Tomorrow Marketers – Với vai trò là nhà tài trợ vàng của cuộc thi NielsenIQ Case Competition 2021, Tomorrow Marketers đã phối hợp cùng NielsenIQ tổ chức buổi Hội Thảo Thông Tin Trực Tuyến, diễn ra vào lúc 14h ngày 23/10. Đến với sự kiện, các bạn khán giả không chỉ được lắng nghe những chia sẻ thú vị về ngành nghiên cứu thị trường, mà còn được giải đáp tất tần tật những yêu cầu và mong đợi từ phía BGK cho cuộc thi NCC năm nay.
Đặc biệt, các bạn cũng đã được tương tác và giao lưu với anh Thiện Nguyễn và chị Thuỵ Nguyễn. Hai anh chị là các cựu thí sinh đã từng bước ra từ NCC. Hiện cũng đang đảm nhiệm những vị trí nổi bật tại NielsenIQ Việt Nam và góp mặt trong thành phần ban tổ chức của cuộc thi năm nay. Từ đó, bạn có thể đưa ra những chuẩn bị tốt hơn về mặt chiến lược cho nhóm của mình.
Bên cạnh đó, buổi hội thảo cũng có một phần Minitest với các câu hỏi liên quan đến vòng 1 để các bạn làm quen. Hãy cùng tìm hiểu với TM trong bài blog này nhé.
I. Chia sẻ từ những anh chị đã từng là cựu thí sinh, đồng thời hiện đang là ban tổ chức cuộc thi NielsenIQ Case Competition 2021
1. Chị Thuỵ Nguyễn đã tham gia NCC từ năm 2016, anh Thiện đã tham gia từ năm 2018. Nếu được diễn tả trải nghiệm tại cuộc thi NCC bằng 3 từ, anh chị sẽ diễn tả nó như thế nào ạ?
Chị Thuỵ Nguyễn:
Thật ra cuộc thi NCC mà chị tham gia đã diễn ra từ 5 năm trước rồi, nhưng chị tin là những bạn tham gia cuộc thi này trong năm nay cũng sẽ có 3 từ khá giống chị, đó là xuyên đêm, thú vị và cực kỳ bổ ích. Sở dĩ chị nói như vậy vì các bạn sẽ được trải qua cảm giác xuyên đêm cùng nhau, cảm giác mất ngủ, căng thẳng, nhất là trong hai vòng 2 và 3, các bạn chỉ có 24-48h để hoàn thành cái đề bài thôi.
Tuy nhiên, các bạn sẽ không phải thất vọng vì xuyên suốt cuộc thi, các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kiến thức và kỹ năng mới lạ hơn những gì các bạn được học trên ghế nhà trường. Những điều đó chỉ có thể đúc kết được từ trải nghiệm thực tế của cuộc thi, và nó sẽ là hành trang cho các bạn. Dù các bạn có đạt được giải cao hay không thì đây cũng là những kiến thức đặc biệt hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm kiếm đam mê và phát triển sự nghiệp sau này.
Anh Thiện Nguyễn:
Cá nhân anh cũng có những cảm xúc đan xen giống chị Thuỵ. Cái đầu tiên có lẽ phải nhắc đến từ “Wow”, bởi vì cuộc thi NielsenIQ hồi đó là cuộc thi đầu tiên mà anh Thiện tham gia. Phải nói “wow” từ khâu tổ chức cũng như khâu ra đề từ phía ban tổ chức, vì đó là một đề bài rất thú vị mà anh vẫn nhớ đến tận bây giờ. Nó gắn liền với tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
Từ thứ hai đó là “challenging”. Cuộc thi này phải nói rất nhiều thử thách thú vị cho tất cả các bạn thí sinh, đặc biệt là một người mới “chân ướt chân ráo” đi thi như anh. Tuy nhiên, sau cuộc thi, đặc biệt là sau đêm chung kết, anh dùng một từ đó là “rewarding”. Sở dĩ cuộc thi này đáng giá vì như chị Thuỵ nói ở trên, cuộc thi này giúp các bạn mở mang tầm mắt và đặc biệt là mở rộng mạng lưới các mối quan hệ của mình.
2. Đó là những cảm nhận sau khi trải qua cuộc thi. Vậy còn trước khi cuộc thi diễn ra, động lực nào khiến anh Thiện quyết định dấn thân?
Anh Thiện Nguyễn:
Thực ra có nhiều lý do mang anh đến với cuộc thi này. Thứ nhất là do ngày xưa anh học đại học Ngoại Thương, mà như mọi người biết các bạn Ngoại Thương rất năng động và tìm hiểu rất nhiều cuộc thi. Cuộc thi duy nhất mà anh hướng đến lúc đó là NielsenIQ, đó là cuộc thi lớn nhất lúc đó mà anh đã quyết định đăng ký tham gia.
Thứ hai là sự ham học hỏi. Anh nghĩ mình có thể học thêm được nhiều kiến thức và kỹ năng mới sau trải nghiệm ở cuộc thi, trong đó có kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Thực ra kỹ năng này anh cũng đã được học ở trên trường. Thế nhưng, thuyết trình cho doanh nghiệp về cách giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào thì là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với anh.
Tiếp theo cũng không kém phần quan trọng là kỹ năng phân tích dữ liệu. Với nguồn dữ liệu lớn, mình sẽ phải suy nghĩ làm sao để có thể làm việc nhóm và tối ưu được những dữ liệu sẵn có để đưa ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp. Đó là một điểm rất hay của cuộc thi.
3. Cả hai anh, chị vừa là cựu thí sinh vừa nằm trong thành phần ban tổ chức của cuộc thi năm nay. Vậy em muốn hỏi chị Thuỵ là cuộc thi năm nay với những thử thách như vậy thì sẽ phù hợp nhất với đối tượng thí sinh như thế nào ạ?
Chị Thuỵ Nguyễn:
Đây cũng là một câu hỏi chị nhận được rất nhiều từ các bạn. Có những bạn cũng hỏi chị là “Chị ơi, em là sinh viên không theo chuyên ngành kinh tế, cũng không học ngành gì liên quan tới kinh tế. Nhưng em lại rất thích số liệu. Em đang thắc mắc không biết NielsenIQ Case Competition có phù hợp với em không?”
Câu trả lời của chị Thuỵ là “Hoàn toàn có”. Chỉ cần các bạn có đam mê với phân tích số liệu, đam mê giải mã số liệu ấy để tìm ra insight và đưa ra tư vấn chiến lược cho khách hàng, cho một doanh nghiệp thì các em hoàn toàn có thể tham gia.
Hơn nữa, NielsenIQ là một công ty nghiên cứu thị trường với rất nhiều data trên thị trường, và các data đó sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh hơn. Vậy nên, những phân tích và insight các bạn rút ra được sẽ không giới hạn trong phạm vi dữ liệu nội bộ mà các bạn sẽ có cái nhìn tổng quát trên thị trường (các nhà sản xuất trên thị trường, những xu hướng,…). Từ đó, các bạn sẽ đưa ra được những giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, đây là cuộc thi tập trung nhiều vào phân tích dữ liệu. Vậy nên, nó sẽ rất phù hợp với các bạn có logical thinking và đam mê với số liệu.
II. Các câu hỏi liên quan trực tiếp đến cuộc thi
1. Em được biết anh Thiện phụ trách trực tiếp mảng “learning & development skill”. Tức là anh sẽ tiếp xúc với rất nhiều các bạn thực tập sinh và sinh viên mới ra trường. Vậy theo anh, thông qua cuộc thi này, các bạn ấy sẽ cần học hỏi và trau dồi thêm những kiến thức và kỹ năng gì?
Anh Thiện Nguyễn:
Trước hết, phải nói là các bạn Intern hay các bạn sinh viên trẻ rất giỏi, rất tự tin và biết được mình đang muốn cái gì. Tuy nhiên, kèm theo đó là những kỹ năng mềm mà các bạn hoàn toàn có thể cải thiện thêm để có thể vững bước trên con đường sự nghiệp.
Cụ thể, có 2 kỹ năng chính trong cuộc thi này:
Kỹ năng làm việc nhóm: Ở trên trường các bạn cũng đã được làm việc nhóm, nhưng thường nó sẽ kéo dài khoảng vài tuần hoặc 1 tháng. Tuy nhiên, với áp lực thời gian trong cuộc thi, cụ thể là 48 tiếng, và 24 tiếng để giải Case, kỹ năng làm việc nhóm của các bạn phải chuyên nghiệp hơn rất nhiều để đưa ra kết quả tốt nhất. Để phát huy tốt kỹ năng này, anh có một lưu ý cho các bạn thí sinh.
Trước khi vào làm việc nhóm với nhau, chúng ta nên chú trọng vào chữ “U” đầu tiên đó là “Understand”. Bạn phải nắm được team member của mình có những kỹ năng và điểm mạnh gì, từ đó có thể phân bổ nguồn lực cho các phần khác nhau của giải Case như phân tích dữ liệu, data visualization (trực quan hoá dữ liệu), thuyết trình và dự đoán các câu hỏi của ban giám khảo,…
Kỹ năng phân tích: Trên trường chắc hẳn các bạn cũng đã tiếp xúc với việc phân tích qua các môn học như kinh tế lượng, xác suất thống kê hoặc một số môn về business/giải case. Tuy nhiên, nếu được hỏi là có kết hợp được những nguồn dữ liệu đó vào những tình huống rất thực tế hay chưa, thì có thể là chưa. Bởi vì trên trường chưa có cập nhật nhiều như các tình huống mà NielsenIQ sẽ đưa ra trong những vòng tiếp theo của cuộc thi. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội để các bạn nâng tầm khả năng phân tích của mình.
Đọc thêm: Trúng tuyển Management Trainee của Jardines Matheson bằng tư duy dữ liệu thế nào?
2. Về kỹ năng Storytelling, một kỹ năng quan trọng trong công việc, cuộc thi và cả trong cuộc sống. Không biết chị Thuỵ có thể chia sẻ cách mình vận dụng kỹ năng này để phân tích dữ liệu khi mà có quá nhiều dữ liệu cần xem xét không ạ?
Nó sẽ được tóm gọn lại trong 3 chữ S:
- Thứ nhất là Scan. Tức là khi các bạn được đưa cho một đề từ cuộc thi, các bạn có thể choáng ngợp vì có rất rất nhiều data ở trong đó. Và không phải dữ liệu nào các bạn cũng cần thiết. Vì vậy, Scan là bước đầu tiên giúp các bạn biết được có những dữ liệu nào, từ đó đưa ra được định hướng cho bài làm của mình.
- Chữ S thứ hai là “Select” (lựa chọn). Sau khi đã Scan, mình sẽ giới hạn số lượng chủ đề mình làm trong bài thi của mình, bởi vì một bài không nên có quá nhiều chủ đề. Ban giám khảo sẽ không thể nhớ hết được bài làm của bạn đã có những message hay những thông tin gì.
- Chữ “S” cuối cùng đó là “Structure”. Bước này yêu cầu các bạn phải sắp xếp các ý đã chọn ở bước trước thành một câu chuyện. Cụ thể, các bạn phải đảm bảo được rằng những phần sau phải luôn luôn hỗ trợ được thông tin phần trước của bài, tránh để phần sau chứa những thông tin đi ngược lại phần trước hoặc không liên quan chút nào đến phần trước cả. Đó là điểm mấu chốt để tạo nên một câu chuyện: Tính liền mạch.
3. Các bạn sinh viên sẽ đóng vai trò là bên thứ 3 tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp. Vậy theo anh, chị, các bạn thí sinh cần những tố chất nào để trở thành một advisor đáng tin cậy?
Chị Thuỵ Nguyễn:
Đầu tiên, các bạn chắc chắn phải có “tư duy logic” để đưa ra insight từ những số liệu sẵn có. Tất cả những recommendation các bạn đưa ra cho doanh nghiệp cần phải dựa trên Fact & Figure. Bởi vì người ta thường nói là “numbers do not lie” (những con số không bao giờ biết nói dối cả).
Thứ hai là “client-centric mindset”. Tức là bạn phải đứng ở góc nhìn của doanh nghiệp chứ không chỉ là bên thứ ba. Bởi vì chị thấy rất nhiều trường hợp các bạn đưa ra gợi ý không phù hợp với doanh nghiệp. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp được đưa ra trong đề để đưa ra được những gợi ý phù hợp nhất.
Điều cuối cùng là bạn phải rất tự tin để đưa ra ý kiến cá nhân của mình. Nếu các bạn có những gợi ý rất hay, nhưng khi thuyết trình lại không thể trình bày được hết khả năng đó thì các bạn sẽ không thể nào thuyết phục được họ.
Anh Thiện Nguyễn:
Quan điểm của anh khá giống với chị Thuỵ. Anh chỉ bổ sung thêm hai ý quan trọng mà ban tổ chức cũng khá chú trọng trong cuộc thi lần này. Thứ nhất là sức bền. Đây là tố chất rất cần có để bạn vượt qua được những vòng cam go của cuộc thi.
Thứ hai đó là, sau khi bạn phân tích số liệu và tìm ra được insight rồi, điều cần thiết là bạn phải đưa ra được giải pháp tiếp theo cho doanh nghiệp cụ thể là gì. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu của anh trong cuộc thi năm 2018.
4. Đối với anh, chị, cuộc thi NielsenIQ Case Competition có tác động gì tới định hướng nghề nghiệp của anh. Đây có phải là một lý do để anh, chị bắt đầu sự nghiệp của mình tại NielsenIQ?
Anh Thiện Nguyễn:
Theo như anh chia sẻ, thực ra cuộc thi này cũng chiếm khoảng 60-70% quyết định của anh, và anh đã quyết định đầu quân cho NielsenIQ sau khi ra trường. Hồi anh thi thì anh là sinh viên năm 3, và các đội quán quân và á quân có một suất thực tập tại NielsenIQ.
Một trong những lý do quan trọng nhất khiến anh đưa ra quyết định đó là bởi anh muốn phát huy khả năng critical và logical thinking. Đó là những kỹ năng khiến mình trở nên khác biệt với máy móc.
Chị Thuỵ Nguyễn:
Đội của chị thì không có được giải thưởng á quân hay quán quân gì. Thế nhưng điều chị nhận ra được đó là mình học hỏi được thông qua những cuộc thi như thế này. Nhờ cuộc thi mà chị xác định được đam mê của mình đối với ngành nghiên cứu thị trường, cũng như là phân tích dữ liệu.
Hơn nữa, chị và nhóm của chị cũng rất thích concept của cuộc thi. Nhóm của chị nghĩ rằng sẽ rất hứng thú nếu một ngày mình được trực tiếp đảm nhận công việc như vậy. Vì vậy, mọi người đã nộp đơn cho chương trình thực tập sinh của NielsenIQ năm 2017.
Chị còn nhớ mãi là trong buổi chung kết, anh quản lý cấp cao cũng là giám khảo có xem qua CV của chị và quyết định luôn là sẽ nói chuyện với chị về những định hướng sau này, và để hiểu tại sao chị lại muốn nộp đơn vào chương trình thực tập sinh này. Vậy nên, đó là một cơ hội networking rất tốt cho các bạn khi tham gia cuộc thi.
Nói thật là chị không bao giờ hối hận cho sự lựa chọn ngày đó. Đến bây giờ chị cũng rất rất vui vì cuộc thi đã giúp chị tìm ra đam mê của mình với nghiên cứu thị trường.
5. Đối với những bạn sinh viên năm 3, 4 chưa có kinh nghiệm thực tế về kinh doanh, anh, chị có thể đưa ra vài lời khuyên cho các bạn được không ạ?
Anh Thiện Nguyễn:
Đầu tiên đó là sự chuẩn bị kỹ càng cho phần Mock Test tiếp theo mà ban tổ chức có gửi đến cho các bạn. Phần dưới sẽ có những chia sẻ thực tế của anh Long là trưởng ban tổ chức của cuộc thi về thể lệ cũng như những yêu cầu của cuộc thi năm nay.
Tiếp theo, các bạn rất cần ngồi lại với team của mình xem để phân chia vai trò và nhiệm vụ của từng member trong những vòng cam go tiếp theo.
Chị Thuỵ Nguyễn:
Đầu tiên, các bạn nên chú tâm thật nhiều vào vòng thi đầu tiên. Bởi vì đây là vòng thi có tỷ lệ chọi khá cao.
Tuy nhiên, về dài hạn, trước tiên các bạn nên siêng năng đọc nhiều hơn. Nó sẽ giúp các bạn cải thiện tư duy phân tích khá nhiều. Các bạn có thể đọc những tin tức xã hội hàng ngày, về kinh tế Việt Nam và các nước. Chẳng hạn như trang chính thức của NielsenIQ cũng có rất nhiều báo cáo nghiên cứu thị trường. Các bạn có thể học được từ đó cách phân tích và đưa ra nhận định từ số liệu như thế nào.
Tiếp theo, các bạn rất nên rèn luyện kỹ năng thuyết trình bằng tiếng Anh và sẵn sàng đương đầu với thách thức. Có rất nhiều bạn tâm sự là có rất nhiều đội tham gia nhưng chỉ có vài đội được vào vòng chung kết. Vậy thì làm sao cơ hội có thể tới lượt em? Các bạn cần phải loại bỏ tư duy này ngay lập tức và luôn sẵn sàng để ra khỏi vùng an toàn của mình. Bởi vì như chị đã nói, bản thân chị không phải là quán quân nhưng chị cũng đã bước được những bước rất xa trên con đường sự nghiệp tại NielsenIQ. Vậy nên các bạn đừng nên đặt nặng vấn đề về quán quân hay á quân mà hãy nhìn vào trải nghiệm quý giá tại cuộc thi.
6. Không biết chị Thuỵ có thể chia sẻ thêm về khóa học giúp các bạn trẻ trau dồi những kiến thức và kỹ năng để tự tin làm việc với data và bước vào cuộc thi được không ạ?
Chị Thuỵ Nguyễn:
Thực ra trên thị trường có rất nhiều khoá học có thể hữu ích cho các bạn. Và một trong những đơn vị tài trợ của NielsenIQ Case Competition năm nay là Tomorrow Marketers cũng có rất nhiều khoá học hữu ích cho các bạn tham khảo. Thêm vào đó, các bạn cũng có thể theo dõi thường xuyên fanpage của NielsenIQ để cập nhật những buổi học miễn phí và cực kỳ hữu ích.
Kiến thức từ khoá học là một phần. Để vững vàng và làm giàu vốn kiến thức hơn, các bạn nên góp nhặt những kiến thức mỗi ngày hơn là chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 khoá học thôi.
7. Cuộc thi năm nay chỉ có 24-48 tiếng để tham gia. Liệu đây có phải cường độ công việc thực tế đòi hỏi và làm sao để các bạn thí sinh có thể vượt qua?
Anh Thiện Nguyễn: Thực tế đúng là trong một số thời điểm, áp lực làm việc tại NielsenIQ cũng khá cao. Đó là lý do vì sao các bạn được trải nghiệm thi dưới sức ép thời gian như vậy. Đồng thời, nó cũng cho bạn một kỹ năng kiên cường hơn là kỹ năng teamwork phải thật tốt để có thể deliver được kết quả tốt nhất trong một thời gian ngắn.
Có 3 yêu cầu để chúng ta có thể hoàn thành bài thi dưới áp lực thời gian như vậy:
- Kỹ năng teamwork: Chúng ta không thể làm phần thi một mình dưới một áp lực thời gian ngắn như vậy được. Việc phân bổ thời gian và phân chia trách nhiệm đều cho cả team sẽ là điểm khác biệt so với các team còn lại.
- Biết đâu là đầu việc chính mình cần phải xử lý trước. Nó bao gồm thời gian phân tích đề và cả thời gian chuẩn bị để thuyết trình.
- Luôn chuẩn bị tinh thần học hỏi và tiến lên thay vì chỉ tập trung vào kết quả.
8. Cuộc thi năm nay vòng 1 có thay đổi về Format là phần thi trắc nghiệm. Vậy anh, chị có thể cho biết hình thức thi sẽ như thế nào và các kiến thức anh, chị muốn kiểm tra?
Chị Thuỵ Nguyễn:
Đề thi năm nay sẽ kiểm tra khả năng của các bạn về những nội dung như sau:
- Đọc hiểu số liệu: Các bạn sẽ được cung cấp các tài liệu. Và đa số đề sẽ dựa trên những thông tin trong đó. Vậy nên, các bạn lưu ý phân chia thành viên để đọc thật kỹ tất cả các tài liệu đó.
- Cuộc thi sẽ test khả năng đọc số liệu, phân tích dữ liệu và vận dụng được những kiến thức trong đó để áp dụng vào tình huống thực tế trong đề.
Đọc thêm:
Recap sự kiện Case Competition Conference – Phần 1
Recap sự kiện Case Competition Conference – Phần 2
III. Phần Mock Test
Các bạn sẽ được làm thử các câu hỏi trắc nghiệm ngay bây giờ cùng với lời nhận xét của các anh, chị.
1. NCTT (Nghiên cứu thị trường) giúp ích cho doanh nghiệp ở những giai đoạn kinh doanh nào?
A. Xác định/đánh giá nhu cầu khách hàng
B. Phát triển và tung sản phẩm mới
C. Kế hoạch marketing và truyền thông
D. Xuyên suốt các giai đoạn kinh doanh
Hầu hết các bạn đều chọn đáp án D và đó là đáp án hoàn toàn chính xác.
Lời giải thích của anh/chị: NCTT là một chuỗi từ khi doanh nghiệp đặt ra vấn đề/câu hỏi. Sau đó chúng ta sẽ tiến hành phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra được insight và những gợi ý cho doanh nghiệp.
2.Câu nào sau đây đúng? (nhiều câu trả lời)
A. Thị phần cao nhất mà một nhãn hàng có thể đạt được là 100%
B. Nếu nhãn hàng tăng doanh thu so với năm ngoái, chắc chắn họ sẽ tăng thị phần
C. Thị phần của nhãn hàng A năm 2018 bằng tổng thị phần các quý trong năm
D. Thị phần được tính bằng doanh thu của nhãn hàng chia cho doanh thu tổng ngành hàng (ở 1 thị trường tại 1 thời điểm)
Đa số các bạn chọn phương án B, C, D. Phương án trả lời đúng: A và D. Bởi vì câu D đúng nên câu C sẽ sai. Bởi vì các quý trong năm là các khoảng thời gian khác nhau. Vì vậy, nó sẽ không chính xác khi cộng tất cả các quý trong năm và quy ra thị phần của năm. Ví dụ, thị phần của mỗi quý đang là khoảng hơn 30%. Khi mình cộng tất cả 4 quý lại thì thị phần sẽ là hơn 100% (hoàn toàn vô lý).
Đối với câu B chưa chính xác. Các bạn hãy tưởng tượng doanh thu trong một ngành hàng nào đó là một miếng bánh. Từng nhãn hàng là một phần trong miếng bánh đó. Vì vậy, nhãn hàng này có thị phần tăng lên thì sẽ có nhãn hàng khác với thị phần giảm đi. Vậy nên không có trường hợp tất cả các nhãn hàng cùng tăng thị phần được. Trường hợp này, nếu mình tăng doanh thu so với năm ngoái nhưng vẫn tăng chậm hơn so với ngành hàng thì chắc chắn là mình không thể tăng thị phần được bởi vì mình tăng trưởng không có bằng các đối thủ khác.
Câu A chính xác. Điều này đúng khi thị trường hoặc ngành hàng đó chỉ có một mình bạn. Thì miếng bánh đó tất nhiên sẽ dành hết cho bạn.
3. Dựa vào biểu đồ bên dưới, phân khúc nào tiềm năng nhất mà nhãn hàng cần tập trung?
A. Economy (bóng màu xanh lá)
B. Mainstream (bóng màu xanh da trời)
C. Affordable Premium (bóng màu đỏ)
D. Premium (bóng màu vàng)
Đa số các bạn chọn phương án C. Và đây là phương án đúng.
Giải thích: Độ lớn của quả bóng chính là thị phần của phân khúc đó. Vậy nên trái bóng càng lớn thì phân khúc đó càng lớn và là thị trường tiềm năng. Mức độ tiềm năng còn được đánh giá dựa trên tốc độ tăng trưởng của phân khúc đó. Nếu phân khúc đó to nhưng đang giảm rất nhiều thì nó chưa phải là phân khúc tiềm năng. Đó chính là đáp án Economy (màu xanh lá). Ở đây chúng ta đều thấy nó rất là lớn. Tuy nhiên cả tăng trưởng năm 2019 so với 2018 (trục tung) và 2020 so với 2019 (trục hoành) thì đều âm hết.
Chúng ta chọn quả bóng màu đỏ (Affordable Premium). Bởi vì nó có độ lớn thứ hai chỉ sau quả bóng màu xanh lá. Và nó cũng đang tăng trưởng dương cả trong 2019 và 2020. Vì vậy, đây chính là phân khúc tiềm năng nhất.
4. Với số liệu bên dưới, nếu nhãn hàng A muốn tăng 1% thị phần thì phải tăng doanh thu bao nhiêu % so với năm 2020? (giả định ngành hàng không có sự thay đổi)
A. 10%
B. 7.3%
C. 3%
D. 5.5%
Đa số các bạn chọn đáp án C.
Giải thích: Toàn bộ ngành hàng sẽ tương ứng với 4,712. Chúng ta lấy 1% nhân với 4,712 thì sẽ ra tổng số % doanh thu tăng thêm. Và mình chỉ cần lấy cái đó chia cho doanh thu của nhãn hàng A thì mình sẽ ra được con số tương ứng là 3%.
IV. Format, Rules và Award của cuộc thi NielsenIQ
1. Rules
- Nghiêm cấm sao chép hay lấy tài liệu từ nguồn khác mà không ghi rõ nguồn hay được chấp nhận.
- Mỗi đội thi phải đảm bảo tự bảo vệ sản phẩm trí tuệ của mình
2. Format
- Hạn nhận đơn đăng ký: 30/10/2021, đăng ký theo team từ 3-4 thành viên.
- Ngôn ngữ sử dụng chính thức: English
- Vòng thi thứ nhất (Round 1: The truth Seeker) sẽ diễn ra vào ngày 5/11/2021.
MCQ test khoảng 30 câu hỏi trong vòng 15 phút (khác với vòng thi năm ngoái). Mục đích là giúp cho các bạn trang bị được những kiến thức rất nền tảng về thị trường, dữ liệu để chuẩn bị kỹ lưỡng cho những vòng sau. Nếu các bạn trả lời sai hoặc không trả lời sẽ trừ 1 điểm. Các bạn trả lời đúng sẽ được cộng 1 điểm. Các bạn hoàn thành bài thi càng sớm sẽ có điểm bonus. NIQ Textbook được cung cấp làm tư liệu tham khảo cho cuộc thi.
- Semi-final (the storyteller): 11 và 12/11/2021: Có tổng cộng 16 đội tốt nhất được chọn tham gia. Trong vòng 24h, các bạn phải giải Case và present với ban giám khảo. Các anh chị trong NielsenIQ sẽ thực hiện training và coaching cho các bạn trong ngày 11 để sẵn sàng bước vào vòng thi ở ngày 12.
- Final (The truth advisor): 18 và 19/11/2021: Có tổng 4 đội xuất sắc nhất được chọn.
Lưu ý: Đề thi năm nay sẽ tập trung vào Modern Trade do ảnh hưởng của Covid trong năm nay. Đó là xu hướng của Việt Nam cũng như của khu vực.
3. Award
- 1 Champion: Giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 10 triệu và những phần quà khác đến từ ban tổ chức, Certification, Học bổng, Một suất thực tập tại NielsenIQ
- 1 Runner-up: Giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 5 triệu cùng những phần quà khác từ ban tổ chức, Certification, Học bổng, Một suất thực tập tại NielsenIQ
- 2 Finalist: Những phần quà từ ban tổ chức, Certification, Học bổng, Một suất thực tập tại NielsenIQ (sau khi vượt qua vòng interview cuối cùng)
- Top 16: Certification, Học bổng, Một suất thực tập tại NielsenIQ (sau khi vượt qua vòng interview cuối cùng)
Trên đây là những thông tin căn bản liên quan tới cuộc thi. Những thông tin và tài liệu chi tiết sẽ được gửi đến các bạn trong từng vòng khác nhau.
Tạm kết
Chắc chắn những chia sẻ từ các anh, chị ngày hôm nay không chỉ tiếp lửa cho các bạn trẻ trong cuộc thi lần này và các cuộc thi giải Case khác mà còn truyền cảm hứng cho các bạn để hoàn thiện bản thân và tự tin trong sự nghiệp của mình. TM tin rằng dù các bạn có ở đâu hay là ai đi chăng nữa, chúng ta, những người trẻ đều khát khao được ít nhất một lần bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
Nếu các bạn muốn làm chủ kỹ năng đọc, hiểu, phân tích dữ liệu để ra quyết định chiến lược, chuẩn bị cho NCC năm nay và các chương trình Management Trainee sắp tới, tham khảo ngay khóa học Data Analysis của Tomorrow Marketers ngay hôm nay nhé.