Top 5 xu hướng Digital Marketing năm 2021 được dự báo bởi Google

marketing foundation

Tomorrow MarketersTrong năm vừa qua, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã gây ra những biến chuyển mạnh mẽ đến tình hình kinh tế xã hội của thế giới, kéo theo đó là sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng và sự trỗi dậy của hình thức mua sắm trực tuyến. Vậy bước sang năm 2021 này, sẽ có những xu hướng digital marketing nào mà marketer nên đón nhận để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho doanh nghiệp của mình? Hãy cùng TM tìm hiểu qua 5 xu hướng sau được dự báo bởi các chuyên gia đến từ Google!

Sự nở rộ của hình thức video trực tuyến

Được dự báo bởi Jannika Bock, Giám đốc khối Giải pháp Khách hàng, Khu vực Trung Âu

Do đại dịch Covid-19, người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn trước. Họ xem video trực tuyến nhiều hơn để cập nhật thông tin, giải trí và kết nối. Cho đến năm 2022, hơn 80% lượng truy cập internet sẽ đến từ nguồn video trực tuyến. Xu hướng này cũng được dự đoán sẽ bùng nổ do sự gia tăng toàn cầu trong việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật số vào thời điểm dịch bệnh.

Bên cạnh đó, xu hướng này cũng bao gồm việc xem nội dung trên màn hình lớn như TV. Thời gian xem video trực tuyến nhìn chung đã tăng lên, với lượt xem YouTube trên TV tăng 80% so với cùng kỳ tháng ba năm trước. Sự chuyển dịch này mở ra cơ hội cho các thương hiệu kết nối với người tiêu dùng theo những cách thức mới mẻ và sáng tạo. 

Ví dụ, thông qua chức năng phát sóng trực tuyến được cung cấp bởi các nền tảng như Amazon, YouTube, Instagram và Facebook, thương hiệu có thể giới thiệu về sản phẩm của mình một cách sinh động cũng như tương tác trả lời trực tiếp thắc mắc của khách hàng. 

Đọc thêm: Báo cáo từ Google – Các thương hiệu cần sáng tạo nội dung thế nào trong mùa Covid-19?

Xu hướng tiêu dùng bền vững đang lên ngôi

Được dự báo bởi Tiphaine Goisbeault, trưởng bộ phận Market Insights, khu vực Nam Âu

Đại dịch đã làm gia tăng nhu cầu của khách hàng đối với phong cách tiêu dùng bền vững. Giờ đây họ cân nhắc nhiều hơn đến yếu tố bảo vệ môi trường trong từng quyết định mua hàng. Ví dụ, Google Trends chỉ ra rằng trong hạng mục “thực phẩm”, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm nhiều hơn những từ khóa như “bền vững” (sustainable), “thực phẩm địa phương” (local food) và “chủ nghĩa thuần chay” (veganism). 

Khách hàng mong muốn các thương hiệu chứng minh được trách nhiệm và tính minh bạch thông qua những hành động cụ thể. Nghiên cứu về thời trang bền vững của Google vào năm ngoái chỉ ra rằng việc tạo ra và truyền đạt những thuộc tính bền vững có hiệu ứng lan tỏa (halo effect). Nói cách khác, chúng có ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng, đặc biệt xoay quanh chất lượng và giá trị của sản phẩm tại những thời điểm ra quyết định then chốt. Trong lĩnh vực công nghệ, CEO Sundar Pichai cam kết năng lượng cung cấp cho các trung tâm dữ liệu của Google sẽ hoàn toàn không chứa cacbon vào năm 2030. 

Các thương hiệu đi đầu những thay đổi này đang tích cực tìm kiếm giải pháp nâng cao trách nhiệm với môi trường, thông qua các chương trình hợp tác, sáng kiến toàn ngành, hoặc phương thức sản xuất và tái chế mới. Đó cũng là trách nhiệm của team marketing trong việc truyền tải tính minh bạch của doanh nghiệp.

Ứng dụng di động sẽ là chìa khóa phát triển kinh doanh

Được dự báo bởi Eli Lassman, trưởng bộ phận phụ trách Direct Marketing, B2B Content và Ads Marketing của doanh nghiệp vừa và nhỏ, UK

Hậu Covid, 30% khách hàng tin rằng trải nghiệm mua sắm sẽ không bao giờ trở về như trước. Điều này cực kỳ quan trọng đối với các nhà bán lẻ trong việc nắm bắt cơ hội phát triển ứng dụng mua sắm.

Có thể kể đến, trong nửa đầu năm 2020, thời gian người tiêu dùng dành cho các thiết bị di động đã lên tới 1,6 nghìn tỷ giờ đồng hồ. Thêm vào đó, sang đến quý ba năm 2020, lượt sử dụng các ứng dụng cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, với 180 tỷ giờ mỗi tháng. Điều này như một dấu nhấn, khẳng định vị thế của các ứng dụng trên điện thoại, từ giao đồ ăn, trò chơi, học trực tuyến, giải trí và mua sắm trong năm 2021.

Hành động tải ứng dụng cũng là một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thương hiệu. Sau tất cả, những đối tượng này sẽ trở thành khách hàng trung thành. Bởi xu hướng này sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2021, các doanh nghiệp nên ưu tiên xây dựng chiến lược cho ứng dụng của mình và đảm bảo đó là một kênh cung cấp thêm giá trị cho khách hàng. 

Xây dựng niềm tin của khách hàng bằng việc ứng dụng Marketing Automation

Được dự báo bởi Onno Benninga, Giám đốc khối Bán hàng, Tìm kiếm và Tự động hóa, khu vực Bắc Âu

Không có gì đáng ngạc nhiên khi hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể trong năm vừa qua. Để trở nên linh hoạt và đáp ứng được nhu cầu đang lên này, các thương hiệu có thể tìm cách tự động hóa một vài dịch vụ được cung cấp. Trong đó, tự động hóa Marketing có thể giúp thương hiệu vận hành hiệu quả hơn thông qua chức năng điền tự động, quản lý các đơn hàng định kỳ hoặc tối ưu hóa chatbot trong dịch vụ khách hàng. 

Mặc dù vậy, thương hiệu cũng nên chú ý đến các quy tắc xã hội, đặc biệt là việc tôn trọng dữ liệu cá nhân của người dùng. Khi mối quan hệ với thương hiệu được xây dựng dựa trên niềm tin, khách hàng sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin cá nhân và từ đó có thể hỗ trợ các dịch vụ tự động hóa. 

Do đó, để xây dựng niềm tin vững chắc cho khách hàng vào năm 2021, thương hiệu nên minh bạch hơn về việc tại sao dữ liệu cá nhân của họ cần được sử dụng và được sử dụng như thế nào. Tự động hóa sẽ cho phép thương hiệu tối ưu trải nghiệm khách hàng nhưng nó chỉ thành công khi sự trao đổi giá trị giữa hai bên được thiết lập.

Một viễn cảnh không còn cookie

Được dự đoán bởi Paul Coffey, Giám đốc khối Nền tảng, Hợp tác và Bảo mật, khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi

Việc đo lường trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với marketing dựa trên hiệu suất (performance marketing). Đặc biệt, việc đo lường trực tuyến thành công chủ yếu dựa vào hệ thống cookie* lưu lại thông tin hữu ích về những gì xảy ra sau khi một người nhấp vào quảng cáo. 

Vào năm 2021, việc đo lường vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào yếu tố sáng tạo và ưu tiên quyền riêng tư. Để làm được điều này, các marketer cần vận dụng phương pháp phức tạp như mô hình chuyển đổi (conversion modeling) để đo lường độ thành công của các chiến dịch digital. 

Để chuẩn bị đo lường hiệu suất trong bối cảnh không còn cookie của bên thứ ba**, doanh nghiệp nên trang bị sẵn tính năng gắn thẻ và phân tích, đồng thời tôn trọng lựa chọn của người dùng bằng việc thu thập thông tin chuẩn và lưu trữ chúng một cách an toàn. Việc xây dựng hệ thống vững chắc giúp doanh nghiệp có thể đo lường nhiều hơn với lượng dữ liệu ít hơn. 

*cookie: là các tệp được trang web truy cập tạo ra. Cookie giúp trải nghiệm trực tuyến dễ dàng hơn bằng cách lưu thông tin duyệt web. Với cookie, các trang web có thể duy trì trạng thái đăng nhập, ghi nhớ tùy chọn trang web và cung cấp nội dung phù hợp với vị trí người truy cập.

**cookie của bên thứ ba: Là cookie do các trang web khác tạo ra. Các trang web này sở hữu một số nội dung như quảng cáo hoặc hình ảnh mà bạn thấy trên trang web mình truy cập.

Tạm kết

Cùng với sự xuất hiện của những xu hướng tiêu dùng mới, marketing trong năm 2021 sẽ còn tiếp tục chuyển mình với sự thống trị của  các công cụ digital marketing. Tuy nhiên, công cụ hay kĩ năng mềm chỉ là “phần nổi” của “tảng băng” mà thôi. Mọi công cụ hay thủ thuật marketing muốn đạt hiệu quả đều cần tới tư duy marketing đúng đắn làm nền tảng. Khóa học Digital Foundation sẽ trang bị cho bạn tư duy chiến lược và lập kế hoạch tích hợp đa kênh để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. 

Tagged: