Tomorrow Marketers – Soya Garden đóng 40/50 cơ sở vì thua lỗ 170 triệu/ngày, chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma đóng 3/6 cửa hàng, 5 cửa hàng Gogi House tại Hà Nội bị ngưng hoạt động, thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng chỉ mở buổi tối (17h- 22h) trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội và rất nhiều cửa hàng F&B cũng “hứng chịu” hậu quả của Covid-19.
Cùng TM tìm hiểu kỹ hơn về thực trạng, nguyên nhân và tương lai của ngành F&B phân khúc trung cao trong bài viết sau nhé!
Thực trạng ảm đạm bao trùm toàn ngành F&B
Năm 2019, doanh thu ngành F&B Việt Nam chạm mốc 200 tỷ USD, tăng 34,3% so với năm 2018. Từ số liệu cho thấy ngành này vẫn sẽ là một ngành hấp dẫn đối với các nhà đầu tư khi dự đoán đến năm 2023 có thể đạt tới 408 tỉ USD. Tuy nhiên, Covid-19 đã ập đến khiến cho ngành F&B điêu đứng và thay đổi hoàn toàn tình hình.
Vốn là một ngành hàng với nguồn thu chính là từ những thực khách dùng bữa tại nhà hàng, giờ đây nhiều nhà hàng đã mất đi lượng khách vốn có do dịch bệnh – một thứ gây ra tổn thất không hề nhỏ. Cụ thể, nhiều chuỗi F&B phải tạm đóng cửa, trả mặt bằng trước hạn,… kể cả các ông lớn trong ngành cũng không thoát khỏi tình trạng này.
Chuỗi nhà hàng TOKYO Deli – chuỗi nhà hàng ẩm thực Nhật Bản mới đây đã thông báo sẽ đóng gần một nửa cửa hàng tại Hà Nội. Thậm chí chuỗi nhà hàng Nhật Bản Daruma – “đối thủ” của TOKYO Deli cũng đã đóng 3/6 cơ sở tại Hà Nội. Ngoài ra, Soya Garden – chuỗi cửa hàng đậu nành chuẩn hữu cơ được Shark Thủy đầu tư 100 tỷ đồng, vẫn tiếp tục đóng những cơ sở có vị trí đắc địa tại Hà Nội. Từng mở tới 50 điểm bán và ôm mộng tiến sang Mỹ, Hàn, nâng quy mô lên 500 điểm bán, nay Soya Garden chỉ còn 8 cửa hàng đang hoạt động (ngày 18/2).
Một “tay to” trong ngành F&B của Việt Nam cũng “hứng chịu” hậu quả không nhỏ từ Covid-19 đó là Golden Gate. Đối với các thương hiệu thuộc Golden Gate, chuỗi Gogi House tạm dừng hoạt động 5 cửa hàng tại Hà Nội. Tương tự, thương hiệu Kichi-Kichi cũng thông báo 7 nhà hàng đóng cửa cả ngày, 3 nhà hàng đóng cửa buổi sáng chỉ mở buổi tối trong tổng số 22 nhà hàng của hệ thống tại Hà Nội.
Đọc thêm: Dịch Covid-19 và hiệu ứng domino sụp đổ của các ngành công nghiệp
Nguyên nhân do đâu?
Tất cả đều đến sự thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt trong mùa dịch. Theo Kantar World Panel, người Việt có xu hướng thắt chặt chi tiêu vì họ thấy kiếm tiền khó hơn trước đấy nhiều. Quan trọng hơn cả, gần 40% lao động trong khảo sát bị mất việc và 60% đi làm nhưng một nửa số đó bị giảm lương dẫn đến giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng (theo Vietnamworks). Ngay cả ngành dược – ngành đúng ra phải tăng trưởng trong mùa dịch lại cũng hứng chịu sự sụt giảm – down trade từ các phân khúc cao xuống các phân khúc thấp (do suy giảm thu nhập của người dùng) chứ chưa nói tới các hàng chưa thiết yếu bằng như ăn uống kiểu trải nghiệm.
Cụ thể hơn, theo khảo sát từ Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của Covid-19 đến hành vi của người tiêu dùng thì hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng ăn uống trong khi đó 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Bên cạnh đó, 82% người tiêu dùng đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài do ảnh hưởng từ việc thắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, vì ăn uống là nhu cầu cơ bản của con người (need) nên đồ ăn đường phố và các nhà hàng phân khúc bình dân (want) vẫn phát triển trong khi nhà hàng phân khúc trung cao (demand – không phải need, không phải cơ bản và cấp bách) gặp khó khăn.
Lối đi nào cho ngành F&B phân khúc trung cao?
Covid-19 khiến toàn ngành F&B gặp khó, không chỉ riêng thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, những “ông lớn” với những khoản tài chính tích lũy đã lâu, cũng sẽ chuyển đổi và phục hồi rất nhanh. Dưới đây là những cách mà các thương hiệu F&B phân phúc sub-premium đã sử dụng để “vượt qua cơn bão”.
Giao hàng là “phao cứu sinh”
Theo số liệu từ Statista, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu lên đến 302 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 557 triệu USD vào năm 2024. Dù việc giao hàng đối với những thương hiệu sub-premium sẽ không thể cung cấp đủ trải nghiệm cho khách hàng như khi họ trải nghiệm tại cửa hàng, tuy nhiên để tồn tại, các doanh nghiệp F&B bắt buộc phải thay đổi để thích nghi – có doanh số còn hơn không.
Ví dụ điển hình đó là “ông lớn” Golden Gate đã nâng cấp app The Golden Spoon ngoài việc song song với việc xuất hiện trên Now, Baemin, GrabFood. “Đại gia” Golden Gate đã phát triển công nghệ giao hàng G-Delivery, tạo lợi thế trong việc hoàn thiện rất nhanh các sản phẩm package (đóng gói món ăn phục vụ việc dịch chuyển lên online), và bán thẻ trả trước để khách hàng sử dụng trong cả năm.
Ngoài ra, thương hiệu Hotpot Story vốn nổi tiếng với mô hình buffet lẩu nay cũng nhận giao hàng tận nhà. Bên cạnh đó, thương hiệu còn cho khách mượn nồi, bếp lẩu, tặng kèm đồ uống,… để đảm bảo giữ được hương vị tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Theo Nielsen, xu hướng giao hàng vẫn kéo dài cho đến hậu đại dịch do người tiêu dùng càng yêu cầu cao về tính tiện lợi. Các doanh nghiệp F&B phân khúc sub-premium hoàn toàn có thể tận dụng xu hướng này kết hợp với các dịch vụ độc đáo ở cửa hàng (physical store) để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch.
Tăng trải nghiệm tại cửa hàng
Trải nghiệm “độc” tại cửa hàng đã không còn là chủ đề mới lạ đối với các thương hiệu F&B phân khúc sub-premium. Ví dụ nổi bật nhất đó chính là Haidilao – nhà hàng của Trung Quốc với chi nhánh ở nhiều nước như Hong Kong, Singapore, Malaysia… và hiện nhà hàng này cũng đã có mặt tại Việt Nam. Không chỉ là một nhà hàng lẩu với các món ăn ngon, Haidilao thu hút sự quan tâm của khách hàng nhờ dịch vụ chu đáo tại đây. Khi xếp hàng chờ đợi, Haidilao Việt Nam đã mang đến những dịch vụ như phục vụ đồ ăn nhẹ và nước uống cho khách, đối với khách hàng nữ sẽ được làm móng miễn phí. Thậm chí ở các nước khác khách hàng còn được massage lưng, đánh giày… Có thể nói chiến lược ở đây là xây dựng trải nghiệm xung quanh sản phẩm lõi. Tuy nhiên xu hướng này đòi hỏi tài chính mạnh nên các thương hiệu F&B thuộc phân khúc sub-premium sẽ là lựa chọn phù hợp.
Tạm kết
Do Covid-19, cả ngành F&B đều sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, không chỉ riêng các “ông lớn” thuộc phân khúc sub-premium. Tuy nhiên vốn có tiềm lực tài chính tốt, nếu các thương hiệu này biết tận dụng xu hướng đang lên là giao hàng và tăng trải nghiệm tại cửa hàng thì sẽ có thể tồn tại được trong mùa dịch.
Trong thời đại mọi thứ không ngừng thay đổi, marketers phải có từ sớm tư duy sắc bén về chuyển động ngành và thị trường. Nếu bạn muốn thông qua rèn luyện tư duy đó thông qua những case study như trên, hãy tham gia khóa học Marketing Foundation của Tomorrow Marketers!