Meta pixel là gì? Liệu conversion API có thay thế hoàn toàn pixel?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Theo dõi hoạt động người dùng và doanh thu từ quảng cáo sẽ mang đến rất nhiều insight hữu ích cho doanh nghiệp, đó là lý do mà meta pixel ra đời. Thế nhưng việc loại bỏ cookies từ Google và việc cho phép người dùng chặn theo dõi hành vi từ Apple khiến Meta pixel giảm dần độ chính xác. Khắc phục điều này, Meta ra mắt conversion API như một giải pháp hỗ trợ pixel. Thế nhưng, liệu phương pháp tracking này có hoàn hảo đến mức thay thế được hoàn toàn phương pháp theo dõi hành vi trên web browser truyền thống? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

Facebook theo dõi hành vi người truy cập website theo cơ chế nào?

Để theo dõi hành vi, Facebook sử dụng cơ chế matching event, là việc Facebook đối sánh (match) hành vi của website visitor với 1 tài khoản người dùng Facebook đã tồn tại. Matching được Facebook thực hiện bằng cách sử dụng thông tin định danh cá nhân (personal identifier) gửi kèm với một hành động thực hiện trên website. Thông tin định danh có thể là dữ liệu lưu trữ trong cookies hoặc thông tin người dùng như địa chỉ IP, email, name, phone number.

Facebook sử dụng 2 phương thức matching event lấy dữ liệu người dùng:

  • Meta pixel: Sử dụng cookie trên trình duyệt web (web browser)

Hiểu cơ bản về cookie, cookie là đoạn văn bản nhỏ dùng để lưu trữ thông tin trên trình duyệt web. Ví dụ, khi bạn truy cập facebook thông qua các trình duyệt như Chrome, Firefox hay Cốc Cốc thì trình duyệt sẽ lưu lại những thông tin quan trọng như tên đăng nhập, email, số điện thoại, mật khẩu, địa chỉ IP,.. Hoặc bạn vào trang web thương mại điện tử, những thông tin như chi tiết đăng nhập, các sản phẩm được thêm vào giỏ hàng, thông tin được giữ ngay cả sau khi bạn rời khỏi trang web. Tất cả những thông tin đó được lưu lại và mã hóa thành một chuỗi ký tự chính là cookie.

  • Conversion API: Lấy dữ liệu trực tiếp từ database web server

Web server là gì? Hiểu cơ bản, các website cần một chương trình máy tính lưu trữ toàn bộ các dữ liệu về nội dung trang web như hình ảnh, văn bản, video,… (những thứ sẽ hiển thị trên web browser). Chiếc máy tính chạy chương trình này là web server. Khi một người dùng sử dụng máy tính để truy cập một website, họ nhập và gửi yêu cầu tới server về việc xem trang web đó.

Cùng đi sâu tìm hiểu sự khác nhau của Meta pixel và conversion API nhé!

Meta pixel là gì?

Định nghĩa

Meta pixel là một đoạn code JavaScript bạn gắn vào website của mình, để theo dõi hành động của khách hàng qua web browser. Đoạn mã này chỉ hoạt động với những khách hàng vào trang thông qua việc xem quảng cáo Facebook của bạn.

Hiểu một cách đơn giản thì Meta pixel sẽ đặt 1 cookie có khả năng nhận dạng user độc nhất và thu thập các hành vi của user đó trên website, sau đó đưa về Ad Manager. Ad Manager sẽ lưu trữ và khớp thông tin với Facebook user ID.
Ví dụ: Bạn mở Google Chrome lên và đăng nhập vào Facebook, thì cookie của facebook.com đã lưu trữ id của bạn và biết bạn là ai. Sau đó bạn lướt newsfeed, thấy 1 quảng cáo về sản phẩm bình nước của Lock&Lock, bạn bấm vào và được chuyển sang website của Lock&Lock (đã được cài Meta pixel). Pixel lúc này sẽ tạo 1 cookie trên website của Lock&Lock, cookie này tạo ra 1 ID độc nhất cho session đó và thu thập hành vi của bạn. Vì bạn đã đăng nhập vào Facebook trước đó và bấm sang 1 website có Meta pixel nên Facebook đã “biết” bạn là ai thông qua matching ID Facebook users và ID của session do cookie tạo ra (đều xảy ra trên cùng 1 browser). Đây là trường hợp lý tưởng nhất để dùng Meta pixel. Nhìn chung, một khi đã đăng nhập Facebook và vào các trang có gắn Facebook pixel thì Facebook đã biết mình là ai, và mình đang làm gì.

Các event mà Meta Pixel theo dõi

Với Facebook, mỗi hành động người dùng trên trang web của bạn được gọi là một “event”. Hiện tại, có 9 events mà Meta Pixel có thể theo dõi, bao gồm:

  • Xem nội dung: Theo dõi số lần xem trang (bài viết, landing page, trang sản phẩm)
  • Tìm kiếm: Theo dõi tìm kiếm trên trang web (tìm kiếm sản phẩm)
  • Thêm vào giỏ hàng: Theo dõi các sản phẩm được thêm vào giỏ hàng
  • Thêm vào danh sách yêu thích: Theo dõi khi các sản phẩm được thêm vào danh sách yêu thích
  • Bắt đầu thanh toán: Theo dõi thời điểm khách hàng bắt đầu vào trang thanh toán
  • Thêm thông tin thanh toán: Theo dõi thời điểm khách hàng thêm thông tin thanh toán trong trang thanh toán
  • Mua hàng: Theo dõi mua hàng hoặc hoàn thành luồng thanh toán (chuyển sang trang xác nhận mua hàng)
  • Lead: Theo dõi khi ai đó trở thành khách hàng tiềm năng (gửi biểu mẫu, đăng ký dùng thử)
  • Hoàn thành đăng ký: Theo dõi khi ai đó hoàn tất biểu mẫu đăng ký (đăng ký hoàn chỉnh, đăng ký dịch vụ)

Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn loại event mà mình muốn theo dõi. Pixel sẽ gửi lại tất cả những thông tin đó qua Facebook cho bạn. 

Đọc thêm: 5 chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả Facebook conversion ad | Case study phân tích chiến dịch Shopping Mall

Ngoài ra, Pixel có thể theo sát event của người dùng bất kể họ đang sử dụng thiết bị nào. Giả sử A cho 1 sản phẩm vào giỏ hàng bằng điện thoại, sau đó hoàn tất việc mua hàng trên laptop. Meta Pixel vẫn sẽ theo dõi được toàn bộ hành trình mua hàng của A từ cả hai thiết bị.

Slide là một phần của khóa học Digital Performance. Tham gia khoá học để được hướng dẫn chi tiết bởi trainer nhiều năm kinh nghiệm trong mảng Digital Marketing.

Meta pixel sẽ gặp khó khăn để matching khi:

  • Bạn đăng nhập Facebook tại một browser và vào website tại một browser khác, hoặc dùng browser ẩn danh.
  • Bạn từ chối cấp phép cho cookie thu thập thông tin.
  • Bạn không đăng nhập vào website (vậy nên các trang thương mại điện tử hay khuyến khích đăng nhập để thanh toán, cho vào giỏ hàng, vì chỉ đăng nhập thì mới có thể lấy được các thông tin quan trọng hơn như email address).
  • Bạn dùng các phần mềm/plugin can thiệp vào browser như adblock, vpn,…
  • Có 1 vấn đề nào đó với pixel, khi bạn truy cập website thì pixel không “bảo” cookie làm gì cả.

Tóm tắt

Meta pixel phụ thuộc nhiều vào cookies trên website. Nhưng bản chất của cookie là dễ bị hack nên rất ít website lưu trữ các thông tin quan trọng của khách hàng ở cookie (trừ cookie lưu trữ khi bạn chọn “stay logged in”). Hệ quả là nếu khách hàng không đăng nhập vào website thì cookie cũng chỉ có thể lưu trữ các thông tin bề nổi như page view, nút bấm vào, scroll, IP address, loại device, thậm chí không lưu trữ được (nếu là session cookie – được lưu tạm thời trong bộ nhớ máy tính trong lúc bạn đang truy cập website đó và sẽ bị tự động xóa khi bạn đóng trình duyệt).

Thông tin càng bề nổi, càng khó matching chính xác. Để cải thiện điều này, hầu hết các website đều có lựa chọn đăng nhập bằng tài khoản Facebook hoặc Google.

Đọc thêm: Scale ad là gì? X2 ngân sách có luôn đi cùng X2 số đơn?

Conversion API (CAPI) là gì?

Khi Chrome thông báo chặn third – party cookie và Apple cập nhật iOS14 cho phép người dùng chặn ứng dụng theo dõi hành vi, Meta đã giới thiệu giải pháp CAPI lấy dữ liệu trực tiếp từ server chứ không qua cookie nữa. 

Với API chuyển đổi, khi người dùng nhấp vào quảng cáo Facebook và truy cập trang web của bạn, Facebook sẽ gửi một ID duy nhất cho người dùng đó đến máy chủ. Máy chủ sẽ theo dõi người dùng thông qua ID này khi họ truy cập các trang khác nhau trên trang web của bạn và lưu ý nếu họ hoàn tất mua hàng, thêm sản phẩm vào giỏ hàng và các hành động khác. Sau đó, máy chủ sẽ gửi một thông báo trở lại Facebook cho biết ID người dùng này đã hoàn thành hành động nào.

Nhìn chung, CAPI cách trả về dữ liệu cũng không khác Meta pixel, nhưng nó cải thiện hơn ở chỗ: 

  • Meta Pixel ghi nhận thông tin của người dùng trên website thông qua trình duyệt web. Với update mới tới từ Google và iOS 14, khi người dùng có quyền được chặn tính năng chia sẻ dữ liệu từ trình duyệt và hệ điều hành, Pixel sẽ bị hạn chế khả năng thu thập dữ liệu và giảm độ chính xác trong việc nhắm chọn tệp đối tượng tiềm năng.
  • Conversion API sẽ ghi nhận thông tin của người dùng website trực tiếp trên server internet hoạt động của trang. Vậy nên, kể cả khi trình duyệt hay hệ điều hành có hạn chế việc theo dõi dữ liệu của Pixel, CAPI vẫn có thể hoạt động được.

Liệu conversion API có thay thế hoàn toàn pixel?

CAPI và pixel nên được dùng song song, bổ trợ cho nhau, bởi:

  • Conversion API nhiều khi vẫn không thể lấy được dữ liệu quan trọng. Tương tự như cookies, nếu người dùng không đăng nhập vào web/ ứng dụng, thì các thông tin quan trọng như email, phone, first name, last name cũng không có sẵn để thực hiện matching.
  • Dùng song song 2 giải pháp này sẽ tăng tính chính xác hơn khi theo dõi hành vi. Lúc này, Facebook có thể đối chiếu event (event matching) được gửi về từ cả Pixel và CAPI. Chẳng hạn, nếu một người hoàn tất mua hàng, event này sẽ được trả về qua cả pixel và CAPI. Từ nguồn dữ liệu đa dạng như order ID, email, click ID,… Facebook có thể kết luận rằng những event được trả về đều đến từ đơn hàng của cùng một người và đánh giá đó là dữ liệu chất lượng.

Hướng dẫn cài đặt Facebook Conversion API

Nhìn chung, có 3 cách để cài đặt CAPI lên trang web của bạn:

  • Nếu bạn sử dụng Shopify, bạn có thể cài đặt CAPI tương đối dễ dàng, vì Shopify là partner của Facebook.
  • Nếu bạn sử dụng WordPress, bạn có thể sử dụng plugin được Facebook cung cấp để cài đặt CAPI.
  • Còn nếu bạn sở hữu website độc lập, thì việc cài đặt buộc phải qua các ứng dụng thứ 3 hoặc tự code bằng tay. Trong bài viết này, TM sẽ giới thiệu cách cài đặt CAPI bằng Zapier. 

1. Cài đặt trên Shopify

Vì Shopify là partner của Facebook, nên việc cài đặt CAPI sẽ tương đối đơn giản. Trước hết bạn phải có quyền quản trị viên trên các trang:

  • Facebook Business Manager
  • Fanpage Facebook
  • Instagram (Nếu có quảng cáo trên trang này)

Nếu đã có quyền, bạn có thể tiến hành cài đặt theo các bước sau:

Bước 1: Từ trang home screen của Shopify, lựa chọn mục Facebook trong cột Sales Channels. Bạn sẽ được chuyển đến trang như hình dưới đây. Chọn “Continue Setup” để tiếp tục. 

Bước 2: Shopify sẽ hiện ra màn hình đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân như bên dưới. Điền thông tin đăng nhập của bạn vào, Shopify sẽ tự động link đến tài khoản Facebook Business Manager, Fanpage Facebook và Instagram.

Bước 3: Shopify sẽ hiện ra màn hình xác nhận kết nối giữa nền tảng này và Facebook, chọn Continue

Bước 4: Trong bước này, bạn sẽ phải xác minh những tài sản mình đang có để kết nối chúng với Shopify. Tài sản là những trang Business Manager, Fanpage Facebook hay Instagram mà bạn đang quản lý. 

Lưu ý: Bạn phải đảm bảo mục Automatic Advanced Matching được chuyển sang trạng thái “On”. 

Bước 5: Tiếp theo, bạn sẽ phải quyết định lựa chọn xem Shopify có quyền được truy cập vào những tính năng gì trên trang Facebook. Lý tưởng nhất, hãy tích chọn tất cả các quyền để CAPI có thể hoạt động hiệu quả.

Bước 6: Sau khi đã hoàn tất việc setup Facebook Sales Channel App, bạn hãy vào mục Settings được đặt ở vị trí trong hình bên dưới, sau đó chọn tiếp Data Sharing Settings để vào tùy chỉnh bật CAPI hoạt động.  

Bước 7: Trong màn hình data sharing setting, bạn cần đảm bảo:

  • Bật xanh mục Enable Tracking
  • Lựa chọn ô Maximum trong phần Choose Tracking Level để có thể thu thập được toàn diện data của người dung bằng CAPI
  • Xác nhận Pixel mà bạn muốn connect cùng CAPI trên website (Nếu bạn không có Pixel thì không cần chọn.)

Cuối cùng, bạn chỉ cần click vào nút Confirm ở cuối trang là CAPI đã sẵn sàng để sử dụng trên trang Shopify của mình.

2. Cài đặt trên WordPress

Bên cạnh Shopify, nếu bạn sử dụng các nền tảng tạo trang web khác, điển hình như WordPress thì có thể cài đặt Facebook Conversion API qua plugin.

Bước 1: Sau khi truy cập vào Business Manager, chọn menu thả ở góc trái màn hình bên phải, tiếp tục chọn Event Manager. 

Bước 2: Lựa chọn phần Settings, kéo xuống mục Conversion API

Bước 3: Chọn phần “Choose a Partner” dưới mục “Set up through a partner integration.”

Bước 4: Lựa chọn WordPress 

Bước 5: Làm theo quy trình hướng dẫn của trang để cài Plugin và kích hoạt CAPI trên trang WordPress của bạn.

Sau khi hoàn thành bước cuối cùng này thì CAPI đã sẵn sàng để hoạt động trên trang WordPress của bạn.

3. Cài đặt trên website độc lập

Với những website độc lập, bạn tự code và thiết kế từ đầu thì việc cài đặt CAPI buộc phải được thực hiện bởi ứng dụng từ bên thứ 3 – ở đây lựa chọn Zapier dựa trên độ phổ biến.

Bước 1: Sau khi truy cập vào Business Manager, chọn menu thả ở góc trái màn hình bên phải, tiếp tục chọn Event Manager. 

Bước 2: Trong phần Event Manager, lựa chọn Settings rồi kéo xuống mục Conversion API

Bước 3: Chọn phần “Choose a Partner” dưới mục “Set up through a partner integration.”

Bước 4: Chuyển đến giao diện lựa chọn ứng dụng để kết nối, chọn Zapier.

Bước 5: Lúc này, bạn sẽ nhìn thấy nhiều tùy chọn “zaps” để sử dụng.  Hãy chọn 2 “zaps” cụ thể là “offline event set” và “web signal.” 

Bước 6: Trong bảng Connect to Zapier hiện ra, bạn chỉ cần chọn Website là đã hoàn thành việc cài đặt CAPI cho trang của mình.

Sau khi hoàn thiện xong phần cài đặt, bạn có thể sử dụng zaps để gửi tất cả thông tin thu được từ khách hàng tới thẳng server của Facebook.

Đọc thêm: Phễu marketing và cách chuyển hóa khách hàng trên Facebook

Tạm kết

Dù chưa phải là giải pháp hoàn thiện giúp nhà quảng cáo đo lường chính xác kết quả, retarget và mở rộng quảng cáo đúng đối tượng, Conversion API vẫn là công cụ đáng cân nhắc để kết hợp song song với Meta pixel.
Hiểu nền tảng là yếu tố then chốt giúp marketers tận dụng tốt các giải pháp quảng cáo mà nền tảng cung cấp. Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm sâu hơn về quảng cáo Facebook, TikTok và Google, biết cách vận hành và tối ưu chiến dịch, hãy tham gia khóa học Digital Performance của Tomorrow Marketers!

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: