Tomorrow Marketers – Chạy quảng cáo Facebook là một trong những hoạt động marketing “ngốn” ngân sách của hầu hết các doanh nghiệp ngày nay. Facebook Ads tạo cơ hội cho bạn nhắm mục tiêu và thu hút đúng đối tượng khách hàng của mình. Chạy quảng cáo thực chất không khó, nhưng không phải ai cũng hiểu bài bản các bước để tạo một quảng cáo Facebook hiệu quả, tối ưu hóa mỗi cơ hội bạn có được với khách hàng mục tiêu. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu 5 bước chiến lược để tạo quảng cáo facebook hiệu quả nhất với Ads Manager.
Lựa chọn mục tiêu chiến dịch
Như mọi hoạt động marketing khác, chiến dịch quảng cáo facebook cần một mục tiêu rõ ràng và facebook hỗ trợ để bạn có thể đạt được 1 trong 11 mục tiêu sau
Một số mục tiêu phổ biến và cách Facebook hoạt động
- Số người tiếp cận (Reach): Facebook sẽ tối ưu quảng cáo để số lượng người nhìn thấy quảng cáo là nhiều nhất.
- Lưu lượng truy cập (Click to web): Giúp bạn thu hút lượng truy cập vào website của mình. Lưu ý rằng Facebook chỉ giúp tối ưu lượng click vào website chứ không tác động đến các hoạt động mua hàng.
- Tương tác (Engagement): Page Post Engagement (PPE) là mục tiêu quảng cáo nhắm vào lượt tương tác, có 2 trường hợp: tối ưu tương tác cho bài quảng cáo (like, share, comment) và tối ưu lượt thích trang cho fanpage. Facebook sẽ hiển thị quảng cáo đến người dùng có thói quen tương tác trên Facebook. Bạn có thể có những khách hàng tiềm năng từ đó, hoặc từ việc người tương tác lan tỏa nội dung của bạn đến những khách hàng tiềm năng.
- Số lượt xem Video (Video Views): Facebook sẽ chỉ giúp tối ưu lượt xem video, không liên quan đến tương tác, target vào nhóm người hay có thói quen xem video, và xem video với thời lượng lớn.
- Số lượt chuyển đổi (Conversions): Facebook giúp tối ưu lượt chuyển đổi trên website bán hàng của bạn, thường với 4 hành động: xem nội dung (view content), thêm vào giỏ (add to cart), thông tin thanh toán (initiate checkout) và mua hàng (purchase)
Nhắm đối tượng mục tiêu của bạn
Mỗi quảng cáo của bạn thuộc cùng một chiến dịch có thể nhắm đến từng đối tượng khác nhau. Thường bạn sẽ cần thử nghiệm nhiều lần với các tùy chọn mục tiêu cho đến khi tìm ra đối tượng phù hợp nhất của mình. Các tùy chọn đối tượng mục tiêu cơ bản trên Facebook bao gồm: Vị trí, Tuổi tác, Giới tính, Ngôn ngữ, Mối quan hệ, Giáo dục, Công việc, Tài chính, Sự kiện trong đời, Sở thích, Hành vi, Kết nối …
Nếu bạn đang phân vân giữa việc chọn một đối tượng cụ thể hơn một đối tượng rộng, hãy xem xét lại mục tiêu của bạn. Nếu bạn đang muốn thúc đẩy lưu lượng truy cập, bạn sẽ muốn tập trung vào kiểu người mà bạn biết sẽ quan tâm đến sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm cách tăng nhận diện về thương hiệu, hãy tập trung vào đối tượng chung hơn.
Khi bạn tìm ra một nhóm phản hồi tốt với quảng cáo của mình, Facebook cho phép bạn lưu thông tin đối tượng này để sử dụng lại sau.
Cài đặt ngân sách
Xác định loại ngân sách quảng cáo
Ngân sách hàng ngày (Daily Budget) hay ngân sách chạy quảng cáo trong một ngày: Trong trường hợp bạn muốn quảng cáo của mình chạy liên tục cả ngày. Sử dụng ngân sách hàng ngày nghĩa là Facebook sẽ điều chỉnh chi tiêu của bạn mỗi ngày. Lưu ý ngân sách hàng ngày tối thiểu cho một quảng cáo là $ 1,00 USD và ít nhất phải gấp 2 lần CPC (Cost Per Click) của bạn.
Ngân sách trọn đời (Lifetime Budget) là ngân sách được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Facebook sẽ điều chỉnh tốc độ chi tiêu của bạn trong khoảng thời gian quảng cáo chạy (thường là một campaign).
Lên lịch (Schedule)
Chọn xem bạn có muốn chiến dịch của mình chạy ngay lập tức và liên tục hay không hoặc tùy chỉnh ngày bắt đầu và ngày kết thúc. Bạn cũng có thể đặt các thông số để quảng cáo của bạn chỉ chạy trong những giờ và ngày cụ thể trong tuần.
Tối ưu hóa và định giá (Optimization & Pricing)
Cân nhắc xem bạn có muốn đặt giá cho một click hoặc một hiển thị của mình hay không. Như vậy, bạn đang làm quảng cáo của mình được hiển thị cho những người trong đối tượng mục tiêu mà có nhiều khả năng hoàn thành hành động được kỳ vọng hơn, nhưng Facebook sẽ kiểm soát đâu là số tiền tối đa bạn có thể chi trả cho một hành động đó.
Tạo quảng cáo với tiêu chuẩn cao về nội dung và hình ảnh
Xác định CTA (Call to action)
Trước hết, bạn cần xác định rõ ràng bạn muốn đối tượng của mình thực hiện hành động gì. CTA dựa trên mục tiêu quảng cáo của bạn. Một số CTA thường gặp là kêu gọi mua hàng, để lại thông tin, liên hệ với chúng tôi hoặc tìm hiểu thêm.
CTA của quảng cáo Facebook thường gắn liền với một đường link hoặc nút bấm dẫn đến fanpage, form thông tin, website, hoặc tin nhắn…
Để hỗ trợ cho CTA của bạn không thể thiếu điều quan trọng nhất: nội dung và hình ảnh hay video của bài quảng cáo. Nếu nội dung của bạn không hấp dẫn hay có khả năng chuyển đổi, việc chạy quảng cáo sẽ trở nên vô nghĩa và tốn tiền của bạn. Trước khi bắt đầu viết bài, làm hình ảnh hay quay video, bạn cần xác định quảng cáo của mình sẽ xuất hiện ở đâu, vào thời điểm nào và hình dung nó sẽ xuất hiện thế nào để khiến khách hàng ngay lập tức nghĩ rằng đây chính là thứ họ đang tìm kiếm.
Dưới đây là một vài chiến lược tâm lý được áp dụng khi viết nội dung chạy quảng cáo
Để lại phản hồi hay câu chuyện của một khách hàng đã trải nghiệm nói về những khác biệt sản phẩm đã đem đến cho cuộc đời họ.
Nêu ra những phản ứng, sai lầm thường gặp để khách hàng thấy mình trong đó. Ví dụ như quảng cáo dưới đây chỉ ra
Lợi ích trên chức năng: Đừng phí không gian quảng cáo của bạn để nói về chức năng của sản phẩm. Khách hàng chỉ bị thu hút bởi lợi ích những chức năng đó mang lại. Ví dụ, một công cụ quản trị năng suất không nên nhấn mạnh về giao diện đẹp, dễ sử dụng của họ – đó là chức năng. Họ nên nói về bao nhiêu thời gian khách hàng có thể tiết kiệm khi sử dụng công cụ này, đó mới là lợi ích. Hay ví dụ của TikTok dưới đây.
Sử dụng chiến lược FOMO (Fear of missing out – Nỗi sợ bỏ lỡ). FOMO là hiệu ứng tâm lý trong xây dựng nội dung marketing, bao gồm 4 chiến thuật sau
- Tạo sự khẩn cấp hoặc khan hiếm: những nội dung như khuyến mãi, giảm giá hoặc chỉ còn rất ít sản phẩm khiến người ta cảm thấy sắp lỡ mất cơ hội và phải ngay lập tức hành động, đem đến kết quả chuyển đổi cao hơn.
- Khuyến khích người dùng bằng những minh chứng: Sử dụng tiếng nói của người nào đó đáng tin với khách hàng để minh chứng cho lợi ích của sản phẩm, dịch vụ, thể hiện rằng nếu họ không sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngay, họ sẽ bỏ lỡ điều gì đó rất quan trọng.
- Quảng cáo trải nghiệm hơn là sản phẩm: thế hệ mới ngày nay càng ngày càng quan tâm hơn đến trải nghiệm, hãy tập trung về trải nghiệm hơn bên cạnh lợi ích của sản phẩm. Đồng thời tạo ra các chương trình thử nghiệm cho khách hàng.
- Tạo tính độc quyền cho người dùng: Tính độc quyền thường đi kèm với sự khan hiếm, ví dụ như những sản phẩm “limited edition” sẽ khiến khách hàng có tâm lý muốn chiếm đoạt cho riêng mình.
Các định dạng quảng cáo trên Facebook
- Quảng cáo hình ảnh: Hãy để CTA ngay trên hình ảnh của bạn
- Quảng cáo video: Quảng cáo video với thời lượng ngắn sẽ giúp dễ dàng tiếp cận với người xem hơn.
- Quảng cáo với khảo sát: Đây còn là một cách giúp bạn thực hiện nghiên cứu về hành vi khách hàng.
- Quảng cáo băng chuyền (Carousel ads): Quảng cáo băng chuyền sử dụng tối đa 10 hình ảnh hoặc video để giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Bạn có thể sử dụng định dạng này để làm nổi bật các lợi ích khác nhau của một sản phẩm, một số sản phẩm khác nhau hoặc thậm chí sử dụng tất cả các ảnh cùng nhau để tạo ra một hình ảnh toàn cảnh lớn.
- Quảng cáo trình chiếu (Slideshow): Quảng cáo trình chiếu giúp tạo quảng cáo video ngắn từ bộ sưu tập ảnh tĩnh, văn bản hoặc video clip có sẵn. Quảng cáo trình chiếu có chuyển động bắt mắt, giống như video, nhưng sẽ tải nhanh ngay cả đối với những người có kết nối internet chậm. Đây là một cách thu hút sự chú ý dễ dàng.
- Quảng cáo bộ sưu tập (Collection Ads): Loại quảng cáo này chỉ được cung cấp cho thiết bị di động, giúp bạn giới thiệu 5 sản phẩm nổi bật nhất mà khách hàng có thể nhấp để mua. Quảng cáo bộ sưu tập kết hợp với trải nghiệm tức thì cũng cho phép mọi người mua sản phẩm của bạn mà không cần rời khỏi Facebook.
- Quảng cáo trải nghiệm nhanh (Instant Experience Ads): Khi nhấp vào quảng cáo, website hoặc sản phẩm của bạn sẽ hiển thị toàn màn hình và vẫn ở ngay trên Facebook, cho phép người dùng đăng ký form hoặc mua sản phẩm nhanh.
- Quảng cáo khách hàng tiềm năng (Leads Ads): Quảng cáo khách hàng tiềm năng chỉ có sẵn cho thiết bị di động vì chúng được thiết kế đặc biệt giúp mọi người dễ dàng cung cấp cho bạn thông tin liên hệ của họ mà không cần nhập nhiều. Quảng cáo này rất hữu ích khi thu thập thông tin, đăng ký dùng thử sản phẩm hoặc để lại thông tin để liên hệ tìm hiểu thêm.
- Quảng cáo hành động (Dynamic Ads): Ví dụ cho loại quảng cáo này – nếu ai đó đã truy cập trang sản phẩm hoặc đặt sản phẩm vào giỏ hàng của họ trên trang web của bạn, nhưng sau đó rời bỏ việc mua hàng, quảng cáo sẽ xuất hiện một cách linh hoạt để nhắc nhở họ về sản phẩm đó. Điều này nhắc nhở khách hàng tiềm năng hoàn tất việc mua hàng và có thể là một chiến lược quảng cáo trên Facebook rất hiệu quả.
Bên cạnh đó còn có những loại quảng cáo đặc biệt khác như stories ads (quảng cáo trên facebook hoặc instagram story), messenger ads (quảng cáo trên ứng dụng messenger) hoặc playable ads (quảng cáo bằng trò chơi của facebook).
Báo cáo và theo dõi hoạt động quảng cáo
Theo dõi hiệu quả quảng cáo Facebook thường xuyên giúp bạn xem quảng cáo của mình phù hợp với kế hoạch marketing tổng thể như thế nào, từ đó có thể điều chỉnh và tối ưu hóa chiến lược của mình. Hãy trả lời những câu hỏi sau trong suốt quá trình chạy quảng cáo:
- Bạn nhận được bao nhiêu lượt chuyển đổi
- Những quảng cáo nào đang tạo ra nhiều lượt chuyển đổi nhất
- Chi phí bạn bỏ ra cho mỗi chuyển đổi (cost per click, cost per lead)
Bạn có thể sử dụng những công cụ hỗ trợ như Google Analytic để đo lường hiệu quả của quảng cáo. Ví dụ: gắn đường link UTM để theo dõi lượt click về từ mỗi quảng cáo trên Facebook. Từ đó, có thể đánh giá hiệu quả quảng cáo.
Facebook cũng cho phép bạn điều chỉnh lại quảng cáo trong quá trình chạy để tối ưu hóa hơn, như điều chỉnh các thông tin về đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, Facebook không cho phép bạn thay đổi nội dung bài quảng cáo, bạn phải tắt quảng cáo rồi mới có thể chỉnh sửa được.
Đọc thêm: Bạn đã thực sự hiểu về Pay Per Click
Tạm kết
Quảng cáo Facebook vẫn là hoạt động quan trọng đối với phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt khi Facebook vẫn còn giữ được vị thế dẫn đầu trong các kênh Social Media và chưa có kênh nào có thể thay thế. Để tìm hiểu thêm về hệ sinh thái quảng cáo của Facebook, cách tối ưu campaign ad và cách vận dụng các công cụ để hoạch định kế hoạch quảng cáo theo phễu chuyển đổi, tham gia ngay khóa học Digital Performance tại Tomorrow Marketers nhé!
Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!