Tomorrow Marketers – Ngày 14/7, Vertu tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất, khép lại 16 năm sóng gió cũng hãng điện thoại “sang chảnh” bậc nhất thế giới. Sự thất bại của Vertu đã có thể dự đoán từ trước đó, khi mà thương hiệu này liên tiếp gặp phải những vấn đề về doanh số và tài chính. Mỗi lần rơi vào khủng hoảng, hãng lại được đổi chủ, tuy nhiên không có cái tiến đáng kể nào được tạo ra.
Có thể nói, thất bại của Vertu gói gọn trong hai chữ: khác biệt. Được mệnh danh là gã nhà giàu thích “chơi ngông”, Vertu tự đặt ra câu hỏi “Nếu tiền không phải là giới hạn, điện thoại có thể “chất” tới đâu?”. Với triết lý ấy, mọi chiếc điện thoại của hãng đều được chế tác từ những chất liệu tinh túy nhất, dưới bàn tay của những nghệ nhân hàng đầu.
Đây chính là lí do khiến giá của một chiếc điện thoại Vertu rất cao, từ vài nghìn hàng vài chục nghìn USD. Đắt là vậy, nhưng sản phẩm của Vertu lại không đáp ứng được nhu cầu thực sự của người tiêu dùng. Trên thực tế, người tiêu dùng muốn một chiếc smart phone với hệ điều hành thân thiện, các thông số kĩ thuật tốt và có khả năng kết nối với kho tàng các ứng dụng trên di động.
Và hầu hết các mẫu điện thoại của Vertu không đáp ứng được điều này. Ngay cả giới thượng lưu, đối tượng khách hàng mục tiêu của Vertu, cũng chuyển dần sang các thương hiệu khác như Apple hay Samsung. Chỉ mới gần đây, hãng mới ra mắt mẫu smart phone cao cấp với những tính năng phù hợp. Nhưng lúc này thì đã quá muộn.
Vertu không sai khi muốn đem tới những kiệt tác điện thoại. Cái sai của Vertu là đã cố chấp giữ lấy những giá trị không còn phù hợp, thay vì đi theo những xu thế mới. Mọi người thường nói “Khác biệt hay là chết”, còn đối với Vertu, họ chết vì quá khác biệt!
Sự khác biệt có thể khiến bạn trở nên vĩ đại, nhưng cũng có thể khiến bạn trở nên không còn phù hợp với cộng đồng. Bạn không muốn đi theo xu hướng của đám đông? Vậy thì hãy chắc chắn rằng mình có đủ khả năng để tạo ra xu hướng mới. Còn nếu không, bạn sẽ chỉ tự đào thải chính mình mà thôi. Vertu đã phải trả giá bằng một bài học khắc nghiệt và đau đớn.