Tomorrow Marketers – Bên cạnh Branding và Digital Marketing, Trade Marketing cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng và thú vị mà marketer trẻ có thể thử sức. Tuy nhiên, do ít có cơ hội tiếp xúc, các bạn trẻ chưa hiểu biết nhiều về mảng chuyên môn này. Cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu thêm về trải nghiệm làm Trade Marketing thực tế trong bài phỏng vấn sau với anh Thế Anh đang làm việc tại phòng Trade Marketing tại Coca-Cola Việt Nam.
Cảm ơn anh Thế Anh đã nhận lời mời phỏng vấn của Tomorrow Marketers.
Trade Marketing vẫn đang là một lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về sự khác biệt giữa Trade Marketing và Brand Marketing không?
Cảm ơn Tomorrow Marketers đã liên hệ. Như một chuyên gia Marketing từng nói: Brand Marketing có nhiệm vụ lớn nhất là tăng độ nhận diện thương hiệu giữa shopper và consumer và tác động đến tâm trí của họ, đặc biệt thông qua các hoạt động Above-the-line (ATL). Còn Trade Marketing mang trên mình tới hai nhiệm vụ: hỗ trợ kênh phân phối và nhiệm vụ gần giống với Brand Marketing là tìm cách nhắc lại một lần nữa tới khách hàng sản phẩm hiện có trên thị trường, mà cụ thể là tại điểm bán. Tại đây, thay vì chiếm tình yêu và sự nhớ nhung của họ thì Trade Marketing tác động tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng bằng các kỹ thuật như bao phủ hàng hóa, trưng bày và khuyến mãi.
Đọc thêm: Trade Marketing – cơ hội nghề nghiệp trong nghề Trade Marketing
Cơ duyên nào đã đưa anh đến với Trade Marketing?
Cũng rất tình cờ, cách đây 7 năm (2014), bạn anh có rủ anh tham gia một chuỗi workshop về các công việc và vị trí của Marketing. Cũng như nhiều bạn trẻ, khi vừa mới ra trường, anh chưa thực sự định hướng được con đường sự nghiệp của mình, chỉ biết mình thích Marketing nhưng chưa đủ nhiệt. Cho đến khi đi làm một thời gian và tham gia chuỗi hội thảo trên, anh nhận thấy bản thân “lai lai” giữa sự thực tế về số và máu chiến của sales, thêm một chút bay bổng của Marketing nên cảm thấy Trade Marketing khá phù hợp với mình. Anh nghĩ mình đã tìm thấy đúng công việc mong muốn. Từ đó anh tham gia những khóa học về Trade Marketing đời đầu và gặp được những người thầy lớn chia sẻ kiến thức và định hướng cho con đường của mình.
Đọc thêm: Dấu hiệu nào cho thấy bạn hợp với Trade Marketing?
Trải nghiệm làm Trade Marketing tại Coca-Cola có gì thú vị?
Ở Coca-Cola, bạn luôn cần học hỏi để bắt kịp xu thế của thời đại mới. Ví dụ như giữa bối cảnh các doanh nghiệp dần dịch chuyển số hoá, Coca-Cola cũng triển khai kênh bán hàng mới trên các ứng dụng giao hàng Grab và Now… nhằm mục đích đa dạng kênh phân phối cũng như đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn Covid, khi các cửa hàng offline buộc phải hạn chế mở cửa. Hay như lần đổi bao bì mới đây của Sprite, sử dụng chai nhựa trong suốt thay vì chai màu xanh trước đây để bảo vệ môi trường. Về mặt kỹ thuật, chai nhựa PET màu xanh hoàn toàn có thể tái chế. Tuy nhiên, trên thực tế, do quy trình xử lý vật liệu phức tạp nên việc tái chế này không thể diễn ra thường xuyên. Việc ngừng sử dụng chai nhựa xanh đặc trưng và chuyển sang chai nhựa PET trong suốt sẽ giúp tăng tỷ lệ bao bì tái chế tại Việt Nam.
Hoạt động chăm sóc kênh phân phối, gia tăng sự gắn kết hợp tác của khách hàng với Coca-Cola cũng là một điểm thú vị khi làm Trade marketing tại đây. Có thể kể đến Đại tiệc tri ân khách hàng hoành tráng nhất 2019 của Coca-Cola Việt Nam, lần đầu tiên sự kiện được tiếp đón số lượng khách hàng kỷ lục lên đến gần 3.500 người. Họ là các đại lý và nhà phân phối tiêu biểu trên toàn quốc. Với chủ đề “Chung tay kết nối – Dẫn lối vinh quang”, đêm tiệc đã mang đến cho khán giả những màn trình diễn được đầu tư công phu, bài bản của những nghệ sĩ nổi tiếng như Thu Minh, Tuấn Hưng, Ưng Hoàng Phúc, Bảo Anh, Dương Triệu Vũ, Thiều Bảo Trang, Hùng Dũng… Bên cạnh đó, màn trình diễn thời trang với bộ sưu tập độc đáo theo từng nhãn hàng của Coca-Cola Việt đã đem lại những bất ngờ thú vị cũng như lòng yêu mến của toàn thể nhà phân phối, đại lý và các chủ tiệm bán lẻ.
Anh có thể “bật mí” cho TM được biết phần nhiệm vụ mà anh thích nhất khi thực thi Marketing tại các điểm bán của Coca không?
Chà cái này khó quá nhỉ? Anh thích thú rất nhiều nhiệm vụ. Tuy nhiên điều anh thích nhất là đi tìm hiểu Insight của hai đối tượng: customer và shopper. Có thể hiểu, customer là đối tượng mua hàng, hay đối tượng trực tiếp tham gia giao dịch mua bán/trao đổi trên thị trường với chức năng thu mua hàng hóa từ người bán. Họ thường là nhà phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa…). Còn shopper là người đưa ra quyết định mua hàng tại điểm bán. Người mua hàng có thể mua cho họ hoặc mua cho gia đình.
Đây chính là hai đối tượng phục vụ chính của Trade Marketing và nhu cầu của họ cũng thay đổi từng ngày. Bởi vậy, mỗi ngày anh đều cần tìm hiểu thêm, trò chuyện thêm để hiểu thêm về họ và từ đó thực hiện chiến dịch tốt hơn.
Trong thời đại công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của mạng Internet và các ứng dụng trên thiết bị di động, người tiêu dùng có thể mua sắm qua ở bất cứ đâu và tại bất cứ thời điểm nào. Vậy theo anh, tại Việt Nam, Trade Marketer phải thay đổi thế nào để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của các kênh online?
Công nghệ đã tác động tới yếu tố hành vi của người tiêu dùng khá lớn, quay lại với câu trả lời ở trên, điều quan trọng nhất của Trade Marketing vẫn sẽ là thấu hiểu về kênh phân phối cũng như khách hàng tại kênh phân phối của mình. Trong xu hướng chuyển dịch từ offline sang online, Trade Marketer cũng sẽ cần cập nhật các kênh phân phối mới qua hướng online như thế nào và insight của khách hàng cũng như shopper ở trên kênh này như thế nào để có chiến lược cho phù hợp.
Khi kênh bán hàng mới xuất hiện, đương nhiên sẽ cần người đảm nhiệm để hỗ trợ và phát triển nó, Digital Trade Marketing theo anh sẽ làm một phần tất yếu của xu hướng, bên cạnh những yếu tố cũ của Trade Marketing, như sự phát triển của General Trade và Modern Trade vậy.
Theo kinh nghiệm của anh, để theo đuổi nghề Trade Marketing chuyên nghiệp thì cần học gì và trang bị những kỹ năng cụ thể nào?
Trước hết, các bạn cần có niềm yêu thích, hứng thú, và tò mò ham học hỏi về nó đã. Trade Marketing là một vị trí tổng hợp rất đa di năng làm việc với nhiều phòng ban, từng giai đoạn các bạn sẽ cần một bộ kỹ năng cụ thể: quản trị dự án (thiết lập dự án quản trị con người, quản trị thời gian, quản trị ngân sách…), kỹ năng giao tiếp thuyết trình…
Yếu tố sức khỏe là yếu tố kiên quyết của tất cả các công việc các bạn muốn làm tốt, không riêng gì vị trí Trade Marketing, nên hãy chuẩn bị và giữ cho mình sức khỏe thật tốt bao gồm cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Hãy luôn giữ tinh thần vui vẻ và giàu năng lượng để hoàn thành công việc của mình xuất sắc nhất nhé!
Đọc thêm: 8 kỹ năng của một Trade Marketer giỏi
Cảm ơn anh về những chia sẻ hữu ích trên đây về ngành Trade Marketing. Tomorrow Marketers hy vọng rằng các bạn trẻ còn đang băn khoăn về con đường trở thành một trade marketer có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích!
Tạm kết
Trade Marketing đang dần trở thành một xu thế vô cùng quan trọng trong việc thu hút người tiêu dùng bên cạnh Brand Marketing, đồng thời mang đến thêm một cơ hội ngành nghề hấp dẫn dành cho các bạn trẻ. Nếu như bạn muốn tìm hiểu về Trade Marketing nói riêng và bức tranh nghề nghiệp đa dạng trong Marketing nói chung, hãy cân nhắc khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc giúp bạn vững bước vào ngành ngay từ hôm nay nhé!
Nếu bạn tò mò, muốn tìm hiểu chi tiết về nhiệm vụ, công việc và lộ trình thăng tiến tại các công ty Client, Agency, Inhouse, tham khảo ngay Online Free Course “The Guide to Marketing Career” của Tomorrow Marketers nhé. Khóa học sẽ giúp bạn khám phá ngành Marketing qua việc hiểu tổng quan về các con đường sự nghiệp trong ngành và giúp bạn bạn hiểu chính bản thân mình. Từ đó giúp bạn xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp Marketing cho riêng mình. Khóa học hoàn toàn miễn phí nên bạn hãy nhanh chóng đăng ký nhé!