Tomorrow Marketers – Báo cáo từ GWI thu thập thông tin của gần 1 triệu người dùng internet từ 52 nước trên toàn cầu mỗi năm. Qua đó, nghiên cứu cung cấp người đọc bức tranh toàn cảnh về thói quen trực tuyến của người tiêu dùng.
Trong báo cáo xu hướng sử dụng mạng xã hội năm nay, những khía cạnh được tập trung khai thác bao gồm thời lượng và mục đích sử dụng, thói quen tiêu thụ nội dung và xu hướng bán hàng trực tiếp thông qua nền tảng mạng xã hội – social commerce. Trong đó, GenZ đang là thế hệ chứng kiến nhiều sự thay đổi nhất trong thói quen sử dụng. Hãy cùng Tomorrow Marketers giải mã những sự chuyển dịch này của người trẻ thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. GenZ giảm thời lượng dành cho mạng xã hội
Theo số liệu được thống kê từ quý 1 năm 2022, thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày của người dùng toàn cầu đã giảm khoảng 36 phút. Đây là lần thứ 2 kể từ năm 2012, GWI ghi nhận sự sụt giảm trong thời lượng trực tuyến.
Nhìn kĩ hơn vào từng thế hệ, GenZ là lại tệp người dùng theo độ tuổi duy nhất có thời lượng sử dụng mạng xã hội giảm. Cụ thể, tính đến quý 1 năm 2023, thời gian trực tuyến trung bình một ngày của GenZ là 2 tiếng 51 phút, giảm 3 phút so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, những người dùng trưởng thành như thế hệ Baby Boomers lại tăng 14 phút trong thời gian sử dụng, đạt trung bình thời lượng một ngày là 1 tiếng 31 phút.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này là sự gián đoạn của COVID-19 khiến thế hệ trẻ lo sợ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Càng ngày, GenZ càng lo lắng hơn về thời lượng họ dành cho mạng xã hội. Vì vậy thay vì “mạng ảo”, người trẻ dành nhiều thời gian hơn cho “đời sống thật” của mình. Có đến 33% GenZ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ cố gắng hạn chế thời lượng trực tuyến. Thay vào đó, thế hệ trẻ dành nhiều thời gian hơn cho việc trải nghiệm cuộc sống. 40% GenZ được hỏi cho biết việc khám phá những điều mới là một phần quan trọng trong đời sống của họ. Và gần một nửa trong số họ đang nỗ lực để kết nối thêm với những người bạn mới, mở rộng vòng quan hệ của mình.
Đọc thêm: Chân dung người tiêu dùng thuộc thế hệ Z
Mặc dù là thế hệ duy nhất có sự sụt giảm trong thời lượng trực tuyến, GenZ vẫn là thế hệ dành nhiều thời gian nhất cho việc sử dụng mạng xã hội. Có thể thấy điều doanh nghiệp cần quan tâm không phải là thời lượng trực tuyến mà là cách người trẻ sử dụng thời lượng đó như thế nào.
2. GenZ sử dụng mạng xã hội như công cụ tìm kiếm mới
Với sự phát triển nhanh chóng, mạng xã hội đã dần thâm nhập vào từng hành vi trực tuyến của người dùng, trong đó phải kể đến thói quen tìm kiếm. Prabhakar Raghavan, phó chủ tịch cấp cao của Google, đã từng chia sẻ: ước tính hơn 40% GenZ sử dụng TikTok hoặc Instagram để tìm kiếm quán ăn trưa thay vì Google.
Cụ thể, có đến 34% GenZ sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm các nội dung như bài báo, video, hay show truyền hình. Mạng xã hội cũng trở thành phương thức để giới trẻ cập nhật tin tức với 32% cho biết họ cập nhật nội dung thịnh hàng thông qua các nền tảng này.
Không chỉ dừng lại ở thông tin, các nền tảng như Facebook, Instagram, hay TikTok cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều khía cạnh trong cuộc sống của GenZ như: địa điểm để thăm quan, đồ để mua,… Trong đó, có đến 25% GenZ được khảo sát cho biết họ tìm kiếm sản phẩm thông qua mạng xã hội. Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho hình thức bán hàng trực tiếp thông qua nền tảng mạng xã hội – social commerce.
Người dùng trên mỗi nền tảng mạng xã hội lại có mục đích tìm kiếm khác nhau. Bên cạnh là nền tảng chính để nhắn tin với gia đình/ bạn bè, 53% người được khảo sát cho biết họ thường xuyên cập nhật tin tức thông qua Facebook.
Khi tìm kiếm các nội dung giải trí, TikTok và Instagram lại mới là sự lựa chọn hàng đầu (62% người dùng chọn TikTok và 66% chọn Instagram). Ngoài ra, đây cũng là hai nền tảng chính khi người dùng tìm kiếm các thông tin về sản phẩm và thương hiệu. Hành vi sử dụng này đang “mở đường” cho sự du nhập của xu hướng mua sắm kết hợp với giải trí – shoppertainment. Theo một báo cáo khác của BCG và TikTok về hình thức tiêu dùng mới này, shoppertainment tại khu vực APAC được kỳ vọng đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) 1 nghìn tỷ vào năm 2025.
Ngoài top 3 nền tảng kể trên, X (trong báo cáo vẫn giữ tên gọi cũ là Twitter) và Reddit cũng là “cổng thông tin tổng hợp” mới của người dùng. Có đến hơn phân nửa người khảo sát đánh giá cao tính “informative” – cung cấp được nhiều thông tin – của cả 2 mạng xã hội. Tại hai nền tảng này, người dùng vừa có thể tìm kiếm nội dung giải trí, vừa cập nhật tin tức hay khám phá những sản phẩm mới.
3. Sáng tạo nội dung – “từ khóa” mới của GenZ khi nhắc đến mạng xã hội
Một trong những xu hướng nội dung đang được giới trẻ ưa chuộng nhiều nhất là video. Ở đa số nền tảng, từ Facebook, Instagram đến Snapchat, Reddit, lượng người dùng xem các nội dung video đều có chiều hướng tăng. Trong đó, video ngắn đang là trào lưu “lên ngôi” trong thói quen tiêu thụ nội dung trực tuyến của người trẻ.
Đọc thêm: Có hay không “công thức” làm viral video TikTok
Không chỉ dừng lại ở tiêu thụ nội dung, giới trẻ cũng yêu thích công việc sáng tạo nội dung – 1 cơ hội nghề nghiệp mới và đầy triển vọng.Cụ thể, 22% GenZ và Millennials được khảo sát cho biết họ đã đăng blog hoặc video trong một tuần qua. Điều đặc biệt của thế hệ trẻ là sáng tạo nội dung không chỉ nằm ở những hình thức thông thường. Với sự năng động và trẻ trung của mình, họ thỏa sức sáng tạo nhiều định dạng khác nhau từ âm thanh, video, bài hát đến thiết kế đồ họa trên mạng xã hội. Và với trào lưu affiliate marketing và influencers marketing, công việc sáng tạo nội dung thực sự trở thành nguồn thu nhập chính/ công việc chính của nhiều người trẻ.
4. Social commerce – xu hướng mua sắm mới và được ưa chuộng bởi giới trẻ
Vậy với những sự thay đổi trên trong thói quen sử dụng mạng xã hội của người trẻ, đâu sẽ là chiến lược để thương hiệu chiếm được sự yêu thích của GenZ?
Social commerce – bán hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội đang là cơ hội tiềm năng nhất cho các doanh nghiệp. Có đến 57% người dùng internet lần đầu tiếp xúc với các thương hiệu mới thông qua mạng xã hội. Đây cũng là điểm chạm chính trong hành trình mua sắm khi 28% người tiêu dùng tiếp xúc với quảng cáo sản phẩm, 22% đọc được các lời giới thiệu, hay 15% cập nhật tin tức về thương hiệu thông qua các nền tảng này. Nếu có thể đẩy mạnh chuyển đổi khách hàng ngay tại điểm chạm này, doanh nghiệp có thể tạo nên một trải nghiệm mua sắm đơn giản, liền mạch và thuận tiện nhất cho khách hàng.
Đọc thêm: 5 chỉ số quan trọng đo lường hiệu quả Facebook conversion ad
Đặc biệt với GenZ, mua sắm qua mạng xã hội đã trở thành một thói quen tiêu dùng mới. Quan trọng hơn, thói quen này đang được định hình phần nhiều bởi influencer marketing. Trong khi các thế hệ trước không có nhiều niềm tin vào những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, có đến 33% GenZ rất tin tưởng và 50% GenZ có sự tin tưởng nhất định với influencers.
Một trong những nguyên nhân giải thích hành vi trên là vì GenZ cảm thấy lời giới thiệu của influencers gần gũi, thu hút hơn so với những quảng cáo thông thường (52% GenZ khảo sát đồng ý với điều này). Bên cạnh đó, 37% GenZ cho biết những quảng cáo từ nhãn hàng không đem đến độ tin cậy cao như những nội dung từ người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cùng là giới thiệu sản phẩm, 41% người trẻ được khảo sát cảm thấy nội dung từ influencers thì có nhiều thông tin hữu ích hơn sao với nội dung từ người nổi tiếng (celebrity). Chính vì tính gần gũi, chân thật và đem lại nhiều thông tin bổ ích, mà các nội dung từ influencer đang ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trẻ. Đây sẽ là chiến lược marketing mà các doanh nghiệp cần tận dụng nếu muốn chinh phục tệp khách hàng GenZ trên mạng xã hội.
Tạm kết
Từ báo cáo trên có thể thấy, GenZ đang có những sự thay đổi lớn trong thói quen sử dụng mạng xã hội của mình. Ngày càng quan tâm hơn đến sự phát triển bản thân, người trẻ không còn dùng các nền tảng này để giải trí đơn thuần. Thay vào đó, mạng xã hội trở thành một công cụ giúp GenZ khám phá cuộc sống và mở rộng những cơ hội nghề nghiệp. Có thể nói, GenZ đang sử dụng mạng ảo để tìm kiếm những giá trị thật! Chính vì vậy, thấu hiểu xu hướng tâm lí này, thương hiệu cần tìm ra những cách tiếp cận gần gũi và chân thật hơn nếu muốn chiếm được tệp khách hàng trẻ. Tham khảo ngay khóa học Digital Foundation để hiểu rõ hơn về insight người tiêu dùng trên môi trường số và cách xây dựng chiến lược digital marketing tích hợp đa kênh phù hợp.
