Display Advertising là gì? Tổng quan về Display Advertising

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Sự ra đời của các định dạng ấn phẩm sáng tạo mới như video, animation, 3D,… đã giúp quảng cáo trở nên sống động hơn bao giờ hết, giúp doanh nghiệp có thể truyền tải thông tin dưới nhiều cách thức thú vị, có khả năng tương tác với người xem hơn. Từ đây, thuật ngữ quảng cáo hiển thị (display advertising) ra đời. Vậy cụ thể Display Advertising là gì? Ưu nhược điểm của loại hình này và Marketers có thể sử dụng Display Advertising vào mục đích gì? Cùng TM tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1. Display Advertising là gì?

Display Advertising trong Digital Marketing là một loại hình quảng cáo sử dụng các định dạng đa phương tiện như video, animation, hình ảnh, văn bản,… xuất hiện trên các khu vực được thiết kế đặc thù của website, hoặc trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram,…) nhằm thu hút người đọc của trang web thực hiện một hành động cụ thể như click điền vào form, click dẫn tới landing page,… 

Người dùng có thể thấy các banner quảng cáo trên các website mỗi khi truy cập, các video quảng cáo trên các clip Youtube trước khi xem hoặc các banner quảng cáo dưới các ứng dụng điện thoại khi đang sử dụng. Chúng đều là một phần của Display Advertising. 

2. Ưu điểm và nhược điểm của Display Advertising là gì?

2.1. Ưu điểm của Display Ads

Display Advertising tăng Brand Awareness (nhận thức về thương hiệu) tốt hơn với đúng đối tượng mục tiêu

Nhờ mạng lưới phân phối quảng cáo hiển thị, các nhà quảng cáo có thể lựa chọn các hình thức nhắm chọn mục tiêu tùy chỉnh, giúp tiếp cận rộng rãi tới đúng nhóm đối tượng mục tiêu. Bên cạnh đó, với các format mới chú trọng tới người xem, quảng cáo hiển thị đã giảm bớt sự phiền nhiễu, gián đoạn trải nghiệm người dùng.

Display Advertising dễ dàng thu hút và gây ấn tượng nhờ tính đa dạng trong format  

Display Ads dễ dàng thu hút sự chú ý nhờ có khả năng chuyển động, hình ảnh bắt mắt và có các hình thức tương tác mới mẻ, sáng tạo như: video, GIF, animation, gamification tương tác,…  

Đọc thêm: Các loại Display Advertising và ưu nhược của mỗi loại

Display Ads giúp nhà quảng cáo có thể đo lường hiệu quả

Tất cả các lần nhấp, lần hiển thị và lượt chuyển đổi đều có thể được theo dõi từ Google Ads, cũng như Google Analytics để theo dõi hiệu suất và mức độ tương tác chi tiết hơn.

Display Ads truyền tải thông điệp nhanh chóng, hiệu quả

Hình ảnh và những chuyển động của GIF, video có thể kết hợp cùng văn bản tạo ra những hiệu ứng tác động tới giác quan tới người xem, giúp truyền tải thông điệp một cách trọn vẹn hơn. Người xem không cần phải đọc hết một bài viết dài để đến được thông điệp mà có thể bắt trọn nội dung chỉ trong 15s. 

Display Ads tiếp cận khách hàng ở mọi giai đoạn của kênh

Một chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số được cân nhắc kỹ lưỡng có thể giúp bạn tiếp cận đối tượng mục tiêu của mình ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình đưa ra quyết định, từ nhận thức về nhu cầu đến mức độ sẵn sàng mua hàng. Tất cả những gì bạn cần là kiến ​​thức về các phương pháp nhắm mục tiêu.

2.2 Nhược điểm của Display Ads

Người xem có thể sử dụng các tiện ích chặn quảng cáo

Do tính chất phổ biến của quảng cáo hiển thị hình ảnh, nhiều người dùng đã bỏ qua chúng hoàn toàn. Người tiêu dùng ngày nay tin rằng quảng cáo thường xuyên hơn và có tính xâm nhập cao hơn so với trước đây. Quảng cáo tràn lan khiến nhiều người cảm thấy khó chịu — và khi mọi người khó chịu với quảng cáo trực tuyến, họ có xu hướng sử dụng phần mềm chặn quảng cáo để họ hoàn toàn không nhìn thấy chúng.

3. Có những cách nào để đặt mua vị trí Display Advertising?

Display Advertising được coi là một cách để các doanh nghiệp kiếm tiền từ lưu lượng truy cập trang web, vì các nhà quảng cáo sẽ trả tiền để quảng cáo của họ được hiển thị cùng với nội dung trên trang. 

Có 02 cách chính về cách họ có thể làm điều đó: liên hệ trực tiếp với nhà xuất bản (Direct Buying) hoặc mua vị trí quảng cáo theo lập trình (Programmatic Advertising).

Liên hệ trực tiếp với các publishers (Direct Buying)

Đây là cách thức mà advertiser và publisher giao dịch vị trí quảng cáo bằng cách liên hệ trực tiếp và thương lượng hai chiều giữa đôi bên. Việc mua bán quảng cáo ban đầu diễn ra vô cùng đơn giản và dựa trên quy trình bán hàng trực tiếp giữa nhà quảng cáo và chủ sở hữu trang web. Theo quy trình này, có một số thuật ngữ mà có lẽ bạn nên nắm được: 

Publisher: thường được hiểu là các website hoặc các nền tảng cho phép hiển thị quảng cáo trên đó. Cụm từ publisher ngày càng rộng hơn bao gồm: 

  • Các website: bao gồm web tin tức hay giải trí vnexpress, dantri, 24h, kenh14,… 
  • Các nền tảng video: Youtube, Vimeo, TikTok,… 
  • Các mạng xã hội: Facebook, Instagram, Pinterest,… 
  • Các ứng dụng bao gồm cả desktop hoặc mobile: Skype, Viber,… 

Advertiser: các thương hiệu, các công ty, cá nhân hay tổ chức bỏ chi phí ra để mua quảng cáo. 

Ví dụ: Bạn là một Advertiser, liên hệ với Sales bên một trang báo (chẳng hạn vnexpress) và yêu cầu mua một banner trên top homepage của website trong một tuần, đó gọi là Direct Buying. 

Mặc dù có những ưu điểm như “chắc suất” giành được “slot” quảng cáo, tuy nhiên, khi quy trình mua bán trở nên phức tạp, cách thức mua quảng cáo này dần trở nên mất quá nhiều công sức và không tối ưu. Đặc biệt khi người dùng Internet ngày càng yêu cầu quảng cáo hiển thị cần phải xuất hiện trong đúng ngữ cảnh, theo chủ đề nội dung phù hợp hoặc theo từng nhóm đối tượng riêng biệt. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp thường có một chiến dịch quảng cáo và muốn chạy quảng cáo trên rất nhiều publisher khác nhau. Và một publisher có thể có nhiều chuyên mục bên trong. Mỗi chuyên mục có nhiều chuyên trang và mỗi trang lại có nhiều banner trên đó. Đôi khi các advertiser chỉ muốn tiếp cận một phần người dùng của publisher chứ không phải toàn bộ. Chưa kể nếu có nhiều advertiser cùng muốn mua cùng một vị trí hiển trị trên website thì sẽ như thế nào? Hoặc các vị trí còn bỏ trống thì làm sao? Lúc này có thể bạn sẽ cần cân nhắc tới cách thức thứ hai.

Mua vị trí quảng cáo theo lập trình (Programmatic Buying)

Theo conversion.vn, đây là phương thức mua quảng cáo hoàn toàn tự động sử dụng hệ thống và loại bỏ các yếu tố can thiệp của con người vào việc mua bán quảng cáo giữa các bên. Ad Network, Ad Exchange, SSP, DSP là những hệ thống thực hiện điều này. Lúc này, nếu mua quảng cáo, bạn không cần liên hệ với các bên mà chỉ cần đăng nhập vào hệ thống và thiết lập lệnh mua quảng cáo. Cách thức mua vị trí quảng cáo này được trả giá theo hai cách:

  • Trực tiếp lập trình vị trí quảng cáo: Đây là phương thức mua vị trí quảng cáo trực tiếp qua hệ thống tự động với mức giá đã được xác định từ trước. Cách thức này tương tự với Direct Buying, tuy nhiên có sự tự động hóa của dữ liệu lập trình và công nghệ.
  • Đặt giá thầu thời gian thực (Real-Time Bidding – RTB): Đây là phương thức mua quảng cáo thông qua đấu giá các vị trí quảng cáo trong thời gian thực và không có giá quảng cáo cố định. 

Để thuận tiện phát triển phương thức này, Ad Exchange và Mạng quảng cáo (Ad Network) được xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động giao dịch giữa advertiser và publisher bằng cách: 

  • Giúp publisher quản lý được các vị trí hiển thị hiệu quả. 
  • Giúp advertiser mua được quảng cáo trên các publisher khác nhau mà không cần làm việc với nhiều bên. 
  • Đấu giá khi có nhiều advertiser cùng mua một vị trí (slot) đặt quảng cáo.
  • Giúp người mua được lựa chọn vị trí quảng cáo sẽ xuất hiện dựa trên một số phân nhóm targeting có sẵn.

4. Display Advertising được sử dụng nhằm mục tiêu gì?

Theo khảo sát toàn cầu của Hubspot năm 2020, Click-Through Rate (CTR) trung bình cho Display Ads là 0.35%, trong khi với Search Ads là 1.91%. Chỉ số Cost-per-Click (CPC) trung bình cho Display Ads là 0.58$ và với Search Ads là 2.32$. Ngoài ra, chỉ số Conversion Rate (CVR) trung bình cho Display Ads chỉ đạt 0.89%, trong khi với Search Ads là 2.7%. Có thể thấy, khả năng thu hút tương tác và tỷ lệ chuyển đổi của Display Ads không cao so với Search Ads.

Tuy nhiên, một chiến dịch nhắm mục tiêu lại của Retargeter lại có thể tạo ra ROI là 486%. Do đó, chiến lược sử dụng Display Ads sẽ phụ thuộc nhiều vào mục tiêu của bạn. Một số mục tiêu được gợi ý như:

  • Brand Awareness – Xây dựng hình ảnh và nhận thức thương hiệu
  • Lead Generation – Xây dựng tệp khách hàng tiềm năng và nuôi dưỡng họ thông qua quá trình mua hàng 
  • Brand Recall & Retargeting – Thu hút khách hàng tiềm năng đã từng tương tác và tìm kiếm với sản phẩm/dịch vụ nhờ nhắm mục tiêu lại, từ đó gợi nhắc khách hàng về sản phẩm.
  • Loyalty – Kêu gọi các hành động trung thành với thương hiệu như mua lại, gợi nhắc để thương hiệu trở thành top-of-mind

Theo Techwyse, Display Ads sẽ hiệu quả nhất khi phục vụ ba mục đích cụ thể:

Nói cách khác, quảng cáo hiển thị nên được sử dụng để xây dựng hoặc duy trì nhận thức về thương hiệu và thúc đẩy lòng trung thành. Để tăng tính hiệu quả, quảng cáo hiển thị nên được hoạt động song song với SEM và các chiến dịch PPC của bạn. Ví dụ: Các Marketer có thể Retargeting nhóm đối tượng đã truy cập Landing Page PPC nhưng chưa thực hiện hành động nhằm tăng ROI tổng thể của chiến dịch đó. 

Sau khi quảng cáo được phân phát đến đối tượng mục tiêu, nhà quảng cáo sẽ phân tích kết quả để xác định xem chiến dịch quảng cáo hiển thị hình ảnh này có hoạt động tốt hay không nhằm thực hiện các thay đổi đối với đơn vị quảng cáo hoặc các tùy chọn nhắm mục tiêu.

Điều quan trọng nhất chính là hãy đảm bảo bạn xác định được:

  • Mục tiêu của Display Advertising là gì?
  • Vì sao bạn cần sử dụng Display Advertising mà không phải loại hình quảng cáo khác?
  • Ngành hàng của bạn có phù hợp để sử dụng Display Advertising hay không? 
  • Khách hàng mục tiêu của bạn có hứng thú với DDisplay Advertising hay không?
  • Bạn hy vọng họ sẽ có suy nghĩ hay hành động gì sau khi nhìn thấy Display Advertising của doanh nghiệp?
  • Các chỉ số nào bạn cần đo lường để hoàn thành mục tiêu đó?

Đọc thêm: Cách tối ưu Digital Visual thúc đẩy hiệu quả quảng cáo

Tạm kết

Display Advertising là dạng quảng cáo đang được rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng trong Digital Marketing. Nhưng làm thế nào để làm chủ được nó thì là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Nếu đi đúng hướng, xây dựng một chiến dịch Display Advertising online mạnh mẽ, phân tích, đo lường và tối ưu hóa chiến dịch một cách đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả trong Digital Marketing đến không ngờ. 

Nếu bạn muốn trang bị tư duy tối ưu quảng cáo chuyên sâu trên các nền tảng Facebook, Google, Tiktok, hãy tham khảo khoá học Digital Performance của Tomorrow Marketers!

khóa học digital performance

Nếu bạn đang quan tâm đến cách lập kế hoạch và thực thi kế hoạch Digital hiệu quả, hãy đăng ký khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers nhé!

khóa học digital foundation

Bài viết thuộc bản quyền của Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: