Tomorrow Marketers – Theo Statista, trên thế giới có đến 9 triệu quảng cáo đang hoạt động trên Facebook tính đến quý 2 năm 2020. Doanh thu từ những quảng cáo này không chỉ đến từ việc mua sắm trực tiếp trên Facebook, mà còn từ các kênh khác, như E-commerce, mobile app, hay các cửa hàng offline. Nếu không theo dõi được tất cả dòng doanh thu này, chắc chắn bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều insight hữu ích để tối ưu hoạt động kinh doanh của mình. Vậy nên, Facebook đã cho ra đời những công cụ Facebook tracking hàng đầu để giải quyết vấn đề này!
Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn 3 công cụ Facebook Tracking phổ biến nhất, gồm:
- Facebook Pixel cho các trang thương mại điện tử
- Facebook offline event tracking (OET) cho các cửa hàng offline
- Facebook software developer kit (SDK) cho mobile app
Cùng với đó, TM sẽ giới thiệu thêm về lợi ích và cách cài đặt, sử dụng chúng trong thực tế. Nào, hãy cùng tìm hiểu về những công cụ tracking này ngay dưới đây nhé.
Facebook Pixel – Công cụ Facebook Tracking cho website E-commerce
1. Định nghĩa
Facebook Pixel là một đoạn code JavaScript bạn gắn vào website của mình, để theo dõi lượng khách hàng truy cập, đồng thời ghi nhận lại hành động của họ trên trang. Đoạn mã này chỉ hoạt động với những khách hàng vào trang thông qua việc xem quảng cáo Facebook của bạn.
Về nguyên lý hoạt động, Facebook pixel sẽ gắn một file “identification cookie” vào trình duyệt web của người dùng khi họ vào trang của bạn. Nếu người dùng có sử dụng Facebook và đã xem quảng cáo của bạn (Pixel nhận ra điều này qua các thông tin về số điện thoại, email), thì ngay lập tức file identification cookie sẽ đóng vai trò như một “camera”, “quay” lại tất cả hành động của họ.
Với Facebook, mỗi hành động người dùng trên trang web của bạn được gọi là một “event”. Hiện tại, có 9 events mà Pixel Facebook có thể theo dõi, bao gồm:
- Xem nội dung: Theo dõi số lần xem trang (bài viết, landing page, trang sản phẩm)
- Tìm kiếm: Theo dõi tìm kiếm trên trang web (tìm kiếm sản phẩm)
- Thêm vào giỏ hàng: Theo dõi các sản phẩm được thêm vào giỏ hàng
- Thêm vào danh sách yêu thích: Theo dõi khi các sản phẩm được thêm vào danh sách yêu thích
- Bắt đầu thanh toán: Theo dõi thời điểm khách hàng bắt đầu vào trang thanh toán
- Thêm thông tin thanh toán: Theo dõi thời điểm khách hàng thêm thông tin thanh toán trong trang thanh toán
- Mua hàng: Theo dõi mua hàng hoặc hoàn thành luồng thanh toán (chuyển sang trang xác nhận mua hàng)
- Lead: Theo dõi khi ai đó trở thành khách hàng tiềm năng (gửi biểu mẫu, đăng ký dùng thử)
- Hoàn thành đăng ký: Theo dõi khi ai đó hoàn tất biểu mẫu đăng ký (đăng ký hoàn chỉnh, đăng ký dịch vụ)
Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn loại event mà mình muốn theo dõi. Pixel sẽ gửi lại tất cả những thông tin đó qua Facebook cho bạn.
Ngoài ra, Pixel có thể theo sát event của người dùng bất kể họ đang sử dụng thiết bị nào. Giả sử A cho 1 sản phẩm vào giỏ hàng bằng điện thoại, sau đó hoàn tất việc mua hàng trên laptop. Facebook Pixel vẫn sẽ theo dõi được toàn bộ hành trình mua hàng của A từ cả hai thiết bị.
2. Lợi ích của việc sử dụng Facebook Pixel
Với những thông tin về event của khách hàng trên website, bạn sẽ có thể tạo đối tượng tùy chỉnh/ đối tượng tương tự cho các chiến dịch quảng cáo, đồng thời đo lường luôn được thành công của các chiến dịch đó.
Cụ thể hơn, Facebook Pixel giúp bạn tạo các chiến dịch Facebook hiệu quả hơn thông qua việc:
- Cho phép bạn tạo đối tượng tương tự (lookalike audiences): Với những chiến dịch quảng cáo thành công, bạn có thể dựa vào pixel của chúng để tạo tệp đối tượng có đặc điểm tương tự như những người đã mua hàng, rồi target họ bằng những quảng cáo khác.
- Cho phép bạn tạo đối tượng tùy chỉnh (custom audiences), để retargeting lại những đối tượng đã có tương tác nhưng chưa mua hàng. Bằng những content ads hấp dẫn hơn, tỷ lệ chuyển đổi của tệp khách hàng này có thể lên tới 30~50%.
Thêm vào đó, với Facebook Pixel, bạn có thể đo lường được hiệu quả của chiến dịch Facebook Ads bằng cách:
- Theo dõi tỷ lệ chuyển đổi của từng chiến dịch để xác định xem đâu là quảng cáo có lưu lượng người truy cập, đăng ký và mua hàng lớn nhất.
- Tính toán được chỉ số ROAS (return on ad spent), để bạn biết quảng cáo nào đem lại tổng doanh thu và doanh thu trên mỗi khách hàng cao nhất.
Đọc thêm: Phễu marketing và cách chuyển hóa khách hàng trên Facebook
3. Cài đặt Facebook Pixel như thế nào?
Để cài đặt Facebook Pixels, bạn cần có đủ 2 điều kiện sau:
- Doanh nghiệp của bạn sở hữu 1 website
- Bạn có khả năng truy cập mã nguồn của website
Nếu đã thỏa mãn 2 điều kiện trên, bắt tay vào khởi tạo và cài đặt Facebook Pixel luôn nào!
Bước 1: Truy cập vào trình Quản lý sự kiện của Facebook: https://www.facebook.com/events_manager2
Bước 2: chọn dấu + để kết nối nguồn dữ liệu:
Bước 3: Chọn mục Web. Sau đó tiếp tục nhấn vào nút Bắt đầu để chuyển sang bước tiếp theo
Bước 4: Chọn Facebook Pixel. Sau đó ấn Kết nối
Bước 5: Tùy chỉnh tên theo ý muốn, sau đó thêm URL trang web của bạn.
Bước 6: Cài đặt mã Pixel: sẽ có 2 cách cài đặt mã Pixel vào website của bạn, Tomorrow Marketers sẽ hướng dẫn bạn cách thêm mã pixel theo cách thủ công.
- Đầu tiên, truy cập đến mã nguồn của Website và tìm đến file Header.php
- Sau đó dán đoạn mã Pixel đã tạo ở trên vào giữa <head>/<head>
- Bước cuối cùng là ấn Cập nhật, mã pixel đã bắt đầu hành vi truy cập và tìm kiếm thông tin trên website của người dùng.
Chú ý: Rất có thể trong tương lai sắp tới, Facebook Pixel sẽ trở nên “vô dụng” dưới tác động của Google, Apple. Tuy nhiên, bạn cũng không nên lo lắng trước vấn đề này, bởi vẫn còn lối thoát, một công cụ tracking khác có chức năng tương tự là Facebook Conversion API để bạn có thể sử dụng. Tham khảo ngay về Facebook Conversion API tại đây.
Facebook Offline Event Tracking (OET) – Công cụ Facebook Tracking cho cửa hàng offline
1. Định nghĩa
OET sẽ giúp bạn theo dõi hoạt động tương tác, giao dịch của khách hàng tại cửa hàng vật lý. Có thể hiểu đơn giản là những gì Facebook Pixel có thể theo dõi về hành vi của người dùng online thì OET sẽ làm được tương tự như vậy, nhưng với khách hàng offline.
Sự khác biệt giữa pixel và OET là cách bạn thu thập thông tin. Để OET hoạt động, bạn sẽ cần lấy dữ liệu từ những nơi như hệ thống điểm bán hàng (POS) của bạn và gửi đến Facebook dưới dạng tệp CSV. Điều này thường được thực hiện theo cách thủ công nhưng bạn cũng có thể sử dụng API chuyển đổi ngoại tuyến của Facebook để thực hiện tự động việc này.
OET cho phép bạn theo dõi các loại dữ liệu, bao gồm:
- Thông tin chi tiết về khách hàng như địa chỉ email và tên.
- Các sự kiện của khách hàng như mua hàng, tham dự sự kiện hoặc đặt hàng qua điện thoại.
- Thông tin cụ thể về lần chuyển đổi như thời gian, ngày chính xác và giá trị của đơn hàng.
Điều này có nghĩa là, Facebook không giới hạn các thông tin mà bạn sẽ gửi tới cho họ, điều này phụ thuộc vào cách bạn lựa chọn thông tin.
Sau khi có dữ liệu, Facebook sẽ tìm kiếm các kết quả phù hợp giữa khách hàng của bạn và tệp người dùng của mình. Khi tìm thấy kết quả phù hợp, Facebook có thể cho bạn biết khách hàng nào đã xem quảng cáo trước khi thực hiện một số hành động tại điểm bán trực tiếp của bạn.
2. Lợi ích của việc sử dụng OET
Với OET, bạn sẽ biết được Facebook Ads của bạn có đang giúp cải thiện chuyển đổi tại cửa hàng offline không. Hơn nữa, việc dựa vào các tương tác thực tế với thương hiệu qua theo dõi OET, bạn có thể tùy chỉnh các tệp khách hàng, truyền tải các quảng cáo liên quan hơn. Hơn thế nữa OET còn hữu ích trong các chiến dịch retarget marketing.
Ví dụ: 1 khách hàng A tới với cửa hàng của bạn nhờ vào quảng cáo trên Facebook, họ mua 1 đôi giày thể thao. Khi lưu lại thông tin của người này nhờ vào số điện thoại, OET sẽ đối chiếu số này trên hệ thống của mình, đưa ra được kết quả và giúp chúng ta hiểu thêm quảng cáo nào hiệu quả với đối tượng này. Thương hiệu sẽ tiếp tục sản xuất những quảng cáo tương tự và retarget tới tệp này, những quảng cáo retarget góp phần tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng, khiến họ tiếp tục mua hàng, thông qua hình thức online hoặc offline. Trong thời gian dài hơn, họ có thể sẽ trở thành khách hàng trung thành và bạn hoàn toàn có thể xây dựng brand love dựa trên chiến dịch quảng cáo retarget.
Michael Kors, một hãng thời trang cao cấp đã tăng được tỷ lệ chuyển đổi tại cửa hàng lên 31% nhờ vào việc cài đặt OET. Để có được kết quả này, Michael Kors đã theo dõi các hoạt động tại cửa hàng nhờ vào OET. Sau đó, họ sử dụng thông tin đó để xây dựng các chiến dịch nhằm tiếp cận khách hàng mục tiêu dựa trên giá trị, thời gian và tần suất mua hàng.
3. Cài đặt OET như thế nào?
Vì bạn không thể cài đặt mã Pixel cho cửa hàng offline, vì vậy để theo dõi và cài đặt OET, bạn cần phải tải lên dữ liệu từ những giao dịch trong thực tế. Trước khi tải lên những dữ liệu này, bạn cần khởi tạo một event trong trình quản lý sự kiện bằng cách lặp lại bước 1,2 và 3 (ở bước này chọn Offline).
Bạn cần nhớ định dạng file dữ liệu của bạn phải là csv., những thông tin bạn cung cấp càng chi tiết thì dữ liệu cho Facebook Ads của bạn sẽ càng được cải thiện.
Facebook software developer kit (SDK) – Công cụ Facebook Tracking cho ứng dụng điện thoại
1. Định nghĩa
Bộ công cụ dành cho nhà phát triển phần mềm Facebook (SDK) là một gói hướng dẫn, công cụ và lối tắt dành cho các Developer để tích hợp ứng dụng của họ với Facebook. Khi được cài đặt, công cụ Facebook Tracking này cho phép bạn theo dõi được hoạt động của các khách hàng khi sử dụng ứng dụng mobile app (nếu họ đăng nhập vào app qua tài khoản Facebook).
2. Lợi ích của việc sử dụng SDK
Đối với các marketers, khía cạnh quan trọng của SDK là nó cho phép trao đổi thông tin giữa ứng dụng của bạn và Facebook. Về mặt đó, nó tương tự như pixel Facebook, nhưng dành cho ứng dụng mobile thay vì trang web.
Với SDK được cài đặt, bạn có thể theo dõi các sự kiện trong ứng dụng — như đạt được cấp độ mới trong trò chơi, hoàn thành đăng ký hoặc mua hàng trong ứng dụng — sau đó chia sẻ dữ liệu đó với Facebook. Những thông tin này sẽ là cơ sở để bạn tối ưu lại vị trí, nội dung hay thậm chí là cách thức tiếp cận quảng cáo FB với đối tượng người sử dụng mobile app.
3. Cách cài đặt mã SDK
Với SDK bạn cần một lập trình viên để có thể cài đặt mã này vì nó khá phức tạp. Nếu thương hiệu của bạn thỏa mãn được 3 điều kiện: có tài khoản Facebook Ad Manager, Business Manager, và Event Manager, bạn có thể thực hiện cài đặt mã SDK theo hướng dẫn tại đây.
Tạm kết
Tóm lại, để biết quảng cáo Facebook của bạn có đang hoạt động hiệu quả, thu được lợi nhuận từ các nguồn như cửa hàng offline hay ứng dụng điện thoại, bạn nên cân nhắc sử dụng các 3 loại mã Facebook Tracking kể trên để quảng cáo Facebook của bạn được tối ưu nhất có thể.
Tracking là một trong những hoạt động quan trọng giúp hiểu rõ nguồn doanh thu đến từ những nguồn nào, những quảng cáo nào đang có hiệu quả, quảng cáo nào không,… Từ những thông tin này, bạn sẽ đo lường được hiệu quả của chiến dịch quảng cáo, từ đó đưa ra những quyết định cải tiến chiến lược hoặc thay đổi chiến lược hiệu quả hơn. Tham khảo khóa học Digital Performance để tìm hiểu thêm về cách tracking và tối ưu quảng cáo với từng tình huống cụ thể của doanh nghiệp!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!