Tomorrow Marketers – Nhiều người trong số chúng ta vẫn nhận được vô số email mỗi ngày và rồi chẳng mở ra hay đọc mà thẳng tay bấm nút “delete”, dẫn đến những lo ngại về mức độ hiệu quả của Email Marketing trong thời đại ngày nay dưới góc độ của người làm Marketing. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của CDN, cứ 1 USD đầu tư cho một chiến dịch Email Marketing, các công ty vẫn thu về được 38 USD lợi nhuận. Một loạt các số liệu thống kê khác của Hubspot cũng cho thấy có đến 73% người dùng thuộc thế hệ Millennial ưa chuộng email hơn so với bất kỳ hình thức giao tiếp kinh doanh nào khác. Như vậy, rõ ràng Email Marketing vẫn có sức mạnh riêng của nó nếu như bạn thực hiện đúng cách. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu 7 lưu ý giúp tăng hiệu quả gửi email cho Cold Data nhé!
1. Giữ nội dung ngắn gọn, súc tích
Trong một xã hội nơi nhịp sống hối hả, con người càng ngày càng bận rộn như bây giờ, không ai muốn đọc một chiếc email dài ngoằng cả. Nội dung càng dài, người đọc càng ít kiên nhẫn và mất nhiều thời gian để nhận được đúng thông điệp chính của email hơn. Vì vậy, bạn nên viết email thật ngắn gọn để người đọc dễ dàng lướt qua toàn bộ phần nội dung, sau đó chèn thêm một đường link khác để thu hút mọi người tương tác. Một email lý tưởng sẽ gồm những phần như sau:
- Dòng 1: Giới thiệu ngắn về thương hiệu của bạn
- Dòng 2: Đưa ra một offer bán hàng, coupon giảm giá hoặc một yêu cầu cụ thể nào đó như click vào website, v.v…
- Dòng 3: Câu kết và các nút link tới trang social media của thương hiệu.
Bạn cũng có thể thêm phần khung cho email hoặc banner, nhưng đừng quá lạm dụng nó. Một số công cụ email sẽ không cho hiển thị hình ảnh, trừ khi người đọc gửi yêu cầu hiển thị hình ảnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không thể thử áp dụng chúng cho template email của riêng thương hiệu mình.
2. Chớ coi nhẹ phần branding
Theo báo cáo của Lifewire, tổng số email được gửi và nhận mỗi ngày đã vượt quá con số 293 tỷ vào năm 2019. Đây là một con số siêu khủng! Một trong những cách hiệu quả nhất để người đọc của bạn mở email, đọc và tương tác với email nhiều hơn là tạo ra một trải nghiệm thương hiệu đáng nhớ cho họ.
Cụ thể, email phải nói lên được tinh thần của thương hiệu, từ màu sắc cho đến các yếu tố hình ảnh. Một trong những cách hữu hiệu nhất để làm được điều này đó là tạo một template email riêng cho thương hiệu của bạn và sử dụng chúng trong tất cả các email gửi cho mọi người nhằm tạo dấu ấn riêng. Hãy đảm bảo rằng template hiển thị tốt trên cả desktop và các thiết bị di động. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo một chữ ký thống nhất giữa các email để tạo ấn tượng với người đọc. Bạn sẽ không phải lo về branded-content trong email nữa, vì chữ ký sẽ thay bạn làm việc đó.
3. Sử dụng Emoji trong phần tiêu đề
Có một bài viết rất dễ thương từng được Campaign Monitor thực hiện vào năm 2017. Theo Campaign Monitor, 55% doanh nghiệp sử dụng emoji trong tiêu đề email chia sẻ rằng tỷ lệ mở email (open rate) đã tăng lên khi gửi cho cả Cold Data và Subscriber.
Đối với một số ngành hàng, đặc biệt là ở mảng B2B, sử dụng Emoji có thể không mang lại kết quả tương tự, nhưng đôi khi điều quan trọng là giọng văn đại diện cho thương hiệu. Emoji hình trái tim thường là sự lựa chọn an toàn nhất khi gửi tester email, vì vậy bạn có thể thử sử dụng emoji này trong email gửi cho một nhóm data, đồng thời gửi một email khác không có emoji cho một nhóm data khác và xem email nào có tỷ lệ tương tác tốt hơn
4. Đính kèm video
Có một mẹo phổ biến từng xuất hiện từ cách đây rất lâu: Chỉ cần trong tiêu đề email có từ “video”, open rate sẽ cao hơn. Trên thực tế, theo các nghiên cứu khác nhau, từ khóa này giúp tăng open rate lên tới 20% (đôi khi là 65%). Vì vậy, video cũng là một dạng nội dung email hay mà bạn nên thử, nhất là khi ngày nay có rất nhiều công cụ hỗ trợ việc sản xuất video.
5. Phân nhóm khách hàng rất quan trọng
Bạn nên chia phân nhóm khách hàng trong các email campaign của mình, tìm hiểu đúng insight của họ để tạo luồng email phù hợp. Campaign Monitor đã phát hiện ra rằng, những thương hiệu sử dụng các kỹ thuật phân nhóm hàng thích hợp khi gửi email đã nâng được mức lợi nhuận lên tới 760% so với những thương hiệu chỉ gửi email cho 1 danh sách duy nhất (gửi cho mass audience).
Vậy nên phân chia danh sách email của khách hàng như thế nào? Bạn có thể chia theo nhân khẩu học, vị trí địa lý, lịch sử mua hàng hay bất cứ yếu tố nào bạn thấy có giá trị trong việc phân phối các nội dung của mình. Nếu mỗi tuần bạn gửi khoảng 3 email, bạn có thể chia danh sách khách hàng thành 3 nhóm khác nhau, để mỗi lần họ đều có thể nhận được những nội dung phù hợp với mình. Các công cụ email marketing ngày nay đều hỗ trợ việc phân chia danh sách khách hàng, nên bạn có thể lựa chọn một công cụ phù hợp với ngân sách của doanh nghiệp để làm việc này.
6. Tối ưu hóa hiển thị trên thiết bị di động
Theo ước tính của Litmus vào năm 2018, có khoảng 46% email đã được mở trên thiết bị di động, chủ yếu là smartphone, nhưng đôi khi là máy tính bảng. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi con người càng ngày càng phụ thuộc vào điện thoại di động nhiều hơn và ít phụ thuộc vào máy tính. Tuy nhiên, thực tế là không phải công ty nào cũng dành thời gian cho việc tối ưu hóa chức năng hiển thị của email trên các thiết bị di động. Nếu làm được việc này, bạn sẽ có thể nâng cao trải nghiệm của người dùng và đưa thương hiệu của mình đến gần hơn với họ.
7. Biết rõ mục đích của mình
Khác với khi gửi email cho subscriber, bạn có thể bị lạc hướng khi gửi email cho cold data nếu không xác định rõ mục đích của mình. Lý do là bởi đối với subscriber, bạn được mọi người cung cấp địa chỉ email với một mục đích/ nhu cầu nhất định và bạn giúp họ hoàn thành nó, còn đối với cold data, bạn không có định hướng nào cả.
Vì vậy, hãy nhớ rằng mỗi email chỉ nên hướng đến một mục đích duy nhất, chẳng hạn như kêu gọi mua hàng bằng cách gửi phiếu giảm giá, hoặc kêu gọi tương tác với thương hiệu của bạn trên social media. Bạn cũng có thể gửi một email với mục đích kêu gọi truy cập vào website hoặc kết nối với một influencer nào đó. Hãy xác định một mục tiêu cụ thể, sau đó xây dựng nội dung hướng đến mục tiêu đó và loại bỏ mục tiêu thứ yếu nào khác. Nếu không, mọi thứ sẽ rối tung và khiến người đọc không còn muốn đọc/ tương tác với email của bạn trong tương lai nữa.
Tạm kết
Như vậy, để xây dựng những nội dung email hữu ích, đặc biệt là khi gửi cho Cold Data, bạn cần tìm cách thu hút sự chú ý của họ ngay lập tức. Hãy thử áp dụng 7 lưu ý ở trên để nâng cao hiệu quả của hoạt động Email Marketing, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển hơn. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị các kiến thức tổng quan về Email Marketing nói riêng và Digital Marketing nói chung, cách tối ưu hóa website, cách thiết lập các chiến dịch Digital Marketing toàn diện và hiệu quả. Khóa học được thiết kế theo “T-shaped model” sẽ giúp bạn trau dồi thêm các kiến thức nền tảng về Digital Platforms và rèn luyện tư duy lập kế hoạch chiến lược sắc bén với sự đồng hành của các Director, Digital Head tại các tập đoàn Media, Client và Startup danh tiếng.