Tomorrow Marketers – Trở thành Trade Manager – Trưởng phòng Tiếp thị thương mại cho một ngành hàng chính là mơ ước của các bạn trẻ mới dấn thân vào ngành Trade. Tuy nhiên, giữa vị trí Trade Manager và Trade Executive có rất nhiều yêu cầu và đặc điểm khác nhau về cách làm việc. Hãy cùng Tomorrow Marketers tìm hiểu về những thói quen làm việc hiệu quả của Trade Manager qua bài viết này nhé.
Khách mời của chủ đề: “Thói quen làm việc hiệu quả của Trade Manager” là anh Minh Văn – hiện tại đang làm Senior Trade Marketing Manager tại Nestlé.
Cảm ơn anh Văn đã dành thời gian cùng Tomorrow Marketers chia sẻ về chủ đề: Thói quen làm việc hiệu quả của Trade Manager.
Theo anh, điểm khác biệt nổi bật khi làm Trade Manager và Trade Executive là gì? Những khó khăn anh từng gặp phải khi trở thành Trade Manager và cách anh giải quyết nó?
Điểm khác biệt nổi bật là Trade Manager cần có cái nhìn toàn cảnh hơn về công việc, mục tiêu và các chỉ tiêu KPIs của sản phẩm, ngành hàng mình phụ trách, chứ nhiệm vụ không chỉ là làm các hoạt động thực thi (operation tasks) hằng ngày như Trade Executive nữa.
Bên cạnh đó, số lượng các Stakeholder (người ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng bởi những quyết định, hoạt động, hay đầu ra của dự án) cần làm việc trực tiếp sẽ nhiều hơn và Trade Manager có nhiệm vụ thuyết phục hoặc hỗ trợ họ như Sales Manager, Finance Manager, Supply chain Manager, Brand Manager, để xây dựng được kế hoạch Trade phù hợp và đảm bảo kế hoạch được duyệt để triển khai, nên việc quản lý phân bổ thời gian khá quan trọng.
Nếu chỉ chú ý đi họp với các Stakeholder mà không dành thời gian xem xét lại công việc cùng với team Trade thì công việc sẽ không tiến triển thuận lợi như mong muốn. Ngược lại nếu chỉ chú ý việc của phòng ban mình, mà không “tương tác” với các phòng ban khác thì kế hoạch của mình cũng không được hỗ trợ tối đa, hoặc có thể không thực hiện được vì vượt ngân sách của phòng Finance chẳng hạn.
Quả thật so với những gì anh Văn đề cập ở trên, nếu không có cách làm việc bài bản và đúng quy trình, sẽ khó có thể đem lại kết quả tốt cho công việc cũng như hoành thành đúng chỉ tiêu cho toàn bộ ngành hàng. Vậy để giúp cho các Trade Marketer mới lên vị trí Manager làm việc hiệu quả hơn, anh Văn có thể chia sẻ một vài thói quen tạo nên thành công của một Trade Manager được không?
Theo anh, đây là những thói quen đã giúp anh làm việc hiệu quả hơn ở khi trở thành Trade Manager:
- Checklist các đầu việc hàng ngày, hàng tuần.
Khi lên tới vị trí Trade Manager, bạn sẽ nắm giữ rất nhiều trọng trách cùng nhiều đầu việc quan trọng. Như anh đã nói ở trên, Trade Manager sẽ bao quát hết toàn bộ công việc của phòng Trade, từ các công việc chuyên môn, quản lí con người cho đến các mối quan hệ trong nội bộ và ngoài phòng ban. Việc bỏ sót một vài đầu việc là điều rất khó tránh khỏi. Bởi vậy, các bạn phải có thói quen checklist các đầu việc, kiểm tra xem mình có bỏ sót đầu việc nào không, để khi có những công việc đột xuất cuốn đi, bạn sẽ không quên mất nhiệm vụ ban đầu.
- Lên lịch kiểm tra (review/tracking activities).
Hàng tuần, Trade Manager phải lên lịch tiến hành các hoạt động kiểm tra để triển khai kế hoạch đem ra thị trường. Người làm Trade Manager sẽ không đi sâu vào các hoạt động thực thi mà chỉ xem xét kết quả cuối cùng của từng đầu việc. Việc tiến hành kiểm tra như vậy sẽ giúp các bạn có được chiến lược sắc bén hơn, bởi đã có những dữ liệu dựa trên các báo cáo mà cấp dưới đưa ra.
- Đi thị trường ít nhất hai lần 1 tháng.
Người làm Trade Manager phải tự lên lịch đi thị trường và trước khi đi cần đặt mục tiêu cụ thể (VD: đi kênh nào, đi để làm gì, cần tìm hiểu insight gì, …). Bởi khi nền tảng số lên ngôi, nhu cầu người dùng thay đổi tính theo từng giây thì cũng là thị trường ngành hàng biến động không ngừng. Quy luật đào thải khiến cho mỗi nhãn hàng phải tự tìm cách làm mới chính mình, điều đó kéo theo việc chiến lược cũng phải đổi mới theo từng thời điểm nhất định. Trade Manager hay cũng chính là người làm chiến lược phải nhạy bén với những thay đổi đó, và không còn cách nào khác ngoài việc đi thị trường để khảo sát, bao quát sự biến động nào đang diễn ra trên thị trường.
- Trao đổi công việc với bộ phận Sales thường xuyên.
Việc trao đổi với bộ phận Sales thường xuyên để cập nhật tình hình thực tế và xem kế hoạch Trade có hiệu quả không, cần thay đổi điểm gì luôn là công việc cần làm của Trade Manager. Bởi các Trade Marketer chắc hẳn sẽ biết Trade Marketing được xem là một bộ phận trung gian cho phòng Sales và phòng Marketing của doanh nghiệp. Mọi chiến lược của phòng Marketing sẽ được Trade đem tới phòng Sales để các Salers trực tiếp đem đi triển khai trên thị trường. Cho nên hãy tạo cho mình một thói quen làm việc với bộ phận Sales ngay từ bây giờ để có được hiệu quả tốt hơn trong công việc.
- Tìm hiểu Insight khác biệt giữa các vùng miền.
Để xây dựng một chiến lược thành công và trở nên hiệu quả đối với mục tiêu đề ra thì điều quan trọng nhất người làm Trade Manager luôn phải đặt lên hàng đầu là có được Insight đắt giá. Theo anh, chúng ta nên tìm hiểu sự khác biệt về hành vi và tâm lý của người tiêu dùng ở các vùng miền Bắc/Trung/Nam thường xuyên hơn và kĩ lưỡng hơn. Ngoài ra, việc tìm hiểu đó cũng sẽ phục vụ các công việc chuyên môn khác của người làm Trade Manager.
- Thường xuyên đọc số liệu, ý nghĩa của các con số.
Hãy luôn tìm hiểu và tập đọc ý nghĩa của các con số, báo cáo thị trường để xem những hoạt động cần thực hiện để giải quyết là gì, ví dụ như báo cáo về: phần trăm doanh số, tăng trưởng, thị phần, bao phủ, các chỉ số của brand. Từ đó, Trade Manager mới có được cái nhìn tổng thể về chiến lược cũng như khâu thực thi cho toàn bộ ngành hàng.
- Chủ động tạo các cuộc phỏng vấn nhóm trong phòng ban Trade Marketing.
Cuối cùng, hãy luôn chủ động tạo các cuộc phỏng vấn nhóm (focus group discussion) để có ý tưởng mới triển khai cho các chương trình hoạt náo activation, POSM, khuyến mại…Đồng thời với việc phỏng vấn nhóm như vậy Trade Manager sẽ tạo được sự tương tác với cả phòng ban, đem lại hiệu quả tốt hơn trong khâu quản lí con người.
Có thể nói vị trí Trade Manager luôn là điểm đến của mọi Marketer khi quyết định “dấn thân” vào ngành Trade. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các bạn Marketer trẻ băn khoăn về hướng đi của mình, họ không biết làm thế nào để lên tới vị trí đó trong tương lai. Đối với các Trade Marketer mới nhập ngành như vậy, anh có thể đưa ra lời khuyên để họ có cơ hội thăng tiến trở thành Trade Manager?
Sau đây là một số lời khuyên của anh dành cho Trade Marketer mới nhập ngành:
- Khi mới nhập ngành, đừng ngại “lăn xả”, hãy cố gắng tham gia càng nhiều dự án càng tốt. Làm nhiều dự án để biết nhiều, va chạm nhiều và từ đó tích luỹ kinh nghiệm cho bản thân.
- Hãy luôn chủ động trong việc hỗ trợ bộ phận Sales bán hàng tốt hơn. Điều này không chỉ giúp bộ phận Trade thúc đẩy doanh số mà còn khiến cho chiến lược và thực thi hoạt động gắn kết với nhau.
- Đừng quên cập nhật thường xuyên cho cấp trên các thông tin về đối thủ, thị trường và đưa ra ý kiến, ý tưởng xây dựng. Sếp sẽ đưa ra định hướng còn cách triển khai và sáng kiến phụ thuộc vào bạn. Nếu kết quả tốt, bạn có thể lọt vào “mắt xanh” của sếp và được cân nhắc là ứng viên tiềm năng khi có cơ hội thăng tiến đó.
- Hãy luôn nhớ, người làm Trade là người phải thực thi ở “trận địa” hàng ngày. Cho nên giữ tinh thần xông xáo và không ngại cảm giác thất bại khi thử nghiệm cái mới là tố chất quan trọng quyết định một Trade Marketer thực thụ trong tương lai.
Cảm ơn anh Văn – đồng thời cũng là Trainer của khoá học Trade Marketing rất nhiều vì đã dành thời gian chia sẻ ạ. Chắc chắn những nội dung này sẽ hết sức hữu ích cho các bạn trẻ theo đuổi ngành Marketing hiện nay ạ.
Tạm kết
Hành trình đi tới vị trí Trade Marketing Manager không phải một con đường dễ dàng. Đó là kết quả của cả một quá trình tích luỹ kiến thức cũng như kĩ năng từ khi bạn mới bước chân vào nghề. Khi đã trở thành Trade Manager, bạn vẫn phải tiếp tục học hỏi và trau dồi các kĩ năng khác để có thể hoàn thành công việc hiệu quả. Nếu bạn vẫn còn mông lung giữa vô vàn kiến thức Marketing và chưa biết nên bắt đầu thế nào, hãy để Tomorrow Marketers giúp bạn hệ thống hoá kiến thức và có một cái nhìn tổng quát hơn về ngành qua khóa học Marketing Foundation nhé. Khóa học bao gồm hệ thống kiến thức bài bản về Marketing theo chuẩn các tập đoàn đa quốc gia, bạn sẽ được hướng dẫn bởi những Trainers có nhiều năm kinh nghiệm tới từ các công ty lớn như Unilever, P&G, Suntory Pepsico,…. Đừng bỏ lỡ nhé.