Tomorrow Marketers – “Chiến thắng tại điểm bán” luôn là đích đến cuối cùng của bộ phận Trade Marketing. Để tạo nên chiến thắng ấy, người làm Trade không chỉ dừng lại ở việc xây dựng chiến lược hiệu quả, mà còn phải phối hợp nhịp nhàng cùng các phòng ban trong công ty. Với những người mới bước chân vào nghề, làm việc với các bộ phận khác còn là nhiệm vụ khó khăn bởi không biết nên bắt đầu từ đâu, sợi dây kết nối giữa các phòng ban nằm ở chỗ nào, làm việc ra sao để tạo nên hiệu quả tối ưu nhất. Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa Trade và các phòng ban, hãy cùng Tomorrow Marketers khám phá qua bài viết dưới đây nhé!
1.Trade Marketing với Brand Marketing:
Làm việc với phòng Brand Marketing là một trong những công việc bắt buộc của người làm Trade. Tuy vậy, nhiều Trade Marketer khi mới vào nghề chỉ tập trung vào các kĩ năng mang tính execution như làm POSM, trình bày quầy kệ bắt mắt, hay những cách làm promotion hiệu quả bởi họ hầu hết cho rằng: “Chỉ cần làm tốt nhiệm vụ của mình thôi là đã có thể trở thành Trade Marketer giỏi, không cần biết những thứ khác làm gì”. Đây là một quan niệm sai lầm.
Thực tế cho thấy, “chiến thắng tại điểm bán” – Trade Marketing hay “chiến thắng trong tâm trí của khách hàng” – Brand Marketing đều phục vụ cho một mục tiêu duy nhất: Bán được nhiều hàng hơn và đạt được lợi nhuận cao hơn. Để làm được điều này, hai phòng ban Brand và Trade luôn cần có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý với nhau. Cụ thể, phòng Brand sẽ xây dựng lên kế hoạch ATL (Above The Line), chủ yếu triển khai trên kênh truyền thông, đưa cho Trade tham khảo và góp ý thêm để hoàn thiện chiến lược. Từ chiến lược phòng Brand đó, Trade sẽ mang đi để triển khai trên các kênh bán hàng cho nhất quán, và xây dựng thêm các hoạt động thực thi để phù hợp với Shopper và từng kênh bán hàng.
Trong lúc làm việc, có những khi Trade Marketer cảm thấy người làm Brand sao “bay bổng” quá, hay Brand Marketer lại thấy người làm Trade sao “xôi thịt” quá, nhưng chính sự “bay bổng” và “xôi thịt” này khi phối hợp được với nhau nhịp nhàng lại tạo nên cân bằng cho toàn bộ chiến lược Marketing, khiến các nhãn hàng chinh phục được người dùng, chiến thắng tuyệt đối tại các điểm bán.
2. Trade Marketing với Sales:
Trade Marketing được xem là một bộ phận trung gian cho phòng Sales và phòng Marketing của doanh nghiệp. Nếu như Sales là người trực tiếp đem lại doanh thu cho toàn bộ nhãn hàng thì Trade lại là người đem đến chiến lược tổng thể, tầm nhìn dài hạn về chiến lược tại các điểm bán cho Sales đi thực thi. Cùng với đó, người làm Trade Marketing đôi khi cũng phải lăn xả thị trường cùng với Sales để hiểu được chiến lược đã đề ra có khả năng thực hiện được hay không và thực hiện đến mức độ nào. Vì khi thực hiện tại 10 điểm bán khác hoàn toàn với thực hiện tại 5.000 điểm bán trong cùng một thời điểm. Bởi vậy, nếu không hiểu rõ về thị trường và các hoạt động tại điểm bán, sát sao với hoạt động thực thi thì chiến lược của Trade sẽ khó có thể phối hợp ăn ý với cách bán hàng của Sales, đồng thời cũng không tạo nên sợi dây kết nối giữa hai phòng ban để hướng tới kết quả tối ưu cho toàn bộ nhãn hàng. Một sai lầm phổ biến mà nhiều người làm Trade Marketing phạm phải: tiến hành mọi việc một cách quá xa vời với thực tế cách làm của bộ phận Sales, khiến cho người làm Sales khó thực hiện theo chiến lược đó. Vì vậy, hãy hiểu rõ về thị trường, rành về các khâu thực thi để có thể đưa ra các chiến lược phù hợp với phòng Sales để đem lại kết quả cuối cùng: Chiến thắng tại điểm bán.
3. Trade Marketing với phòng Finance (Tài Chính):
Chiến dịch có triển khai được hay không cũng phụ thuộc vào…ngân sách của công ty. Bạn có thể vạch ra một chiến lược xuất sắc, có thể xây dựng một chuỗi hoạt động thực thi khả quan so với chỉ tiêu nhãn hàng, nhưng nếu như phòng Tài chính không duyệt ngân sách thì chiến lược đó cũng đổ bể, rơi vào dĩ vãng mà thôi. Do vậy, khi có bản chiến lược hoàn chỉnh, Trade Marketer sẽ là người đi làm việc trực tiếp với bộ phận Tài chính, trao đổi ngân sách dự tính và KPI cho chiến dịch của mình để bắt đầu khâu thực thi. Điều đó cho thấy rằng, khi làm chiến lược, Trade Marketer cần phải nắm được rõ ngân sách, đâu là con số phù hợp với budget của công ty, để điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp. Rõ ràng, khi làm việc với phòng Finance, người làm Trade cần phải biết “cân đo đong đếm”, “liệu cơm gắp mắm” sao cho hợp lí cùng với sự chắc chắn trong cam kết KPI.
4. Trade Marketing với Board of Management (Ban giám đốc) của công ty:
Mọi hoạt động truyền thông của Brand sẽ là vô nghĩa nếu như Trade Marketing không thực hiện các hoạt động tại điểm bán hiệu quả… hay cũng sẽ trở nên đổ bể chỉ tiêu nếu như Trade không có chiến lược bài bản đưa cho bộ phận Sales đi thực thi tại điểm bán. Trade Marketing chính là bộ phận quyết định target (Mục tiêu doanh thu) của công ty. Cho nên mọi hoạt động thực thi, mọi chiến lược được xây dựng, Trade Marketing đều phải trình bày với ban giám đốc để đưa ra quyết định cuối cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc khi target công ty chưa đạt đủ chỉ tiêu, Trade Marketing sẽ là bộ phận mà ban giám đốc “sờ gáy” đầu tiên, bởi phòng Trade chính là mắt xích trong các khâu, trực tiếp tạo nên doanh thu cho nhãn hàng.
Thực tế cho thấy rằng, Trade Marketing ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm và đánh giá như là một công cụ hữu hiệu để giành phần thắng cho hệ thống phân phối của mình. Chính vì vậy, người làm Trade phải là người nắm rất rõ kế hoạch của công ty, mà cụ thể là kế hoạch marketing để xúc tiến các hoạt động với người bán hàng, phù hợp với kế hoạch chung.
Đọc thêm: Xây dựng đội ngũ Trade Team cho SME
Tạm kết
Có thể nói, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn ngày càng nhận ra tầm quan trọng của Trade Marketing trong việc phối hợp hoạt động với các phòng ban khác của toàn bộ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để trở thành một Marketer biết cách phối hợp các hoạt động Trade Marketing với các phòng ban khác, để tạo nên những chiến lược Marketing thành công, bạn phải nhuần nhuyễn các kiến thức và kĩ năng từ thực thi cho đến khâu lên chiến lược. Tham khảo ngay khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers để trang bị hệ thống kiến thức và tư duy Marketing bài bản, để bạn sẵn sàng tỏa sáng trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh nhé.