Phân biệt SEO và SEM – Khi nào nên sử dụng SEM, khi nào nên sử dụng SEO để tối ưu chi phí và tăng traffic

marketing foundation

Tomorrow Marketers – Hai khái niệm SEO và SEM khác nhau như thế nào? Giữa SEO và SEM, doanh nghiệp nên tập trung đầu tư cho hoạt động nào? Kết hợp SEO với SEM thế nào để vừa đạt hiệu quả cao lại tiết kiệm được chi phí? Hãy cùng Tomorrow Marketers đi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây nhé!

Nhưng trước tiên, hãy cùng tìm hiểu một vài khái niệm cơ bản:

1. SEO là gì? 

Khi bạn tìm kiếm một chủ đề bất kỳ, công cụ tìm kiếm sẽ trả về hai loại kết quả:

  • Kết quả tìm kiếm trả phí (Paid results): Các kết quả phải trả tiền để được xuất hiện
  • Kết quả tìm kiếm tự nhiên (Organic results): Các kết quả phù hợp nhất với truy vấn tìm kiếm 

SEO (Search Engine Optimization) là những hoạt động tối ưu hóa nhằm giúp các nội dung trên website đạt được thứ hạng hiển thị cao trong phần kết quả tìm kiếm tự nhiên (organic results) của các công cụ tìm kiếm. 

SEO được cấu thành từ 3 yếu tố chính: 

  • On-page SEO: Tối ưu các yếu tố trên website như title tags, URL, meta descriptions, thẻ alt hình ảnh, từ khóa,… theo chuẩn SEO nhằm giúp công cụ tìm kiếm có thể hiểu các nội dung một cách nhanh chóng.  
  • Off-page SEO: Là các hoạt động tối ưu hóa diễn ra bên ngoài website, như xây dựng liên kết (Link Building), tối ưu Google My Business, marketing trên các kênh Social Media,… giúp kéo traffic về website và cải thiện thứ hạng.
  • Technical SEO: Tập trung vào việc tối ưu các yếu tố giúp công cụ tìm kiếm thu thập thông tin, lập chỉ mục và xếp hạng nội dung hiệu quả hơn như: tăng tốc độ tải trang, tăng tính thân thiện với thiết bị di động, cải thiện tính bảo mật,…

Đọc thêm: 

2. SEM là gì

SEM (Search Engine Marketing) bao gồm tất cả các hoạt động giúp nội dung hiển thị trên công cụ tìm kiếm bao gồm trả phí (PPC) và miễn phí (SEO). 

Để dễ phân biệt với SEO, SEM thường được sử dụng để chỉ các hoạt động trả phí để quảng cáo xuất hiện ở phần kết quả tìm kiếm trả phí (paid results). Đây cũng sẽ là định nghĩa được Tomorrow Marketers sử dụng trong bài viết này. 

SEM bao gồm nhiều dạng như: 

  • Search Ads 
  • Shopping Ads
  • Display Ads 
  • Gmail Ads
  • YouTube Ads

Bài viết này sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào Search Ads để phân biệt với kết quả tìm kiếm tự nhiên SEO. 

3. So sánh SEO và SEM

3.1. Giống nhau

SEO và SEM thường bị nhầm lẫn với nhau bởi hai hình thức này có khá nhiều điểm tương đồng: 

  • Giúp thương hiệu hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm: SEO và SEM đều nhắm đến mục tiêu chung đó là giúp thương hiệu xuất hiện ở những vị trí nổi bật nhất trên trang kết quả tìm kiếm trả về mỗi khi người dùng truy vấn về một chủ đề bất kỳ. 
  • Giúp tăng traffic cho website: Cả hai đều khuyến khích người dùng truy cập vào website bằng những phương thức khác nhau, một bên là trả phí (SEM), một bên là organic traffic (SEO).
  • Yêu cầu bạn phải hiểu rõ khách hàng: Cả hai hình thức đều yêu cầu bạn phải hiểu rõ về khán giả của mình, đâu là vấn đề, nỗi đau của họ, họ đang tìm kiếm giải pháp gì, từ đó tạo nội dung có giá trị (SEO), hoặc những mẫu quảng cáo đánh trúng nỗi đau (SEM) thúc đẩy khách hàng click vào. 
  • Hoạt động dựa trên từ khóa: SEM hoạt động dựa trên nguyên lý đặt giá thầu (bidding) trên mỗi từ khóa, kết hợp với việc tối ưu từ khóa cho các mẫu quảng cáo để cải thiện mức độ liên quan. SEO cũng dựa trên việc nghiên cứu từ khóa phổ biến để xác định chủ đề, nội dung cần tối ưu. 
  • Yêu cầu thử nghiệm và tối ưu liên tục: Cả hai hình thức đều yêu cầu phải theo dõi và điều chỉnh, tối ưu liên tục để đảm bảo hiệu quả.

Đọc thêm: Nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho SEO và PPC với Google Keyword Planner 

3.2. Khác nhau

Mặc dù vậy, có SEO và SEM có thể dễ dàng được phân biệt với nhau qua một số đặc điểm sau: 

SEM hiển thị ký hiệu Ads ở đầu trong khi SEO thì không

Đây là đặc điểm đầu tiên giúp bạn phân biệt được kết quả hiển thị trên SERPs (Search Engine Results Pages) là do SEO hay SEM một cách nhanh chóng. 

Ngoài ra với SEM còn cung cấp tính năng mở rộng quảng cáo đối với Search Ads, cho phép hiển thị thêm các thông tin trong mẫu quảng cáo như số điện thoại, liên kết đến trang web khác,…

SEM mang đến kết quả ngay lập tức nhưng ngắn hạn, SEO cần nhiều thời gian nhưng hiệu quả lâu dài

Sự khác biệt lớn nhất giữa SEO và SEM có lẽ là tốc độ. 

SEO cần rất nhiều thời gian để thấy được kết quả đầu tiên, đặc biệt là khi website của bạn hoàn toàn mới, chưa có nhiều backlinks, nhiều bài viết. Theo một phân tích từ Ahref, đa số các website mới thường phải mất tới 3 năm để được xếp hạng trong top 10 kết quả đầu tiên, trừ khi bạn sử dụng các chiến lược từ khóa dài, và biết cách tối ưu SEO tốt. 

Đọc thêm: Tận dụng long tail keyword để tối ưu SEO như thế nào?

Tuy nhiên, một khi website đã có nhiều bài viết thứ hạng cao, bạn sẽ đạt được lượng traffic đều đặn mỗi tháng mà không cần phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức đầu tư như trước.

Ngược lại, với SEM, khi bạn vừa bật chiến dịch, quảng cáo của bạn gần như ngay lập tức sẽ được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm mỗi khi khách hàng mục tiêu tìm kiếm một từ khóa nhất định. Tuy nhiên, khi bạn dừng trả tiền, quảng cáo của bạn cũng sẽ ngay lập tức sẽ biến mất trên trang kết quả tìm kiếm, không mang lại tính tích lũy lâu dài. 

Với SEM, bạn phải trả phí mỗi khi có người dùng click vào quảng cáo, trong khi SEO thì không

Với SEM, nhà quảng cáo phải trả tiền mỗi khi người dùng nhấp vào quảng cáo. Ngược lại, họ sẽ không phải trả gì khi người dùng nhấp vào các kết quả tìm kiếm tự nhiên được xếp hạng do SEO. 

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là SEO là miễn phí như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đúng là bạn không phải trả bất kỳ đồng nào cho các lượt traffic mỗi ngày, nhưng bạn sẽ cần phải tốn nhiều chi phí cho công cụ SEO, thuê nhân sự, thời gian & công sức tạo ra những nội dung giá trị và tối ưu chúng sao cho “chuẩn SEO”,… 

SEO có tỷ lệ nhấp (CTR) cao hơn SEM nếu bài viết được xếp hạng cao

Theo nghiên cứu từ firstpage.com, CTR của bài viết xếp hạng #1 trong kết quả tìm kiếm tự nhiên là 39.6%, bài viết xếp hạng #2 đạt 18.4%, bài viết thứ #3 là 10.1% và bài viết xếp hạng #4 cũng đạt 7.6%, tỷ lệ CTR này cao hơn hẳn tỷ lệ CTR của hai mẫu quảng cáo SEM lần lượt là 2.1% và 1.6%. 

Những con số này cho thấy người dùng thường tin tưởng vào các kết quả tìm kiếm tự nhiên hơn là các kết quả được hiển thị do quảng cáo. 

4. Khi nào nên sử dụng SEM, khi nào nên sử dụng SEO

4.1. Ưu tiên dùng SEM cho những từ khóa có tính cạnh tranh cao

Có nhiều từ khóa rất khó để xếp hạng cao. 

Ví dụ: Từ khóa “mua điện thoại iphone” đang có nhiều đối thủ làm SEO như fptshop, thegioididong. Đây đều là những đối thủ mạnh đã có hệ thống website lớn, với hàng trăm, hàng ngàn bài viết. Nếu bạn muốn bài viết được xếp hạng cao, đây sẽ là một việc khó khăn, và tốn rất nhiều thời gian. 

Với những từ khóa này, bạn nên ưu tiên sử dụng SEM như là một giải pháp giúp thương hiệu của bạn ngay lập tức được hiển thị trước đối tượng mục tiêu. Trong khi tận dụng nguồn lực SEO để tối ưu cho các từ khóa dài, từ khóa mới, từ khóa có độ cạnh tranh thấp hơn. 

4.2. Sử dụng SEO cho các từ khóa cung cấp thông tin

Không phải lúc nào search intent của người dùng khi tìm kiếm cũng đều là mua hàng. 

Ví dụ: Khi search “cách chụp màn hình iphone”, mục tiêu của người dùng sẽ là tìm hiểu cách chụp màn hình trên máy iPhone chứ không phải tìm mua iPhone. 

Trong trường hợp này, hiển thị quảng cáo SEM bán iPhone là vô ích, bởi kể cả khi chỉ có duy nhất quảng cáo của bạn hiển thị, vẫn sẽ có rất ít người click vào và thực hiện hành động mua hàng bởi nó trái với search intent ban đầu của người dùng khi tìm kiếm – tìm hiểu cách chụp màn hình.   

Tuy nhiên, từ khóa này lại có đến 12.000 lượt tìm kiếm mỗi tháng, và là một cơ hội tuyệt vời để các thương hiệu kinh doanh mảng điện thoại (dienmayxanh, thegiodidong, hoanghamobile, cellphones, didongviet) tăng sự hiện diện và kiếm traffic cho website qua SEO.  

Từ ví dụ nhỏ bên trên, có thể thấy đối với các từ khóa, cụm từ khóa cung cấp thông tin, SEO nên là giải pháp được ưu tiên sử dụng để tối ưu chi phí và tăng traffic. 

5. Kết hợp SEO và SEM thế nào để tối ưu chi phí và tăng traffic

Nếu bạn có đủ nguồn lực và nhân sự để để triển khai, thì việc kết hợp SEM và SEO sẽ mang đến cho bạn nhiều lợi ích, trong đó đáng kể đến nhất chính là việc bạn có thể tận dụng được cả không gian quảng cáo và kết quả tìm kiếm tự nhiên để gia tăng sự hiện diện của thương hiệu trên SERPs. 

Câu hỏi ở đây là kết hợp SEO với SEM thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất? 

5.1. Tận dụng dữ liệu từ SEM để tăng hiệu quả SEO

Khi chạy quảng cáo, các công cụ tìm kiếm sẽ cung cấp cho bạn nhiều báo cáo giá trị có thể giúp ích cho các hoạt động SEO. 

Ví dụ: Báo cáo “Search term” do Google Ads cung cấp sẽ cho bạn tỷ lệ chuyển đổi (Conversion rate) của các từ khóa mà bạn đang đấu thầu. 

Từ thông tin này, bạn có thể dễ dàng tìm ra được những từ khóa có tỷ lệ chuyển đổi cao, sau đó xem xét trong danh sách đó những từ có mức độ cạnh tranh thấp (chỉ số Keyword Difficulty thấp) để tối ưu cho SEO. 

5.2. Kết hợp SEO với các chiến dịch remarketing

Theo một nghiên cứu từ Google, 96% người dùng truy cập vào website của bạn không được chuyển đổi thành khách hàng. 

Điều này có nghĩa là kể cả khi chiến lược SEO của bạn đã hiệu quả, bài viết thu về nhiều lượt traffic, người dùng đã có trải nghiệm tốt trên trang, họ vẫn có thể rời đi mà không thực hiện hành động mua hàng, đăng ký, để lại thông tin,…  

Đọc thêm: Làm sao để tối ưu hóa và tăng Conversion Rate cho website

Trong trường hợp này, thay vì chạy quảng cáo nhắm đến tệp khách hàng dựa trên các từ khóa liên quan, bạn có thể sử dụng remarketing là một phần của chiến lược SEM để tiếp cận những người dùng đã từng truy cập vào website của bạn thông qua nhiều loại quảng cáo như Display Ads, Youtube Ads, Gmail Ads,… 

Việc xuất hiện thường xuyên trước mắt người dùng sẽ giúp tăng hiện diện thương hiệu và thúc đẩy họ quay lại website thực hiện các hành động chuyển đổi doanh nghiệp mong muốn.   

Kết luận

SEO và SEM đều là hai giải pháp tiềm năng giúp doanh nghiệp tăng tối đa sự hiện diện của mình đến đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, mỗi kênh lại có những ưu điểm, nhược điểm riêng, cũng như trường hợp sử dụng khác nhau. Điều quan trọng ở đây, là bạn cần hiểu rõ bản chất của từng phương pháp để có thể kết hợp chúng một cách nhuần nhuyễn. 

Khóa học Digital Marketing của TM giúp bạn hiểu toàn diện các digital platforms, đồng thời trang bị tư duy lập chiến lược Digital đa kênh hiệu quả, nhằm tối ưu và phối hợp nhịp nhàng các kênh. Digital luôn thay đổi chóng mặt, đừng chần chừ thêm một giây phút nào, hãy đăng ký khóa học của Tomorrow Marketers ngay hôm nay.

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: