Người trẻ áp dụng Thuyết con nhím (Hedgehog Concept) để chọn nghề phù hợp thế nào?

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại, Jim Collins đã đề cập đến nhiều quy tắc dẫn đến sự thành công của các công ty vĩ đại. Trong một chương có nhắc đến thuyết con nhím (Hedgehog Concept) và nó cũng được ứng dụng trong việc định hướng sự nghiệp của mỗi người. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu qua bài viết này nhé. 

1. Thuyết con nhím (Hedgehog Concept) trong cuốn sách “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins

Thuyết con nhím (Hedgehog Concept) được tạo nên dựa trên một câu chuyện ngụ ngôn Hy Lạp cổ đại. Trong câu truyện này, con cáo rất khôn ngoan và tinh ranh, nó nghĩ ra rất nhiều mưu kế để tấn công nhím như lẻn vào hang, rình quanh hang để chờ thời cơ vồ nhím, đuổi bắt, thậm chí giả chết. Ngược lại, con nhím thì lù đù, chậm chạp, cả ngày chỉ loanh quanh tìm kiếm thức ăn và đi về hang. Tưởng rằng cáo sẽ luôn chiếm thế thượng phong với sự nhanh nhẹn, thông minh của mình, nhưng thực tế, chỉ cần con nhím cuộn tròn lại thành quả cầu gai, những cái gai đâm ra tứ phía, bén nhọn, thì con cáo lại đành phải chịu thua.

Dù mỗi ngày con cáo và con nhím chạm trán nhau vài lần nhưng con cáo luôn phải chịu thua và con nhím mới là kẻ “thắng cuộc”. Có thể thấy, dù con cáo có nhiều mánh khóe, biết làm nhiều cách nhưng con nhím chỉ cần 1 chiêu duy nhất, đã có thể đánh bại cáo. 

Triết gia Isaiah Berlin đã lấy câu chuyện ngụ ngôn này và áp dụng nó vào thế giới hiện đại trong bài luận năm 1953 của ông, “The Hedgehog and the Fox.” Berlin chia mọi người thành hai nhóm: cáo và nhím. Ông lập luận rằng những con cáo theo đuổi nhiều mục tiêu và lợi ích cùng một lúc. Kết quả là suy nghĩ của họ bị phân tán và không tập trung, và cuối cùng kết quả họ đạt được rất khiêm tốn. Ngược lại, nhím biết cách tập trung vào một điểm mạnh, 1 con đường duy nhất để đạt được mục tiêu của mình.

Nhà nghiên cứu và tư vấn kinh doanh, Jim Collins, đã phát triển ý tưởng này trong cuốn sách kinh điển “Từ tốt đến vĩ đại” được xuất bản năm 2001 của ông. Collins lập luận rằng các doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu họ xác định được rõ ràng một điều mà họ có thể làm tốt nhất. Sau khi xác định được điểm mạnh cốt lõi của mình, họ nên dành toàn bộ năng lượng và nguồn lực mình có để theo đuổi nó. Ông cũng lập luận rằng khi mọi thứ dần trở nên khó khăn, chính những người biết cách tập trung vào điểm mạnh của mình sẽ dễ dàng tồn tại và phát triển hơn.

2. Cách ứng dụng thuyết con nhím (Hedgehog Concept) vào định hướng sự nghiệp

Để tìm được điểm mạnh cốt lõi của mình, bạn có thể lần lượt trả lời 3 câu hỏi:

1: Điều bạn đam mê nhất là gì?

2: Điều bạn làm giỏi nhất là gì?

3: Điều mang lại giá trị vật chất cho bạn là gì?

Sau khi trả lời, điểm giao nhau của 3 điều trên chính là điểm mạnh cốt lõi của bạn như minh họa trong hình dưới đây:

Cùng TM xem xét chi tiết từng câu hỏi và các bước bạn có thể áp dụng huyết con nhím (Hedgehog Concept) để tìm ra định hướng phát triển sự nghiệp cho mình.

Bước 1: Xác định điều bạn đam mê nhất

Đầu tiên, bạn cần tìm ra sở thích của chính mình. Hãy thử nghĩ về những gì bạn cảm thấy đam mê, những điều khiến bạn sẵn sàng tự nguyện thức dậy vào buổi sáng sớm và thức khuya mỗi ngày? Nếu vấn đề này hơi khó trả lời với bạn thì đừng lo, hãy khám phá bản thân qua một số câu hỏi dưới đây:

  • Mình đặc biệt hứng thú với môn học nào ở trường?
  • Bạn có hứng thú đặc biệt với lĩnh vực gì, môn thể thao gì, môn học gì,… ? 
  • Mình có sở thích hay quan tâm đến lĩnh vực, ngành nghề gì, vị trí nào,… ?
  • Lúc rảnh rỗi, bạn thích làm gì ?
  • Bạn thường hay đọc sách, xem phim, đọc các thông tin về nội dung như thế nào?

Bạn có thể đưa ra thật nhiều câu hỏi cho bản thân, trả lời thành thật và ghi chép lại vào một cuốn sổ hoặc một tờ giấy. Ghi chép có thể giúp bạn sắp xếp suy nghĩ và ghi lại thông tin quan trọng để đưa ra đánh giá chung.

Trả lời càng nhiều những câu hỏi, những bài trắc nghiệm nghề nghiệp như thế sẽ giúp bạn nhanh chóng khám phá ra được thứ mình thích. Bạn cũng có thể sử dụng bài kiểm tra tính cách như MI, MBTI, DISC,… Chọn nghề nghiệp dựa trên sở thích sẽ tạo niềm động lực cho bạn theo đuổi lâu dài. 

Bước 2: Xác định điều bạn làm giỏi nhất

Bạn có thể trở nên giỏi nhất trong lĩnh vực nào? Tiêu chí này dựa trên cơ sở thế mạnh, nhưng không có nghĩa chỉ cần có thế mạnh bạn sẽ trở nên giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó. Bạn hãy ghi lại những điểm mà bạn có khả năng vượt trội hơn người khác thông qua các bài kiểm tra chuyên môn.

Các công cụ như Phân tích SWOT , Phân tích năng lực cốt lõi và Phân tích USP sẽ tiết lộ những gì bạn đã làm tốt và giúp bạn xác định bạn có thể vượt trội ở đâu. Bên cạnh đó, bạn có thể dựa trên nhận xét của mọi người về khả năng học tập, tính cách và các khía cạnh khác trong cuộc sống. Từ đánh giá đa chiều này, bạn có thể chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình.

Ví dụ: Bạn luôn được khen là người tỉnh táo, có tư duy logic để giải quyết các vấn đề trong lớp; bạn luôn là người lên kế hoạch cho các chuyến đi chơi trong nhóm bạn; bạn bè thích được bạn chụp ảnh giúp vì bạn biết canh góc máy và chỉnh màu rất đẹp,…

Hãy trung thực khi bạn xem xét những điểm yếu này và hãy nhớ rằng không phải là người giỏi nhất trong một số lĩnh vực nhất định cũng không sao – hiểu được những gì bạn có thể giỏi sẽ có tác dụng mạnh mẽ hơn nhiều.

Bước 3: Xác định điều mang lại giá trị vật chất cho bạn

Điều gì mang lại giá trị vật chất cho bạn? Có thể hiểu là những ngành nghề nào đang có nhu cầu trong xã hội ở hiện tại và tương lai mang lại mức thu nhập xứng đáng cho bạn. Cuộc sống của ai cũng có rất nhiều điều phải lo toan, khi đam mê không thể nuôi sống được bản thân, chứ chưa nói tới gia đình hay cống hiến thêm cho xã hội, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tài chính.

Lựa chọn nghề nghiệp theo đúng xu hướng thị trường, nghĩa là ngành đang có khả năng thiếu nhân lực và có nhiều cơ hội phát triển với mức lương, phúc lợi, đãi ngộ tốt. Bạn có thể tìm hiểu các xu hướng nghề nghiệp tại các báo cáo từ Tổng cục thống kê, báo chí, các tổ chức uy tín trong lĩnh vực tuyển dụng. Hoặc bạn có thể tham khảo bạn bè, người thân, thầy cô và xin lời tư vấn từ các chuyên gia. Ví dụ các ngành đang có nhu cầu cao hiện nay như Marketing, Data Analysis,… đây đều là các ngành đang giảng dạy tại Tomorrow Marketers.  

Khi công nghệ phát triển, rất nhiều ngành nghề có thể bị thay thế bởi robot, khi đó bạn sẽ đối diện với nguy cơ mất việc. Bạn cần liên tục cập nhật xu hướng thị trường liên tục để hiểu sự thay đổi của thị trường.

Bước 4: Tìm kiếm điểm giao nhau của 3 điều trên

Đây là bước cốt lõi trong thuyết con nhím (Hedgehog Concept). Dựa trên ba câu trả lời phía trên, bạn hãy tìm ra điểm giao thoa giữa chúng, chúng sẽ giúp bạn khám phá nghề nghiệp phù hợp với mình.

VD: Bạn có thế mạnh với các môn hóa, sinh. Bạn năng động, hoạt bát, giao tiếp tốt. Bạn yêu thích các hoạt động thể thao, văn nghệ của trường. Bạn có thể xem xét các nghề như bác sĩ, vận động viên, giáo viên dạy các môn thể dục, thể thao, vũ công, hay nghề PT – personal trainer… Xét về yếu tố xã hội, bạn nhận thấy mức sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu rèn luyện sức khỏe ngày một lớn. Vậy xét theo điểm giao trong thuyết con nhím, bạn có thể ưu tiên xem xét chọn trở thành một PT, huấn luyện viên cá nhân (chuyên làm việc với một (nhóm) khách hàng tại các trung tâm huấn luyện, phòng gym tại nhà của khách hàng. Công việc của họ là đánh giá mức độ thể chất của khách hàng và giúp họ thiết lập và đạt được các mục tiêu thể dục của mình qua các bài tập kết hợp chế độ ăn uống hợp lý).

Nếu bạn kiếm được rất nhiều tiền thông qua việc mà bạn không bao giờ có thể giỏi nhất, bạn chỉ có thể xây dựng được một sự nghiệp thành công trong mắt người khác mà không phải trong mắt bạn. Nếu bạn trở nên giỏi nhất trong một lĩnh vực nào đó, thì bạn cũng không thể giữ được vị trí đỉnh cao nếu bạn không đam mê tất cả những gì bạn đang làm. Cuối cùng, nếu bạn đam mê tất cả những gì bạn muốn, nhưng bạn không thể là người giỏi nhất, cũng như không mang lại hiệu quả kinh tế thì có thể bạn sẽ thấy rất vui sướng nhưng bạn không mang lại kết quả vĩ đại, và cũng dễ bị bỏ lại phía sau. 

Nhưng cần lưu ý rằng, tìm ra một vòng tròn hoàn hảo với cả ba tiêu chí đều đạt có vẻ như quá lý tưởng và không dành cho tất cả mọi người. Bạn có thể ưu tiên hai trên ba vòng tròn trước. Ví dụ ưu tiên vòng tròn đam mê và sở trường, còn vòng tròn liên quan tới lợi ích kinh tế có thể không cần hoàn hảo ngay từ ngày mới bắt đầu, vì mọi thứ cần tích luỹ. Mức thu nhập của bạn sẽ tỉ lệ thuận với năng lực và giá trị mà bạn tạo ra. Cụ Hoàng Đạo Thuý (1900 – 1994) cũng từng có lời khuyên:

“Chọn nghề cốt nó hợp với tài mình, với ý thích của mình, cốt nó có ích với nước với đời. Còn như việc được nhiều tiền hay ít chỉ là chuyện phụ thôi. Cần nhất là việc làm cho thực được, đồ làm cho thật kỹ. Ngoài cái thú thanh cao ngắm một công trình mà mình đã để hết tài trí của mình vào đó, cái giàu có không phải đợi mà nó vẫn đến. Phạm Ngũ Lão đan sọt bên cạnh đường. Sọt chắc mà bền, người ta ai cũng nhớ cửa. Đến lúc làm tướng vẫn cái chí làm cẩn thận ấy mà làm trọn được việc của đại tướng.”

Đọc thêm: Bạn chỉ mất 20 giờ để học một kiến thức mới

3. Hành trình định hướng sự nghiệp trong mảng Marketing

Hãy cùng gặp gỡ Trà My – cựu học viên của Tomorrow Marketers để cùng xem My đã ứng dụng thuyết con nhím (Hedgehog Concept) vào việc định hướng sự nghiệp của mình như thế nào nhé!

Bước 1: Xác định điều bạn đam mê nhất

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, My đã bộc lộ khả năng với các môn tự nhiên, thành tích tương đối cao nhờ tư duy logic, khả năng tính toán nhanh nhạy. My cảm thấy rất thích thú với việc khám phá vẻ đẹp các con số, các công thức toán. Bạn cũng thường xuyên trao đổi về các cách giải bài tập với bạn bè và thầy cô. 

Nhưng My không phải là một sinh viên mọt sách, ngoài những giờ học căng thẳng, My cũng tham gia các hoạt động ngoại khóa với CLB của trường. My có kinh nghiệm lên ý tưởng tổ chức, thiết kế, trang trí sân khấu, hội trại trong các sự kiện Ngày nhà giáo Việt Nam, Kỷ niệm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/03).

Lúc rảnh rỗi, My cùng các bạn tới các trung tâm thương mại, khu vui chơi, các buổi triển lãm để giải trí. Khi ở nhà một mình, những khoảng thời gian dành cho riêng mình, My thích vẽ và thường theo dõi, cập nhật các trang của những artist nổi tiếng trên thế giới.

Khi test tính cách MBTI, My thuộc nhóm INTJ (Nhà khoa học) với những đặc điểm như:

  • Vô cùng tò mò và tập trung vào việc tìm hiểu thế giới xung quanh: Họ không ngừng tiếp thu thông tin và ý tưởng mới, sau đó nhanh chóng đi đến kết luận. Họ có thể hiểu những điều mới một cách nhanh chóng. Trong quá trình tìm tòi những các phương án tốt hơn, họ sẵn sàng chấp nhận bị từ chối và không ngại phá vỡ các quy tắc trước đó;
  • Cầu toàn: Không chỉ đặt ra những yêu cầu khắt khe với bản thân mình mà còn cho cả những người xung quanh;
  • Thiên về tư duy logic hơn là cảm nhận trực quan: Luôn muốn kiểm soát mọi thứ theo một định hướng rõ ràng. Vì vậy INTJs thường là người độc lập mạnh mẽ. Đôi khi INTJs tự ý đưa ra quyết định mà không xem xét ý kiến của bất kỳ ai khác. Đây là nhược điểm mà INTJs cần sửa chữa vì nó có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của người khác

Bước 2: Xác định điều bạn làm giỏi nhất

My đã đạt giải Nhì trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

Trong các công việc ngoại khóa, My được thầy cô bạn bè tin tưởng giao cho các vị trí quan trọng, bởi mọi người tin rằng nếu đã giao việc cho My, bạn ấy sẽ hoàn thành chúng một cách tốt nhất. Nhờ vậy, My khá có tiếng nói trong các tổ chức và việc dẫn dắt đội nhóm không làm khó bạn quá nhiều. Khi gặp khó khăn, My luôn tiên phong đưa cả team tìm ra những phương án mới mẻ.

My vẽ khá đẹp và có nhiều ý tưởng hay ho, sáng tạo. Nên các công việc về thiết kế, trang trí của trường, lớp, CLB My đều có tiếng nói và góp ý nhiều cho team.

Bước 3: Xác định điều mang lại giá trị vật chất cho bạn

My có hứng thú với một số ngành học và tìm hiểu thông tin trên mạng để định hướng con đường sự nghiệp cho mình. Xét về xu hướng thị trường, My tìm hiểu thấy các ngành về mảng phân tích tài chính, kế toán,… đều là những ngành có thu nhập tương đối tốt, nhưng đã là xu hướng của hơn 10 năm trước, hiện tại số sinh viên theo học các ngành này khá nhiều nên tỷ lệ cạnh tranh cao.

My cũng khá tò mò về các công việc liên quan tới sáng tạo, tới nhóm ngành nghệ thuật, thiết kế như: họa sĩ, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang. Với các nghệ sĩ tài năng, thu nhập hàng ngàn đô mỗi tháng, có danh tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên nhóm này chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi, nhiều người vẫn khá chật vật để sống với nghề nếu không có đủ tài năng hay sự nổi tiếng.

Bên cạnh đó, bạn cũng thấy tiềm năng từ ngành Marketing với các công việc liên quan tới sáng tạo nội dung, quảng cáo. Ngành Marketing trong những năm gần đây khá hot nhưng dần bão hòa, quá nhiều người làm Marketing nên cạnh tranh cao, ngành khá rộng và bạn chưa rõ sẽ có các hướng phát triển như thế nào. My cũng nghe nói tới những cơ hội việc làm tại các công ty danh tiếng trong ngành Marketing, với đãi ngộ và thương thưởng hấp dẫn.

Bước 4: Tìm kiếm điểm giao nhau của 3 điều trên

My không chọn theo ngành phân tích tài chính, kế toán vì dù ở trong đội tuyển Toán, luôn tò mò và hào hứng với các con số, nhưng My thấy mình vẫn chưa phải quá xuất sắc. Trong kỳ thi học sinh giỏi vừa rồi, bạn chỉ đạt giải Nhì thôi, và vẫn cảm thấy mình còn khoảng cách khá xa với một số bạn đạt giải Nhất, các bạn được tiếp tục chọn đi thi giải quốc gia.

My không chọn theo đuổi ngành nghệ thuật, thiết kế vì bạn nghĩ rằng nhóm ngành nghệ thuật, thiết kế không phải ngành quá hot, muốn tồn tại trong ngành này cần tài năng xuất chúng, nếu không sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí đầu tư cho các họa cụ, thiết bị để làm nghề khá tốn kém. My cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện không theo đuổi được nghề, không thành công với mảng nghệ thuật của người quen nên khá lo lắng. 

My đã đăng ký khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để có cái nhìn toàn cảnh, và mong muốn có sự định hướng rõ ràng hơn từ các Trainers. Sau khóa học, My thấy với những điểm mạnh về sự logic, tính toán với các con số, niềm yêu thích với cái đẹp và khả năng sáng tạo, My có thể phát triển trong ngành Marketing với mảng: 

  • Data Analysis: Phân tích dữ liệu Marketing để tìm Insight của người mua tại điểm bán, hành vi người tiêu dùng, đưa ra các dự đoán quyết định cho doanh nghiệp
  • Digital Marketing, Content Marketing: Sáng tạo các nội dung trên đa nền tảng social media.
  • Brand Communication: Sáng tạo các chiến dịch truyền thông, thông điệp cho nhãn hàng

My quyết định sẽ tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc trong từng mảng để trải nghiệm nhiều hơn và có lựa chọn con đường sự nghiệp phù hợp nhất với mình.

Tạm kết

Định hướng nghề nghiệp đã không còn là câu chuyện xa vời, bay bổng, nó được áp dụng các mô hình khoa học trên cơ sở nghiên cứu để giúp người trẻ sớm có định hướng cho bản thân và những người đang lạc hướng có thể bắt đầu lại để đi đúng hướng hơn. Hiểu rõ tầm quan trọng của định hướng nghề nghiệp, Tomorrow Marketers đã đưa các nội dung về định hướng nghề nghiệp cho các Marketers trẻ vào khóa học Marketing Foundation

Sau khóa học, các bạn sẽ hiểu được đặc điểm môi trường làm việc tại Client – Agency – Inhouse, các mảng công việc trong marketing như Digital, Brand Communication, Trade Marketing,… Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội networking, được tư vấn trực tiếp và được đào tạo kiến thức marketing bài bản từ các anh chị Trainers nhiều năm kinh nghiệm, là các Manager, Director tại các tập đoàn đa quốc gia trong khóa học nhé!

Marketing Foundation

Nếu bạn vẫn chưa xác định được bước đầu trên chặng đường sự nghiệp Marketing của mình sẽ như thế nào, tham khảo ngay Online Free Course “The Guide to Marketing Career” của Tomorrow Marketers nhé. Khóa học sẽ giúp bạn khám phá ngành Marketing qua việc hiểu tổng quan về các con đường sự nghiệp trong ngành và giúp bạn bạn hiểu chính bản thân mình. Từ đó giúp bạn xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp Marketing cho riêng mình. Khóa học hoàn toàn miễn phí nên bạn hãy nhanh chóng đăng ký nhé!