Tomorrow Marketers – Với sự bùng nổ của Digital và lượng thông tin cực kì lớn, hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi. Trải nghiệm của khách hàng với một thương hiệu theo thời gian (Consumer Journey) đã thay đổi với 5 bước của Digital Consumer Journey gồm: Awareness, Consideration, Conversion, Loyalty và Advocacy. Bài viết này sẽ tập trung tối ưu hóa digital visual ở 3 bước quan trọng và được các thương hiệu đầu tư nhiều nhất hiện nay: Awareness, Consideration và Conversion. Mỗi một bước sẽ đảm nhận một mục tiêu khác nhau như sau:
- Awareness cần thu hút sự chú ý của khách hàng đối với thương hiệu (Brand Attention).
- Consideration cần tạo được sự tương tác của khách hàng (Engagement).
- Conversion mục tiêu lớn nhất là tạo nên sự chuyển đổi thành đơn hàng (Purchase).
Trong mỗi giai đoạn này, có rất nhiều kênh để thực hiện, nhiều format có thể sử dụng. Ví dụ như cùng là giai đoạn Nhận biết, có thể sử dụng Youtube, Facebook, Instagram, Zalo… Tuy nhiên, khi bàn về Visual, phải rất cụ thể ở một giai đoạn, một kênh và một format, nên bài viết chủ đích chọn một format nổi bật nhất, trên một trong những kênh digital phổ biến nhất ở mỗi chặng để phân tích chi tiết cách tối ưu visual.
Đọc thêm: Phễu Marketing và cách chuyển hoá khách hàng
Awareness
Mục tiêu cốt lõi trong giai đoạn này là phải tăng độ nhận diện của thương hiệu, chiếm được sự chú ý của khách hàng (Brand Attention). Ở bước này, một kênh vô cùng quan trọng, phổ biến và hiệu quả đang được rất nhiều thương hiệu tận dụng đó chính là YouTube, đặc biệt trong kỉ nguyên bùng nổ tiêu thụ video. Bumper Ads iTVC 6s Skippable (còn được gọi là pre-roll) là dạng quảng cáo video ngắn xuất hiện ngay trước các video mà người chọn xem. Sử dụng quảng cáo này có thể tiếp cận người xem trên quy mô rộng (vì tệp người dùng lớn, đa dạng, từ 18 – 45 tuổi), bằng thông điệp ngắn, dễ nhớ. Nhiều thương hiệu lớn đang sử dụng Bumper Ads để đẩy mạnh quá trình đạt được mục tiêu đề ra như độ nhận diện thương hiệu và ghi nhớ thông điệp. Không có một công thức thành công tuyệt đối nào cho loại hình quảng cáo này. Tuy nhiên, có những mẹo để tối ưu hóa visual cho format Bumper Ads này, khiến người xem có thể tiếp thu thông điệp một cách nhanh chóng và nhớ lâu hơn, cụ thể như sau:
1/ Thời lượng (duration): Thời lượng video quảng cáo thường nên đúng 6 giây. Thời lượng có thể dài hơn tuy nhiên tất cả nội dung quan trọng nhất cần nằm trong đúng 6 giây đầu để có thể phát huy hết tác dụng của dạng quảng cáo này, vì sau đó, người dùng có xu hướng sẽ bỏ qua quảng cáo (nhấn nút skip). Nội dung trong 6s đầu phải bao gồm đầy đủ 2 yếu tố: lời thuyết minh và hình ảnh.
2/ Lời thuyết minh (voice – over): dài tối đa là 1 – 2 câu ngắn, phải nêu bật được tên thương hiệu vì nhiều khách hàng như dân văn phòng, tài xế,… nghe nhạc, cập nhật tin tức mà không xem hình, chỉ nghe âm thanh. Vì thế lời thuyết minh cũng là một trong những yếu tố bắt buộc, đóng vai trò thu hút sự chú ý cho quảng cáo và gia tăng nhận diện thương hiệu, để mỗi lần tiếp cận tới người xem đều không bị lãng phí. Bên cạnh đó, lời thuyết minh cần ngắn gọn bởi nếu quá dài sẽ khiến cho người nghe bị rối và thương hiệu không nhấn mạnh được thông điệp muốn truyền tải cho khách hàng.
3/ Visual: phải có logo của thương hiệu thật to ở ngay đầu hoặc cuối video (6s). Thông điệp truyền tải trên hình ảnh nên tối đa 8 chữ để người xem kịp đọc và hấp thụ. Yếu tố gây sự chú ý (attention) vô cùng quan trọng trong 6s của video quảng cáo này. Nếu yếu tố này không xuất phát từ voice-over thì phải xuất phát từ visual. Chẳng hạn như một hình ảnh gây sốc, độc, lạ hoặc bất ngờ khiến cho người xem không thể không để mắt đến quảng cáo. Nếu thương hiệu không tận dụng và tối ưu hóa thông điệp qua 6s này, không gây được điểm nhấn gì cho khách hàng thì 6s quảng cáo trôi qua vô cùng nhanh và lãng phí. Người xem không nhớ quảng cáo mình vừa xem của thương hiệu nào, thông điệp muốn truyền tải là gì, tức là thương hiệu đã thất bại và lãng phí ngân sách của mình.
4/ Lưu ý về format: theo số liệu thống kê của YouTube for Press, hiện nay hơn 70% lượt xem YouTube đến từ mobile, do đó Bumper Ads khổ dọc đang được ưa chuộng. Các thương hiệu nên đầu tư sản xuất quảng cáo theo dạng video này để có thể tối ưu hóa việc tiếp cận khách hàng.
5/ Tạo thêm các nội dung cá nhân hoá: Hiện nay, Youtube đang hỗ trợ các nhà quảng cáo có thể tiếp cận được khách hàng ngày một chính xác hơn (precision marketing), không chỉ dựa trên nhân khẩu học, địa lý, mà còn có thể đào sâu tới tâm lý, hành vi, đam mê, chặng cuộc đời (Life stage). Do đó, doanh nghiệp nên phát triển các mẫu quảng cáo mang tính cá nhân hoá hơn. Ví dụ, đối tượng mục tiêu của Pepsi không chỉ dừng lại ở các bạn trẻ 18 – 25, mà có thể chia ra các nhóm nhỏ: Thích Âm nhạc, Thích ăn uống, Quan tâm tới lối sống lành mạnh, hay nhóm Sinh viên hoặc Người mới đi làm… Dựa vào các nhóm nhỏ này (gọi là sub segment) để cá nhân hoá thông điệp gốc, giúp quảng cáo phù hợp hơn với sở thích của người xem.
Đọc thêm: 6 format quảng cáo trên Youtube không thể bỏ qua
Consideration
Consideration trong Digital Customer Journey là chặng yêu cầu engagement (sự tương tác), có thể dưới dạng like, share, comment, hay cực kì quan trọng là click. Ở chặng này, Facebook hiện đang được xem là kênh không thể bỏ qua, cùng với Instagram, Ad network display…
Trước khi bắt đầu, cần lưu ý rằng Facebook có vẻ như chưa phải là một kênh hiệu quả để quảng cáo bằng dạng video bởi người dùng Facebook có hành vi lướt rất nhanh và chỉ có những bài đăng gây được chú ý trong giây đầu tiên thì mới có thể khiến họ bị thu hút và dừng mắt. Do đó, trên Facebook, dạng ảnh tĩnh (still image) có thể mang lại hiệu quả cao hơn (vì có thể gây chú ý ngay từ giây đầu tiên). Với mục tiêu thúc đẩy sự tương tác (engagement), dạng quảng cáo CPC (cost-per-click) là định dạng tối ưu nhất có thể đạt được mục tiêu khiến khách hàng click vào quảng cáo để dẫn họ về inbox hoặc landing page của doanh nghiệp.
Một vài lưu ý dưới đây có thể giúp quảng cáo CPC thật sự hiệu quả với mục tiêu “dí click” của thương hiệu:
1/ Logo: bắt buộc phải có và thường nên để ở góc phải, phía trên hoặc dưới đều được vì đây là chỗ hướng mắt dừng lại. Nguyên nhân là người đọc thường có xu hướng đưa mắt từ trái sang phải và trên xuống dưới nên đặt logo tại điểm dừng của mắt là cách hiệu quả để gây sự chú ý thương hiệu.
2/ Text: không quá 10 chữ, số lượng chữ tốt nhất nên nằm trong khoảng 6-8, chiếm tối đa khoảng 20% diện tích của hình để quảng cáo dạng này có thể tối ưu hóa hiệu quả dựa trên thuật toán của Facebook. Đặc biệt cần có dấu hiệu nút call to action để khuyến khích người xem hành động và tương tác (click, comment) nhằm đạt mục đích.
3/ Image: cần có một hình ảnh làm điểm nhấn (hero visual) cho quảng cáo, có độ tương phản mạnh về màu sắc. Hình ảnh được sử dụng cần tuân thủ brand guideline (Bộ quy tắc hình ảnh thương hiệu). Một điều lưu ý là không nên sử dụng quá nhiều chi tiết trong một ảnh vì sẽ làm rối visual, không truyền tải tốt thông điệp quảng cáo.
4/ Design thinking: người dùng Facebook chỉ xem ảnh mà hiếm khi đọc nội dung của bài đăng (caption), nhất là những bài đăng quảng cáo. Do đó hình ảnh phải “tự thân” truyền tải được trọn vẹn thông điệp chính ngay cả khi không cần đến caption. Đây thực sự là một thử thách khi chỉ được sử dụng 6 – 10 chữ trên hình, và marketer cần có tư duy này ngay từ khi bắt đầu thiết kế hình ảnh visual.
Conversion
Mục tiêu của bước này là thúc đẩy hành động mua (purchase). Do đó kênh cần đến việc tối ưu hình ảnh thường là các trang E-commerce (hoặc landing page bán hàng). Nhắc đến E-commerce, không thể không kể đến những ông lớn đang làm mưa làm gió trên thị trường như: Tiki, Shopee, Lazada,… Nếu theo dõi bạn có thể thấy ở các trang này, Display banner là định dạng phổ biến nhất nhằm tối ưu tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng. Dưới đây là 5 bí quyết để tạo nên một Display banner bán hàng hiệu quả:
1/ Visual càng ngắn thì càng được chú ý: Display banner này chỉ nên tối đa gồm 4 thành phần (chữ, hình sản phẩm và các hình minh hoạ khác), thông điệp tối đa 8 chữ bao gồm cả chữ cho call to action.
2/ Cách sắp xếp bố cục: nên được tối ưu hóa từ trái sang phải và trên xuống dưới. Các yếu tố quan trọng nhất cần chiếm được sự chú ý của khách hàng cần phải để chính giữa hoặc góc phần tư bên phải phía dưới, chẳng hạng như nút call to action – mục đích chính của banner. Yêu cầu này cũng dựa trên nguyên tắc hướng nhìn của mắt.
3/ Phối màu và phông chữ: nên gây sự chú ý với màu sắc tương phản để làm nổi bật những yếu tố cần thu hút người đọc. Thương hiệu cần chú ý đến size chữ và khoảng cách giữa các chữ cần có sự tương phản. Đặc biệt chỉ nên sử dụng 1 hoặc tối đa 2 phông chữ để không làm rối banner.
4/ Hình ảnh trên banner: phải dễ đọc, dễ hiểu, rõ ràng. Đặc biệt không nên in hoa hết chữ bởi cuối cùng sẽ không làm nổi bật được yếu tố gì là chính và còn khiến người đọc bị “đau mắt”, khó chịu với banner. Cần có Buzz words – những từ ở dạng ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, gần gũi, hay bắt một trend nào đó phù hợp như: “Mại zô”, “Hot hot”, “Khuyến mãi khủng”,… sẽ khiến khách hàng thấy thu hút và thích thú hơn so với những quảng cáo quá “formal”.
5/ Nút call to action: cần được highlight bằng một khung màu khác. Ở bước này mục đích quan trọng chính là purchase, khiến khách hàng thực hiện mua hàng nên nút call to action là nút quan trọng nhất trong banner quảng cáo và cần được làm nổi bật và “chiếm sóng” nhiều nhất.
Tạm kết
Digital visual content có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp xúc tại mỗi điểm chạm giữa người tiêu dùng và thương hiệu, là chìa khóa giúp thương hiệu thực hiện được những chiến dịch quảng cáo tối ưu và thành công. Do đó, việc thay đổi tư duy đầu tư xây dựng digital visual xuất sắc (cùng với tối ưu công cụ quảng cáo) sẽ là bước đi đúng đắn giúp thương hiệu không lãng phí ngân sách. Tìm hiểu thêm các phương pháp tối ưu quảng cáo chuyên sâu, tham khảo khoá học Digital Performance của Tomorrow Marketers nhé.
