Hướng dẫn chi tiết cách chạy quảng cáo Google Search cho người mới bắt đầu

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Google là trang web được truy cập nhiều nhất trên thế giới, nắm giữ đến 91,9% thị phần trong thị trường công cụ tìm kiếm. Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi quảng cáo Google hiện đang là một trong những kênh hiệu quả được nhiều digital marketers lựa chọn. Nếu bạn chỉ vừa mới bắt đầu làm quen với công cụ quảng cáo này và mong muốn tìm kiếm một bản hướng dẫn cách chạy quảng cáo Google Search chi tiết, thì đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Đọc thêm: Hướng dẫn cách chạy quảng cáo Facebook chi tiết cho người mới bắt đầu

1. Quảng cáo Google Search là gì

Quảng cáo Google Search là một dạng quảng cáo được Google phát triển nhằm giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua trang kết quả tìm kiếm (SERP).

Khi bạn gõ một từ khóa bất kỳ trên thanh tìm kiếm, Google sẽ trả về các kết quả có liên quan đến những gì bạn đang tìm kiếm. Bạn có thể nhận biết các vị trí hiển thị quảng cáo so với vị trí hiển thị tự nhiên thông qua ký hiệu “Ad” hoặc “Quảng cáo” ở ngay đầu.

Đọc thêm: Google Ads hoạt động thế nào? Tìm hiểu về quy trình đấu thầu quảng cáo Google Search

2. Tại sao nên chạy quảng cáo Google Search

Khả năng tiếp cận đối tượng mục tiêu ấn tượng

Google là “ông vua” trong thị trường công cụ tìm kiếm, nắm giữ đến 91,9% thị phần. Mỗi giây nền tảng này tiếp nhận gần 40,000 truy vấn tìm kiếm, tương đương với khoảng 3.5 tỷ lượt tìm kiếm mỗi ngày.

Ngoài ra, các vị trí quảng cáo thường sẽ được đặt tại vị trí trên cùng, hoặc dưới cùng trên mỗi trang kết quả tìm kiếm, điều này đồng nghĩa với việc nếu quảng cáo của bạn thật sự chất lượng, bạn sẽ có cơ hội được hiển thị đến khách hàng đầu tiên ngay khi họ đang tìm kiếm, trước cả những kết quả tìm kiếm tự nhiên thuộc top đầu. 

Tiếp cận người dùng theo “ý định” của họ

Không giống trên social media, quảng cáo xuất hiện bất cứ lúc nào người dùng lướt trang, kể cả khi họ không hề có nhu cầu tìm kiếm những giải pháp được đề cập trong những mẩu quảng cáo đó, quảng cáo Google Search sẽ chỉ xuất hiện khi người dùng chủ động tìm kiếm một thông tin, hay giải pháp cụ thể.

Lúc này quảng cáo xuất hiện sẽ không tạo cảm giác “phiền toái”, mà sẽ đóng vai trò cung cấp “câu trả lời” cho những gì khách hàng đang tìm kiếm, nhờ vậy tăng khả năng quảng cáo được người dùng nhấp vào xem hơn.

3. Chuẩn bị trước khi chạy quảng cáo

Đăng ký tài khoản Google

Để đăng ký tài khoản Google Ads, trước tiên bạn cần có một tài khoản Gmail. Bạn có thể sử dụng Gmail sẵn có của mình. Hoặc tạo một địa chỉ gmail hoàn toàn mới theo hướng dẫn tạo tài khoản của Google.

Đăng ký tài khoản Google Ads

Sau khi đã có tài khoản Gmail bạn truy cập vào https://ads.google.com/home/, sau đó nhấn vào nút “Bắt đầu ngay” hoặc “Đăng ký” để tạo tài khoản Google Ads.

Google sẽ hướng dẫn bạn từng bước thiết lập chiến dịch Smart Campaign, chúng ta sẽ tạm thời bỏ qua bước này để hoàn thành các bước cài đặt tài khoản trước.

Nhấn vào “Switch to Expert Mode”.

Sau đó chọn “Create an account without a campaign”.

Sau đó xác nhận các thông tin về doanh nghiệp của bạn bao gồm: vị trí, múi giờ, đơn vị tiền tệ, những thông tin này sẽ không thể thay đổi sau này, vì vậy bạn nên kiểm tra cẩn thận trước khi submit cho Google.

Vậy là bạn đã vừa hoàn thành việc đăng ký tài khoản Google Ads rồi.

Thêm phương thức thanh toán

Tuy nhiên, để có thể chạy được quảng cáo bạn, ngoài việc đăng ký tài khoản, bạn sẽ cần phải thêm phương thức thanh toán cho tài khoản.

Bạn sẽ cần chuẩn bị thẻ ngân hàng có chức năng thanh toán quốc tế (Visa/Mastercard). Có 2 loại thẻ mà bạn có thể lựa chọn:

  • Thẻ ghi nợ (debit card): Thanh toán dựa theo hình thức trả trước, chỉ được chi tiêu đúng số tiền có trong tài khoản.
  • Thẻ tín dụng (credit card): Cho phép thanh toán trước mà không cần có tiền trong thẻ, sau đó đến kỳ hạn thanh toán sẽ hoàn trả lại tiền cho ngân hàng.

Bạn có thể dễ dàng làm thẻ tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, ACB, BIDV, VIB,… Tối đa khoảng 1 tuần bạn sẽ nhận được thẻ.

Sau khi đã có thẻ bạn có thẻ, bạn truy cập vào “Tools and setting” > “Settings”.

Sau đó thêm thông tin thẻ thanh toán, submit thông tin cho Google là bạn đã hoàn tất việc setup và có thể bắt đầu chạy quảng cáo được rồi.

4. Hướng dẫn cách chạy quảng cáo Google Search chi tiết cho người mới bắt đầu

Ở phần này, Tomorrow Marketers sẽ hướng dẫn bạn cách set up và chạy quảng cáo Google Tìm kiếm (Google Search Ads). Khi hiểu được cách thiết lập cơ bản với thể loại quảng cáo này, với những quảng cáo khác, bạn hoàn toàn có thể tự khám phá.

Hiểu cấu trúc của Google Search Ads Campaign

Trước khi đi sâu vào các bước thiết lập quảng cáo Google, hãy cùng đi tìm hiểu về cấu trúc cơ bản của một Google Search Campaign. Việc hiểu được cấu trúc của một chiến dịch sẽ giúp bạn thiết lập nhóm quảng cáo, quảng cáo, từ khóa,… cho các chiến dịch một cách chính xác.

Một chiến dịch quảng cáo của Google được chia làm 3 tầng:

  • Tài khoản (Account): Tài khoản của bạn sẽ được liên kết với một địa chỉ email, mật khẩu và thông tin thanh toán duy nhất.
  • Các chiến dịch (Campaigns): Một tài khoản Google Ads có thể bao gồm nhiều chiến dịch. Quyết định quảng cáo sẽ hiển thị đến ai và ở vị trí nào nhờ thiết lập các yếu tố như mục tiêu chiến dịch, loại chiến dịch, đối tượng mục tiêu, mạng lưới hiển thị, ngân sách, giá thầu,…
  • Các nhóm quảng cáo (Ad Groups): Bao gồm các quảng cáo và từ khóa. Tại đây bạn sẽ thiết lập chi tiết các từ khóa và mẫu quảng cáo cho các từ khóa đó.

Ở phần tiếp theo, Tomorrow Marketers sẽ cùng bạn đi sâu hơn từng bước trong quy trình thiết lập một chiến dịch quảng cáo Google Search cơ bản. 

Các bước setup Google Search Campaign

Bước 1: Tạo & thiết lập chiến dịch:

Để tạo chiến dịch mới bạn chọn tab “Campaigns”, sau đó nhấn vào icon dấu cộng màu xanh, chọn “New Campaign”

Bước 2: Chọn mục tiêu (Objective):

Với mỗi mục đích khác nhau, Google cung cấp những mục tiêu chiến dịch tương ứng để bạn có thể sử dụng, bao gồm:

  • Sales: Sử dụng khi muốn tương tác với khách hàng đang ở cuối phễu (ví dụ những người thường xem, tìm kiếm, so sánh các sản phẩm dịch vụ của bạn) để thúc đẩy họ thực hiện hành động mua hàng, nhằm tăng doanh số.
  • Leads: Sử dụng khi muốn khuyến khích khách hàng tiềm năng đăng ký nhận email hoặc để lại thông tin liên hệ để nhận thông tin về sản phẩm, dịch vụ. 
  • Website traffic: Sử dụng khi muốn thu hút khách hàng tiềm năng truy cập vào website.
  • Product and brand consideration: Sử dụng khi muốn tương tác với những người quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu (ví dụ: những người đã từng truy cập website) nhằm khuyến khích họ cân nhắc khi có nhu cầu.
  • Brand awareness and reach: Sử dụng khi muốn tiếp cận nhiều khách hàng và tăng nhận biết của họ về sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu.
  • App promotion: Sử dụng khi muốn thu hút lượt tải, tương tác hay đăng ký ứng dụng. 
  • Local store visits and promotions: Sử dụng khi muốn thúc đẩy lượt ghé thăm cửa hàng, nhà hàng, đại lý,…

Việc lựa chọn mục tiêu cụ thể sẽ giúp hệ thống của Google biết được nên tập trung learning và tối ưu campain thế nào để giúp bạn đạt mục tiêu. Ví dụ nếu chọn “Website traffic”, Google sẽ tối ưu quảng cáo sao cho có càng nhiều người truy cập vào website của bạn nhất.

Bước 3: Chọn loại chiến dịch (Campaign Type):

Sau khi đã chọn mục tiêu, Google sẽ yêu cầu bạn chọn loại chiến dịch (Campaign Type). Không giống như Facebook hay Tiktok chỉ có một vài dạng quảng cáo như hiển thị, video, Google cung cấp cho người dùng nhiều loại chiến dịch với các định dạng quảng cáo khác nhau. Tùy vào mục tiêu chiến dịch, loại hình sản phẩm, cũng như đối tượng muốn hướng đến mà bạn có thể chọn loại hình quảng cáo phù hợp.

Do đang setup quảng cáo tìm kiếm, vì vậy ở mục này chúng ta sẽ chọn Search

Sau khi đã lựa chọn mục tiêu, và loại chiến dịch, bạn sẽ tiếp tục thêm đường link của trang đích mà mình muốn dẫn user tới ở ngay bên dưới.

Bước 4: Đặt tên chiến dịch (Campaign name):

Khi đặt tên cho chiến dịch, thay vì sử dụng Tên chiến dịch mặc định, bạn nên đặt tên theo một cấu trúc nhất định (Ví dụ: Mục tiêu – Loại chiến dịch – Tên sản phẩm – Ngày tạo). Việc đặt tên theo cấu trúc sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý quảng cáo sau này.

Bước 5: Thiết lập giá thầu (Bidding):

Tương tự như Facebook Ads, Google Ads hoạt động theo hình thức đặt giá thầu.

Google cho phép người dùng đặt giá thầu theo cả phương thức thủ công và tự động. Trong đó, có hai phương thức đặt giá thầu phổ biến nhất mà bạn cần biết:

  • Tối đa hóa lượt nhấp chuột (Clicks): Khi lựa chọn chiến lược giá thầu tự động này, bạn chỉ cần đặt ngân sách trung bình mỗi ngày, còn hệ thống của Google sẽ tự động tối ưu giá thầu để mang lại cho quảng cáo của bạn nhiều lượt click chuột nhất với ngân sách bỏ ra.
  • Đặt giá thầu CPC thủ công: Cho phép bạn chủ động quản lý giá thầu CPC tối đa của quảng cáo. Bạn có thể đặt các giá thầu khác nhau cho mỗi nhóm quảng cáo trong chiến dịch của mình hay cho các từ khóa hoặc vị trí riêng lẻ. Nếu thấy rằng một số từ khóa hoặc vị trí nhất định mang lại cho bạn nhiều lợi nhuận hơn, bạn có thể sử dụng tùy chọn đặt giá thầu thủ công để phân bổ nhiều ngân sách quảng cáo hơn cho các từ khóa hoặc vị trí đó.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về các chiến lược giá thầu khác trong bài giới thiệu về chiến lược đặt giá thầu tự động của Google.

Ngoài ra, Google cũng cung cấp cho bạn một tùy chọn cho phép đặt mức thầu tối đa (maximum cost per click). Tại đây bạn có thể nhập mức giá CPC tối đa mà mình có thể trả để thu về một lần click. Khi giá thầu vượt quá mức tối đa, quảng cáo sẽ tự động dừng phân phối để ngăn bạn phải trả quá những gì bạn mong muốn.

Bước 6: Thiết lập chiến dịch (Campaign settings):

Chọn mạng lưới (Networks):

Google có hai mạng lưới:

  • Search Network: Quảng cáo hiển thị lên trang kết quả của Google hoặc của các trang đối tác khi khách hàng tìm kiếm từ khóa mà bạn đã chọn khi thiết lập quảng cáo.
  • Display Network: Quảng cáo hiển thị trên những website thuộc Google hoặc đối tác của Google mà khách hàng tiềm năng có thể truy cập vào.

Tùy vào mục tiêu, loại chiến dịch, mà bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên thông thường đối với các chiến dịch tìm kiếm, performance trên các trang đối tác của Google thường sẽ không tốt bằng việc hiển thị trực tiếp trên kênh Google, vì vậy để tối ưu nguồn lực bạn chỉ nên tập trung vào hiển thị quảng cáo trên Google. Trong trường hợp search volume của chiến dịch thấp thì bạn có thể cân nhắc lựa chọn thêm 2 option này để mở rộng chiến dịch. 

Chọn vị trí và ngôn ngữ (Locations & Languages):

Google cho phép bạn target vị trí theo các cấp độ từ cao xuống thấp, bao gồm:

  • Tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ (All countries and territories)
  • Đất nước (Vietnam)
  • Tỉnh, thành phố (Enter another location)

Sau khi chọn vị trí, bạn tiến hành nhập ngôn ngữ. Lưu ý rằng kể cả khi phạm vi quảng cáo bạn chọn chỉ ở Việt Nam, bạn vẫn nên chọn thêm ngôn ngữ tiếng Anh, để quảng cáo vẫn có thể hiển thị đến những người dùng ở Việt Nam nhưng cài ngôn ngữ trình duyệt bằng tiếng Anh.

Bước 7: Thêm keyword và tạo mẫu quảng cáo (Keywords and ads)

Thêm từ khóa (Keywords):

Để thiết lập nhóm quảng cáo, trước hết bạn sẽ cần thêm các từ khóa mà bạn sẽ muốn chiến dịch của mình target vào.

Nếu đã có sẵn danh sách từ khóa, bạn có thể nhập thẳng vào mục Enter keywords. Trong trường hợp bạn vẫn chưa có một danh sách từ khóa cụ thể nào. Bạn có thể nhập URL website, hoặc keyword về sản phẩm, dịch vụ mà bạn muốn quảng cáo, sau đó nhấn “Get keyword suggestions”, Google sẽ tự động trả về cho bạn một danh sách từ khóa tương ứng với những gì bạn nhập. Từ đây bạn có thể lọc lại và chọn ra những từ khóa muốn target khi chạy quảng cáo.

Tạo mẫu quảng cáo (Ads):

  • Thêm tiêu đề (Headline): Google cho phép tạo tối đa 15 headline (dưới 30 ký tự mỗi headline), trong đó 3 headline sẽ được chọn để hiển thị một cách ngẫu nhiên khi quảng cáo đang chạy. Một headline hay sẽ quyết định việc quảng cáo của bạn có thu hút được người nhấp vào xem hay không. Vì vậy mà bạn nên tập trung lựa chọn những headline có thể làm nổi bật được USP của sản phẩm, dịch vụ, hoặc những chính sách khuyến mại mà bạn đang chạy.
  • Thêm mô tả (Description): Tương tự như phần headline, Google cũng cho phép bạn thêm tối đa 4 description (giới hạn dưới 90 ký tự mỗi description) cho quảng cáo. Trong đó 2 description sẽ được chọn ngẫu nhiên để hiển thị.  
  • Thêm trang đích (Final URL): Đây là trang mà mình muốn dẫn user tới sau khi họ nhấn vào quảng cáo. Ngoài ra bạn cũng có thể cài đặt cách đường link hiển thị trên quảng cáo bằng cách nhập thêm Display path mà không ảnh hưởng gì đến đường link gốc.  Ví dụ: nếu trang đích là “www.cellphones.com.vn/iphone-14” bạn hoàn toàn có thể thay đổi hiển thị của đường link thành “www.cellphones.com.vn/iphone14/chinhhang” mà khách hàng khi nhấn vào quảng cáo vẫn sẽ được điều hướng đến đúng trang đích ban đầu.

Thêm phần mở rộng cho quảng cáo (Ad extensions):

Ad extensions là một tính năng của quảng cáo Google cho phép nhà quảng cáo bổ sung thêm nhiều thông tin hữu ích cho người dùng về sản phẩm dịch vụ mà mình đang kinh doanh, bên cạnh nội dung quảng cáo thông thường. Ví dụ: Dưới đây là một quảng cáo có sử dụng 2 loại Ad extensions cho phép người dùng điền form để được liên hệ tư vấn hoặc tham khảo các danh mục sản phẩm khác nhau.

Ngoài ra sử dụng extension còn giúp quảng cáo chiếm được nhiều diện tích hơn trên màn hình hiển thị của người, từ đó tăng tính nổi bật của quảng cáo, khiến người dùng dễ click vào quảng cáo hơn.

Dưới đây là một số Ad extensions phổ biến:

  • Sitelink extensions: Cho phép thêm các đường link bổ sung thông tin bên dưới quảng cáo, để dẫn người dùng đến những trang khác nhau trên website.
  • Callout extensions: Cho phép nhà quảng cáo bổ sung thêm những thông tin mà chưa kịp nhắc đến ở phần mô tả do bị giới hạn số từ, highlight các chương trình khuyến mãi như freeship, hỗ trợ 24/7. Hoặc có thể sử dụng để thêm CTA kêu gọi người dùng như: mua ngay hôm nay, đăng ký ngay,….

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các loại Ad extensions khác trong hướng dẫn của Google về assets.

Bước 8: Thiết lập ngân sách (Budget):

Tại bước này, bạn sẽ tiến hành thiết lập ngân sách mỗi ngày (daily budget) cho chiến dịch của mình. Bạn có thể set ngân sách theo ngân sách được Google gợi ý, hoặc có thể tự nhập mức ngân sách mà bạn mong muốn. Google có thể sẽ chi tiêu ít hoặc gấp đôi ngân sách bạn đã set, tuy nhiên số tiền trung bình mỗi ngày phải trả sẽ không vượt quá mức mà bạn đã thiết lập.

Bước 9: Review và publish quảng cáo:

Sau khi đã setup tất cả các bước ở trên theo hướng dẫn bạn nên review lại một lượt tất cả những cài đặt từ tên, mục tiêu, giá thầu, ngân sách, từ khóa, mẫu quảng cáo,… để đảm bảo không còn sai sót gì. Sau đó nhấn vào “Publish campaign” để submit quảng cáo đến Google. Google sẽ cần tối đa 24h để review quảng cáo của bạn, sau khi được chấp nhận, quảng cáo sẽ bắt đầu được Google phân phối.

5. Sai lầm thường gặp phải khi mới chạy quảng cáo Google

Luôn làm theo đề xuất của Google Ads

Trong quá trình setup quảng cáo, bạn sẽ thường nhìn thấy rất nhiều đề xuất từ Google Ads để giúp nhà quảng cáo tối ưu chiến dịch tốt hơn. Mặc dù có những đề xuất này hữu ích, bạn cũng không nên nghe theo toàn bộ lời khuyên của Google, bởi những đề xuất này sẽ dựa kinh nghiệm chung được tổng kết từ nhiều tài khoản khác nhau, và sẽ không hoàn toàn chính xác với trường hợp của bạn. Vì vậy, nên cân nhắc khi áp dụng các đề xuất của Google.

Bỏ qua việc phân tích từ khóa

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định một chiến dịch quảng cáo Google có hiệu quả hay không chính là “từ khóa”, dù vậy, nhiều newbie mới chạy Google Ads thường bỏ qua bước này, và thường lựa chọn những từ khóa mà họ tin rằng khách hàng sẽ tìm kiếm, hoặc dựa trên những từ khóa mà họ thường tìm kiếm. Điều này dễ khiến nhà quảng cáo chọn nhầm những từ khóa không phù hợp với sản phẩm, hoặc những từ khóa không có nhiều lượt search.

Đọc thêm: Keyword Research: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner

Không theo dõi và tối ưu quảng cáo thường xuyên

Chạy quảng cáo không phải cứ bật ads rồi để đó. Kể cả khi quảng cáo đang hoạt động hiệu quả, không có nghĩa là sau này quảng cáo vẫn sẽ hoạt động hiệu quả, bạn vẫn cần thường xuyên theo dõi các chỉ số, xác định những KPI quan trọng, nhanh chóng phát hiện ra những quảng cáo không hiệu quả để tối ưu lại nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Đọc thêm: Quảng cáo Google và 11 KPIs đáng lưu tâm

Kết luận

Vào thời điểm mà quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook đang ngày càng tỏ ra kém hiệu quả, quảng cáo cáo Google với hệ sinh thái rộng lớn đang dần trở thành một công cụ hiệu quả được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tiếp cận khách hàng. Hy vọng qua hướng dẫn ở trên, bạn đã nắm được cách setup và chạy một chiến dịch quảng cáo Google Search cơ bản. Nếu bạn mong muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về cách tối ưu quảng cáo Google, tham khảo ngay khóa học Digital Performance của Tomorrow Marketers nhé!

khóa học digital performance

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: