5 khuyết điểm thường gặp khi Marketers trẻ giải Case Marketing

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Sự dễ dàng tiếp cận thông tin ngày nay giúp các bạn sinh viên sớm tiếp xúc với những quy trình Marketing của các thương hiệu. Một bản đề xuất Marketing giải quyết thách thức thương hiệu luôn đủ các bước: Tình hình thị trường – Đối tượng mục tiêu – Insight – Big Idea – Deployment Plan. Tuy nhiên, sự áp dụng quy trình mà không thực sự hiểu bản chất của các bước này khiến đề xuất của các Marketers trẻ thiếu sự chặt chẽ. Trong bài viết dưới đây, TM sẽ giúp bạn hiểu được những sai sót thường gặp trong việc giải case Marketing, giúp các bạn đưa ra những kết luận có ý nghĩa thực tế hơn.

Khuyết điểm 1: Không xác định được thách thức thật sự của đề bài

Khi nhận được đề bài, rất nhiều bạn bắt đầu luôn vào phần tìm kiếm insight mà quên mất việc xác định thách thức thực sự của thương hiệu. Điều đó cũng giống như nỗ lực tìm kiếm câu trả lời mà chưa hiểu rõ câu hỏi. Trước khi bắt tay vào giải đề, bạn hãy suy nghĩ kĩ xem thách thức của thương hiệu cần giải quyết ngay trước mắt là gì (thâm nhập thị trường, tăng nhận thức về thương hiệu, hay thay đổi hành vi…) Sau đó, khi xác định được mục tiêu cụ thể, bạn mới có thể bắt tay vào giải quyết thử thách theo đúng hướng.

Khuyết điểm 2: Chiến lược không xuất phát từ nghiên cứu thị trường

Đây là điểm yếu rất dễ nhận ra ở đề xuất Marketing của các bạn sinh viên: Thiếu nghiên cứu thị trường và cái nhìn tổng quan về ngành hàng, đối thủ, người tiêu dùng, dẫn đến các kết luận thiếu chứng cứ. Hãy nhớ rằng, khi đưa ra bất cứ một lựa chọn nào trong Marketing, bạn cần phải có fact-base để giải thích được những lựa chọn của mình.

Ví dụ khi chọn một phân khúc thị trường cụ thể, bạn phải giải thích được lựa chọn của mình dựa vào insight nào của nhóm đối tượng, phân khúc thị trường đó có độ lớn ra sao, so sánh phân khúc đó với các phân khúc khác, phân khúc nào là phân khúc đối thủ đã đánh vào,…

Trong bước nghiên cứu này, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ càng về người tiêu dùng (hành vi, thái độ, sở thích, quan tâm…) để giải thích tại sao sản phẩm của bạn phù hợp hay chưa phù hợp với họ. Đối với ngành hàng, bạn cần tìm ra những động lực/ rào cản sử dụng sản phẩm là gì, đối thủ của bạn đang đánh vào động lực/ rào cản nào, và đâu là điểm mà thương hiệu có thể sử dụng…

Có được những kết luận suy ra từ những nghiên cứu cơ bản trên thì insight và big idea của bạn mới thực sự có ý nghĩa và thuyết phục được Client.

Đọc thêm: 5 Sai Lầm Khi Nghiên Cứu Thị Trường Của Marketers

Khuyết điểm 3: Big Idea không xuất phát từ insight

Có nhiều bạn tìm ra được insight hay – một nỗi trăn trở hay động lực mạnh mẽ của người tiêu dùng, nhưng đáng tiếc rằng ý tưởng lớn (Big Idea) đưa ra không xuất phát từ insight đó, hoặc vai trò thương hiệu trong Big Idea vô cùng mờ nhạt.

Để tránh sai lầm này, bạn cần xem lại insight của mình – rằng liệu vấn đề này của người tiêu dùng thương hiệu của bạn có khả năng giải quyết không? Hãy xem lại định vị của thương hiệu: Cung cấp nhu cầu gì, cho Ai, bằng Sự khác biệt nào và Lý do tin tưởng là gì?

Bạn hãy chọn 1 Big Idea mà thấy được Brand Role trong đó, để người tiêu dùng phải biết/thích/nhớ về thương hiệu. Big Idea sẽ định hướng cho toàn bộ hoạt động triển khai, nhất quán theo cùng một chủ đề. Kèm theo Big Idea, một thông điệp chính (Key Message) sẽ xuyên suốt chiến dịch để đối tượng hiểu được điều mà bạn muốn nói.

Đọc thêm: 6 Bước Lên Một Kế Hoạch Truyền Thông Tích Hợp (IMC Plan)

Khuyết điểm 4: Thiếu liên kết trong thông điệp của các giai đoạn trong chiến dịch

Nếu không thể đảm bảo sự nhất quán trong thông điệp được truyền tải ở mỗi giai đoạn, thì người tiêu dùng sẽ chẳng thể nhớ nổi thương hiệu đã “nói” những gì với họ. Một kế hoạch truyền thông sẽ hiệu quả nhất khi bạn có thể truyền một thông điệp thống nhất với định vị của thương hiệu tới người tiêu dùng. Hãy nhớ rằng, mỗi chiến dịch luôn cần có một thông điệp chính cùng hình thức thể hiện (hay concept) thống nhất trong các giai đoạn. Chỉ có như thế, chiến dịch mới thực sự hiệu quả.

Khuyết điểm 5: Lựa chọn các kênh truyền thông (channel) chưa hợp lý

Khi đã có một thông điệp hay, hãy chọn những kênh phù hợp với mục tiêu thương hiệu để truyền tải thông điệp của mình. Đừng quên insight và hành vi của người tiêu dùng cũng là những yếu tố quan trọng trong việc chọn kênh. Trong chiến dịch “Đi để trở về”, Biti’s Hunter đã mạnh tay “chi tiền” cho các kênh Digital với sự góp mặt của những ngôi sao đình đám như Soobin Hoàng Sơn. Mặc dù không tốn bất kỳ một đồng quảng cáo nào trên TV, nhưng chiến dịch của Biti’s vẫn thu hút sự quan tâm của hàng triệu bạn trẻ khi sử dụng đúng KOLs và tận dụng kênh mạng xã hội triệt để. Thành công trong chiến dịch của Biti’s Hunter đã ngầm khẳng định rằng việc “rải tiền” ở thật nhiều channel không quan trọng bằng việc tìm được những channel phù hợp với đặc điểm thương hiệu và khách hàng.

Hy vọng rằng những kiến thức trên đã cung cấp cho bạn những gợi ý hữu ích trong quá trình lên chiến lược Marketing của mình. Nếu bạn mong muốn được tìm hiểu chiến lược Marketing một cách bài bản, hãy nhanh tay đăng kí khóa học TM Foundation sắp tới nhé.

Tagged: