Làm sao để dung hòa hai yếu tố “art” và “science” trong Marketing?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – “Art” và “Science” là hai yếu tố luôn song hành với nhau trong Marketing, bởi công việc của một marketers đòi hỏi cả tư duy logic lẫn khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu cả hai kỹ năng này một cách cân bằng bởi mỗi người được sinh ra với một thiên hướng tự nhiên khác nhau. 

Những người có tư duy thiên về logic thường có não trái phát triển hơn so với não phải và ngược lại, những người có tư duy thiên về sáng tạo thường có não phải phát triển hơn so với não trái. Trong bài viết này, hãy cùng TM tìm hiểu kỹ hơn về vai trò của hai yếu tố “art” và “science” trong Marketing, từ đó tìm cách dung hòa cả hai yếu tố này để đạt hiệu quả công việc cao nhất nhé!

Yếu tố “Art” trong Marketing 

Các nhà tâm lý học tin rằng, não bộ của con người được chia làm 2 phần: bán cầu não trái và bán cầu não phải. Bán cầu não phải ứng với khả năng sáng tạo và thiên hướng nghệ thuật, vì vậy, các marketers có phần hơi “mơ mộng” sẽ thuộc nhóm marketers có tư duy bằng não phải. 

Các marketers này tuy nhận thức rõ tầm quan trọng của các số liệu trong việc đưa ra các quyết định, nhưng vẫn luôn đề cao việc sáng tạo ra những ý tưởng marketing chất lượng nhằm gây ấn tượng với khách hàng. 

Trong một đội ngũ Marketing, nhóm marketers có tư duy bằng não phải thường sở hữu khả năng sản xuất những nội dung độc đáo. Họ đóng một vai trò thiết yếu đối với các hoạt động marketing nói chung, nhất là khi nhu cầu tiếp nhận những nội dung chất lượng và khác biệt của độc giả hiện nay đang ngày một tăng cao. Trên thực tế, có 47% khách hàng B2B tham khảo 3-5 nội dung khác nhau của một công ty trước khi tìm đến sự tư vấn từ đội ngũ sales. Do đó, việc chuyển hướng từ sản xuất các nội dung mang tính học thuật, phức tạp và có phần nhàm chán sang sản xuất các nội dung thú vị hơn sẽ thu hút nhiều độc giả hơn. 

Nhóm marketers có tư duy bằng não phải cũng là những người đưa ra quyết định dựa vào trực giác. Nhiều người cho rằng, những quyết định được đưa ra dựa trên số liệu và phân tích thường sẽ chính xác hơn, tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng với mọi trường hợp. Trực giác của con người giống như một công cụ đặc biệt không thể thay thế được, và nó có khả năng giúp bạn xử lý những sai sót mà đôi khi bạn không thể xử lý nếu chỉ nhìn vào các số liệu. Cũng giống như ý tưởng kinh doanh của các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới vậy, sự đột phá thường không đến từ việc đọc báo cáo hay phân tích số liệu, mà đến từ những cơ hội để tạo ra những cải tiến, thay đổi do trực giác dẫn đường. 

Ngoài ra, đối với thành công của một doanh nghiệp, thấu hiểu hành vi của con người là một yếu tố không thể thiếu, và nhóm marketers có tư duy bằng não phải có khả năng thiên bẩm trong việc này. 50% khách hàng B2B sẽ chi trả nhiều hơn nếu họ có sự kết nối về mặt cảm xúc với một thương hiệu nào đó, vì vậy những phân tích thô được trích xuất từ dữ liệu nghiên cứu người tiêu dùng sẽ chỉ giúp bạn xác định được hành vi và thói quen của họ, chứ không xác định được sở thích và nhu cầu mà họ đang thiếu. Một marketer có thiên hướng sáng tạo sẽ là người biết nhìn sâu hơn vào số liệu, hiểu rõ những vấn đề của khách hàng và xây dựng nên các chiến dịch marketing mang tính kết nối cao để khách hàng nhìn thấy được những mong muốn, sợ hãi của họ và giúp họ giải quyết các vấn đề đó. 

Đọc thêm: Đọc thêm: Làm Marketing mảng Agency – Sinh viên cần chuẩn bị những gì?

Yếu tố “Science” trong Marketing 

Nếu như khả năng sáng tạo và thiên hướng nghệ thuật được điều khiển bởi não phải, thì tư duy logic và khoa học được điều khiển bởi não trái. Nhóm marketers có tư duy bằng não trái là những người thích làm việc dựa trên phân tích logic hơn là dựa vào trực giác và khả năng sáng tạo. 

Nghiên cứu cho thấy rằng, các doanh nghiệp hiện đại đang có xu hướng chuyển sang chiến lược marketing dựa trên số liệu. 64% các Giám đốc Marketing đồng tình rằng, marketing dựa trên số liệu chính là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên quy mô toàn cầu như hiện nay. Với xu hướng chuyển dịch này, nhóm marketers có tư duy bằng não trái sẽ là những người phù hợp với các vị trí về marketing hơn bao giờ hết. 

Trước tiên, họ là những người đưa ra quyết định dựa trên các dữ kiện thực tế. Họ đặt ra các mục tiêu rõ ràng, theo dõi các số liệu quan trọng và phân tích kết quả để xác định xem mình cần phải đưa ra một chiến lược marketing tiếp theo như thế nào. Dữ liệu luôn đi liền với mọi quyết định của họ, từ việc sắp xếp bố cục landing page như thế nào cho đến việc tìm ra khung giờ đăng bài hiệu quả. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại, và họ sẽ liên tục cải thiện, tối ưu hóa mọi phương án mà bản thân đề ra trong một chiến lược marketing. 

Nhóm marketers có tư duy bằng não trái cũng có xu hướng đề cao sự chính xác – điều này giúp ích rất nhiều trong quá trình xác định nhóm khách hàng mục tiêu cho doanh nghiệp. Không thể phủ nhận rằng một marketer có tư duy bằng não phải có khả năng kết nối sâu sắc với khách hàng về mặt cảm xúc, tuy nhiên, những nỗ lực của họ sẽ trở nên vô vọng nếu ngay từ đầu họ không nhắm đến đúng nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng. Để xác định được nhóm khách hàng này, một marketer có tư duy bằng não trái sẽ phân tích dữ liệu khách hàng và xây dựng nên chân dung khách hàng mục tiêu một toàn diện dựa trên đặc điểm của những khách hàng tốt nhất của mình. Sau đó, dựa vào những con số chính xác, họ có thể đưa ra đảm bảo về những tuyên bố của mình: nhóm khách hàng mục tiêu là ai, đâu là nơi có thể tìm thấy các khách hàng này và cần phải làm gì để thu hút thêm khách hàng này.

Bên cạnh đó, các marketers có tư duy bằng não trái thường là những người có khả năng tạo ra các chiến dịch marketing mang tính siêu cá nhân hóa. Đây là một kỹ thuật marketing mang tính khoa học cao, bởi nó đòi hỏi marketer phải phân tích kỹ lượng dữ liệu khách hàng và nhiều dữ liệu khác, phân khúc đối tượng khách hàng dựa trên các điểm dữ liệu cụ thể như nhân khẩu học, hành vi trên các kênh online, lịch sử mua hàng, v.v… để đưa ra những chiến lược marketing phù hợp – hướng đến đúng đối tượng và diễn ra đúng thời điểm. Khi phương thức marketing “one-size-fit-all” giờ đây đã trở nên lỗi thời, xu hướng marketing hiện đại cần phải chú trọng đến yếu tố cá nhân hóa. Theo thống kê, hơn 78% khách hàng sẽ chỉ tương tác với gợi ý mua hàng nào được cá nhân hóa theo các tương tác trước đó của họ đối với một thương hiệu; 87% người tiêu dùng tham gia khảo sát nói rằng, những nội dung đã được cá nhân hóa của một thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến cách họ cảm nhận về thương hiệu đó; 77% người tiêu dùng lựa chọn, đề xuất hoặc trả nhiều tiền hơn cho một thương hiệu cung cấp dịch vụ hoặc trải nghiệm mang tính cá nhân. 

Đọc thêm: Làm Marketing mảng Client – sinh viên cần chuẩn bị những gì?

Làm sao để dung hòa hai yếu tố “art” và “science” trong Marketing?

Đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ vì sao “art” và “science” là hai yếu tố luôn song hành với nhau trong Marketing. Các marketers cần sở hữu năng lực sáng tạo để xây dựng nên một thương hiệu và đưa ra những chiến dịch marketing mới lạ, giúp thương hiệu đó nổi bật hơn so với các thương hiệu khác trên thị trường; ngoài ra cũng cần một khả năng tư duy phân tích để đo lường hiệu quả của mỗi chiến dịch marketing, từ đó điều chỉnh và tối ưu hóa các hoạt động trong chiến dịch nếu cần thiết. Để đạt được sự cân bằng về cả 2 yếu tố “art” và “science” – hay chính là sự cân bằng giữa hoạt động của não phải và não trái, bạn cần luyện tập và phối hợp làm việc cùng với tất cả các thành viên trong đội ngũ Marketing của mình. Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể áp dụng: 

1. Làm việc trong một đội ngũ marketing vừa có “artist”, vừa có “scientist”

Một đội ngũ marketing chỉ bao gồm các marketers có thiên hướng về nghệ thuật, hoặc chỉ bao gồm các marketers có thiên hướng về khoa học sẽ không thể giúp doanh nghiệp đưa ra những chiến lược marketing hiệu quả và tối ưu nhất. Nếu bạn là một marketer có tư duy bằng não phải, hãy cố gắng phát huy khả năng sáng tạo của mình để sản xuất ra những nội dung hấp dẫn dựa trên những ý tưởng đột phá, giúp kết nối với khách hàng một cách sâu sắc hơn. Nếu bạn là một marketer có tư duy bằng não trái, hãy phát huy năng lực tư duy logic, phân tích và đánh giá số liệu của bản thân để điều chỉnh và tối ưu hóa các chiến lược cho doanh nghiệp, giúp tăng lượng truy cập cho website. Ngoài ra, điều quan trọng không kém đó là hai nhóm marketers phải có tinh thần học hỏi lẫn nhau để hoàn thiện mình mỗi ngày.

2. Vẽ chân dung khách hàng mục tiêu một cách chân thực hơn

Nếu chỉ dựa vào những số liệu thô cứng để phác họa nên chân dung khách hàng mục tiêu (persona), bức chân dung đó sẽ chỉ giống như một nhân vật hoạt hình đen trắng nhạt nhòa, thiếu sức sống. Thay vào đó, bạn nên vận dụng những góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn để đưa thêm vào những yếu tố cảm xúc cho bức chân dung ấy. Một bản persona hoàn chỉnh sẽ giúp bạn định hướng toàn bộ chiến lược marketing từ điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc. Ví dụ, nếu bạn đang xây dựng một bản persona cho một nhãn hàng mỹ phẩm, hãy bắt đầu kết nối các điểm dữ liệu ban đầu mà bạn có về nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, sau đó đặt thêm các câu hỏi để biến phác họa về người này trở nên sinh động hơn: người đó trông như thế nào, có tính cách ra sao, có sở thích gì, có nỗi sợ gì, v.v…

3. Viết báo cáo dựa trên cả nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, làm báo cáo có vẻ như là một công việc mang tính khoa học, nhưng thực chất bạn vẫn có thể kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật vào việc này khi sử dụng cả số liệu cứng (hard metrics) và số liệu mềm (soft metrics). Nhóm marketers có tư duy bằng não trái thường sẽ thích sử dụng các số liệu cứng – những số liệu cụ thể mang tính định lượng như: số khách hàng tiềm năng (lead), chi phí bỏ ra để tìm được một khách hàng tiềm năng (cost per lead generated), tỉ lệ nhấp chuột (click-through rate), và doanh thu (revenue generated). Tuy nhiên, các số liệu mềm hay chính là các phân tích định tính cũng không kém phần quan trọng, bởi nó giúp diễn giải những vấn đề phức tạp mà những nghiên cứu định lượng chưa thể hiện rõ được, chẳng hạn như: tình cảm của độc giả, tư duy lãnh đạo, nhận thức về thương hiệu và sự tương tác của họ. Bạn có thể thu thập các số liệu mềm bằng cách thực hiện khảo sát, lắng nghe xã hội (social listening) và một số phương pháp đánh giá định tính khác.

4. Sử dụng các công cụ hoặc ứng dụng công nghệ phù hợp

Nếu biết cách tận dụng các công cụ đo lường một cách hiệu quả, bạn sẽ có thể lưu trữ và duy trì một lượng dữ liệu lớn, theo dõi hiệu suất công việc, tạo báo cáo và tự động hóa các công việc quản trị. Như vậy, bạn sẽ có thêm thời gian cho các hoạt động sáng tạo mà không phải tốn nhiều năng lượng vào việc nhập, xuất dữ liệu, bảo trì và viết báo cáo phân tích nữa. 

Tạm kết

Trong bối cảnh hiện nay, những chiến lược marketing cũ đã không còn hiệu quả bởi người tiêu dùng ngày càng thông minh và khắt khe hơn. Vì vậy, các marketers cần bắt kịp xu hướng marketing hiện đại để xây dựng nên những chiến lược hiệu quả hơn với sự kết hợp hài hòa của tư duy logic và khả năng sáng tạo. Hãy tham giá khoá học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để hoàn thiện bản thân và đạt được sự cân bằng này nhé! 

Khoá học Career Coaching – Thiết kế lộ trình sự nghiệp 3 năm cùng Manager: Bạn có thể tham gia khoá học Career Coaching để xây dựng kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình theo lộ trình bài bản.