Tomorrow Marketers – Quarter-life crisis (khủng hoảng tuổi 20) là giai đoạn mà mỗi người đều trải qua với rất nhiều sự thay đổi và hoang mang về bản thân mình, về tương lai phía trước. Trên thực tế, những bước ngoặt lớn trong đời dù xảy ra ở độ tuổi nào cũng khiến mỗi người băn khoăn trước hàng loạt câu hỏi, và đối với người trẻ ở độ tuổi 20, một số câu hỏi tiêu biểu có thể kể đến như: “Liệu tôi có đang làm công việc mình yêu thích không?”, “Có nên từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi công việc mình mơ ước không?”, “Làm sao để sống một cuộc đời có ý nghĩa?”, v.v… Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu một số tips đơn giản giúp bạn xử lý khủng hoảng tuổi 20 một cách nhẹ nhàng, bớt dằn vặt hơn nhé!
1. Cân nhắc những việc bạn “nên” làm
Khủng hoảng tuổi 20 xoay quanh những tiêu chuẩn chung mà mỗi người “nên” có hoặc “nên” hoàn thành ở một cột mốc nhất định, chẳng hạn như:
- “Tôi nên xác định được nghề nghiệp tương lai vào năm 20 tuổi”
- “Tôi nên có công việc ổn định vào năm 25 tuổi”
- “Bạn bè đồng trang lứa dường như đều biết bản thân mình muốn gì, còn tôi chưa biết thì liệu có phải là bất thường không?”
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn sẽ nhận ra bản thân mình không phù hợp với những tiêu chuẩn này bởi thực tế, có rất nhiều cách để thực hiện một mục tiêu và cột mốc mà mỗi người đặt ra lại khác nhau. Do đó, trong thời kỳ khủng hoảng, bạn hãy viết ra một danh sách “những điều nên làm” của mình rồi tự hỏi bản thân: “Tôi có thực sự tin vào điều này không?” Đây là kỹ thuật định hình lại những suy nghĩ không xác thực (reframing untrue thoughts), giúp bạn thấy những suy nghĩ của bản thân đang làm cho hiện thực mà bạn trải qua tồi tệ hơn như thế nào, để bạn đánh giá được đâu là tưởng tượng, đâu là hiện thực.
Ngoài ra, khi thực hiện kỹ thuật này, bạn nên nhớ rằng các mục tiêu có thể thay đổi – ví dụ, những điều bạn mong muốn cách đây 5 năm đã không còn có ý nghĩa với bạn ở hiện tại nữa. Điều này hoàn toàn bình thường, và bạn cũng không nên níu giữ những kỳ vọng cũ kỹ không còn phù hợp với mình.
Cuối cùng, điều đáng chú ý là “những điều nên làm” thường xuất phát từ chuẩn mực xã hội và từ việc bạn quan sát những người khác. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là hãy tạm rời xa social media để bớt cảm thấy choáng ngợp. Bạn sẽ không còn tự so sánh bản thân với người khác, không lấy danh sách “những điều nên làm” của họ áp dụng cho chính mình, mà sẽ bắt đầu tập trung vào những mục tiêu của riêng bạn.
2. Tìm kiếm đam mê của bản thân
Nếu cuộc khủng hoảng của bạn bắt nguồn từ việc không có mục tiêu, không có định hướng trong cuộc sống, hãy khơi dậy nguồn cảm hứng sống từ việc tìm kiếm đam mê cho bản thân.
Bạn có thể sử dụng một bài tập tìm kiếm đam mê để hiểu rõ hơn về những gì còn thiếu trong cuộc sống của mình và cách tìm kiếm, bổ sung chúng. Nói một cách đơn giản, đây là một bài tập có tính hệ thống giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về mục tiêu của bản thân, từ đó tìm ra các bước để hiện thực hóa mục tiêu.
Bài tập tìm kiếm đam mê sẽ đưa bạn đi qua 6 bước sau:
- Chuẩn bị tinh thần cho việc suy ngẫm sâu sắc
- Trả lời các câu hỏi để kết nối với những sở thích, khao khát của bản thân
- Tổng kết các câu trả lời và tự liên hệ với bản thân
- Đưa ra các kết luận từ hành trình khám phá bản thân
- Tìm cách hiện thực hóa các mục tiêu
- Học cách vượt qua khó khăn và thích nghi với những thay đổi
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ thấy bài tập này giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, khiến bạn bớt bận tâm về những điều bâng quơ để bạn tập trung đưa ra những chiến lược cụ thể, tạo ra những thay đổi tích cực.
3. Ghi lại hành trình khám phá bản thân
Thông thường, điều quan trọng và cũng là điều khó nhất mà bạn phải đối mặt trong thời kỳ khủng hoảng đó là không hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Bạn cảm thấy không ổn nhưng lại không biết lý do vì sao, không biết phải làm gì để vượt qua.
Nếu bạn cũng đang trong trạng thái tương tự, hãy thử bắt đầu viết nhật ký ghi lại những việc xảy ra trong ngày và diễn biến cảm xúc của bạn mỗi ngày. Ghi chép thường xuyên có thể giúp bạn đánh giá được suy nghĩ, cảm xúc của mình, từ đó bạn sẽ biết trân trọng nỗ lực của bản thân hoặc dễ dàng đưa ra những giải pháp để cải thiện mình từng chút một.
Không chỉ có vậy, ghi chép hàng ngày còn giúp bạn lưu giữ những hy vọng hoặc ước mơ của riêng mình. Khi dành thời gian và không gian cho chúng, bạn sẽ nghĩ ra những giải pháp hoặc định hướng giúp mình đạt được mong ước. Trong khi viết, đừng quên ghi lại cả những điều tích cực và tiêu cực, bởi những điều tích cực sẽ truyền cảm hứng cho bạn trên hành trình thay đổi và hoàn thiện những điều chưa hoàn hảo. Hoặc bạn cũng có thể viết nhật ký biết ơn 1 tuần 1 lần – chỉ liệt kê những điều mà mình cảm thấy biết ơn để nạp thêm nguồn năng lượng tích cực.
Bạn không cần phải ghi chép quá trang trọng, cứ tự do viết theo ý mình hoặc liệt kê thành các bullet point để tiện theo dõi.
4. Tập trung chăm sóc bản thân
Khi gặp khủng hoảng, nhiều người nghĩ rằng những lời khuyên hoặc giải pháp chung chung cũng có thể giúp ích gì đó. Tuy nhiên, dù ai có khuyên gì đi nữa, điều quan trọng nhất bạn cần làm đó là xây dựng những thói quen tích cực cho bản thân. Khi cơ thể khỏe mạnh, bạn sẽ tự tìm ra được cách giải quyết tận gốc những vấn đề mình đang gặp phải.
Nếu bạn đang cảm thấy hoang mang vô định, hãy dành thêm thời gian chăm sóc bản thân từ những điều đơn giản nhất như sau:
- Ngủ đủ giấc
- Uống đủ nước và có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- Vận động thường xuyên dưới mọi hình thức mà bạn muốn
- Dành thời gian cho những người bạn yêu thương
- Tập thiền (meditation) hoặc các bài tập chánh niệm khác (mindfulness)
- Giữ tâm trạng vui vẻ bằng việc đọc sách, xem phim, làm bánh hoặc bất cứ việc gì bạn thích, và hãy tạm quên đi cơn khủng hoảng
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử tự học một chuyên mới như tham gia một môn học mới, tập một môn thể thao mới, miễn là những thói quen này giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc.
5. Tận dụng sự giúp đỡ của mọi người
Vượt qua khủng hoảng một mình có thể khiến bạn cảm thấy cô đơn, nhưng thực tế là nhiều người cũng trải qua khủng hoảng giống bạn. Đừng ngần ngại chia sẻ những khó khăn của mình với mọi người xung quanh: gia đình, bạn bè và những người mà bạn tin tưởng. Rất có thể họ đã từng trải qua những khó khăn tương tự trước đây, vì vậy, lắng nghe những tâm sự của họ sẽ giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn và thu được một số lời khuyên hữu ích.
Điều quan trọng nhất là bạn hãy coi cơn khủng hoảng là một phần bình thường của cuộc sống, thay vì coi đây là một thất bại hay một sự bất ổn của bản thân. Khi hiểu được rằng người khác cũng gặp những vấn đề tương tự, bạn sẽ dễ dàng đón nhận cơn khủng hoảng như một cơ hội để phát triển thay vì coi nó là một thách thức cần vượt qua.
6. Tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia
Cho dù bạn đang đối diện với loại khủng hoảng nào, tìm kiếm sự giúp đỡ của một Career Coach cũng có thể là sự lựa chọn hữu ích. Các liệu pháp trị liệu tâm lý dành cho cá nhân có thể giúp bạn xử lý các triệu chứng lo âu, trầm cảm hoặc các dấu hiệu bất ổn về sức khỏe tâm thần khác. Trong quá trình trị liệu, bạn sẽ có một không gian an toàn để suy nghĩ về những vấn đề mà mình đang trải qua, theo dõi diễn biến cảm xúc và tâm lý của bản thân để tìm ra những chiến lược cụ thể giúp bản thân vượt qua cơn khủng hoảng.
Có một câu nói rằng: “Chỉ bạn mới là người hiểu rõ nhất định hướng sự nghiệp của mình.”
Ý kiến này không hoàn toàn chính xác, bởi:
- Tự định hướng tương lai của mình rất khó, bạn khó có thể tự mình trải qua chục năm kinh nghiệm làm việc để hiểu rõ mình phù hợp hoặc không phù hợp với một ngành. Trên thực tế, ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, phần lớn người trẻ đều khó định hình được mình cần học gì, chuẩn bị gì để phục vụ cho công việc sau này.
- Muốn hiểu một ngành nghề nào đó mà không mất quá nhiều năm làm việc, bạn cần trò chuyện với những người trong nghề, tuy nhiên, người trẻ thường không có đủ các mối quan hệ cần thiết để giúp định hướng sự nghiệp.
Đó là lý do vì sao bạn cần một Career Coach cho mình. Nếu bạn đang không hài lòng với công việc hiện tại, hoặc đang thất nghiệp, đang tìm việc, hoặc đang muốn thăng tiến trong sự nghiệp, một career coach có thể giúp bạn học hỏi và cải thiện những kỹ năng cần thiết để trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác.
Career coach không chỉ đơn thuần giúp bạn tìm công việc mới.
- Nếu bạn muốn trở thành chuyên viên, hoặc muốn thăng tiến trong sự nghiệp, thì bạn sẽ cần viết ra một kế hoạch để định hướng, phát triển sự nghiệp, vì đây là yếu tố chủ chốt để giúp bạn có được thành công về lâu dài.
- Career Coach tập trung giúp bạn khám phá bản thân, đồng thời giải quyết các vấn đề cụ thể về nghề nghiệp – cách tìm việc, cải thiện CV, làm sao để được tăng lương, cải thiện thương hiệu cá nhân, tìm ra loại hình công việc phù hợp nhất,…
- Một career coach có thể hỗ trợ bạn bằng cách tạo động lực, cụ thể hóa mục tiêu… Nếu một career coach có sự tương đồng về ngành nghề, tính cách với bạn, thì họ có thể giúp bạn tối giản hóa và rút ngắn quá trình học hỏi.
Thay vì loay hoay trên hành trình định hướng tương lai một mình, Career Coach sẽ là người đồng hành đáng tin cậy, cung cấp cho bạn những lời khuyên để xử lý những vấn đề mà bạn chưa từng gặp phải trước đây.
Đọc thêm: T-shaped marketer – Bạn cần học rộng hay học sâu?
Tạm kết
Những cuộc khủng hoảng trong đời sẽ không làm khó được bạn nếu bạn luôn tỉnh táo, vững vàng và quyết tâm vượt qua. Mong bạn sẽ luôn giữ được một tinh thần lạc quan và một ý chí sắt đá để theo đuổi những mục tiêu của mình. Tham khảo khoá học Career Coaching của Tomorrow Marketers để được hướng dẫn cách thiết kế lộ trình sự nghiệp trong ngành Marketing bởi các Manager nhé!