Là Marketers, đừng để Shopping Festival 11/11 dắt mũi bạn

marketing foundation

Không chỉ ở Việt Nam, tại các nước như Singapore, Thái Lan hay Trung Quốc…, 11/11, 12/12 được coi như “đại hội” mua sắm lớn nhất trong năm trên các trang thương mại điện tử khi người người nhà nhà “điên cuồng” săn đồ giảm giá, săn khuyến mãi ở khắp mọi trang, thậm chí có những sản phẩm chỉ cần mua với giá…một ngàn đồng. Người mua tưởng lãi, nhưng xem đi tính lại, có thể hoá ra lại không. Vì sao vậy?

Sở dĩ các trang thương mại điện tử đồng loạt mở đại hội sales vào các ngày 11/11, 12/12, trước hết bởi đây là dịp cuối năm, công ty nào cũng cần chạy doanh thu cho về kịp số, đạt chuẩn KPI, lại cộng hưởng với tâm lí khách hàng có xu hướng mua sắm cuối năm nhiều hơn, nên chọn thời điểm này để sales là hợp lí. Thứ hai, ở Việt Nam, mức thâm nhập của thương mại điện tử đang rất cao, theo thống kê của Nielsen, có tới 77% người dùng Internet mua hàng online, dù mức đóng góp tại các trang này tuy còn rất nhỏ (<1%) nhưng mức tăng trưởng lại lên tới hơn 30%, trung bình các ngành hàng độ thâm nhập thị trường vô cùng lớn chiếm 58%, đủ để thấy thị trường này tiềm năng thế nào. Chính vì mức đóng góp chưa lớn, nhưng thị trường lại vô cùng tiềm năng nên các “tay chơi” mới cùng nhau mở sales đồng loạt, với mục đích vừa cạnh tranh, lại vừa bắt tay với nhau, hợp tác với các nhà sản xuất để cùng thúc đẩy thị trường, ra được nhiều sản phẩm nhất có thể, khuyến khích người mua hàng mua sắm nhiều hơn.

Người mua tưởng rằng đây là thời điểm vô cùng hợp lí, có vẻ được “hời” tuyệt đối hơn người bán, nhưng hãy thử nghĩ lại xem, bạn – người mua, có cần mua sắm nhiều tới như vậy? Đơn giản, thử cùng nhìn lại đợt Sales 11/11 hay Black Friday năm ngoái, có món đồ nào bạn vẫn chưa dùng tới, hoặc dùng chưa hết vẫn còn tồn tới giờ không nhé?

Đã làm marketer, công việc hàng ngày luôn tập trung vào làm sao để khách hàng mua, dùng nhiều hơn, chúng ta hãy chậm lại chút và cùng đặt ra những câu hỏi: Liệu bạn có đang chi tiêu quá nhiều vào những đồ không cần thiết, chỉ dừng lại ở mức muốn – có thì tốt, không có cũng chẳng sao (Want) thay vì mua những đồ ở mức cần – phải có, không thể không có (Need)? Hai khái niệm “Need and Want” này còn rất dễ nhầm lẫn, thậm chí, nhu cầu Want dễ dàng lấn át Need, khi đi khắp các trang thương mại điện tử đâu đâu cũng thấy hàng khuyến mãi. Nếu để ý, các chiêu khuyến mãi trong Trade Marketing đều được các trang thương mại điện tử này áp dụng triệt để. Đi từ chiêu áp dụng khuyến mãi combo hay giảm giá, các sản phẩm có thể không cần thiết – hàng tồn, sắp hết hạn, cần tháo kho được bán dễ dàng cho người tiêu dùng khi trộn với những món hàng “Best Seller”. Tiếp đến là các chiêu Freeship, chiêu này được áp dụng thành công tại các trang mua hàng điện tử bởi nó đã đánh trúng vào tâm lí tiết kiệm của người Việt, người mua càng muốn mua nhiều sản phẩm cùng lúc, mua nhiều hơn mức dự tính với mục đích đỡ tốn chi phí vận chuyển, khiến các trang này càng gia tăng giỏ mua (combo 300k, 500k, hay trên 1 triệu,, vài triệu…), thu hút đáng kể lượng doanh thu tăng lên. Thêm nữa, các chiêu countdown giảm giá với lượng thời gian ngắn để tạo tính khẩn cấp, không cho người mua có cơ hội suy nghĩ kĩ có nên mua hay không, mà phải mua ngay bởi nếu không thì hết giảm giá. Nhưng có biết đâu, mua xong…mai lại có Countdown tiếp, hoặc rồi cũng không dùng tới.

Bài học ở đây rút ra, đã là marketer, hãy tỉnh táo trước hàng triệu sản phẩm khiến bạn nhìn đâu cũng muốn sỡ hữu, chỉ vì dán mác giá “hời”. Trước khi mua, hãy lên danh sách tước, tập trung vào những sản phẩm cần mua (Must – buy item), biết rõ sản phẩm nào là Need, sản phẩm nào là Want, sản phẩm nào xứng đáng để chi tiền. Khi bắt đầu mua hàng, cần “cảnh giác” với các chiêu khuyến mãi, đừng để bị mê hoặc, sa đà quá vào những chương trình thu hút và lôi kéo khách hàng, nếu không, bạn sẽ “vung tiền quá trán” vào những sản phẩm không cần thiết. Là Marketers, hãy trở thành người mua hàng thật thông minh!