Những chuyển động của thị trường lao động Việt 2023

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong tình hình kinh tế vĩ mô biến động, thị trường lao động Việt còn nhiều bấp bênh. Mặc dù số lượng việc làm và người lao động vẫn duy trì mức tăng, nguồn “cung” vẫn chưa đáp ứng được “cầu”. Công ty thiếu nhân sự chất lượng trong khi trào lưu nghỉ việc ngày càng phổ biến. Có thể thấy, thị trường lao động Việt đang chứng kiến rào cản lớn hơn bao giờ hết giữa người lao động với doanh nghiệp.

Tổng quan tình hình lao động quý II năm 2023

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kế, trong quý II năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,3 triệu người, tăng hơn 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên các quý, giai đoạn 2020 – 2023

Bức tranh tổng quan thị trường lao động Việt tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, so với quý trước, tình trạng thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2023

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân cũng chứng kiến chiều hướng giảm trong khoảng thời gian này. Cụ thể, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2023 là 7,0 triệu đồng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I/2023. Tuy có tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng này được đánh giá là “chậm”. Một trong những nguyên nhân chính là tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều biến động. Những động lực phát triển chính như ngành du lịch hay bán lẻ đều gặp nhiều khó khăn khi người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu.

Bức tranh toàn cảnh thị trường lao động Việt đang có phần “ảm đạm” vào nửa cuối năm 2023. Vậy đâu sẽ là những xu hướng, cơ hội mà cả người lao động và doanh nghiệp có thể nắm bắt để vượt qua bối cảnh bấp bênh này?

Xu hướng tuyển dụng 

Trong một báo cáo bởi của Talentnet vừa được công bố vào tháng 10 vừa qua, các vị trí có chuyên môn liên quan đến phân tích dữ liệu và truyền thông chứng kiến nhu cầu tuyển dụng tăng trong giai đoạn 2021-2023. Cụ thể, số vị trí tuyển dụng công việc quản lý dự án tăng 44%. Con số này cho công việc phân tích dữ liệu và truyền thông lần lượt là 32% và 21%.

Đọc thêm: Học được gì từ chiến lược tuyển dụng của các công ty công nghệ hàng đầu

Ngược lại, thị trường lao động chứng kiến nhu cầu tuyển dụng giảm ở các vị trí liên quan đến y tá điều dưỡng, kỹ sư công nghệ và dịch thuật.

Một xu hướng tuyển dụng đáng chú ý trong năm 2023 là sự phổ biến của hình thức nhân sự freelance, hợp đồng (contractor), hay hybrid. Theo báo cáo Talent Trends 2023 tại Việt Nam được thực hiện bởi Michael Page, cứ 1 trong 3 người sử dụng lao động có kế hoạch tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự làm việc bán thời gian, thời hạn cố định và hợp đồng tạm thời trong năm nay. Với người tìm việc, có đến 44% đang chủ động các vị trí tạm thời, 66% sẵn sàng đón nhận công việc có thời hạn và 59% cho vị trí freelancing. Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, tính linh hoạt trong công việc ngành càng được củng cố, song hành cùng với hiệu suất vẫn được nâng cao. Chính vì vậy các vị trí cho phép người lao động tự quản lý thời gian và nhiều sự tự do trong công việc ngày càng trở nên phổ biến. Các chuyên gia định nghĩa đây là nền kinh tế tự do (tạm dịch từ gig economy) –  hệ thống thị trường tự do bao gồm hợp đồng hoặc công việc tự do được hoàn thành trên cơ sở tạm thời hoặc ngắn hạn.

Đọc thêm: Cuộc sống của một content freelancer có ‘màu hồng” như bạn tưởng?

Dự đoán nhu cầu tuyển dụng cho năm 2024, báo cáo Talentnet nhận định phần lớn công ty dự định không có thay đổi về headcounts. Trong khi đó, 37% công ty trong khảo sát vẫn tiếp tục có kế hoạch bổ sung nhân sự. Và chỉ có 1% doanh nghiệp có ý định cắt giảm lao động. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn có ưu tiên hàng đầu là “giữ chân” các nhân sự hiện tại và việc tuyển dụng chỉ nhằm mục đích thay thế các vị trí bị bỏ trống. 

Tuy nhiên, tình trạng “chảy máu chất xám” lại đặt ra những thách thức nhất định với người sử dụng lao động. Theo một báo cáo về thị trường lao động Việt vào giữa năm 2023 của Talentnet, có đến 89% công ty cho biết họ “để mất” nhân viên của mình vào tay đối thủ. Con số này cũng thể hiện xu hướng nghỉ việc/ nhảy việc ngày càng trở nên phổ biến với người lao động Việt, kể cả trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn.

Xu hướng nhảy việc tăng cao

Trong cùng báo cáo của Michael Page, cứ 10 người Việt Nam bắt đầu công việc vào năm ngoái, thì có đến 9 người đều sẵn sàng đón nhận công việc mới trong năm 2023. Con số này tăng 5% so với năm 2022. 

Hơn thế nữa, xu hướng này cũng được nhìn nhận ở nhiều thị trường khác, ở mọi độ tuổi với chuyên môn công việc đa dạng.

Có thể thấy, tâm lý “nhảy việc” thực sự là những chuyển dịch rõ rệt trong thị trường lao động toàn cầu. Lý do chính khiến các công ty ngày càng khó giữ chân nhân sự là do chưa đáp ứng được nhu cầu liên tục thay đổi của người lao động.

Khi được hỏi về top những yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc, 42% người tham gia khảo sát chọn “mức lương hấp dẫn” là thước đo quan trọng hàng đầu. Lương thưởng cũng là top 1 talent attraction index (tạm dịch: chỉ số thu hút nhân tài) với 24% nhân sự lựa chọn. 

Đọc thêm: Thiết kế Sales Incentives – Chính sách lương điều hướng nhân sự theo mục tiêu doanh nghiệp

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance) đứng ở vị trí thứ 2 những yếu tố tạo nên sự hài lòng của nhân sự, thậm chí còn cao hơn sự tiến triển trong sự nghiệp (career progression).

Khi đào sâu hơn về tâm lý này, báo cáo ghi nhận có đến 48% nhân sự sẵn sàng từ bỏ việc thăng công tiến chức nếu điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân của họ. Trung bình 42% nhân sự Việt đồng ý rằng cân bằng cuộc sống giúp họ thỏa mãn với công việc hơn, con số này ghi nhận cao nhất ở lứa tuổi 30s và 60s+ với 45%. 

Cân bằng cuộc sống dần trở nên quan trọng sau đại dịch COVID-19. Những ảnh hưởng về sức khỏe đã nâng cao nhận thức của người lao động về việc chăm sóc đời sống của mình. Hơn thế nữa, khoảng thời gian dài làm việc từ xa do cách ly đã đã làm mờ giới hạn giữa không gian làm việc và không gian cá nhân. Người lao động ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về sự linh hoạt trong thời gian làm việc, giúp họ duy trì sự ổn định trong cả công việc và cuộc sống. 

Dù đã 2 năm sau đại dịch, xu hướng này không những không “hạ nhiệt” mà còn trở thành một trong những yếu tố “tiên quyết” mà nhân sự tìm kiếm. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động áp dụng chính sách hỗ trợ nhân viên trong việc đạt được cân bằng này, như thiết lập giờ làm việc linh hoạt, tăng cường hỗ trợ tâm lý, và khuyến khích việc sử dụng kỹ thuật số để tối ưu hóa thời gian làm việc. Điều này không chỉ giúp duy trì tinh thần làm việc tích cực mà còn thúc đẩy sự hài lòng và cam kết của nhân viên, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Vậy, người lao động tìm kiếm gì ở một công việc?

Hiểu được xu hướng tìm việc vừa giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài mới, vừa hỗ trợ công ty cải thiện môi trường làm việc để giữ chân nhân sự hiện tại.

Thứ nhất, về tính chất công việc, trong cùng báo cáo của Michael Page 2023, lương cao, lộ trình thăng tiến rõ ràng, tính linh hoạt là 3 yếu tố quan trọng nhất mà người lao động tìm kiếm ở công việc mới. Trong đó, đáng chú ý, thăng tiến sự nghiệp và sự linh hoạt trong công việc đều chứng kiến 4% tăng trưởng so với khảo sát năm 2022. 

Dựa trên bảng xếp hạng này, Michael Page cũng đưa ra một công thức “The Work-Life Equation”, gợi ý rằng một môi trường công việc nên được tổng hòa bởi cả ba yếu tố kể trên.

Một thước đo khác cũng không kém quan trọng khi nhân sự lựa chọn nơi làm chính là không gian làm việc. Trong báo cáo mới được công bố gần đây của Decision Lab, thoải mái, chuyên nghiệp, vui vẻ, hiện đại, và sáng tạo là top những tính từ miêu tả một môi trường làm việc lý tưởng.

Khi cụ thể hóa những tính từ, có đến 61% người tham gia khảo sát chọn “bàn ghế thoải mái” là khía cạnh quan trọng tạo nên môi trường làm việc lý tưởng. Con số này với  yếu tố bảo mật tốt là 54%, vị trí thuận lợi là 51%, không gian làm việc yên tĩnh, và nhiều khu vực đa năng lần lượt là  48% và 47%. 

Cuối cùng, yếu tố về văn hóa, đặc biệt là văn hóa quản trị cũng được nhân sự cân nhắc kỹ càng khi lựa chọn công việc. Bởi, điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quy trình và hiệu quả làm việc. Bất kì một rào cản nào giữa người quản lý và nhân viên đều có thể những hệ quả cả về hiệu suất và tâm lý của người lao động. Theo báo cáo của Great Place to Work 2023, những bài học quan trọng đúc kết từ bộ máy vận hành của những công ty được vinh danh bao gồm:

  • Sự minh bạch trong quản lý 
  • Sự hỗ trợ từ cấp quản lý
  • Kỹ năng chuyên môn của cấp quản lý
  • Tính công bằng và khách quan trong quản lý
  • Và khả năng giao tiếp và gắn kết thành viên của cấp quản lý

Đọc thêm: Macro-management: Làm sao để nhân viên không cảm giác bị bỏ mặc?

Đạt được những “checkpoint” trên sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc, lành mạnh, gắn kết và có tính hỗ trợ cao. Đây cũng là điều mà những nhân sự tài năng mong muốn tìm kiếm trong các cơ hội việc làm sắp tới.

Tạm kết

Bức tranh tổng quan của thị trường lao động Việt Nam tuy có phần “ảm đạm” do ảnh hưởng của biến động kinh tế, thị trường vẫn được đánh giá là còn nhiều cơ hội cho cả người tìm việc và doanh nghiệp. Chính vì vậy, theo dõi và liên tục cập nhật những xu hướng nhân sự và tuyển dụng sẽ giúp các bên liên quan điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp. Tham khảo ngay khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị những kỹ năng cần thiết, đáp ứng những nhu cầu của thị trường lao động.