Tomorrow Marketers – Theo CNBC, khoảng 60% các nhà hàng mới đã thất bại trong năm đầu tiên gây dựng. Và gần 80% không trụ nổi quá năm thứ 5.
Vận hành nhà hàng vốn là một mô hình đắt đỏ ngốn không ít tiền từ mặt bằng, điện nước, chi phí nhân công đến chi phí nguyên liệu. Vậy nên, nếu ngay từ đầu lựa chọn được một concept đúng, phù hợp và được đón nhận bởi thị trường mục tiêu, thì sẽ giúp các chủ nhà hàng tồn tại tốt trong những năm đầu, không ‘đốt’ tiền phí phạm. Không phải tự nhiên mà concept trà Đà Lạt của Phê La bỗng nổi lên sau 2 năm hay concept nướng Hàn trẻ trung của Gogi luôn được đón nhận. Nhắc đến trà sữa Đà Lạt là nhớ Phê La, nhắc đến nướng Hàn thì cái tên Gogi sẽ xuất hiện trong tâm trí.
Vậy một concept tốt bao gồm những khía cạnh nào? Làm thế nào để xây dựng được concept phù hợp? Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1/ Bắt đầu với đam mê của bản thân
“Đam mê là chìa khoá thành công cho bất kỳ dự án kinh doanh nào, bao gồm cả ý định mở nhà hàng. Bạn cần thực sự yêu nhà hàng của mình và muốn tới đó mỗi ngày.” – Chia sẻ từ Jay Silver, chủ nhà hàng Manhattan ở New York. Hầu như câu chuyện của những chủ nhà hàng thành công sẽ là về một nơi mà họ dành trọn đam mê cho nó. Đó có thể là một thứ gì đó còn thiếu trong thành phố, hoặc một thứ mà họ dường như đã trở thành chuyên gia và ấp ủ ý tưởng đó khá lâu rồi, giờ đây, họ mang những món ăn ấy mời mọi người thưởng thức, hồi hộp chờ đợi nhận xét từ số đông.
Nếu không yêu ẩm thực cho lắm, có lẽ bạn sẽ không hào hứng đi tìm nguyên liệu mới và không quá khắt khe trong việc cố gắng làm hài hoà từ chút gia vị nhỏ nhất. Chẳng hạn như một người yêu thích món thịt nướng, anh ấy hiểu thịt nên được cấp đông bao lâu để giữ sự tươi ngon, biết đặc điểm của từng phần thịt để tư vấn hợp khẩu vị cho khách,… Một người đủ đam mê sẽ đi sâu tìm hiểu cả những chi tiết nhỏ nhất và mong muốn mang một món ăn hoàn hảo tới khách hàng.
Bên cạnh đó, người quản lý nhiều khi sẽ không tránh khỏi việc phải có mặt ở nhà hàng tới 16 tiếng/ngày, phải xoay sở rất nhiều nhiệm vụ khác nhau như đàm phán với nhà cung cấp, tương tác với khách hàng, giải quyết khiếu nại, củng cố tinh thần nhân viên,… Và đương nhiên, việc có đam mê sẽ giúp một người bền bỉ vượt qua tất cả những vất vả đó một cách tốt hơn.
2/ Đánh giá tiềm năng thị trường
Tìm hiểu tổng quan khu vực muốn mở nhà hàng
Kết quả nghiên cứu của phần này sẽ cho bạn biết:
- Những điều luật kinh doanh hiện tại
- Những điều luật mới đang ảnh hưởng đến việc kinh doanh, cả trong nội địa và ngoài quốc tế
- Phân khúc/ Định vị của các nhà hàng hiện tại
- Đánh giá xu hướng, độ rộng của thị trường và những thách thức, nguy cơ tiềm tàng khi mở nhà hàng
Dưới đây là bộ câu hỏi gợi ý giúp bạn có hướng đi khi tìm hiểu tổng quan thị trường:
- Doanh thu của các nhà hàng thay đổi thế nào theo thời gian?
- Kiểu món ăn nào (truyền thống, đồ ăn nhanh, ăn chay,…) đang thành công nhất hoặc phát triển mạnh mẽ nhất?
- Lợi nhuận kinh doanh của các nhà hàng có đang ở mức phù hợp để đầu tư không?
- Số lượng nhà hàng phải đóng cửa so với số lượng nhà hàng mới?
- Các nhà hàng có đang cùng đối mặt thách thức nào trong thời điểm hiện tại không (chẳng hạn như khó khăn do điều luật mới/ khó tuyển đầu bếp có tay nghề,…)
- Mô hình nhượng quyền hay mô hình quán ăn độc lập thành công hơn?
- Khách hàng sẵn sàng trả trung bình bao nhiêu tiền cho mỗi bữa ăn? Số tiền này có dao động khác nhau giữa ăn trưa – ăn tối và giữa ngày trong tuần – ngày cuối tuần nhiều không?
- Các nhà hàng đang sử dụng kênh marketing nào là chủ yếu? Có xu hướng bán hàng nào mới mẻ gần đây không?
Phân tích nhu cầu khách hàng
Kết hợp cả macro-data (chẳng hạn như số lượng khách hàng mua sandwiches nướng cho bữa trưa) và micro-data (dữ liệu từ một vài khách hàng cụ thể) là điều vô cùng cần thiết.
- Macro-data: Đánh giá độ lớn thị trường bằng các con số về lượng người sống trong khu vực, profile khách hàng (tuổi, giới tính, thu nhập,…), và xem bao nhiêu trong số họ sẽ rơi vào nhóm đối tượng mục tiêu. Tiếp theo, bạn có thể tìm hiểu xem nhóm đối tượng tiềm năng này hay xuất hiện ở những địa điểm nào, hay họ có đặc biệt thích một loại hình phục vụ nào không.
- Micro-data: Bạn có thể trò chuyện với một vài người trong nhóm đối tượng mục tiêu, hoặc thậm chí là đi ăn cùng họ để tìm hiểu về khẩu vị và các sở thích cá nhân khác.
Phân tích đối thủ
Bạn có thể tìm hiểu một số thông tin sau từ đối thủ:
- Số lượng đối thủ trực tiếp cùng khu vực
- Concept, loại sản phẩm – dịch vụ, đối tượng khách hàng và mức giá
- Doanh thu của đối thủ (Nếu có thể)
- Số lượng nhân viên
- Sức chứa/ Sức phục vụ của nhà hàng
- Đối thủ có sở hữu danh tiếng tốt không? Nếu có, vì sao họ thành công như vậy? Nếu không, họ gặp vấn đề ở đâu (Do chất lượng đồ ăn, do cách phục vụ,…)?
- Kênh và các hoạt động marketing
3/ Đừng quên nghiên cứu tìm ra một vị trí tốt
Cùng theo dõi case study được kể lại từ Foody, câu chuyện về chuỗi bánh mì khá có tiếng ở Hà Nội. Chuỗi bánh mì này đã mở được 5 cửa hàng và số lượng khách rất nhộn nhịp. Trước khi tiếp xúc với chủ chuỗi, mọi người đều nghĩ chuỗi bánh mì thành công là vì tự thân nó ngon, và cũng vì khả năng marketing tốt. Nhưng nghe chủ chuỗi kể, hoá ra để được 5 cửa hàng khá khá khách như hiện tại, họ đã phải đóng cửa vài cửa hàng khác. Lý do là vì những vị trí đóng cửa đều là những vị trí không đẹp.
Vị trí đẹp có thể giúp các chủ cửa hàng tiết kiệm kha khá chi phí marketing. Một vị trí đẹp không chỉ giúp cửa hàng thu hút thêm nhiều khách hàng mới, những khách vãng lai qua đường và tiện ghé vào ăn, mà còn giúp việc giao hàng trở nên dễ dàng hơn.
Dưới đây là một số tips giúp bạn lựa chọn vị trí:
(1) Xem xét các quy tắc, luật lệ trong khu vực: Hãy chắc chắn rằng khu vực này phù hợp để mở quán ăn uống, đặc biệt với quán phục vụ đồ uống có cồn.
(2) Nghĩ về nhóm đối tượng mục tiêu: Cân nhắc xem đây có phải khu vực tập trung nhóm khách hàng của bạn hay không. Chẳng hạn, một cửa hàng fast food phục vụ nhiều món cho trẻ em sẽ phù hợp đặt vị trí gần khu chung cư, nơi sinh sống của các hộ gia đình. Một cửa hàng pizza cho những người trẻ cảm thấy đói và muốn đi ăn đêm, nên nằm ở gần các địa điểm giải trí về đêm.
(3) Cân nhắc về lượng người qua lại: Đúng là vị trí đẹp vẫn không thể ‘gánh’ được toàn bộ chất lượng đồ ăn và phục vụ tại cửa hàng, nhưng ít nhất nó vẫn giúp thu hút khách hàng mới. Càng nhiều người đi qua con đường nơi mà bạn đặt cửa hàng, bạn càng có cơ hội tiếp đón nhiều khách vãng lai.
Nhìn chung, có một vài địa điểm sau đây có thể coi là khá thuận lợi để đặt cửa hàng:
- Nằm trên các con phố sầm uất (Rất nhiều cửa hàng mở ở mặt phố nhưng những con phố đó vắng tanh nên cũng ít khách vãng lai)
- Nằm cùng khu mang thương hiệu ăn uống (Đôi khi người ta có nhu cầu đến khu và chọn lựa hơn là đến trực tiếp quán, các khu ăn uống có thể ví dụ như: Ô Chợ Dừa, Giảng Võ, phố cổ…)
- Vị trí gần các khu vui chơi, khu vực dân công sở, nhiều chung cư trung cấp trở lên, gần trường học, trường đại học,…
- Đặt cửa hàng tại các ngã tư, ngã ba đèn xanh đèn đỏ (Nên tránh ngã 5, ngã 6 vì những đoạn này thường tắc đường và người đi xe cũng không có tâm lý dừng lại ăn uống).
Vị trí các ngã được coi là đẹp bởi: Khi muốn rẽ, người ta sẽ phải nhìn sang 2 bên và lúc này, cửa hàng của bạn sẽ đập vào mắt, hoặc khi dừng đèn đỏ, người ta sẽ nhìn cửa hàng bạn một lúc. Đây chính là một cách làm thương hiệu cho bạn. Bởi dù lúc đó chưa có nhu cầu, nhưng nó dần in sâu vào tâm trí khách hàng. Và biết đâu khi phát sinh mong muốn, họ lại nhớ đến bạn. Nhưng vì ‘đắc địa’ nên những vị trí này luôn là sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu lớn.
(4) Đảm bảo rằng cửa hàng của bạn dễ nhìn thấy và dễ đi tới: Sẽ rất thuận tiện nếu khách có thể nhìn thấy cửa hàng của bạn khi đi trên đường phố và có trải nghiệm mượt ngay điểm chạm đầu.
Foody từng khảo sát trải nghiệm và nhận ra đa số những người được hỏi đều thích một quán tiện vị trí và có trải nghiệm tốt ngay từ ban đầu, chẳng hạn như có thể phi thẳng xe lên mà không mất nhiều thời gian, hay đủ rộng để không phải chen lấn và ngồi quá sát người khác. Chính vì thế, nên hạn chế tìm một mặt bằng khuất, lòng vòng, lắt léo. Và có chỗ để xe thoáng cũng là 1 điểm cộng tạo động lực cho khách ghé quán, đặc biệt là chỗ đậu ô tô với các nhà hàng hướng tới tệp khách thu nhập cao.
4/ Lựa chọn chủ đề xuyên suốt cho nhà hàng
Khi đã xác định được nhóm khách hàng mục tiêu, bước tiếp theo là lựa chọn chủ đề phù hợp với thị hiếu của nhóm đối tượng mục tiêu đó. Đây sẽ là chủ đề đi xuyên suốt từ thiết kế nhận diện thương hiệu, món ăn, cho đến trải nghiệm trong nhà hàng. Làm sao brand identity của nhà hàng luôn đồng nhất, để khi phát sinh nhu cầu thưởng thức món gì đó, hoặc nhắc đến 1 từ, nhìn thấy một điểm quen thuộc, là khách hàng có thể nhớ ra thương hiệu của bạn.
Đọc thêm: Brand association – Làm thế nào để khách hàng ghi nhớ thương hiệu?
Chọn món ăn sẽ phục vụ
Có một vài điểm đáng lưu tâm khi chọn món ăn sẽ phục vụ trong nhà hàng:
- Xác định thế mạnh của bạn: Khi lựa chọn món ăn, hãy liệt kê tất cả điểm mạnh mà bạn sở hữu, từ nguồn thực phẩm, khả năng đàm phán giá cả, cho đến những công thức đặc biệt mà bạn nằm lòng. Hãy đảm bảo rằng, bất kể món ăn nào được đưa vào thực đơn, bạn cũng đủ chuyên môn để hỗ trợ và đánh giá các đầu bếp của mình.
- Xem xét đặc điểm của vị trí đặt nhà hàng: Tìm hiểu xem những người ở khu vực đó có sẵn sàng thử một món ăn lạ không. Chẳng hạn, bạn quan sát thấy quanh khu vực này có nhiều nhà hàng phục vụ món nước ngoài, và lượng khách cũng tương đối ổn định, bạn có thể an tâm phục vụ ẩm thực đến từ một xứ sở khác. Còn trong trường hợp bạn nhận thấy một vài đặc điểm khá giống nhau giữa các nhà hàng trong khu vực, đó là họ phục vụ những món an toàn và quen thuộc, nếu không phải là người ưa mạo hiểm, có lẽ bạn nên theo số đông. Bên cạnh đó, bạn cũng cần tìm hiểu về mức độ sẵn sàng chi trả của người dân trong khu vực.
- Đánh giá đối thủ: Số lượng đối thủ cùng phục vụ một nhu cầu như bạn càng nhiều, khách hàng càng ít tần suất ghé qua nhà hàng của bạn. Trong trường hợp món ăn của bạn cũng không có gì quá khác biệt, nổi bật so với đối thủ, bạn có thể thêm một vài điểm đặc biệt trong cách bày trí và trải nghiệm nhà hàng để ghi dấu ấn riêng, tạo động lực cho khách hàng ghé qua.
- Tìm hiểu khẩu vị của nhóm đối tượng mục tiêu: Bạn có thể đi ăn cùng một vài người trong nhóm đối tượng mục tiêu và ghi chú lại khẩu vị của họ. Một cách khác là xem các nhận xét, đánh giá nhà hàng để tìm hiểu sở thích của khách hàng.
Một điểm đáng chú ý khi liệt kê danh sách món ăn đưa vào menu: Đừng làm ra một menu với cả trăm món khác nhau (Không tính trường hợp buffet).
Một là, bạn dễ làm loãng concept của chính mình. Chẳng hạn, nếu bán quá nhiều đồ từ Hàn, Nhật, Trung rồi lại vài món châu Âu, khách hàng khó nhớ nhà hàng đặc trưng về gì. Khi có nhu cầu muốn đi ăn pizza, họ sẽ nhớ tới những nhà hàng chuyên về pizza như 4Ps, Alfresco, Pizza Hut, thay vì nhà hàng quá nhiều concept món như thế kia.
Hai là, đưa quá nhiều món nguyên liệu khác nhau vào menu, bạn dễ lãng phí nguyên liệu nhập về, không tối ưu menu. Cửa hàng nào cũng sẽ có món bán chạy và có món không. Hãy luôn tính sao cho thức ăn chủ đạo của món này có thể làm phụ gia của món khác. Ví dụ như thịt bò trong món bò lúc lắc có thể là thành phần của món salad. Một menu thông minh luôn là menu tối ưu được tất cả các nguyên liệu nhập về mỗi ngày.
Lựa chọn concept triển khai
Theo anh Nguyễn Thái Bình, country manager tại Yomie’s Rice x Yogurt (Một nhà bán lẻ sữa chua toàn cầu có trụ sở tại Úc) và cũng từng là mentor chuyên ngành F&B tại VinUniversity, các nhà hàng hiện nay có thể được chia thành 2 khung concept chính:
(Và tuỳ theo câu chuyện của từng thương hiệu mà các concept sẽ được điều chỉnh sao cho có màu sắc riêng)
Concept 1: Concept vượt thời gian (Timeless concept)
Timeless concept thường mang màu sắc văn hoá, lịch sử và truyền tải đặc trưng ẩm thực của nước sở tại. Khách hàng đến với nhà hàng vì muốn trải nghiệm văn hoá, lịch sử, và những câu chuyện cổ kính mang đậm dấu ấn khu vực mà thương hiệu mang lại.
Lấy ví dụ về nhà hàng The Refinery ở con hẻm lịch sử Sài Gòn. Hẻm 74 Hai Bà Trưng từng là nhà máy sản xuất thuốc phiện thời Pháp thuộc và sau chiến tranh vẫn lưu giữ được nét kiến trúc ngày xưa từ mái vòm cổng vào hẻm đến dọc nhà cổ kính.
Và The Refinery bắt đầu câu chuyện của mình tại đây, mang Pháp cổ điển về địa điểm lịch sử. The Refinery cũng được thiết kế mang nét kiến trúc đương đại thời Pháp, mái vòm theo cảm hứng từ Metropolitan Café tại Paris và mang âm hưởng cổ điển ấy đi xuyên suốt từ không gian, bàn ghế cho đến những bản nhạc. Món ăn phục vụ cũng theo phong cách đương đại. Thực khách đến có thể trải nghiệm không khí của một thời lịch sử đã qua.
Concept 2: Concept thương mại (Commercial concept)
Concept thương mại cho phép việc đóng gói mở rộng thành chuỗi thương hiệu, không bị đóng dấu văn hoá khu vực, dễ dàng lan tỏa đi nhiều nơi khác.
Concept thương mại được chia thành 5 loại nhà hàng:
- Bistro: Không gian nhỏ gọn; Bố trí bàn ghế sát nhau, bàn thường có kích thước nhỏ hơn bàn ăn bình thường; Không khí ồn ào, náo nhiệt; Phong cách phục vụ nhanh gọn; Đồ ăn thường trình bày lượng nhỏ trên đĩa nên mọi người có thể gọi nhiều món khác nhau.
- Modern: Không gian hiện đại với diện tích rộng; Bố trí bàn ghế theo tiêu chuẩn; Phong các phục vụ tiêu chuẩn dining; Một món thường được trình bày với số lượng nhiều.
- Contemporary: Không gian đương đại, mang nét văn hoá lịch sử; Bàn ghế bố trí theo tiêu chuẩn; Phong các phục vụ tiêu chuẩn dining; Một món thường được trình bày với số lượng nhiều.
- Izakaya (Mô hình xuất phát từ Nhật, có nghĩa là ăn uống sau giờ làm): Bố trí bàn dài hoặc bàn đứng để ngồi tụ tập cùng nhau; Phong cách phục vụ nhanh gọn; Đồ ăn theo phong cách mồi nhậu.
- Traditional: Không gian theo truyền thống. Ví dụ món đồng quê thì sẽ có đồ dùng trang trí/ bàn ghế đồng quê; Bố trí bàn ghế theo tiêu chuẩn; Phong cách phục vụ theo truyền thống của món ăn; Đồ ăn mang nét văn hóa ẩm thực truyền thống.
Về phong cách truyền thống, lấy ví dụ nhà hàng Tầm Vị. Muốn kể lại câu chuyện về một mâm cơm Việt từ ngày xưa, Tầm vị mang đến một màu sắc đậm chất Hà Nội cũ, từ mâm cơm truyền thống đến không gian gợi nhắc một thời ký ức người Việt. Câu chuyện về mâm cơm của mẹ được truyền tải trọn vẹn từ món ăn đến màu sắc không gian, và chứa đựng cả ở những vật dụng trang trí nhỏ nhất. Bước vào Tầm Vị, là cả một ký ức Hà Nội hiện ra trước mắt.
Concept 3: Concept điểm đến (Destination concept)
Concept điểm đến có thể vừa là Timeless Concept, vừa là Commercial concept, nhưng có 2 điểm cần lưu ý:
- Nên mở 1 nhà hàng duy nhất ở một thành phố lớn, không nên mở 2 nhà hàng cùng một thành phố. Vì là ĐIỂM ĐẾN nên khách hàng sẽ trải nghiệm sản phẩm và dịch vụ tốt nhất ở đây.
- Giữ được cái gốc vốn có, giữ được chất lượng dịch vụ, chất lượng món ăn và trải nghiệm ở đây.
Ví dụ về concept này có thể kể đến Mót ở Hội An. Là một điểm đến thưởng thức nước uống thảo mộc độc nhất cùng các món ăn vặt đặc trưng Quảng Nam, chắc hẳn đã đến Hội An thì nên ghé qua Mót.
Đọc thêm: Brand Key – Chìa khoá làm thương hiệu thành công
5/ Xây dựng brand guideline
Logo
Có 2 loại logo, đó là logo giàu tính mô tả (descriptive logo) và logo thuần chữ (nondescriptive logo). Descriptive logo sẽ bao gồm một vài yếu tố minh hoạ, truyền tải rõ ràng về loại sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Chẳng hạn, logo của Burger King là hình 2 miếng bánh hamburger, đây là descriptive logo. Còn McDonald’s chỉ với một chữ M là nondescriptive logo.
Nghiên cứu từ HBR cho thấy brand performance của các nhà hàng sẽ được hưởng lợi hơn nếu sử dụng logo giàu tính minh hoạ, cụ thể:
- Thương hiệu sẽ trở nên chân thật và gần gũi hơn trong mắt đối tượng mục tiêu
- Loại logo này tác động tích cực hơn đến đánh giá của người tiêu dùng dành cho thương hiệu
- Người tiêu dùng dễ mở lòng để mua sản phẩm từ thương hiệu hơn
- Từ đó, doanh thu thuần cũng tăng cao hơn
Trong một nghiên cứu năm 2019, HBR chia ngẫu nhiên những người tham gia vào 2 nhóm. Nhóm 1 được xem bản logo giàu tính minh hoạ của một nhà hàng sushi, nhóm còn lại thì được xem bản logo thuần chữ của nhà hàng đó. Mỗi logo sẽ đi kèm một dòng mô tả ngắn về nhà hàng phía dưới. Sau khi người tham gia đọc dòng mô tả nhà hàng và nhìn bản logo mà mình được đưa cho, họ sẽ nói về suy nghĩ của họ, đánh giá mức độ yêu thích của họ dành cho nhà hàng. Và nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ý kiến đánh giá của nhóm 1 tích cực hơn của nhóm còn lại.
Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện phân tích 423 doanh nghiệp B2C và khảo sát logo của 174 doanh nghiệp startup với 2630 khách hàng, kết quả cũng cho thấy descriptive logo mang lại ảnh hưởng tích cực hơn.
Nếu bạn đang có ý định mở quán ăn uống, bạn có thể cân nhắc đưa thêm yếu tố minh hoạ loại hình dịch vụ hoặc sản phẩm mình cung cấp. Chẳng hạn, nếu mở coffee shop, bạn có thể cân nhắc đưa vào logo hình ảnh cốc cafe với khói toả xung quanh.
Đọc thêm: Brand guidelines và tất cả những điều bạn cần biết
Thiết kế menu
Menu cần tuân thủ theo brand story và concept mà bạn đã chọn. Brand identity ở menu sẽ bao gồm màu sắc, font chữ, các yếu tố hình khối từ logo và bố cục dàn trang. Hãy dùng đồng nhất các yếu tố này trên toàn bộ ấn phẩm, kể các tentcard để bàn hay design website, fanpage để ghi dấu ấn thương hiệu.
Bên cạnh yếu tố nhận diện, một vài tips thiết kế menu khác mà bạn có thể cân nhắc như:
- Cách viết giá từng món: Giá nên được viết chỉ thuần số mà không bao gồm biểu tượng đơn vị tính. Những biểu tượng ngay đằng sau con số sẽ khiến khách hàng nhớ ra là họ đang tiêu tiền. Bên cạnh đó, hãy đưa các món có giá cao lên trước. Theo tâm lý, sau khi nhìn hàng loạt món đắt tiền, khách hàng sẽ thấy những món còn lại có vẻ hời hơn và hợp lý để chi trả hơn.
- Mô tả món ăn: Hãy sử dụng ngôn ngữ dễ đọc và rõ ràng, không ai muốn mất công đi hỏi nghĩa những thứ mơ hồ, khó hiểu cả. Bạn có thể mô tả thêm về quá trình chọn lọc nguyên liệu và chế biến công phu của món ăn. Điều này có thể giúp khách thấy nhà hàng đã chu đáo đến thế nào, trải nghiệm của khách được nâng niu và trân trọng ra sao.
- Sử dụng hình ảnh chất lượng cao: Không nên sử dụng ảnh nhòe, ảnh vỡ, ảnh thiếu sáng, chụp vội… khiến cho món ăn trở nên kém ngon mắt. Bạn nên đảm bảo những hình ảnh được chụp làm nổi bật màu sắc và từng chi tiết nhỏ của món ăn. Một lời khuyên được giới F&B truyền tai nhau là ảnh được chụp từ góc 45 độ sẽ khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
- Thêm một số chú ý cho món ăn: Một số người bị dị ứng những thành phần nào đó, nhà hàng có thể quan tâm tinh tế bằng cách ghi ra ngắn gọn nguyên liệu của món, chẳng hạn: bơ lạc, sữa và các loại hải sản.
- Phân chia các phần rõ ràng: Đi ăn uống hưởng thụ ít ai muốn dành quá nhiều tâm trí để nghiên cứu menu. Vậy nên, đưa thông tin quan trọng và sắp xếp chúng một cách rõ ràng và có hệ thống là ưu tiên hàng đầu. Bạn có thể sử dụng yếu tố khung và đường nối để phân tách hoặc nhóm các thông tin chung trong thiết kế menu. Ví dụ như giới thiệu các set ăn, phân nhóm món khai vị, món chính, món tráng miệng và đồ uống,…
Tạm kết
Xuất phát điểm của một thương hiệu đi đường dài là một concept tốt, một concept tổng hoà cả thế mạnh thương hiệu và những gì mà đối tượng mục tiêu mong muốn.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách đánh giá product concept, cũng như cách đưa định vị thương hiệu ra thị trường, hãy tham khảo khóa học Brand Development của Tomorrow Marketers! Khóa học Brand Development đúc kết kinh nghiệm từ chính việc xây dựng thương hiệu Tomorrow Marketers từ con số 0, kết hợp với kinh nghiệm xây dựng thương hiệu tại các tập đoàn đa quốc gia sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức thực tế & hữu ích nhất trong hành trình xây dựng thương hiệu.
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!