳng hạn, lời hứa của Coca-cola là những giây phút vui vẻ mà người tiêu dùng có được với bạn bè, người thân, lời hứa của Starbucks là khoảng không gian làm việc thoải mái, thư thái bên ly cafe thơm ngon hay lời hứa của Prudentials là một gia đình nơi mọi thành viên được chăm sóc và bảo vệ.
Do đó, trước khi xây dựng thương hiệu, marketer cần xác định rõ ràng doanh nghiệp của mình có những thế mạnh nào, có thể phục vụ người tiêu dùng bằng cách nào và mong muốn xây dựng hình ảnh ra sao trong tâm trí người tiêu dùng. Có rất nhiều phương hướng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn: trở thành người tiên phong về công nghệ, một chuyên gia trong lĩnh vực hay nhà cung cấp giá rẻ nhất,… Các công việc tiếp theo của chiến lược xây dựng thương hiệu chính là nhằm giữ vững và truyền tải lời hứa này tới người tiêu dùng mục tiêu.
Xây dựng thương hiệu sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tiếp xúc với người tiêu dùng
Như đã đề cập ở trên, mục tiêu của chiến lược xây dựng thương hiệu là giữ vững và truyền tải lời hứa của doanh nghiệp tới người tiêu dùng mục tiêu. Thông điệp gì được truyền tải, truyền tải thế nào, ở đâu, khi nào,… đều được vạch ra trong chiến lược thương hiệu. Như vậy, từ kế hoạch truyền thông tích hợp cho tới làm sự kiện, tung khuyến mại, giảm giá, bài trí tại cửa hàng,… đều là một phần của chiến lược xây dựng thương hiệu. Nói cách khác, chiến lược thương hiệu bao gồm tất cả các hoạt động giúp thương hiệu, tiếp xúc định hình và duy trì một hình ảnh thống nhất trong tâm trí người tiêu dùng.
Xây dựng thương hiệu giúp gia tăng tài sản thương hiệu
Khi được thực hiện thống nhất, đúng cách, chiến lược thương hiệu giúp gia tăng tài sản thương hiệu. Nói cách khác, chiến lược thương hiệu hiệu quả giúp thương hiệu ngày một trở nên “có giá” trong mắt người tiêu dùng, họ sẵn sàng gắn bó và chi trả nhiều hơn cho sản phẩm của thương hiệu, nghĩ tốt về thương hiệu và giới thiệu nó cho bạn bè, người thân. Hiện tượng này có thể thấy rõ trong thị trường thời trang cao cấp hay công nghệ, khi bản thân thương hiệu đã trở thành một tài sản có giá trị lớn tương đương hoặc thậm chí vượt xa các tài sản khác của doanh nghiệp như nguồn vốn, trang thiết bị, nhân lực,…
Giá trị của thương hiệu trong mắt người tiêu dùng có thể nằm ở yếu tố chất lượng hoặc tình cảm. Người tiêu dùng yêu thích các sản phẩm của Apple không chỉ bởi thiết kế hay tính năng của nó mà còn bởi tinh thần tiên phong, dám đổi mới. Tương tự, những đôi giày Nike không chỉ được yêu thích bởi kiểu dáng, màu sắc mà còn bởi cảm hứng vô hạn từ những vận động viên thành công trên khắp thế giới.
Bắt đầu xây dựng thương hiệu thế nào?
Định hình thương hiệu (Define your brand)
Để có được những hình dung rõ ràng về thương hiệu, marketer trước hết cần phải trả lời các câu hỏi sau:
- Sứ mệnh của doanh nghiệp là gì?
- Đâu là những lợi ích và đặc điểm nổi trội của sản phẩm hay dịch vụ?
- Khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng đang nghĩ gì về doanh nghiệp?
- Doanh nghiệp muốn để lại hình ảnh gì trong tâm trí của khách hàng?
Mọi quyết định về thương hiệu đều phải đến từ người tiêu dùng mục tiêu. Vì thế, hãy dành thời gian tìm hiểu kĩ lưỡng hành vi, suy nghĩ, ước mơ, những động lực hay khó khăn thầm kín (insight) của người tiêu dùng mà doanh nghiệp có thể cung cấp giải pháp thông qua thương hiệu, đáp ứng kỳ vọng đề ra của họ.
Những câu hỏi trên có thể áp dụng cho các thương hiệu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng, nếu thực sự muốn xây dựng một thương hiệu hoàn chỉnh, có khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai và lâu bền với thời gian, marketer cần tới những mô hình bài bản hơn, đã được áp dụng bởi các tập đoàn lớn trên thế giới.
Xây dựng nhưng yếu tố tối thiểu mà một thương hiệu cần
- Logo: logo là một trong các phương tiện thương hiệu sử dụng để giao tiếp với người tiêu dùng thông qua các yếu tố thị giác. Logo được thiết kế với các đường nét, màu sắc đại diện cho những giá trị cốt lõi của thương hiệu, giúp phân biệt sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu với đối thủ trên thị trường. Logo được sử dụng ở phần lớn điểm chạm với người tiêu dùng như bao bì sản phẩm, cửa hàng, fanpage, website, đồng phục của nhân viên,…
- Thông điệp thương hiệu: Thông điệp thương hiệu là những lời tuyên bố về những giá trị cốt lõi làm nên thương hiệu, thường được sử dụng để giao tiếp giữa các thành viên trong công ty.
- Tagline: Tagline có cùng bản chất thông điệp thương hiệu, nhưng được chắt lọc để trở thành một câu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, được sử dụng để truyền tải những giá trị cốt lõi của thương hiệu tới người tiêu dùng. Một số tagline nổi tiếng là “Just Do It” của Nike hay “I’m Lovin’ It” của McDonalds.
- Giọng điệu thương hiệu: Giọng điệu thương hiệu ảnh hưởng tới toàn bộ cách sử dụng từ ngữ của thương hiệu trên các bài đăng trên fanpage, cho tới hình ảnh minh họa đính kèm hay các thước phim trong TVC. Hãy đảm bảo mọi điểm chạm của thương hiệu với người tiêu dùng đều sử dụng thống nhất một giọng điệu. Chẳng hạn, thương hiệu bia Budweiser sử dụng giọng điệu trẻ trung, mạnh mẽ, nhiệt huyết với sắc đỏ chủ đạo trên các bài đăng trên mạng xã hội hay giọng điệu nhẹ nhàng, nữ tính cùng hai sắc trắng-xanh quen thuộc của thương hiệu Dove.
- Template và các tiêu chuẩn thương hiệu trong các sản phẩm marketing: Bố cục hình ảnh, vị trí, kích thước logo, các màu sắc được sử dụng… là các tiêu chuẩn cần được tuân thủ nghiêm ngặt nhằm mang lại cho người tiêu dùng một trải nghiệm nhất quán về thương hiệu, cho dù họ đang cầm trên tay một chiếc tờ rơi chào hàng hay đang xem một đoạn quảng cáo trên Youtube.
Xét cho cùng, điều làm nên giá trị lớn nhất của thương hiệu chính là khả năng duy trì lời hứa ban đầu với người tiêu dùng. Do đó, dù chiến lược thương hiệu có được thực hiện bài bản đến đâu, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo sản phẩm, dịch vụ của mình thực sự giải quyết được những khó khăn, nhu cầu của người tiêu dùng theo cách mà đối thủ không làm được.
Tạm kết
Về bản chất, việc xây dựng thương hiệu có thể được hiểu là cách thức doanh nghiệp truyền tải lời hứa của mình tới người tiêu dùng, thông qua nhiều phương tiện khác nhau, qua đó làm gia tăng tài sản thương hiệu, khiến thương hiệu trở nên đáng giá hơn trong mắt người tiêu dùng, thuyết phục họ mua hàng. Chiến lược xây dựng thương hiệu bắt đầu từ quá trình định hình thương hiệu và đi kèm với đó là việc xây dựng các yếu tố cơ bản mà một thương hiệu cần.
Nếu bạn muốn hệ thống hoá kiến thức về xây dựng thương hiệu, đừng bỏ lỡ khoá học Brand Development của Tomorrow Marketers nhé!

Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!