Các loại Display Advertising và ưu nhược điểm mỗi loại

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người xem đang mắc phải tình trạng “ngộ độc” quảng cáo khi phải tiếp nhận quảng cáo thường xuyên với số lượng lớn. Có tới 82% Gen Z bỏ qua quảng cáo, sử dụng trình chặn quảng cáo hoặc trả tiền cho các dịch vụ không có quảng cáo cao cấp.

Vì vậy, các nhà quảng cáo và marketer cần phải tìm ra hướng đi mới sáng tạo hơn. Với nhiều format khác nhau, Display Advertising có thể giúp Marketers có thể thu hút được sự chú ý của người xem. Vậy có bao nhiêu định dạng Display Advertising, ưu nhược điểm của từng loại là gì, khi nào nên áp dụng những định dạng này trong kế hoạch? Cùng TM  tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau nhé!

1. Rich Media

Rich Media là một thuật ngữ rộng, nhưng nhìn chung Rich Media đại diện cho một bước tiến sáng tạo cho quảng cáo. Đây là định dạng quảng cáo bao gồm trải nghiệm tương tác phức tạp với đồ họa hoạt hình, GIF, trò chơi, video và âm thanh.

Ưu điểm: định dạng quảng cáo đã tạo ra nhiều không gian hơn cho các marketer trong việc sáng tạo không bị ràng buộc bởi định dạng, thu hút sự chú ý của người xem nhờ những chuyển động và mang đến một thông điệp nhiều sắc thái hơn. Đồng thời, định dạng quảng cáo này cũng cho phép người dùng có những trải nghiệm tương tác như trò chơi hoặc ứng dụng thương mại.

Nhược điểm: Loại quảng cáo Rich Media này đòi hỏi sự tùy chỉnh theo khách hàng và cần rất nhiều thời gian trong đầu tư: ví dụ như một số định dạng đa phương tiện thường cần có một trình duyệt nhất định và yêu cầu băng thông lớn hơn nhiều.

Việc sản xuất một Rich Media cũng đòi hỏi nhà quảng cáo quy trình làm việc phức tạp giữa nhiều bên với chi phí cao hơn các định dạng khác. Bên cạnh đó, một số định dạng đa phương tiện cũng chưa phát triển đầy đủ các chỉ số đo lường để mang lại thông tin về hiệu suất. Do đó, những loại Display Ads khác có thể hiệu quả nhanh hơn.

2. Standard Banner Ads

Đây là định dạng quảng cáo phổ biến nhất cho đến nay, thường xuất hiện trong các trang báo điện tử như vnexpress, dantri,… dưới dạng tĩnh hoặc động và được sắp xếp lộn xộn ở đầu hoặc cuối màn hình.

Ưu điểm: Quảng cáo Banner có ưu điểm là không làm gián đoạn trải nghiệm người dùng, có tính linh hoạt cao, đơn giản, tốn ít chi phí và được hỗ trợ trên nhiều thiết bị.

Nhược điểm: Với không gian hiển thị hạn chế, Standard Banner Ads không thu hút được sự chú ý của người đọc. Vì vậy định dạng này thường thu lại kết quả CTR thấp và không được đánh giá cao về hiệu quả hoạt động.

3.  Interstitial Ads

Interstitial Ads là dạng quảng cáo xen kẽ chiếm hoàn toàn màn hình điện thoại của người dùng hoặc cửa sổ trình duyệt trên máy tính. Định dạng quảng cáo này thường xuất hiện trong quá trình điều hướng tới website khác hoặc trong các trò chơi và thường thấy nhất trong các trò chơi có cấp độ. định dạng quảng cáo này thường yêu cầu người dùng phải nhấp vào nút để đóng quảng cáo hoặc vuốt để điều hướng đến nội dung mong muốn.

Ưu điểm:  Với tỷ lệ hiển thị lớn, Interstitial Ads có khả năng thu hút sự chú ý của người dùng, đặc biệt trên màn hình thiết bị di động, là ưu điểm của định dạng này so với các định dạng khác. Google ước tính khả năng xem cho quảng cáo này khoảng 54%. Không chỉ vậy, nhờ xuất hiện trong khoảng nghỉ của các hành động của người dùng, do đó định dạng này không làm gián đoạn trải nghiệm của họ.

Nhược điểm: Người dùng có thể nhanh chóng nhấn X để đóng cửa sổ này, mà không thực sự chú ý hoặc ấn tượng đến quảng cáo. Trong trường hợp nút tắt ở vị trí xấu, chỉ số CTR có thể bị đẩy lên cao hơn do người dùng bấm nhầm.

Đọc thêm: Cách tối ưu digital visual thúc đẩy hiệu quả quảng cáo

4. Expandable Banners

Expandable Banners là một định dạng trong Rich Media, nhưng cũng có thể được xem là sự kết hợp giữa Banners Ads và Interstitial Ads. Đây là những quảng cáo Banner có thể tự động hoặc cho phép người dùng click vào để mở rộng ra ngoài kích thước ban đầu của Banner.

Ưu điểm: Giúp các thương hiệu một không gian lớn để có thể nói câu chuyện của họ đến khách hàng. Định dạng này cũng khắc phục tình trạng quảng cáo Banner rơi vào điểm mù của người đọc, mở rộng diện tích hiển thị thông điệp quảng cáo. Một nghiên cứu từ John Lewis và IAB cho thấy những người tiếp xúc với Expandable Banners có khả năng nhớ lại quảng cáo cao hơn 25% so với những người tiếp xúc với Banner tĩnh.

Nhược điểm: Tuy nhiên, các marketer nên hạn chế tần suất xuất hiện của loại quảng cáo này bởi người dùng có thể cảm thấy bị phiền, gây rối cho trải nghiệm người dùng. 

5. Interactive Ads

Interactive Ads là quảng cáo cung cấp các tính năng nhúng cho phép khán giả tương tác ngay lập tức với sản phẩm hoặc dịch vụ dưới dạng nội dung trải nghiệm định dạng này thường được hiển thị trong các trò chơi di động hoặc trên các website trò chơi.

Ưu điểm: Quảng cáo thụ động sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn theo thời gian. Quảng cáo tương tác cung cấp khả năng làm cho quảng cáo trở thành một “trải nghiệm”. Điều này làm tăng khả năng người dùng tương tác với sản phẩm được giới thiệu cho họ. Định dạng quảng cáo này thường được các thương hiệu lớn như McDonald’s nhằm mục đích tăng nhận thức về thương hiệu.

Nhờ tính toán chi phí dựa trên những tương tác có thực từ người xem, các quảng cáo này đem lại hiệu quả trong nhắm đặt vị trí và đo lường kết quả.

Ngoài ra, các thương hiệu cũng có thể sử dụng định dạng quảng cáo này nhằm mục đích yêu cầu người dùng điền vào biểu mẫu khách hàng tiềm năng hoặc trả lời một cuộc thăm dò để đổi lấy quyền truy cập vào nội dung được kiểm soát. Nhờ vậy, định dạng quảng cáo này có thể trực tiếp tăng hiệu quả đối với team Sale.

6. Video Ads

Video Ads là định dạng quảng cáo video và cho phép bạn tiếp cận khán giả của mình và kết nối với họ ở cấp độ cá nhân hơn. Video Ads không chỉ được phân phối trên các kênh chia sẻ phương tiện truyền thông như Youtube, TikTok, Netflix, chúng cũng có thể được hiển thị trên các mạng quảng cáo hiển thị hình ảnh và mạng quảng cáo xã hội.

Ưu điểm: YouTube là công cụ tìm kiếm lớn thứ hai trên Internet và mọi người dành 33% thời gian trực tuyến để tương tác với nội dung video. Người dùng cũng dần ưa thích các nội dung video nhờ sự sống động, nhanh chóng trong tiếp thu nội dung.

Không chỉ vậy, video cũng hoạt động tốt trên cả thiết bị cầm tay và máy tính để bàn. Vì vậy, sử dụng Video Ads có thể giúp tiếp cận đối tượng mục tiêu đúng thời điểm, từ đó tăng tỷ lệ chuyển đổi khách hàng rất cao.

Trước khi tìm hiểu các phần tiếp theo, cùng TM khám phá một video ads cho khoá học Digital Foundation của TM nhé.

Đọc thêm: 6 format quảng cáo trên Youtube mà marketer không thể bỏ qua

7. 3D Display Ads

Quảng cáo này là Banner với các đối tượng 3D hoạt hình thể hiện sản phẩm của bạn một cách thực tế và khuyến khích tương tác.

Ưu điểm: Cho phép người dùng dễ dàng tương tác đối với các đối tượng 3D, đặc biệt trong các không gian bán lẻ khi mà người dùng muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm. Bên cạnh đó, với lợi thế về hiệu ứng và hình ảnh sống động, thực tế, định dạng này có thể thu hút sự chú ý của người dùng mà không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của họ.

Nhược điểm: Đây là một mô hình mới và đòi hỏi thương hiệu phải đầu tư vào xây dựng hình ảnh 3D cho quảng cáo của họ. Do đó, đòi hỏi ngân sách và đầu tư vô cùng cao.

8. Overlay (In-video)

Quảng cáo xuất hiện trong video nhưng nền có phần trong suốt, do đó người dùng vẫn có thể xem nội dung mà họ đang xem mà không bị ảnh hưởng nhiều.

Ưu điểm: Điểm cộng của hình thức này chính là không “quấy rầy” và xen ngang trong thời gian họ xem video. Với chi phí đầu tư thấp, định dạng quảng cáo này đang được nhiều marketer ưa chuộng và sử dụng phổ biến.

Nhược điểm: Tuy nhiên, với những ưu điểm trên, người dùng thường có xu hướng quá tải quảng cáo và tạo ra thói quen không nhìn quảng cáo mà ngay lập tức ấn X để đóng đi.

9. Lightbox Ads

Lightbox Ads là loại quảng cáo bao gồm video, âm thanh, hoạt ảnh và các tính năng khác và có thể mở rộng lên tới toàn màn hình khi người dùng di con trỏ qua.

Ưu điểm: Với tính chất hạn chế tương tác ngẫu nhiên bởi người dùng phải di chuột qua quảng cáo hộp đèn trong hai giây đầy đủ để kích hoạt mở rộng, quảng cáo có thể đảm bảo khả năng tương tác cao và chỉ tính tiền dựa trên chi phí mỗi tương tác (CPE). Bên cạnh đó Lightbox Ads cung cấp trải nghiệm phong phú khi đưa người dùng thoát khỏi trang web họ đang duyệt và chuyển sang trải nghiệm quảng cáo toàn màn hình.

Nhược điểm: Định dạng quảng cáo này còn mới và chưa được ứng dụng nhiều, cần sự nghiên cứu và đầu tư nghiêm túc.

Tạm kết

Để lựa chọn định dạng quảng cáo phù hợp cho sản phẩm/dịch vụ và doanh nghiệp, các marketer còn cần quan tâm tới mục tiêu của chiến dịch quảng cáo, thói quen media của đối tượng, đặc điểm của ngành hàng và tính cách thương hiệu,… Những ngành hàng có các sản phẩm được người tiêu dùng xem và quan sát trực quan với mức điểm watchability cao (khả năng xem quảng cáo video) sẽ là phù hợp để sử dụng Display Ads. Có thể kể đến một số ngành như: Nghệ thuật & giải trí, Health & Fitness, Nội thất, Thời trang và trang sức, Du lịch & Khách sạn, Bất động sản, v.v.

Chính vì vậy, bên cạnh đặc điểm, ưu và nhược điểm của từng định dạng Display Advertising, các marketer cũng cần nắm chắc các kiến thức về nghiên cứu khách hàng, đặt giá thầu, lựa chọn vị trí quảng cáo và kết hợp các định dạng nhằm tối ưu hóa hiệu quả. Nếu bạn muốn trang bị tư duy tối ưu quảng cáo chuyên sâu, hãy tham khảo khoá học Digital Performance của Tomorrow Marketers!

khóa học digital performance

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức.

Tagged: