Khoảng cách giữa Trade Assistant (trợ lý) và Trade Manager (quản lý) là bao xa?

marketing foundation

Tomorrow Marketer – Làm Trade vài năm mà vẫn chưa lên được Manager, làm planning thì bỡ ngỡ, quản lý kênh bán hàng còn lơ mơ…Chẳng biết cố gắng đến bao giờ mới lên được chức? Đó là câu hỏi của mọi Assistant – vị trí gần nhất với Manager trong lộ trình nghề nghiệp của bộ phận Trade Marketing. Dường như câu chuyện thăng tiến sẽ mãi là một bài toán khó có lời giải đối với mỗi Assistant, nếu như những người làm ở vị trí này không hiểu rõ về khoảng cách nghề nghiệp (GAP) giữa Trade Assistant – Trade Manager nằm ở đâu, mấu chốt tạo nên sự khác biệt là gì? Vậy hãy cùng Tomorrow Marketer tìm hiểu về GAP giữa hai vị trí này nhé!

1. Mô tả công việc (Job Description) của Trade Assistant(Trợ lý) và Trade Manager(Quản lý)

  • JD của Trade Assistant: Công việc của Trade Assistant là quản lý theo kênh bán hàng, gồm các nhiệm vụ từ thực thi tới kiểm soát kết quả trong đó bao gồm rất nhiều dự án nhỏ. Khi trở thành Assistant Manager, bạn sẽ trở thành cộng sự sát sao với Executive (giao nhiệm vụ, đào tạo và kiểm soát kết quả công việc). Ngoài ra, bạn cần phải hỗ trợ những công việc về thực thi cũng như nghiên cứu, lập đề án chiến lược và quản lý vận hành cho Trade Manager.
  • JD của Trade Manager: Công việc của Trade Manager bao gồm các nhiệm vụ lớn ở tầm quản lý, từ chiến lược đến thực thi. Phạm vi công việc của Trade Manager sẽ đi từ việc quản lý toàn bộ ngành hàng cho đến việc đảm bảo doanh số bán hàng. Trade Manager cần phải lên kế hoạch và chiến lược rõ ràng để triển khai xuống cho Trade Assistant đi thực thi. Lúc này, bạn đã trở thành leader của cả Trade Team (theo ngành hàng). Vì vậy, bạn cần phải quản lý và phát triển đội nhóm của mình. Giải quyết bài toán làm thế nào để nhân viên của mình ngày càng dày dặn và thuần thục hơn trước.

2. Trade Manager (Trợ lý) thực hiện những nhiệm vụ gì mà Trade Assitant (Quản lý) chưa làm được?

Trong lộ trình nghề nghiệp của người làm Trade, trước khi lên tới Manager, bạn  phải thành thục các nhiệm vụ của Assistant. Nhưng ngược lại, ở vị trí Assistant, bạn chưa được phụ trách các công việc của Manager. Vì vậy, JD của Trade Manager chính là khoảng cách nghề nghiệp giữa hai vị trí này. Cụ thể:

  • Nếu như nhiệm vụ Manager là quản lý ngành hàng thì Assistant lại là hỗ trợ Manager hoàn thành công việc đó một cách hiệu quả nhất. Ví dụ khi Manager cần hiểu rõ ngành hàng của mình, Assistant lúc đó sẽ đi tìm các số liệu còn thiếu, các Data Trade (Số liệu ngành hàng) mà Manager cần để cung cấp cho cấp trên những dữ liệu đầy đủ và rõ ràng nhất. Cho nên người làm Trade Assistant sẽ không nắm được toàn bộ bức tranh tổng quan của ngành hàng mà chỉ tỏ tường một phần.
  • Nếu như Manager là người lên chiến lược cho toàn bộ ngành hàng thì Assistant sẽ là người mang chiến lược đó đi thực thi và kiểm soát kết quả. Do vậy, Assistant sẽ bị yếu trong khoản planning. Lời khuyên cho vấn đề này chính là chủ động trao đổi với Trade Manager để có thể được tham gia sâu hơn vào công việc planning, hoặc tối thiểu được quan sát công việc này diễn ra như thế nào để hiểu bản chất và có thể dần được đóng góp quan điểm theo thời gian.
  • Người làm Trade Manager sẽ là Leader của cả Trade Team nên bài toán của họ đặt ra là phát triển cả đội nhóm của mình. Sẽ không có hai Leader trong một Trade Team nên lúc này Assistant sẽ là người giúp đỡ Manager quản lý cả Team tốt hơn, đồng thời tham gia các buổi training các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp từ Manager. Các assistant nên quan sát sếp của mình trong cách quản lý team để học hỏi và chuẩn bị trong trường hợp mình được bổ nhiệm vị trí cao hơn sẽ không bị bỡ ngỡ trong khâu quản lý con người.
  • Trade Assistant sẽ ít được tham gia các cuộc họp quan trọng, chiến lược với Brand Manager, Sales Manager hay gặp gỡ các đối tác từ phía customer. Trade Assistant sẽ chỉ tiếp nhận các kết quả làm việc của Trade Manager để thực thi thành nhiệm vụ cụ thể. Do đó kĩ năng đàm phán và gây ảnh hưởng với các “đối tác khó” sẽ chưa có cơ hội được rèn luyện. Trade assistant nên học hỏi kĩ năng này qua việc làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc gây ảnh hưởng lên các đối tác trực tiếp, như brand/ sales assistant, các agency và các phòng ban nội bộ công ty.

3. Tại sao Trade Assistant (Trợ lý) là bước đệm cho Trade Manager (Quản lý) ?

Có thể Trade Assistant chưa được lên kế hoạch chiến lược dài hạn cho ngành hàng, chưa được tham gia quản lý cả đội nhóm hay cũng chưa được gặp gỡ các đối tác cấp cao, nhưng Trade Assistant sẽ là người có khả năng Execution rất tốt, sành sỏi về thực thi hơn các vị trí khác. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho vị trí Manager tương lai. Vì thực thi có tốt thì planning mới sát, và khi có vấn đề xảy ra, chỉ có người rành thực thi mới đưa ra được các giải pháp tốt nhất.

Tạm kết

Thay vì “đứng núi này trông núi nọ”, mỗi Trade Marketer nói riêng và Trade Assistant nói chung cần hoàn thành tốt công việc ở vị trí của mình, tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và chờ thời cơ tới. Chỉ khi đó, bạn mới dần thu hẹp khoảng cách nghề nghiệp giữa các vị trí, trả lời cho bài toán thăng tiến của mình. Hãy đi từ những nền tảng kiến thức Marketing căn bản để từ đó xây dựng nền móng cho mai sau. Khóa học Marketing Foundation với hệ thống kiến thức và tư duy Marketing bài bản từ các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp bạn, tham khảo ngay nhé!

Marketing Foundation
Tagged: