Tomorrow Marketers – Mỗi năm có khoảng 200,000 ứng viên nộp đơn ứng tuyển vào McKinsey, nhưng chỉ có khoảng 2,000 ứng viên trong số đó trúng tuyển (tỷ lệ thành công là 1%). Thông thường, các ứng viên không biết rằng bước cạnh tranh nhất trong quy trình ứng tuyển chính là bước lọc hồ sơ (resume hay CV) và thư giới thiệu (cover letter), với hơn 60% ứng viên bị loại. Vậy làm sao để sở hữu một bộ hồ sơ chất lượng giúp bạn lọt vào vòng phỏng vấn tại các công ty tư vấn hàng đầu như McKinsey, BCG và Bain? Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu mẹo viết CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn trong bài viết dưới đây nhé!
Đọc thêm: McKinsey, BCG và Bain khác nhau ở đâu?
Phần 1: Các công ty tư vấn hàng đầu mong đợi điều gì?
Bước đầu tiên trước khi bắt tay vào chuẩn bị một bộ hồ sơ giúp bạn lọt vào vòng phỏng vấn chính là tìm hiểu xem các công ty tư vấn đang tìm kiếm điều gì.
Có 2 phiên bản chính thức và không chính thức khi nói về chủ đề này. Phiên bản chính thức thường xuất hiện trên website của các công ty, còn phiên bản không chính thức lại ít được đề cập đến. Ở đây, chúng ta sẽ cùng bàn luận về cả 2 phiên bản này và cách mà các nhà tuyển dụng lọc hồ sơ trong thực tế.
1.1. Phiên bản chính thức
Như đã đề cập trong bài viết cách vượt qua case interview, tất cả các công ty tư vấn hàng đầu đều tìm kiếm ở ứng viên những kỹ năng giống nhau. Nếu so sánh phần mô tả của McKinsey và Bain về những kỹ năng mà họ tìm kiếm, bạn cũng sẽ thấy những điểm tương đồng. Cụ thể, các công ty tư vấn thường sẽ đánh giá cao những ứng viên có các đặc điểm sau:
- Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem-solving): Ứng viên cần thể hiện năng lực trí tuệ vượt trội khi giải quyết các vấn đề ở bậc Đại học hay trong quá trình làm việc.
- Sức ảnh hưởng cá nhân (Personal impact): Ứng viên cần thể hiện tinh thần cống hiến nhằm đạt được những kết quả tích cực trong hầu hết những dự án mình từng tham gia trước đây. Nói cách khác, ứng viên chính là người tạo được sức ảnh hưởng cá nhân trong hầu hết các dự án.
- Thiên hướng doanh nhân (Entrepreneurial drive): Ứng viên có những suy nghĩ và hành động khác biệt. Nếu có thể, ứng viên nên có một bản ghi chép về những sáng kiến mới mình từng đưa ra để thể hiện rằng, bản thân là một người không dễ dàng thỏa hiệp với cách làm truyền thống, mà luôn thích thử những cách làm mới.
- Kỹ năng lãnh đạo (Leadership abilities): Ứng viên từng có khả năng điều phối một nhóm người trong một bối cảnh nào đó thời Đại học.
Như vậy, có thể thấy rằng, mục tiêu đầu tiên mà bạn cần đạt được trong bản CV của mình đó là làm nổi bật những kỹ năng, kinh nghiệm có liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển. Mỗi gạch đầu dòng trong CV của bạn cần làm nổi bật được một trong những kỹ năng này, và nhìn chung, các gạch đầu dòng tương ứng với 4 nhóm trên cũng nên cân bằng với nhau.
Ví dụ, nếu CV của bạn có 20 ý, thì bạn nên chia ra như sau: 5 ý thể hiện bạn là người có khả năng giải quyết vấn đề tốt, 5 tiếp theo cho thấy bạn là người có tầm ảnh hưởng trong một team, 5 ý khác cho thấy bạn là người hay đưa ra các sáng kiến, và 5 ý cuối cùng thể hiện bạn có khả năng dẫn dắt một team.
Nếu làm theo những gợi ý này, bạn sẽ có khả năng ứng tuyển thành công. Những gợi ý này không chỉ hữu ích đối với việc hoàn thiện hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí entry-level, mà còn hữu ích đối với việc ứng tuyển vào các vị trí cao hơn. Tuy nhiên, thật không may là ngoài những sự thật này, bạn vẫn cần cân nhắc thêm những sự thật chưa-bao-giờ-được-kể (untold truth) về CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn.
1.2. Phiên bản không chính thức
Có 3 sự thật chưa-bao-giờ-được-kể về các công ty tư vấn mà bạn nên ghi nhớ khi chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào các công ty tư vấn.
Những cái tên “khủng”
Đầu tiên, những người xét duyệt hồ sơ sẽ nhìn vào những cái tên “khủng” trong CV của bạn. Giả sử, nếu bạn theo học những trường Đại học có tiếng như Harvard, Stanford, Oxford, Cambridge, v.v… thì CV của bạn sẽ được chú ý hơn. Hoặc nếu như không theo học những ngôi trường danh giá, thì những cái tên như JP Morgan, Coca-cola, Exxon hoặc Google, v.v… cũng có thể gây ấn tượng với họ trong phần kinh nghiệm làm việc.
Chắc bạn đang thắc mắc vì sao các công ty tư vấn lại ưa thích những cái tên trường Đại học lớn và những công ty xịn ở trên phải không? Thành thật mà nói, các công ty tư vấn hàng đầu luôn đề cao vấn đề học thuật và tính chuyên nghiệp. Điều này có hơi không công bằng, nhưng họ có một vài lý do cho sự lựa chọn của mình.
Thứ nhất, công ty sẽ dễ dàng giới thiệu những tư vấn viên ở Junior level cho khách hàng hơn nếu họ có những thành tích ấn tượng. Khi một khách hàng hỏi “Ai sẽ ở trong đội tư vấn?”, nếu công ty có thể trả lời rằng “Đội của chúng tôi có Linda là cử nhân trường Oxford, và cô cũng có bằng MBA trường Harvard” hoặc “Chúng tôi có Mike – người từng có 3 năm kinh nghiệm lãnh đạo một nhóm tại Google”, thì công ty sẽ nâng cao uy tín của mình và dễ dàng thương lượng một mức lương cao hơn cho các nhân viên tư vấn.
Thứ hai, các công ty tư vấn nhận được rất nhiều đơn ứng tuyển mỗi năm, chẳng hạn như McKinsey từng nhận khoảng 200,000 hồ sơ vào năm 2017. Họ không thể phỏng vấn tất cả các ứng viên, do đó cần đưa ra một phương pháp hiệu quả để chọn được số lượng ứng viên vừa phải tham gia vòng phỏng vấn. Những cái tên “khủng” sẽ là một đường tắt giúp ứng viên được gọi vào vòng phỏng vấn này. Các công ty sẽ muốn thuê những ứng viên có thành tích cao và cho rằng, nếu họ từng học tập/ làm việc tại những ngôi trường/ những công ty thuộc hàng top thì họ sẽ là những người có tỷ lệ thành công cao hơn.
Những sự thật này có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu và không công bằng nếu như bản thân không may mắn có được những cái tên “khủng” trong hồ sơ. Tuy nhiên, chúng không nói lên rằng bạn không có cơ hội ứng tuyển vào các công ty tư vấn lớn, chỉ là bạn cần phải cố gắng nhiều hơn mà thôi. Bạn sẽ phải networking nhiều hơn, cân nhắc xin vào làm việc/ thực tập tại các công ty lớn trước và sau đó nộp đơn ứng tuyển vào các công ty tư vấn nhiều lần. Chỉ cần bạn thực sự quyết tâm và không bỏ cuộc, bạn vẫn có thể được nhận.
Điểm trung bình (GPA)
Sơ yếu lý lịch của bạn thường sẽ được xem xét bởi một nhân viên của công ty – là sinh viên mới tốt nghiệp từ trường Đại học của bạn. Họ sẽ chấm điểm CV của bạn dựa trên một số tiêu chí, trong đó có điểm số của bạn. Tuy nhiên, điểm số chỉ là một trong những yếu tố đóng góp vào điểm số cuối cùng cho CV của bạn mà thôi.
Nếu điểm số của bạn ở mức thấp (GPA < 3.5 ở Mỹ, 2.1 hoặc thấp hơn ở Anh), CV của bạn sẽ được chấm ít điểm hơn. Do đó, bạn sẽ cần phải bù đắp cho phần điểm này bằng những thành tích nổi bật khác trong CV – ví dụ như một hoạt động ngoại khóa nào đó thể hiện rõ kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng kinh doanh của bạn.
Khả năng ngôn ngữ
Cuối cùng, một khía cạnh quan trọng của CV mà ít người nhắc đến đó chính là ngôn ngữ. Khả năng nói thành thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong một cuộc phỏng vấn vào các công ty tư vấn, bởi hầu hết các công ty tư vấn vận hành dựa trên mô hình nhân sự toàn cầu.
Giả sử, công ty bạn có trụ sở tại London nhưng sử dụng cả tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha khi làm việc, do đó công ty sẽ có thể gửi cho bạn các dự án ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha, thậm chí cả Bắc Mỹ, Nam Mỹ và nhiều quốc gia Châu Phi khác. Nếu bạn biết hơn 1 ngoại ngữ, giá trị của bạn trong công ty sẽ cao hơn nhiều.
Phần 2: 10 mẹo viết CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn
Sau khi tìm hiểu về những mong muốn từ nhà tuyển dụng, hãy cùng bắt tay vào chuẩn bị và sắp xếp các thông tin trong CV. Dưới đây là 10 mẹo hữu ích nhất mà bạn cần ghi nhớ khi viết CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn.
Tip #1: CV chỉ nên dài 1 trang
Sắp xếp các thông tin trong 1 trang CV là một thử thách, nhưng bạn chỉ nên trình bày nội dung trong vòng 1 trang này thôi. Tóm tắt toàn bộ các kinh nghiệm, thành tích học tập của bạn trong phạm vi khoảng 500 từ dường như là điều không thể, do đó bạn cần chọn ra các thông tin nổi bật nhất và diễn giải chúng một cách rõ ràng. Để làm tốt việc này, bạn nên luyện viết CV càng sớm càng tốt.
Tip #2: Sử dụng một format và một font chữ tiêu chuẩn
Sử dụng một format đặc biệt với một font chữ lạ mắt trong CV trông có vẻ hấp dẫn, và nhiều bạn cho rằng nó có thể giúp bạn nổi bật hơn. Nhưng sự thật là bạn sẽ không được cộng thêm điểm vào CV cho phần này. Trường hợp tốt nhất, người xét duyệt hồ sơ có thể nghĩ rằng: “Ồ, tôi chưa bao giờ thấy format này, trông cũng khá thú vị!”. Còn trường hợp xấu nhất, người đó có thể nghĩ rằng: “Nhân vật này là ai đây nhỉ? Hình như bạn ấy không biết cách trình bày một bản CV!”. Nên nhớ rằng nội dung CV mới là phần cần được quan tâm và làm nổi bật nhất, chứ không phải là format của nó.
Tip #3: Chia nội dung thành 5 phần
Tất cả các CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn nên có 5 phần: Thông tin cá nhân, Trình độ học vấn, Kinh nghiệm làm việc, Thành tích ngoại khóa và Kỹ năng bổ trợ. Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong CV của các ứng viên đó là bỏ qua phần Thành tích ngoại khóa. Đây là một sai lầm đáng tiếc bởi bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội thể hiện được một số kỹ năng mà các công ty tư vấn tìm kiếm, chẳng hạn như kỹ năng lãnh đạo hay kỹ năng kinh doanh.
Tip #4: Diễn đạt dễ hiểu
Đây là một yêu cầu quan trọng, đặc biệt là đối với những ai đã làm luận văn Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ. Người xem CV của bạn có thể sẽ không quen thuộc với lĩnh vực học tập hoặc làm việc của bạn, và cũng sẽ không có thời gian để Google bất cứ thông tin nào. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn là diễn giải mọi thứ một cách thật đơn giản.
Bạn có thể nhờ người thân hoặc bạn bè đọc thử CV của mình và chỉ ra những điểm khó hiểu. Nếu họ phải gãi đầu gãi tai, nhăn mặt cau mày để hiểu một câu hay một nội dung nào đó trong CV, chứng tỏ cách bạn diễn đạt đang bị khó hiểu. Đơn giản hóa mọi thứ là việc không hề dễ dàng, vì vậy bạn nên luyện tập kỹ năng này sớm.
Tip #5: Liệt kê các kỹ năng mềm
Như đã đề cập trong phần đầu tiên, McKinsey, Bain và các công ty tư vấn khác luôn tìm kiếm các kỹ năng rất cụ thể ở các ứng viên. Đa số các kỹ năng đó là kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, khả năng tạo ảnh hưởng cá nhân, kỹ năng kinh doanh, v.v… Nếu bạn có một bản CV chuẩn để ứng tuyển cho các công việc khác, rất có thể bạn sẽ phải điều chỉnh lại và trình bày các kỹ năng mềm cụ thể, rõ ràng hơn, phù hợp với yêu cầu của các công ty tư vấn. Nếu bạn không chú ý điều này, CV của bạn sẽ có nguy cơ bị bỏ qua vì không phù hợp với yêu cầu của các công ty tư vấn.
Tip #6: Sử dụng các động từ chỉ hành động
Người xét duyệt hồ sơ sẽ không đọc, mà chỉ xem lướt qua các CV của ứng viên. Bạn chỉ có đúng 10 giây để gây ấn tượng trong lần đầu tiên, và cách tốt nhất để làm điều này là sử dụng các từ khóa mà những người xét duyệt hồ sơ đang tìm kiếm một cách có ý thức hoặc vô thức trong hồ sơ ứng viên. Sử dụng các động từ chỉ hành động là một gợi ý khá hữu ích. Tất cả các câu trong CV của bạn nên bắt đầu bằng một động từ chỉ hành động để làm nổi bật những kỹ năng mềm mà các công ty đang tìm kiếm.
Ví dụ, ở phần mô tả kỹ năng lãnh đạo, bạn nên trình bày thành các gạch đầu dòng cụ thể bắt đầu bằng những động từ chỉ hành động như “Dẫn dắt một nhóm gồm 10 người”. Ở phần kỹ năng giải quyết vấn đề, bạn có thể viết như sau: “Giải quyết một trong những vấn đề kỹ thuật khó khăn nhất”. Những động từ này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi vì chúng xuất hiện ở ngay đầu mỗi câu. Nếu chọn được những động từ phù hợp để mô tả các kỹ năng của mình, bạn có thể gây ấn tượng với người xét duyệt hồ sơ, khiến họ có hứng thú đọc CV của bạn kỹ hơn.
Tip #7: Lượng hóa mọi thông tin
Những chuyên viên tư vấn luôn bị ám ảnh với việc định lượng mọi thứ. Phần lớn công việc của họ là ngấu nghiến hàng tá số liệu để tìm ra ý tưởng giúp khách hàng giải quyết vấn đề. Nếu ý tưởng của bạn không đi kèm với các con số thì nó chỉ được coi là một quan điểm, còn nếu đi kèm với các con số, nó sẽ trở thành một lý lẽ thuyết phục và có phần trang trọng hơn. Vì vậy, bạn nên áp dụng mẹo này để có lợi thế trong vòng CV. Hãy cố gắng lượng hóa các thành tích của mình càng nhiều càng tốt.
Chẳng hạn, nếu bạn được trao học bổng du học, hãy gán nó với một con số cụ thể như: “Nhận được học bổng Entente Cordiale để du học tại Vương quốc Anh (chỉ có 2 học bổng được trao cho hơn 1000 ứng viên mỗi năm)”. Điều này sẽ khiến bạn trở nên nổi bật hơn nhiều so với việc chỉ viết chung chung: “Nhận được học bổng du học tại Vương quốc Anh.”
Tip #8: Thể hiện sự khác biệt
Mỗi kỳ tuyển dụng, người xét duyệt hồ sơ phải làm việc với hàng trăm CV. Trên thực tế, có rất nhiều những bộ hồ sơ trông giống nhau. Do đó, nếu bạn có một điểm mạnh, một kỹ năng hay một kinh nghiệm gì đó đặc biệt, đừng ngần ngại mà hãy cho nó vào CV của mình. Tất cả những điểm khác biệt theo hướng tích cực mà bạn có – chẳng hạn, bạn từng có 6 tháng làm việc trong một cửa hàng bán dụng cụ lướt sóng ở Úc, hoặc từng thực tập 6 tháng không lương để làm từ thiện – nên được đề cập rõ ràng trong CV.
Tip #9: Xin ý kiến đóng góp
Khi hoàn thành xong bản CV đầu tiên, bạn nên xin ý kiến đóng góp từ mọi người để cải thiện nó. Nếu bạn quen biết những chuyên viên tư vấn hoặc ai đó từng làm công việc tư vấn, hãy nhờ họ đánh giá CV của bạn. Ngoài ra, những góp ý từ bạn bè đồng trang lứa cũng khá hữu ích. Họ sẽ có thể đưa ra một góc nhìn mới về CV của bạn, phát hiện các lỗi chính tả, các thông tin không nhất quán hoặc các phần diễn đạt mà họ cảm thấy khó hiểu.
Tip #10: Rà soát lại nội dung nhiều lần
Đây là bước cuối cùng trong quá trình chuẩn bị CV, và bước này rất quan trọng. Một trong những sản phẩm hữu hình trong các dự án tư vấn chính là các slide thuyết trình PowerPoint và các tài liệu Word được ghi chép trong suốt dự án. Đội ngũ tư vấn cần đọc đi đọc lại các tài liệu này nhiều lần trước khi bàn giao cho khách hàng, và bạn cũng nên làm quen với việc này bắt đầu từ việc rà soát nội dung CV của mình. Đặc biệt, hãy đảm bảo việc kiểm tra thông tin liên lạc trên CV của bạn ít nhất 3 lần.
Phần 3: Mẫu CV chuẩn McKinsey
Bây giờ, hãy thử áp dụng 10 mẹo ở trên để đối chiếu với mẫu CV chuẩn McKinsey dưới đây. Lưu ý rằng CV ứng tuyển vào các công ty tư vấn nên được chia thành 5 phần.
- Thông tin cá nhân (Personal information)
- Trình độ học vấn (Education)
- Kinh nghiệm làm việc (Work experience)
- Các thành tích ngoại khóa nổi bật (Extra-curricular achievements)
- Các kỹ năng bổ trợ và sở thích (Additional skills and interests)
Trước khi đi vào phân tích từng phần, bạn cần lưu ý một số điểm sau về mẫu CV này:
- Đây là CV ẩn danh của một ứng viên từng lọt vào vòng phỏng vấn tại McKinsey, BCG và Bain. Vì vậy, bạn có thể tin tưởng tham khảo.
- Có rất nhiều người sử dụng mẫu CV này, do đó bạn chỉ nên tham khảo chứ đừng copy y hệt. Hãy tự viết từng câu, từng phần trong CV của mình nhé.
- Bản CV mẫu này trông rất ấn tượng, và bạn có thể cho rằng đây là một trong số những CV ứng tuyển hoàn hảo nhất. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không có nhiều thành tựu, nhiều điểm nổi bật như chủ nhân của bản CV mẫu này, bạn vẫn có khả năng được gọi vào vòng phỏng vấn.
3.1. Thông tin cá nhân
Ở phần này, bạn nên trình bày tất cả các thông tin cá nhân mà phía các công ty yêu cầu một cách chi tiết. Dưới đây là một vài lưu ý dành cho bạn:
- Viết họ và tên bạn với font chữ lớn hơn so với các thông tin còn lại trong CV để gây chú ý.
- Không chèn ảnh, ngày tháng năm sinh hoặc giới tính vào CV – trừ khi có yêu cầu cụ thể từ một công ty nào đó.
- Sử dụng một địa chỉ email chuyên nghiệp. Tốt nhất email nên là tên thật của bạn thay vì các biệt danh.
- Kiểm tra kỹ các thông tin chi tiết, bao gồm địa chỉ và số điện thoại của bạn trước khi nộp CV.
3.2. Trình độ học vấn
Ở phần này, bạn chỉ nên tóm tắt các loại bằng cấp khác nhau mà bạn có (ví dụ: bằng Cử nhân, bằng Thạc sĩ, bằng Kỹ sư, v.v..), không nên ghi các thông tin từ bậc Phổ thông. Nếu bạn mới tốt nghiệp và chỉ có kinh nghiệm thực tập, phần này nên đứng sau phần Thông tin cá nhân. Còn nếu bạn đã có kinh nghiệm làm việc từ 1 năm trở lên, bạn có thể xem xét đẩy nội dung phần Kinh nghiệm làm việc lên trước. Dưới đây là một vài mẹo về cách viết phần nội dung này:
- Nếu có nhiều bằng cấp, bạn nên viết một đề mục phụ như phần in đậm trong ảnh trên cho mỗi loại bằng cấp, bắt đầu với trình độ học vấn cao nhất của bạn trước (ví dụ: viết bằng Thạc sĩ trước, sau đó mới đến bằng Cử nhân).
- Đối với mỗi mức bằng, bạn cần ghi rõ tên bằng, trường Đại học và ngày tháng ở tiêu đề. Bạn cũng nên mô tả ngắn gọn nội dung chương trình học có liên quan (không quá một dòng).
- Liệt kê điểm số của bạn (ví dụ: điểm GPA) và kết quả các bài kiểm tra chuẩn hóa khác mà bạn từng tham gia (ví dụ: SAT, GMAT, v.v.)
- Chi tiết tất cả các giải thưởng và học bổng bạn từng nhận được trong quá khứ, quan trọng nhất là mức độ cạnh tranh của chúng (ví dụ: giải thưởng của bạn là 1 trong 2 giải thưởng dành cho 1.000 sinh viên).
- Nếu từng viết luận văn/ luận án, bạn cũng nên tóm tắt chủ đề của chúng một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
3.3. Kinh nghiệm làm việc
Phần kinh nghiệm làm việc nên bao gồm các vị trí công việc trước đây bạn từng đảm nhiệm, bên cạnh đó là những thành tựu chính của bạn trong các vai trò này. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng giúp bạn kết nối các nội dung này với nhau:
- Ghi rõ tên chức vụ, tên công ty của bạn và ngày tháng trong tiêu đề. Sau đó, hãy mô tả về công ty/ phòng ban của bạn trong 1 câu. Lưu ý rằng cấu trúc của phần này cũng giống với phần Trình độ học vấn.
- Sử dụng các động từ chỉ hành động phù hợp để bắt đầu mỗi câu – các động từ thể hiện được top 4 kỹ năng mà các công ty tư vấn tìm kiếm ở ứng viên (kỹ năng giải quyết vấn đề, sức ảnh hưởng cá nhân, thiên hướng doanh nhân và kỹ năng lãnh đạo). “Dẫn dắt”, “Phân tích” hoặc “Trình bày” là một số ví dụ hay về các động từ chỉ hành động như vậy.
- Cân bằng các nhóm kỹ năng trong CV của bạn. Ví dụ, chú ý cách một số gạch đầu dòng ở trên là về khả năng lãnh đạo trong khi một số khác là về giải quyết vấn đề.
- Tập trung vào kết quả – những gì bạn đã làm được và số lượng thành tựu sẽ giúp bạn làm nổi bật những kinh nghiệm của mình.
3.4. Các hoạt động ngoại khóa nổi bật
Một trong những sai lầm phổ biến nhất trong CV của các ứng viên đó là không có phần thành tích ngoại khóa. Phần này đặc biệt quan trọng, bởi nếu bạn có kinh nghiệm làm việc hạn chế thì đây là một cách tốt để thể hiện kỹ năng lãnh đạo, thiên hướng doanh nhân và sức ảnh hưởng cá nhân. Ngoài ra, đây cũng là cách hiệu quả để bù đắp cho một số điểm trung bình khiêm tốn hoặc bù đắp cho việc bạn không phải là sinh viên của các trường top.
Cách bạn viết về các hoạt động ngoại khóa mình từng tham gia phải theo cùng format với phần Kinh nghiệm làm việc ở trên. Dưới đây là danh sách một số loại hoạt động ngoại khóa khác nhau mà bạn có thể viết trong CV:
- Câu lạc bộ: Nếu bạn từng giữ một vị trí nào đó trong một câu lạc bộ ở Đại học (ví dụ: câu lạc bộ tư vấn, câu lạc bộ tài chính, câu lạc bộ kịch, v.v.), bạn chắc chắn nên đề cập đến nó trong CV. Vị trí càng cao, bạn càng làm nổi bật khả năng lãnh đạo và quản lý đội nhóm của mình tốt hơn.
- Đội thể thao: Nếu bạn là thành viên của đội thể thao ở Đại học, bạn chắc chắn nên đưa vào CV cùng với thành tích của đội. Thông tin này sẽ làm nổi bật kỹ năng teamwork của bạn.
- Kinh doanh: Nếu bạn từng có những thương vụ “làm ăn” nhỏ với bạn bè ở Đại học, bạn có thể đề cập đến trong CV cùng với những thông tin như số lượng khách hàng, doanh thu mà bạn từng đạt được. Thông tin này sẽ cho thấy bạn là người có tinh thần tiên phong, luôn đưa ra những sáng kiến mới.
- Viết lách/ nghệ thuật: Nếu bạn thích viết lách hoặc bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, từng xuất bản một số tác phẩm cá nhân hoặc có một số lượng người theo dõi nhất định, bạn cũng nên đưa vào CV. Thông tin này sẽ làm nổi bật khả năng sáng tạo của bạn.
3.5. Các kỹ năng bộ trợ và sở thích
Cuối cùng, bạn nên dành phần cuối cùng trong CV để viết về các kỹ năng bổ trợ mà bạn có. Hãy viết thật đơn giản, chẳng hạn như liệt kê các ngoại ngữ/ ngôn ngữ lập trình nào đó mà bạn thành thạo. Riêng với ngoại ngữ, bạn nên xác định rõ mức độ thành thạo của bạn trong CV.
Đọc thêm: 6 tips giúp bạn đối mặt với khủng hoảng tuổi 20
Tạm kết
Hy vọng rằng những thông tin hữu ích trong bài viết này sẽ giúp bạn tạo ra một CV chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng của các công ty tư vấn. Tham khảo khoá học Master Critical Thinking & Interview của Tomorrow Marketers để trang bị critical thinking – top kĩ năng hàng đầu nhà tuyển dụng tìm kiếm ở ứng viên, kĩ năng viết CV & Essays ứng dụng AI Tools, giải Aptitude Test và phỏng vấn.
Tham khảo khóa học Case Mastery của Tomorrow Marketers để trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng chinh phục các công ty consulting, các tập đoàn đa quốc gia nhé!
Bài viết của IGotAnOffer và biên dịch bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép hay đăng lại dưới mọi hình thức.