Dự báo của McKinsey về ngành thời trang hậu COVID-19

mckinsey-du-bao-nganh-thoi-trang-hau-covid-19
marketing foundation

Tomorrow Marketers – Đối mặt với dịch COVID-19, thách thức của ngành hàng thời trang hiện nay không chỉ là tập trung xử lý khủng hoảng mà còn phải đối diện với nỗi lo gây dựng lại vị thế của mình sau đại dịch. Trước khi thị trường tài chính bị gián đoạn do COVID-19, các nhà lãnh đạo trong ngành thời trang cũng không mấy lạc quan khi bước vào năm 2020 do tình trạng chuỗi ung ứng bị đảo lộn, nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu bị phá vỡ. Nội bộ ngành thời trang vốn đã ảm đạm nay còn ảm đạm hơn chỉ sau vài tháng dịch COVID-19 bùng phát, khiến cho ngành này rơi vào tình trạng báo động đỏ. 

Cuộc khủng hoảng về vấn đề nhân đạo và tài chính không lường trước này đã cùng lúc khiến cho các doanh nghiệp thời trang phải đối mặt với một tương lai mất phương hướng, khiến những người lao động phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm. Thông tin cập nhật dưới đây là dự đoán của các chuyên gia về “sự bình thường mới” (the new normal) hậu COVID-19 và một số insight đáng chú ý cho ngành thời trang trong giai đoạn 12 – 18 tháng sau đại dịch. 

Khi biến cố bất ngờ ảnh hưởng đến ngành thời trang

COVID-19 có thể thúc đẩy sự thu hẹp kinh tế lớn nhất trên toàn cầu kể từ sau Thế chiến thứ II, có tác động trên mọi lĩnh vực từ tài chính đến khách sạn. Ngành thời trang vốn không vận hành theo quy luật sẽ dễ chịu tổn thương hơn cả. Giá trị vốn hóa trung bình của thị trường hàng may mặc, thời trang và những thương hiệu cao cấp đã giảm gần 40% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 1/2020 đến 24/03/2020.

Những hậu quả do các vấn đề nhân đạo gây ra dự kiến ​​sẽ còn tồn tại lâu hơn so với những hậu quả của dịch COVID-19, khiến cho ngành thời trang – một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới với doanh thu 2,5 nghìn tỷ USD hàng năm phải đối diện với muôn vàn áp lực, kéo theo tình trạng thất nghiệp hoặc khó khăn tài chính cho tất cả mọi người trong chuỗi giá trị.

Theo ước tính, doanh thu hàng năm của ngành thời trang trên phạm vi toàn cầu (bao gồm ngành may mặc và giày dép) sẽ giảm xuống còn -27% đến -30% vào năm 2020, mặc dù ngành này có thể lấy lại mức tăng trưởng dương từ 2% đến 4% vào năm 2021 (so với baseline figure năm 2019). Đối với ngành hàng cá nhân cao cấp (thời trang cao cấp, phụ kiện cao cấp, đồng hồ cao cấp, trang sức cao cấp và làm đẹp cao cấp), mức doanh thu toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống còn -35% đến -39% trong năm 2020, nhưng mức tăng trưởng dương có thể đạt từ 1% đến 4% vào năm 2021 (so với baseline figure năm 2019). Nếu các cửa hàng vẫn đóng cửa trong vòng 2 tháng thì dự kiến 80% các công ty thời trang niêm yết công khai ở châu Âu và Bắc Mỹ sẽ gặp khó khăn về tài chính. Những dự báo trên kết hợp với kết quả phân tích chỉ số thời trang toàn cầu của McKinsey (MGFI) cũng cho thấy, 56% các công ty thời trang toàn cầu không kiếm được chi phí vốn trong năm 2018, do đó rất có thể một số lượng lớn các công ty thời trang toàn cầu sẽ phá sản trong vòng 12 – 18 tháng tới.

Không chỉ có vậy, tính chất liên kết của ngành thời trang cũng đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi lên kế hoạch cho tương lai phía trước. Ngay khi diễn biến dịch ở Trung Quốc bắt đầu có khởi sắc, cuộc khủng hoảng dịch bệnh lại trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu và Mỹ. Nhưng dù sao đó cũng là các quốc gia phát triển, còn đối với người dân ở các nước đang phát triển – nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe không đầy đủ và nghèo đói vẫn còn diễn ra ở khắp nơi, dịch bệnh sẽ khiến họ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Công nhân tại các nguồn cung ứng và sản xuất thời trang giá rẻ như Bangladesh, Campuchia, Ethiopia, Honduras và Ấn Độ thậm chí sẽ phải đối mặt với chuỗi ngày thất nghiệp kéo dài, đồng nghĩa với nghèo đói và bệnh tật. 

Cuộc khủng hoảng hiện nay đang ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống hàng ngày, làm dấy lên nỗi lo lắng và sự bất ổn đối với hầu hết mọi người. Tâm lý bi quan của người tiêu dùng về nền kinh tế đang lan rộng: 75% người mua hàng ở châu Âu và Mỹ tin rằng tình hình tài chính của họ sẽ còn bị ảnh hưởng tiêu cực trong hơn 2 tháng.

Mặc dù thời gian và mức độ nghiêm trọng của đại dịch vẫn chưa thể đoán trước, nhưng rõ ràng ngành công nghiệp thời trang mới chỉ đang bắt đầu cuộc chiến của mình. Đại dịch đã giáng một đòn chí mạng vào cả cung và cầu, tạo ra một thách thức đối với ngành thời trang: chuỗi cung ứng toàn cầu có tính liên kết cao khiến một loạt các công ty (vốn đã chịu căng thẳng khi cố gắng kiểm soát khủng hoảng trên nhiều mặt) liên tiếp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, sau đó là Ý, tiếp theo là các nước khác trên thế giới buộc phải tạm dừng.

Tình trạng đóng băng chi tiêu đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng về phía nguồn cung. Việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng cùng với sự thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng từ hàng hóa xa xỉ sang hàng hóa thiết yếu đã khiến ngành thời trang điêu đứng – nguồn dự trữ tiền mặt cạn kiệt và doanh thu giảm sút. Doanh số bán hàng trực tuyến cũng đã giảm 15% – 25% ở Trung Quốc, giảm 5% – 20% trên khắp châu Âu và giảm 30% – 40% ở Mỹ.

Bức tranh ngành thời trang hậu COVID-19

Khi cơn khủng hoảng qua đi, ngành thời trang sẽ phải đối mặt với sự suy thoái của thị trường và sự thay đổi mạnh mẽ của bức tranh tổng quan toàn ngành. Khi người tiêu dùng vốn đã mất niềm tin vào ngành từ trước đại dịch và tiếp tục cắt giảm chi tiêu trên tất cả các kênh offline lẫn online sau đại dịch, các thương hiệu muốn “vực dậy” cần hết sức tỉnh táo – tập trung vào tính minh bạch và tính bền vững trong sản xuất trước tiên.

5 lĩnh vực của ngành thời trang chịu ảnh hưởng trực tiếp hậu COVID-19

Kết quả của việc “cách ly tiêu dùng” có thể gây ác cảm với người tiêu dùng về sự gia tăng các mô hình kinh doanh sản sinh nhiều chất thải ra môi trường, đồng thời nâng cao kỳ vọng của người tiêu dùng đối với những hành động có tính bền vững, có mục đích của các công ty. Trong khi đó, một số thay đổi​ ​trong hệ thống thời trang – chẳng hạn như chuyển đổi số, bán lẻ theo mùa, thiết kế không theo mùa và sự suy giảm của hình thức bán buôn –  chính là dấu hiệu của những điều không thể tránh khỏi, khiến ngành thời trang buộc phải tăng tốc thực hiện ngay.

COVID-19 cũng mang đến cho ngành công nghiệp thời trang cơ hội thiết lập và định hình lại hoàn toàn chuỗi giá trị của mình, cùng với đó là cơ hội để đánh giá lại các giá trị hiện có để đưa ra các hành động phù hợp. Theo ước tính, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm giá, hợp nhất ngành và đổi mới công ty sẽ là các ưu tiên đối với các thương hiệu thời trang một khi cơn khủng hoảng dịu xuống. Thậm chí ngay cả khi phải đứng trước nguy cơ phá sản, các nhà lãnh đạo trong ngành cũng vẫn cần giữ bình tĩnh và tăng cường các nỗ lực nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong tương lai.

Cuối cùng, đây còn là thời gian để tăng cường sự hợp tác trong nội bộ ngày – kể cả đối với những công ty là đối thủ của nhau. Không ai có thể vượt qua đại dịch một mình, do đó các công ty trong ngành thời trang cần chia sẻ dữ liệu, chiến lược và hiểu biết về cách xử lý khủng hoảng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Các thương hiệu, nhà cung cấp, nhà thầu và chủ sở hữu cũng nên tìm cách chia sẻ gánh nặng chung.

Tạm kết

Báo cáo này được thực hiện bởi trang Business of Fashion phối hợp với tập đoàn McKinsey – như một nỗ lực nhằm thúc đẩy một cuộc thảo luận vượt ra khỏi khuôn khổ quản lý khủng hoảng, lập kế hoạch dự phòng thông thường trong nội bộ ngành thời trang bằng cách đưa ra những gợi ý mà ngành công nghiệp này cần tập trung hành động sau đại dịch COVID-19. Tuy vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm để hành động, nhưng rất có thể thời điểm này sẽ rơi vào khoảng 12 – 18 tháng tới – khi vắc-xin và thuốc kháng coronavirus được hoàn thiện (theo ý kiến của một số chuyên gia).

Điều phối sự không chắc chắn là một việc không hề dễ dàng đối với các nhà lãnh đạo trong ngành thời trang. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn cần quyết đoán và bắt đầu đưa các chiến lược phục hồi đi vào hoạt động, cùng hòa vào nguồn năng lượng mới của thế giới. Cuộc khủng hoảng gây ra nhiều khó khăn, song cũng sẽ là chất xúc tác để vực dậy ngành công nghiệp này theo chiều hướng tích cực hơn.

Báo cáo của McKinsey và biên dịch bởi Tomorrow Marketers.

Khóa học Marketing Foundation – Tư duy Marketing chuẩn đa quốc gia

Khoá học Marketing Foundation xây dựng dựa trên quy trình Marketing thực tế đang áp dụng tại các tập đoàn đa quốc gia, cung cấp tư duy marketing bài bản, hệ thống hoá kiến thức chuyên môn – hứa hẹn một khởi đầu vững chắc cho sự nghiệp Marketing chuyên nghiệp.

Khoá học Data Analysis – Phân tích dữ liệu cho quyết định chiến lược

Khoá học Data Analysis for Decision Making được Tomorrow Marketers thiết kế phối hợp cùng các giảng viên là giám đốc, quản lý cấp cao tại các tập đoàn, nội dung khoá học tập trung truyền đạt tư duy phân tích số liệu, nhằm giúp các Marketers trẻ tự tin làm việc với số liệu và đưa ra những quyết định chính xác cho doanh nghiệp.

Tomorrow MarketersAdvancement Today – Advantage Tomorrow

Tagged: