Tomorrow Marketers – Trong thời đại công nghệ 4.0, Digital Marketing được coi là một ngành nghề đang “lên ngôi” và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Vậy thì thực tế Digital Marketing có đặc trưng ra sao? Để dấn thân và “chinh chiến” trong ngành này, các bạn sinh viên nên trang bị những kiến thức và kỹ năng cụ thể nào? Cùng Tomorrow Marketers lắng nghe chia sẻ của anh Bảo Thịnh – Senior Media Manager @Xmen Marico, Former Digital & Ecommerce Lead @Bayer Consumer Health trong bài phỏng vấn sau đây!
Cảm ơn anh Thịnh đã nhận lời mời tham gia phỏng vấn với Tomorrow Marketers ngày hôm nay ạ.
Theo TM được biết thì hiện tại anh đang đảm nhiệm vị trí Country Digital & eCommerce Lead tại Bayer và trước đó, anh cũng đã từng làm việc tại Nestlé với vị trí Digital Marketing Champion. Vậy anh có thể chia sẻ về cơ duyên anh đến với ngành Digital Marketing được không ạ?
Chào TM, anh rất vui vì nhận được lời mời phỏng vấn từ bên mình. Thực tế thì cơ duyên đến với ngành này của anh là từ khá sớm. Vào thời điểm năm 2012, Digital Marketing vẫn còn là một kênh truyền thông rất mới với nhiều nhãn hàng. Khi đó, anh đã bắt đầu công việc đầu tiên là một freelancer. Vai trò của anh là hỗ trợ một vài nhãn hàng về việc viết nội dung và hợp tác cùng một số người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Đến năm 2015, anh chính thức làm việc tại công ty đầu tiên là Havas Media Group – một tập đoàn Media của Pháp. Về cơ duyên đến với Havas thì khi đó, Havas Group có tổ chức những tour tham quan văn phòng cho sinh viên, được lắng nghe các Giám đốc công ty chia sẻ về ngành Digital và Media. Anh thấy đây là một cơ hội rất thú vị để mình có thể bắt đầu công việc đầu tiên nên đã xin ứng tuyển làm Intern và sau phỏng vấn thì mình được nhận chính thức. Sau này, anh cũng gắn bó với công ty được gần 4 năm, và đó cũng cũng chính là nơi xây dựng cho anh nền tảng vững chắc về Digital Marketing.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về công việc hiện tại của mình được không ạ? Một ngày làm việc của anh thường diễn ra như thế nào ạ?
Hiện tại, anh đang là Country Lead cho toàn bộ hoạt động Digital và E-commerce của Bayer Consumer Health Vietnam. Công việc của anh bao gồm hai mảng chính là Digital và Ecommerce. Về Digital Strategy, anh sẽ cùng Media agency tư vấn các Marketing manager về cách đầu tư hiệu quả cho kênh digital, làm sao phù hợp với nhu cầu của thị trường và mục tiêu của doanh nghiệp để mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, anh cũng đảm nhiệm tất cả hoạt động E-commerce bao gồm Marketing trên các sàn thương mại điện tử cũng như quản lý doanh số bán hàng trên các sàn này.
Trong một ngày anh không chỉ làm về E-commerce hay Digital mà sẽ cần gắn kết chặt chẽ hai mảng này với nhau. Thường đầu ngày anh sẽ dành ra 30 phút cho tới 1 tiếng để xem báo cáo về kết quả chạy quảng cáo và doanh số trên từng kênh mình phụ trách. Sau đó, trong 2 đến 3 tiếng tiếp theo anh sẽ tập trung vào việc phân tích xem mình đang làm tốt những gì và cần cải thiện những điểm nào, cũng như cần liên hệ với ai để thực hiện kế hoạch sắp tới. Với vị trí hiện tại thì anh cũng cần làm việc với team trong khu vực ASEAN và các nhãn hàng khác nhau, bởi vậy nên anh thường phải dành 1-2h đồng hồ để tham gia các cuộc họp và đóng góp ý kiến về việc triển khai chiến dịch Digital Marketing của từng nhãn hàng liên quan.
Nhìn chung, sau giai đoạn Quý 1 tập trung về xây dựng chiến lược, công việc chính của anh là theo dõi và tối ưu kết quả đầu ra qua việc hiểu được chiến lược, cũng như phối hợp chặt chẽ với các agency, đối tác và các phòng ban khác nhau trong công ty mình.
Hiện nay, Digital Marketing đang là ngành rất “hot” và thu hút nhiều sự chú ý của các bạn sinh viên. Tuy nhiên, một số bạn muốn dấn thân vào ngành vẫn đang trăn trở với những câu hỏi như “Không biết chạy ads và làm SEO có đồng nghĩa với thất nghiệp hay không?” thì anh có nhận định như thế nào về câu chuyện này ạ?
Anh đồng ý rằng Digital Marketing là một ngành đang rất “hot” ở thời điểm hiện tại. Người tiêu dùng đang có sự chuyển dịch hành vi và giờ đây chúng ta có thể thấy người dùng mọi lứa tuổi đều đang sử dụng Internet rất thường xuyên. Digital Marketing đã thực sự đi vào cuộc sống và để tăng trưởng nhanh chóng thì các doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu của một lượng lớn người tiêu dùng này. Chính vì vậy mà rất dễ hiểu khi nhiều bạn trẻ ngày nay muốn theo đuổi Digital Marketing với mong đợi sẽ có nhiều cơ hội làm việc hơn.
Về chuyện không biết chạy ad hay làm SEO có thất nghiệp hay không thì anh cho rằng có điểm đúng và có điểm chưa đúng. Có một sự thật là anh đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp và thấy họ hay tập trung vào các chiến thuật về Digital trong ngắn hạn. Tức là, họ ưu tiên việc học và ứng dụng ngay những chiến thuật đó vào công việc của mình nhằm mang lại kết quả ngắn hạn. Thực ra, khi một doanh nghiệp đầu tư vào Digital Marketing thì việc họ quan tâm xem làm thế nào để có thể chạy quảng cáo tiếp cận nhiều đối tượng mục tiêu hay tạo ra một website với lượt truy cập tự nhiên lớn là có cơ sở và dựa trên nhu cầu thực tế của họ.
Ngoài ra, có một thực tế khác là Việt Nam chưa có nhiều đơn vị giáo dục có sự đào tạo bài bản về bộ môn Digital Marketing. Thay vào đó, chỉ có một vài trung tâm như Tomorrow Marketers, nơi tụ hội những người đã có kinh nghiệm trong nghề và có thể chia sẻ kiến thức rất thực tế. Điểm hạn chế ở đây chính là những trung tâm như vậy không có một quy mô rộng khắp và chưa chuẩn hóa với sự hỗ trợ từ nhà nước ở cấp độ cao hơn. Kết hợp với ý trên về nhu cầu chạy ad và làm SEO của đa số doanh nghiệp Việt Nam thì sự lo lắng về nguy cơ không tìm được việc làm là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, từ góc độ của anh, chúng ta nên nhìn câu chuyện ở bức tranh lớn hơn. Nếu như các bạn chỉ cần thử lên Google để tìm kiếm các công việc và chức danh về ngành Digital Marketing thì sẽ thấy rất bất ngờ vì sẽ có hàng triệu kết quả khác nhau. Theo anh tìm hiểu được thì hiện tại trên thị trường có tới hơn 300 chức danh tương ứng với 300 công việc. Nếu các bạn đọc thêm tài liệu thì sẽ thấy có rất nhiều cách phân bổ về ngành này. Bạn có thể đi theo Creative, (sáng tạo cho những tài nguyên quảng cáo trên nền tảng Digital); Media (đóng vai trò là người mua quảng cáo và tối ưu hóa chiến lược chọn kênh); Digital Research (nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh trên nền tảng Digital) hay Data Analysis (thấu hiểu dữ liệu trên digital, đưa ra phân tích có thể tác động tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp).
Nhìn chung, cơ hội để làm trong ngành này là rất lớn. Bởi vậy, ngoại trừ việc bạn thực sự muốn đi theo hướng tối ưu hóa công cụ tìm kiếm nội dung trên website hay cài đặt quảng cáo cho các doanh nghiệp, hãy cứ tự tin rằng mình sẽ có thể vào ngành Digital Marketing bằng rất nhiều con đường khác nhau.
Theo anh, một sinh viên mới tìm hiểu về Digital Marketing thì nên bắt đầu tự học ra sao và thực tập tại vị trí như thế nào để có thể học hỏi được nhiều nhất ạ?
Thứ nhất là việc tự học. Điều quan trọng nhất là các bạn sinh viên đừng bao giờ cho rằng Digital Marketing chỉ là một môn học khô khan với nhiều lý thuyết. Thay vào đó, hãy xem đây là một phần trong cuộc sống của mình vậy. Thử tưởng tượng mà xem, sáng dậy, bạn sẽ dùng điện thoại xem báo thức, lịch học rồi thời tiết. Có bạn sẽ lên Facebook kiểm tra xem chuyện gì đang diễn ra ngoài kia trong lúc mình ngủ. Đến trưa, bạn có thể lên YouTube nghe nhạc thư giãn, rồi trên đường về nhà bạn sẽ tìm xem có quán ăn ngon nào gần trường hay không. Vậy là bạn đã có cả một cuộc hành trình gắn với Digital rồi đó.
Còn chẳng hạn như, nếu bắt gặp và thấy hứng thú với một mẫu quảng cáo/nội dung trên mạng, hãy tự hỏi xem điều gì làm bạn chưa hài lòng, và nếu mình phụ trách thương hiệu đó thì mình sẽ làm gì để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Như vậy, Digital thực sự không quá xa vời. Điều bạn cần làm là tự tạo thói quen tự học bất cứ lúc nào. Đừng đợi cho đến khi vào đại học hay phải học một môn cụ thể về Digital, là bạn mới có thể thu nạp kiến thức trong ngành này.
Thứ hai, về chuyện thực tập “tại vị trí như thế nào”, “để có thể học hỏi được nhiều nhất” thì anh xin tách thành 2 ý sau:
- Để học hỏi nhiều nhất: Từ trước tới nay anh vẫn đánh giá rất cao giá trị của việc học. Tuy nhiên, chỉ chăm chăm học thật nhiều không thôi là chưa đủ, hãy học có chọn lọc.
Ví dụ, nếu bạn đọc hết 1 cuốn sách có 100 trang thì rất tốt, nhưng sẽ thế nào nếu bạn chỉ tập trung vào một phần tương ứng với mục tiêu của bạn trong ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn? Đó mới chính là hướng tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời đại Digital phát triển cực kỳ nhanh như thế này. Nói tóm lại, học hỏi nhiều chỉ tốt khi bạn có một định hướng cụ thể về vị trí mình yêu thích và liên quan tới mục tiêu của mình.
- Tại vị trí như thế nào:
Giả sử, bạn thích viết lách và muốn phát triển trong ngành Digital với thế mạnh này. Vậy thì hãy tìm kiếm các chức danh phù hợp như Content writer hay Copywriter. Hoặc nếu khi lên Facebook bạn thấy nhiều mẫu quảng cáo đẹp và tin rằng mình cũng có khả năng tạo ra những mẫu như vậy, hãy tìm kiếm vị trí công việc thuộc mảng Creative. Như anh đã nói ở trên, đừng chỉ ngưỡng mộ, hãy chủ động tìm hiểu xem làm thế nào để làm được giống như họ. Với tư duy như vậy, bạn mới có thể học thêm nhiều điều mới mỗi ngày và thúc đẩy bản thân mình phát triển tốt hơn.
Đọc thêm: Nên thực tập Marketing ở đâu – Tập đoàn lớn hay công ty nhỏ?
Các bạn trẻ hiện nay cũng rất quan tâm tới cơ hội thăng tiến trong ngành. Vậy theo anh, đâu là những bộ kiến thức và kỹ năng Digital Marketing mà các bạn nên trang bị để có thể có những bước đi vững chắc và vươn xa hơn trong sự nghiệp của mình ạ?
Theo anh, trước hết, các bạn hãy coi trọng việc xây dựng một lộ trình vững chắc, bài bản, và chuyên nghiệp cho bản thân. Dựa vào nền tảng vững chắc đó, bạn sẽ có thể tạo ra sự khác biệt và thành công hơn kỳ vọng của người khác.
Vậy thì làm thế nào để xây dựng kiến thức nền tảng vững chắc? Theo anh, hãy bắt đầu với việc tìm hiểu thật kỹ và thật sâu về bản chất của các nền tảng truyền thông trên Digital.
Ví dụ, khi tiếp cận với một mẫu quảng cáo trên Facebook, câu hỏi đặt ra đầu tiên không phải là làm thế nào để chạy được mẫu quảng cáo đó, mà là chúng ta đã hiểu đủ về Facebook hay chưa. Nó cho chúng ta những lợi ích gì? Vì sao nó lại phát triển nhanh đến vậy? Điểm nào làm nên sự khác biệt của nền tảng này? Nếu chọn Facebook để tiếp cận người tiêu dùng thì tôi sẽ làm gì để họ có được trải nghiệm tốt nhất?
Tóm lại là trước khi thực thi bất cứ hoạt động nào, bạn cần tìm hiểu rõ về bản chất của kênh bạn đang sử dụng từ nhiều khía cạnh khác nhau (người tiêu dùng/thương hiệu). Sau đó, nếu gặp thử thách trong quá trình thực thi, cần quay về xem lại bản chất vấn đề để xác định xem đâu là khoảng cách giữa nền tảng kiến thức bạn có và kiến thức cần bổ sung để giải quyết vấn đề này.
Còn về mặt kỹ năng, theo anh, không có quá nhiều sự khác biệt giữa kỹ năng mềm trong Digital Marketing so với các kỹ năng mềm nói chung của người làm Marketing như Thuyết trình, Làm việc nhóm, hay Quản lý thời gian. Tuy nhiên, có 2 mảng kỹ năng này anh luôn phải luyện tập hàng ngày và thấy rằng nó giúp mình rất nhiều trong việc phát triển bản thân và thăng tiến trong công việc là:
- Thấu hiểu và phân tích dữ kiện của Digital – Digital Data Analysis
Thực tế, có những chỉ số đo lường chỉ có trên Digital. Anh hay nói với các bạn học viên của Tomorrow Marketers rằng nếu 1 bản kế hoạch truyền thông trên kênh truyền thống chỉ có khoảng 5-7 chỉ số đo lường thì chuyện 1 bản Digital Plan có 20-30 chỉ số khác nhau là bình thường. Thế mạnh của Digital chính là thấu hiểu hành vi người tiêu dùng thông qua dữ liệu họ để lại trên các nền tảng. Bởi vậy, nếu không có kỹ năng đọc hiểu, thu thập, phân tích cũng như đưa ra quyết định chiến lược dựa trên nền tảng có cơ sở về mặt data, bạn sẽ gặp thử thách rất lớn khi đi làm do những nhận định cảm tính và hiểu biết hạn chế của mình. Câu hỏi quan trọng nhất là “Tôi cần data (dữ liệu) gì để chứng minh cho quyết định chiến lược của tôi là đúng?”
- Khả năng thích nghi
Trên thực tế, anh đã trải qua rất nhiều vị trí khác nhau như Content Writer, Media Planner, Influencer and Social Management, Planning và E-commerce. Chính việc trải nghiệm và dấn thân tìm hiểu những mảng trên là cơ sở để anh biết đâu là động lực giúp mình đi làm mỗi ngày. Và điều lớn nhất anh học được chính là việc thích nghi với những thử thách mới.
Digital là một thế giới thay đổi cực kỳ nhanh chóng. Chỉ vài giây thôi là trên mạng xã hội đã có thể xuất hiện một cụm từ khóa mới rồi. Digital cũng hình thành nên những hành vi rất mới của người tiêu dùng như nửa đêm canh mua hàng trên E-commerce để lấy những deal “hot” nhất chẳng hạn. Do vậy, nếu xây dựng được một tư tưởng thích nghi tốt, bạn sẽ có thể sẵn sàng chào đón những thử thách mới và phục vụ những nhu cầu ngày càng phức tạp của người tiêu dùng. Quan trọng hơn cả, như anh đã chia sẻ ở trên, hãy hình thành cho mình thói quen tiếp cận vấn đề một cách bài bản, để sau đó bạn không mất thời gian tìm kiếm giải pháp cũng như hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất.
Đọc thêm: T-shaped marketer – Bạn cần học rộng hay học sâu?
Cảm ơn anh Thịnh vì những góc nhìn thực tế và chia sẻ hết sức tâm huyết như trên ạ. Tomorrow Marketers tin rằng qua bài phỏng vấn này, các bạn trẻ có hứng thú theo đuổi Digital Marketing sẽ xây dựng được một tâm thế tự tin và định hướng rõ ràng trong hành trình sự nghiệp lâu dài của mình!
Tạm kết
Digital Marketing ngày càng bùng nổ và khẳng định vị thế quan trọng của mình trong bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội có nhiều biến chuyển phức tạp. Nếu bạn là một người trẻ dự định bước chân vào ngành với mong muốn được trở thành một Digital Marketer “lành nghề”, với sự thấu hiểu bản chất của các kênh truyền thông Digital và tư duy lập kế hoạch Digital bài bản, hãy cân nhắc khóa học Digital Foundation của Tomorrow Marketers ngay từ hôm nay!