Tomorrow Marketers – Trong từng nấc thang thăng tiến của sự nghiệp làm Marketing, bạn cần trang bị cho mình không chỉ kiến thức vững chắc, mà còn cả loạt kỹ năng từ thực thi, lên chiến lược tới kỹ năng quản lý, lãnh đạo.
Trong bài viết này, cùng TM khám phá 5 yếu tố quan trọng nhất, quyết định lộ trình thăng tiến ngành Marketing (mảng Branding) tại các tập đoàn đa quốc gia, chia theo các cấp bậc: Assistant Brand Manager, Brand Manager, Marketing Director, VP Marketing hoặc CMO. Nắm rõ những yếu tố này, bạn sẽ biết mình cần bổ sung điều gì để nhanh chóng hoàn thành tốt công việc và thăng tiến lên những vị trí cao hơn.
Đọc thêm: Đặc thù làm Marketing ở các tập đoàn FMCG
1. ABM (Assistant Brand Manager):
ABM là chức vụ chính thức đầu tiên bạn bước vào nghề Marketing tại một công ty đa quốc gia. Những điều học được trong vai trò là một ABM sẽ cung cấp nền tảng kiến thức và tư duy, mà bạn có thể dùng trong suốt phần còn lại sự nghiệp của mình. Các bạn trẻ mới vào nghề thường khá háo hức tạo ra những chiến dịch Marketing triệu đô, có tầm ảnh hưởng và thay đổi hành vi hàng triệu khách hàng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng trước khi có thể tạo được những chiến dịch như vậy, ABM cần làm tốt phần thực thi, nắm rõ quy trình trước đã. Dưới đây là 5 yếu tố quan trọng mà một ABM cần có.
Phân tích dữ liệu
ABM thường bắt đầu được giao làm việc cùng rất nhiều dữ liệu về thị phần (market share), kết quả kinh doanh, các chỉ số Marketing trên hàng loạt kênh,… Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu lúc này là phân tích dữ liệu, đặt ra các câu hỏi để tìm ra vấn đề, khai thác insights, xâu chuỗi dữ liệu thành câu chuyện tổng thể để tạo nên báo cáo. Các câu chuyện từ dữ liệu này sẽ cho biết các hoạt động Marketing cho thương hiệu có đang hiệu quả hay đang gặp vấn đề ở khâu nào và ABM cũng cần phải đưa ý tưởng, đề xuất để cải thiện những vấn đề này. Đây cũng chính là cơ hội để ABM thể hiện bản thân với sếp và cả team.
Chủ động thực thi
Khi mới làm việc những ngày đầu tiên, người quản lý trực tiếp sẽ chủ động hướng dẫn và giao việc cho ABM. Điều này rất tuyệt với người mới vì ABM được quan tâm và chỉ bảo chi tiết, nhưng đừng tận hưởng nó quá lâu. Hãy nhanh chóng học hỏi và bắt đầu sáng tạo những ý tưởng riêng và mạnh dạn nói với sếp, đóng góp vào các kế hoạch chung của team. Những ý tưởng thông minh, rõ ràng, cùng sự chủ động thực thi sẽ khiến ABM gây được ấn tượng tốt.
Tuy nhiên, ABM nên cố gắng sáng tạo và đề xuất các hoạt động trong đúng phạm vi công việc của mình và khả năng quyết định của người quản lý trực tiếp thôi, nếu không sẽ thật khó để thay đổi điều gì, mà ABM cũng không thể tập trung cải tiến được những công việc mình đang trực tiếp phụ trách.
Ví dụ, ABM được giao nghiên cứu và đề xuất ý tưởng trưng bày quầy kệ cho hoạt động mở bán sản phẩm mới tại các siêu thị. Để gây ấn tượng với sếp, ABM không chỉ đưa ý tưởng về cách trưng bày mới mà còn đề xuất cả việc thay đổi bao bì sản phẩm để trưng bày cạnh các sản phẩm khác cho nổi bật. Rõ ràng việc thay đổi này đã ra khỏi phạm vi công việc ban đầu, ABM không thể tự làm một mình, không thể thay đổi được ngay, nên không giúp ABM đạt được mục tiêu ban đầu về việc trưng bày sản phẩm mới tại siêu thị.
Hiểu rõ quy trình và teamwork hiệu quả
Trước tiên, ABM cần cố gắng thực hiện công việc theo đúng từng bước được hướng dẫn, rồi dần dần hiểu từng cột mốc quan trọng cần giải quyết và các nút thắt trong quy trình. Đó chính là nhiệm vụ có thời gian hoàn thành lâu nhất và yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng.
Thời gian đầu bắt tay vào triển khai cách làm, ý tưởng đột phá thì luôn khó khăn vì mọi người chưa làm quen được với những thay đổi, vậy nên đây chính là lúc khả năng kết nối con người, khả năng teamwork của ABM được phát huy. Hãy luôn là người tích cực truyền cảm hứng làm việc cho đồng đội, cùng mọi người tìm kiếm và đóng góp vào những ý tưởng hay, cùng nhau nỗ lực và hoàn thành công việc tốt nhất.
Biết cách sắp xếp và quản lý công việc
Chịu trách nhiệm về chính công việc của mình là bước đà quan trọng cho thấy một ABM đã sẵn sàng trở thành Brand Manager. ABM cần hoàn thành tốt các nhiệm vụ của bản thân, thúc đẩy đồng đội hoàn thiện công việc, biết hỗ trợ và can thiệp vào các vấn đề ngay khi có những tín hiệu nhỏ. ABM cũng có khả năng quản lý công việc tốt như: luôn cập nhật về các cột mốc quan trọng, dẫn dắt đội nhóm hoàn thiện các ý tưởng và việc thực thi, định hướng hành động và tìm ra giải pháp cho team. ABM luôn là đầu mối đáng tin cậy cho sếp và các thành việc trong nhóm. Đây là những dấu hiệu quan trọng cho thấy bạn đã có đủ các kỹ năng của một ABM và sẵn sàng tiến thêm một bước trên con đường sự nghiệp của mình.
Đọc thêm: Làm thế nào để bắt đầu sự nghiệp trong ngành Marketing?
2. Brand Manager:
Ở vị trí Brand Manager (BM), bạn vẫn phải thực thi nhưng thay vì báo cáo với quản lý trực tiếp, bạn phải chịu trách nhiệm với chính mình. Quản lý một thương hiệu giống như nuôi một đứa con của riêng mình. Để trở thành một Brand Manager thành công, bạn phải học cách đưa ra định hướng chiến lược, vận hành hệ thống, quy trình, học cách đối mặt với áp lực từ nhiều phía và tận dụng các báo cáo sẵn có.
Đọc thêm: Mindset & Skillset của một Brand Manager
Quản lý thương hiệu của mình
Để làm quen với vai trò mới, BM sẽ phải “vật lộn” với quá trình chuyển từ một người hỗ trợ sang vai trò một người chủ sở hữu đích thực. Không còn ai nói rằng bạn nên làm gì, bạn phải tự lên các chiến lược và chịu trách nhiệm với mọi quyết định của mình.
Ở vị trí này, BM phải sở hữu kiến thức nền tảng rất chắc chắn, làm căn cứ cho tất cả các quyết định với thương hiệu. BM sẽ “cô đơn” hơn, phải trở nên quyết đoán hơn vì gần như không còn ai để tham khảo ý kiến như hồi còn làm ABM. Khi có một vấn đề nào đó xảy ra, lãnh đạo công ty sẽ muốn BM chủ động đề xuất chiến lược và cùng nhau thảo luận về vấn đề đó, chứ không phải chỉ bảo BM nên làm gì.
Đưa ra định hướng phát triển thương hiệu
Brand Manager là vị trí yêu cầu người phụ trách có một tầm nhìn rõ ràng và vạch ra một loạt các chiến lược phù hợp cho thương hiệu của mình. Tầm nhìn của BM giờ đây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển thương hiệu và phát triển đội nhóm của chính mình. Giống như vai trò của một người thuyền trưởng, BM cần cho các thuyền viên của mình biết được điểm đích và hành trình đi tới điểm đích đó, mọi chiến thuật, hành động được đưa ra phải phù hợp với tầm nhìn đã đặt ra.
Ở giai đoạn này của sự nghiệp làm Branding, BM đã trở thành người có khả năng quản lý chiến lược. Các chiến lược này cho phép BM chỉ đạo, kiểm soát công việc, truyền cảm hứng và quản lý đội nhóm cùng các bộ phận khác trong công ty để phát triển thương hiệu. BM cần lên các kế hoạch thực thi rõ ràng và phân công nhân sự phù hợp để vận hành bộ máy phía sau với rất nhiều nhân sự, đảm bảo rằng tất cả nhân sự hiểu tầm nhìn và thực thi hiệu quả.
Đọc thêm: Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là gì? Làm sao để tìm ra một định vị thương hiệu đủ tốt?
Dẫn dắt đội nhóm dưới áp lực cao
Dưới áp lực thời gian, một đội nhóm không có sự dẫn dắt rõ ràng sẽ rất dễ trở nên mất phương hướng. Một người quản lý giỏi luôn biết cách tìm kiếm những cơ hội trong khó khăn, đây là lúc BM thể hiện bản lĩnh, hãy thiết lập kỷ luật, làm việc có tổ chức, có hệ thống để mọi việc không trật khỏi dự định ban đầu.
Với vai trò là người thuyền trưởng, BM là người đứng mũi chịu sào cho mọi hoạt động, kết quả kinh doanh, hình ảnh thương hiệu nên áp lực dồn lên đôi vai của BM là rất lớn. Lúc này, BM phải chứng minh khả năng xử lý áp lực như một người lãnh đạo thực thụ, bốn áp lực bao gồm: sự mơ hồ, quản lý thời gian, các mối quan hệ và kết quả.
Sự mơ hồ về chiến lược
BM phải là người có kiến thức sâu sắc về Marketing, Branding để dẫn dắt đội nhóm của mình, đồng thời sẵn sàng giải đáp và làm rõ mọi khúc mắc của nhân sự trong quá trình làm việc. Ví dụ như: Điều gì đảm bảo rằng quảng cáo này sẽ viral? Vì sao người mua thích thông điệp này? Tăng ngân sách khuyến mãi thì có giúp doanh số tăng không?,… BM phải hiểu và chắc chắn về các chiến lược mình đưa ra, để tạo niềm tin và sự rõ ràng, đảm bảo cho các nhân viên, nếu không chính BM sẽ dẫn cả nhóm vào ngõ cụt.
Áp lực thời gian
Khi gặp áp lực về thời gian, hãy rà soát lại quy trình, tham vấn ý kiến các chuyên gia để tối ưu lại các khâu vận hành. Khi áp lực thời gian cộng dồn với sự mơ hồ về các chiến lược thì áp lực sẽ tăng lên gấp bội. BM cũng có thể tận dụng áp lực về mặt thời gian để các nhân viên nhanh chóng tìm ra giải pháp cho vấn đề, nhưng cần khéo léo nếu không căng quá thì cũng đứt “dây đàn”.
Các mối quan hệ
Ở vị trí Brand Manager, bạn phải chịu áp lực tứ phía: từ các lãnh đạo cấp cao, đồng nghiệp các phòng ban khác, những người lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn,… Hãy chủ động kết nối và xây dựng các mối quan hệ, cố gắng tìm ra động lực và điểm chưa tốt của những người bạn phải làm việc cùng, để hiểu và tìm ra cách làm việc phù hợp với họ trước khi mọi chuyện đi quá xa.
Áp lực về kết quả
Một áp lực đáng kể khác là khi BM không thể dẫn dắt đội nhóm đạt được kết quả khả quan. Điều này có thể khiến BM nản lòng, nhưng đó là thực tế mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt. BM buộc phải thẳng thắn nhìn nhận và sửa sai, kiểm tra các vấn đề gặp phải với chiến lược của mình,… chủ động xem xét các lựa chọn khác, thay vì cứ liên tục lặp lại các sai lầm.
Quản lý đội nhóm
Các Brand Manager thường gặp khó khăn với các báo cáo và cuộc họp đầu tiên vì chưa kịp làm quen với vai trò mới. Điều này là bình thường vì BM đang trong quá trình chuyển đổi từ “người thực thi” sang “người hướng dẫn”. Qua mỗi cuộc họp, BM hãy tìm cách điều chỉnh và cải thiện phong cách quản lý của mình sao cho phù hợp với cấp dưới trực tiếp của mình.
Dù sao thì ai cũng từng là ABM trước khi là một BM, nên các quản lý cũng hiểu cảm giác khi là một ABM và hiểu những mong muốn về người quản lý trực tiếp khi là một ABM. Hãy bắt đầu với chính những trải nghiệm của bản thân mình. BM hãy đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho cấp dưới của mình lúc mới đầu, sau đó cho họ thời gian thực thi dần dần. Cuối cùng BM cần đưa ra các feedback kịp thời, tận dụng các cuộc họp hàng tuần để đưa ra những phản hồi cả tích cực và tiêu cực và hỗ trợ, training các phần cấp dưới còn hổng.
3. Marketing Director:
Trên lộ trình thăng tiến ngành Marketing, khi đã tới vị trị Marketing Director, bạn sẽ tập trung vào việc quản lý và lãnh đạo hơn là thực thi. Các ưu tiên lúc này cần chuyển từ kiến thức, kỹ năng chuyên môn Marketing sang khả năng quản trị để trở thành một nhà lãnh đạo nhất quán. Marketing Director cần xây dựng đội nhóm, tạo không gian và cơ hội cho các nhân viên thể hiện mình. Marketing Director cũng cần thể hiện tiếng nói không chỉ với các nhân viên cấp dưới mà còn với cả Director của các bộ phận khác, đồng thời bạn cần bắt tay vào thiết lập các quy chuẩn vận hành và đảm bảo hiệu quả công việc tuyệt vời.
Xây dựng quy trình, quy chuẩn làm việc của bộ phận
Marketing Director cần duy trì tiêu chuẩn làm việc cao nhất quán cho toàn bộ phận Marketing, bao gồm chính mình và các nhân sự. Công việc sẽ tập trung sang việc định hướng, tối ưu các quy trình làm việc, để chính Marketing Director có thể đảm bảo các nhân viên luôn tập trung, hoàn thành công việc đúng thời hạn, giữ cho guồng quay công việc trơn tru và tạo ra kết quả nhất quán. Tối ưu được quy trình chuẩn, Marketing Director có thể yên tâm trao quyền, giao việc, tạo động lực cho các nhân viên của mình để họ tỏa sáng nhất có thể.
Đảm bảo tính thống nhất của thương hiệu
Khi là Marketing Director, bạn là người đại diện tiếng nói cho toàn bộ các thương hiệu. Vị trí này là người vô cùng quan trọng mà khi VP, các đại lý, nhà phân phối, các phòng ban khác tiếp xúc với bạn là họ hiểu được các thương hiệu là gì, hoạt động ra sao. Vậy nên Marketing Director phải đại diện được cho sự nhất quán, liên tục truyền đạt được những định hướng của các thương hiệu và hỗ trợ mọi chiến lược cho từng thương hiệu.
Lãnh đạo, truyền cảm hứng phát triển đội ngũ nhân sự
Marketing Director đang dần bỏ bớt các hoạt động thực thi trong khối lượng công việc của mình và cần dành nhiều thời gian hơn để phát triển khả năng lãnh đạo. Trước đây, bạn có thể viết một kế hoạch Marketing, tung ra một chương trình khuyến mãi siêu nhanh và đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Nhưng bạn có thể truyền cảm hứng cho nhóm của mình làm điều tương tự không? Vai trò của Marketing Director giờ đây là quản lý và trau dồi các tài năng trẻ.
Hầu hết các Brand Manager đều có tham vọng lớn, mong muốn được công nhận và luôn tìm kiếm lời khuyên để trở nên tốt hơn. Hãy dành đủ thời gian để bồi dưỡng những nhân tài này thật tâm huyết, đừng chỉ coi đó là một nghĩa vụ. Director cần quan tâm tới các cấp dưới trực tiếp này thường xuyên, định kỳ hàng quý, hàng tháng, luôn luôn lắng nghe và truyền cảm hứng làm việc tới cấp dưới của mình.
Thể hiện tiếng nói trước các phòng ban khác, đặc biệt là Sales
Làm việc liên phòng ban, đặc biệt là giữa Marketing và Sales – hai bộ phận làm việc liên quan rất nhiều tới nhau, xảy ra những tình huống xung đột hay mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Hãy là một người luôn cởi mở và lắng nghe. Nếu các nhân viên Sales cảm thấy họ được lắng nghe, họ sẽ có xu hướng tuân theo tầm nhìn và định hướng của Marketing Director hơn. Marketing Director cũng nên có những cuộc gặp gỡ hàng quý với các lãnh đạo cấp cao của các phòng ban khác để thấu hiểu, lắng nghe các vấn đề và đưa ra các giải pháp từ sớm.
Đảm bảo kết quả về những con số
Vì đang làm việc trong một doanh nghiệp, nên đương nhiên các Director được kỳ vọng phải đảm bảo kết quả về những con số cụ thể và khả năng giải quyết những vấn đề khó nhằn. Marketing Director cũng phải có thần kinh thép để chịu trách nhiệm, thừa nhận những sai sót và nhanh chóng đưa ra kế hoạch thay đổi trước cả khi được yêu cầu. Marketing Director phải có tinh thần làm chủ trong kinh doanh, tạo ra những mục tiêu “đột phá”, chứ không được quá an toàn.
Có thể thấy từ “nhất quán” xuất hiện liên tục trong những yếu tố dẫn đến thành công của Marketing Director, thể hiện qua tiêu chuẩn cho đội nhóm, chiến lược, quản lý con người, khả năng làm việc liên phòng ban và trách nhiệm với các con số. Khi quản lý một đội nhóm lớn, với hàng trăm, hàng ngàn người, phạm vi toàn tổ chức, bất cứ điều gì thiếu tính nhất quán cũng sẽ làm xáo trộn những giá trị cốt lõi mà bạn tốn công xây dựng từ lâu, làm xáo trộn hệ thống làm việc. Không ai thích một người lãnh đạo nay thế này, mai kiểu khác, không thể đoán trước. Marketing Director sẽ dễ bị đặt vào tầm ngắm của sự soi mói. Các phòng ban khác cũng chẳng còn tin vào lời nói của bạn. Các lãnh đạo cấp trên cũng sẽ không muốn giao các công việc quan trọng cho bạn vì cảm thấy đầy rủi ro. Vậy nên hãy nhớ từ khóa “nhất quán” ngay từ khi bắt đầu.
4. CMO/VP Marketing:
Khi đã trở thành CMO hay VP Marketing, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong trọng tâm công việc của mình, từ các kiến thức chuyên môn Marketing sang phát triển con người. Bạn vẫn quản lý các công việc, nhận báo cáo từ các cấp dưới trực tiếp của mình, nhưng bạn sẽ kiêm thêm vai trò lãnh đạo của toàn bộ bộ phận Marketing trong công ty, với quy mô nhân sự lớn hơn rất nhiều. CMO/VP Marketing chính là người đại diện cao nhất cho bộ phận Marketing với các lãnh đạo cấp cao, các phòng ban khác.
Điều quan trọng nhất là bạn phải tìm ra cách để thúc đẩy các nhân viên của mình, bởi chính các nhân viên sẽ là nhân tố quyết định thành công của cả bộ phận. Đầu tư vào con người chính là chìa khóa tạo ra sự khác biệt.
Xây dựng đội nhóm, đào tạo và phát triển nhân tài
Nếu CMO/VP Marketing biết tập trung phát triển đội ngũ nhân tài cho mình, thì doanh nghiệp mới có thể phát triển lâu dài, bền vững. Những người thông minh, tài giỏi thường tạo ra những kết quả xuất sắc. Sẽ rất hữu ích nếu bạn thường xuyên xem xét năng lực các nhân viên nổi bật và tạo cơ hội cho họ thể hiện bản thân.
CMO/VP Marketing cũng cần chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn Marketing cho nhân viên, không chỉ trong quá trình làm việc, mà hãy tạo ra những lớp học để giúp họ phát triển xa hơn trong sự nghiệp. Các kiến thức căn bản là vô cùng quan trọng, nên hãy giúp các nhân viên củng cố phần nền móng này, đảm bảo rằng họ có tư duy chiến lược, hiểu định vị thương hiệu, biết lên kế hoạch Marketing, viết creative brief,… Ngành Marketing thay đổi không ngừng, đầu tư vào đào tạo không chỉ khiến đội ngũ nhân viên của bạn trở nên tốt hơn mà còn khiến họ cảm thấy rằng làm việc cùng bạn cho họ cơ hội thăng tiến, giúp họ tiến bộ mỗi ngày.
Chịu trách nhiệm về toàn bộ quy trình, hệ thống làm việc
VP Marketing và CMO rất nên biết làm bảng P&L và tất cả các quy trình Marketing. Bạn phải làm bảng P&L, hiểu các chỉ số ROI, ROE và đưa ra lựa chọn, quyết định đầu tư. Những lựa chọn này sẽ là một trong những yếu tố cần thiết để bạn xác định KPI cho bộ phận của mình và có căn cứ xác định định hướng nhiệm vụ.
Các quy trình không nên cố gắng gò bó, cứng nhắc mà cần mang đến quyền tự do cho các nhân viên, khiến họ tập trung toàn bộ năng lượng để sáng tạo, thay vì cố gắng làm những thủ tục rườm rà khác, như kiểu cố gắng làm slide trông hấp dẫn khi trình bày kế hoạch thương hiệu.
Xây dựng tầm nhìn và truyền cảm hứng
VP Marketing hoặc CMO giỏi luôn mang lại tầm nhìn rõ ràng, không chỉ cho định hướng của thương hiệu mà còn tạo nên nguồn cảm hứng cho các nhân sự của mình. Bạn hãy là một nhà lãnh đạo gần gũi bằng cách thường xuyên tương tác với các nhân viên, đưa ra những lời động viên, các phần thưởng khuyến khích kịp thời. Nếu các nhân viên đưa ra một ý tưởng độc đáo và hợp lý, CMO/VP Marketing hãy quyết đón khuyến khích họ thực hiện. Hãy luôn là một điểm tựa vững chắc, định hướng cả team và là nguồn năng lượng để các nhân viên có động lực phát huy thế mạnh của họ.
Trao quyền và tạo động lực cho nhân viên
Trở thành một VP Marketing hay CMO giỏi là khi bạn biết tạo cơ hội để nhân viên của mình tỏa sáng, đừng cố gắng giành spotlight về mình. Bạn hãy trao quyền để các cấp dưới được đưa quyết định, thay vì là người đưa ý tưởng, hãy đưa ra các câu hỏi và thách thức để giúp các nhân viên cải tiến công việc. Đó là cách CMO/VP Marketing tạo động lực và cho nhân viên của mình cơ hội được phát triển.
Là một nhà lãnh đạo nhất quán, cởi mở và thực tế
Để là một VP Marketing hoặc CMO đáng kính, bạn hãy là một người cởi mở, cho nhân viên biết cách tiếp cận và truyền đạt ý kiến của bản thân với bạn. Cấp dưới sẽ thường dè dặt chia sẻ mối quan tâm của họ, hoặc e ngại báo cáo với bạn những kết quả chưa tốt nếu bạn luôn tỏ ra lạnh lùng xa cách, điều này có thể khiến bạn bị bỏ rơi và khó nhận thức được vấn đề đang xảy đến với đội ngũ của mình. Hơn nữa, phải làm việc trong môi trường có quá nhiều sự căng thẳng và ngột ngạt, chính là bóp chết sự sáng tạo của các Marketers. Cởi mở và nhất quán từ suy nghĩ tới hành động, trong các cuộc họp cũng như các hoạt động thường ngày, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ trung thực và đóng góp của các nhân viên.
Tạm kết:
Trọng tâm công việc sẽ thay đổi khi bạn thăng tiến trong sự nghiệp làm Branding của bạn. Đa số các bạn trẻ mới tìm hiểu lộ trình thăng tiến ngành Marketing thường muốn nhanh chóng đặt chân đến các vị trí cao, và luôn mơ ước được thực hiện những công việc sáng tạo, được lên chiến lược 100%. Nhưng thực tế, không có công việc nào chỉ cần ngồi nghĩ thôi là xong.
Lúc đầu, khối lượng công việc chủ yếu thiên về mặt thực thi, khi bạn lên các vị trí cao hơn, trọng tâm công việc sẽ thiên nhiều về khả năng lãnh đạo, quản lý và lên chiến lược. Tới cấp độ VP Marketing/CMO, công việc có tới 60% liên quan tới yếu tố con người.
Nếu bạn muốn bắt đầu sự nghiệp làm Marketing trong mảng Branding, hãy bắt đầu ngay với việc bổ sung kiến thức nền tảng vững chắc về Marketing, làm đòn bẩy cho các hoạt động thực thi đúng hướng. Không có kiến thức nền tảng vững chắc, bạn rất khó để tiến xa hơn trong ngành. Tham khảo ngay khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để được học hỏi cả kiến thức và kinh nghiệm từ các anh chị Manager của các tập đoàn đa quốc gia nhé!
Nếu bạn đang trong quá trình trau dồi để bước lên những nấc thang mới trong sự nghiệp làm Branding của mình, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn khi chuyển từ người thực thi sang vị trí người quản lý, đừng bỏ lỡ khóa học Brand Development. 10 buổi học cung cấp tư duy xây dựng và phát triển thương hiệu, cho bạn tiếp cận hàng chục case study đa ngành hàng, để bạn luyện tập giải quyết các bài toán làm Branding cho chính mình.