11 dấu hiệu “cảnh báo đỏ” của ứng viên trong quá trình phỏng vấn

red flag của ứng viên khi phỏng vấn
marketing foundation

Tomorrow Marketers – Trong một buổi phỏng vấn, làm thế nào để bạn biết đâu là ứng viên mà công ty đang tìm kiếm, và đâu là ứng viên không phù hợp? Thực tế với một số người nhất định, họ sẽ có khả năng bộc lộ những tín hiệu “cảnh báo” khá rõ ràng thông qua quan sát và suy đoán đơn giản. Cùng TM tìm ra 11 “red flag” của ứng viên mà bạn cần chú tâm trong một buổi phỏng vấn qua bài viết sau nhé.

Đọc thêm: Employer Branding là gì? Doanh nghiệp SME/ Startup ứng dụng marketing xây dựng thương hiệu tuyển dụng thế nào?

1. Ngôn ngữ cơ thể kỳ lạ

Phỏng vấn là một tình huống đã được sắp xếp sẵn, quá trình này thiếu đi tính tự nhiên và bất ngờ. Vì vậy, một ứng viên có thể chuẩn bị sẵn những câu trả lời và một số tình huống kèm cách ứng phó. Những câu trả lời này có thể thiếu đi tính trung thực và không phản ánh được năng lực thực sự của ứng viên. 

Vì vậy, bên cạnh lắng nghe câu trả lời, nhà tuyển dụng cần quan sát kỹ càng và ghi chép lại ngôn ngữ hình thể của ứng viên để có thêm đánh giá chính xác. 

Một số tín hiệu cơ thể đơn giản sau sẽ giúp bạn dễ dàng đọc vị ứng viên hơn:

Tư thế

Nếu một người ngửa người về sau, đây là dấu hiệu thể hiện họ đang ở trong trạng thái phòng thủ và không quá quan tâm tới buổi phỏng vấn. Hoặc nếu ứng viên có tư thế gù lưng, người co cụm thõng xuống, có thể họ đang thiếu tự tin vào bản thân. 

Nếu họ liên tục gập và duỗi tay, gõ nhịp tay kèm với bắt chéo và bỏ bắt chéo chân, hoặc đung đưa chân liên tục là dấu hiệu của sự bồn chồn, mất tập trung hoặc mất kiên nhẫn. Mất tập trung khi bắt đầu hoặc kết thúc cuộc phỏng vấn là phản ứng bình thường, nhưng khi dấu hiệu này kéo dài liên tục, bạn cần chú ý và ghi chú lại.

Tay

  • Mọi người thường sử dụng cử chỉ của tay để nhấn mạnh và biểu đạt song song với ý muốn nói. Tuy nhiên, bạn cần đặt dấu hỏi với những ứng viên lạm dụng loại ngôn ngữ này. 
  • Các động tác chỉ tay hoặc chặt tay thường xuyên có thể cho thấy người đó có xu hướng độc đoán. 
  • Xoa cổ cũng là động tác cho thấy ứng viên đang thất vọng. 
  • Nghịch tóc hoặc chạm vào mặt có thể cho thấy ứng viên không thoải mái. 

Chuyển động của mắt

Chuyển động của mắt và giao tiếp bằng mắt có thể tiết lộ một số thông tin về ứng viên. Giao tiếp bằng mắt kém, liên tục ngó nghiêng và đảo mắt là dấu hiệu của sự mất tập trung, không hài lòng hoặc thiếu thoải mái. Nhìn thẳng chằm chằm vào mắt nhà tuyển dụng liên tục cũng có thể bộc lộ sự thô lỗ và thiếu tế nhị. 

Ngoài ra, có thể kể tới một số ngôn ngữ khác của mắt như:

  • Nheo mắt: Ứng viên có thể đang xem xét câu hỏi hoặc chủ đề hoặc một dấu hiệu của sự không tin tưởng, nghi ngờ hoặc thậm chí là thất vọng. 
  • Liên tục liếc nhìn vào điện thoại hoặc đồng hồ: Việc liên tục liếc nhìn vào điện thoại hoặc đồng hồ cho thấy rằng ứng viên cụ thể này có thể dễ bị phân tâm hoặc thể hiện sự thiếu tôn trọng tại nơi làm việc.

Chuyển động của miệng

  • Mím môi: thường biểu thị sự không tán thành hoặc không tin tưởng vào người đó hoặc cuộc trò chuyện. 
  • Cắn môi: dấu hiệu của căng thẳng. 
  • Che miệng: ứng viên có thể đang cố che giấu cảm xúc.
  • Mỉm cười: dấu hiệu rõ ràng cho việc ứng viên cảm thấy như nào về vị trí và đoạn hội thoại. Nếu ứng viên không nở một nụ cười, có thể họ cảm thấy không hào hứng. Đánh giá mức độ chân thành của một nụ cười cũng sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên đang trung thực hay chỉ đang cố tỏ ra lịch sự.
  • Thở dài: cố ý thở dài có thể báo hiệu rằng ứng viên đang mất đi sự hứng thú trong cuộc phỏng vấn hoặc trở nên mất kiên nhẫn khi cuộc phỏng vấn tiếp tục.

Dù vậy, cần lưu ý rằng, khi đi phỏng vấn, ngay cả một ứng viên tự tin cũng có thể hồi hộp, lo lắng và có một số biểu hiện căng thẳng, ví dụ như chảy mồ hôi tay, cơ thể căng cứng. Hoặc một số cử chỉ, tư thế có thể chỉ là phản ứng bình thường mà không có ý nghĩa gì. Giả sử, ứng viên thở hắt ra đôi khi chỉ là một cử chỉ thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc cuộc phỏng vấn, hoặc việc không giao tiếp trực tiếp bằng mắt mà cố gắng nhìn vào vai của nhà tuyển dụng đôi khi cũng chỉ là cử chỉ giúp ứng viên tự trấn tĩnh bản thân, vượt qua sự nhút nhát và tỏ ra bình tĩnh hơn,…

Do đó, đánh giá qua ngôn ngữ cơ thể đôi khi có phần chủ quan và phiến diện về ứng viên, đặc biệt khi đó chỉ là những cảm xúc và suy nghĩ của ứng viên tại duy nhất một thời điểm. 

Bên cạnh đó, trong nghiên cứu về cảm xúc và mối quan hệ với biểu cảm trên khuôn mặt của Paul Ekman, nhà tâm lý học nổi tiếng này đã chỉ ra rằng sẽ có sự khác biệt giữa một cử chỉ của các nền văn hóa khác nhau: Ví dụ, giao tiếp bằng mắt có thể quan trọng trong các nền văn hóa phương Tây, trong khi hành động này có ý nghĩa tiêu cực ở Nhật Bản.

Vì vậy, hãy chỉ coi ngôn ngữ cơ thể là một phần đánh giá chủ quan và không nên dựa hoàn toàn hoặc đưa ra quyết định chỉ sau khi quan sát những cử chỉ, hành vi này.

2. Cẩu thả hoặc chậm trễ

7 giây đầu tiên có thể giúp bạn có một ấn tượng đầu tiên và đánh giá nhanh về ứng viên. Trong đó, cách ứng viên thể hiện bản thân là một yếu tố quan trọng cho thấy họ đánh giá cao cơ hội này như nào và mức độ nghiêm túc của họ đối với công việc ra sao. 

Nếu một ứng viên xuất hiện với quần áo luộm thuộm, nhăn nhúm hoặc không phù hợp với tính chất công việc/lĩnh vực/ngành hàng, bạn có thể đánh giá rằng họ đang tỏ rõ sự thiếu cố gắng để vẻ ngoài và hành động trở nên chỉn chu.

Tới đúng giờ cũng là một yếu tố quan trọng, bởi việc tới muộn có thể cho thấy ứng viên thiếu tôn trọng thời gian của người khác, đồng thời là dấu hiệu thể hiện họ là người cẩu thả và không tôn trọng deadline của công việc. Dù vậy, trường hợp này có thể chấp nhận nếu ứng viên gọi điện/email và thông báo về việc tới muộn, có lời xin lỗi chân thành và giải thích rõ ràng, dễ hiểu và hợp lý về lý do tới muộn, đặc biệt là trong những trường hợp bất khả kháng. 

3. Thiếu sự nhiệt tình và quan tâm tới vị trí công việc, sản phẩm và công ty

Ở mức tối thiểu, ứng viên cũng nên đọc trước một số bài blog của công ty và dành thời gian để nghiên cứu trước về cụ thể của công việc, cũng như nắm được các thông tin cơ bản và công khai của công ty, ví dụ như tính chất, sản phẩm, các hoạt động công khai của công ty. Bạn có thể đánh giá mức độ nỗ lực của ứng viên bằng cách đặt một số câu hỏi cơ bản về công ty và các dự án gần đây. 

Nếu một ứng viên không nắm chắc một thông tin nào, mù mờ về sản phẩm/công ty, hoặc thiếu sự nhiệt tình trong quá trình phỏng vấn, có thể họ chỉ đơn giản là rải CV bất kỳ công việc nào và “vô tình” lại vào tới vòng phỏng vấn của vị trí này. Thậm chí, có một số người nộp đơn xin việc để có thêm offer với kỳ vọng tạo áp lực cho công ty hiện tại để tăng lương/offer tốt hơn. Nếu ứng viên này vượt qua vòng phỏng vấn và trở thành nhân viên của công ty, họ có thể thiếu tính cam kết làm việc lâu dài và nghỉ việc ngay khi mới đi làm hoặc thiếu sự cố gắng trong công việc.

4. Thiếu khả năng chịu trách nhiệm về những sai lầm hay trải nghiệm trong quá khứ 

Từ chối, trốn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho đồng nghiệp cũ hoặc đưa ra quá nhiều lý do để bào chữa cho những sai lầm và vấn đề trong quá khứ là một red flag rõ ràng mà người phỏng vấn cần lưu ý. Trong nhiều trường hợp, những ứng viên này thậm chí còn chơi trò đóng vai nạn nhân. Đối với họ, mọi thứ đều là lỗi của người khác: Sếp cũ ghét họ, các đồng nghiệp bài trừ và ngáng đường khiến họ không thể đạt được KPI,…

Thất bại và học hỏi là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển. Việc từ chối chấp nhận kết quả và nhận trách nhiệm cho điều đó sẽ phản ánh cách ứng viên đó sẽ phản ứng khi gặp thất bại tại công ty bạn. Ngược lại, một ứng viên trung thực và có trách nhiệm sẽ giải thích được nguyên nhân của các thất bại trong quá khứ và có thể rút ra được những bài học từ sai lầm đó để áp dụng trong tương lai.

5. Không đặt câu hỏi

Các buổi phỏng vấn là cơ hội để nhà tuyển dụng và ứng viên tương tác, trò chuyện hai chiều một cách trực tiếp để đánh giá liệu họ có phù hợp với nhau hay không. Phần lớn cuộc trò chuyện này là do nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về ứng viên: giới thiệu về bản thân, điểm mạnh điểm yếu, các giá trị đánh giá cao và kèm thêm một số câu hỏi chuyên môn để đánh giá tính nhanh nhạy trong kiến thức và kỹ năng. 

Ngược lại, ứng viên cũng nên đặt các câu hỏi để tìm hiểu về nơi mà họ sẽ đi làm 8 tiếng/ngày. Nếu ứng viên không đặt câu hỏi nào, họ có thể không thực sự quan tâm tới cơ hội này, không có sự tò mò và khả năng đặt câu hỏi, tìm hiểu thông tin, hoặc không để tâm và không chú ý tới đoạn hội thoại mà bạn đã trao đổi.

Dù vậy, việc đặt câu hỏi vào cuối buổi phỏng vấn là một lời khuyên khá phổ biến và bạn có thể dễ dàng đọc được trong các bài viết SEO chỉ bằng cách nhập “tips đi phỏng vấn”. Do đó, các ứng viên có khả năng sẽ hỏi một vài các câu hỏi chung chung hoặc không liên quan chỉ để cho có lệ. Hãy lắng nghe những câu hỏi của ứng viên và đánh giá liệu các câu hỏi có đủ sâu sắc và trùng khớp với nội dung đã trao đổi trong buổi phỏng vấn không. 

6. Phàn nàn hoặc ngồi lê đôi mách

Trong trường hợp ứng viên công khai phàn nàn và nói xấu công ty cũ, quản lý và đồng nghiệp cũ, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo về thái độ và sự tôn trọng của họ dành cho người khác. 

Nếu họ trở thành nhân viên chính thức của công ty, đây sẽ là dạng nhân viên thích ngồi lê đôi mách hoặc luôn than thở và đổ lỗi. Họ có thể khiến công ty bạn trở thành một cái chợ, chuyên soi mói, nói xấu sau lưng và bàn tán về cuộc sống đời tư của người khác, hoặc luôn phàn nàn và than thở về mọi thứ, khiến bầu không khí làm việc trở nên tiêu cực và nặng nề. 

Đọc thêm: “Chẩn đoán, bắt bệnh và kê đơn” cho tình trạng nhân viên độc hại

7. Không có kỹ năng lắng nghe

Một buổi phỏng vấn là sự tương tác hai chiều giữa ứng viên với nhà tuyển dụng. Do đó, ứng viên cần tham gia cuộc đối thoại và chú ý đến những thông tin đang được trao đổi. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và mong muốn kết nối với đối phương, mà còn chứng minh khả năng tập trung và chú ý tới chi tiết trong công việc. Liên tục quên những gì bạn đã nói, nhiều lần yêu cầu nhắc lại những thông tin cơ bản là biểu hiện cho thấy những ứng viên đó có kỹ năng lắng nghe rất kém. 

8. Ứng viên quá nhiệt tình và thân thiện, tới mức… suồng sã

Sự thân thiện và sôi nổi không tự nhiên và quá mức là một dấu hiệu cần chú ý. Nếu sự nhiệt tình này không kéo dài quá lâu và kết thúc trong hoặc sau cuộc phỏng vấn, đó có thể chỉ là hành vi bình thường của ứng viên khi cố gắng thể hiện tự tin. Nhưng nếu nó tiếp tục trong suốt buổi phỏng vấn, ứng viên có thể đang cố gắng che giấu điều gì đó và cố gắng tạo được niềm tin của bạn. Những biểu hiện này còn có thể bao gồm chen ngang và ngắt lời nhà tuyển dụng chỉ để thể hiện sự nhiệt tình của mình, thể hiện thái độ niềm nở và hào hứng tới mức thiếu chuyên nghiệp,…

Các biểu hiện khác “tự nhiên như ở nhà”, ví dụ như  sử dụng những từ lóng hoặc ngôn từ vô văn hóa, dùng điện thoại giữa buổi phỏng vấn để nhắn tin,… thì sẽ thể hiện thái độ thiếu tôn trọng và không phân biệt được chừng mực.

9. Không thể hiện sự quan tâm với cơ hội học hỏi và tiến bộ

Một người có tư duy cầu tiến (growth mindset) có niềm tin rằng họ sẽ luôn luôn học được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới nếu học tập và làm việc chăm chỉ. Những ứng viên sở hữu tư duy này thường được các chủ doanh nghiệp/nhà tuyển dụng săn đón, bởi việc có được lối tư duy này chứng minh rằng ứng viên đó sẽ dành nhiều nỗ lực hơn cho việc học hỏi, tìm tòi và luôn nỗ lực vượt qua thử thách trong sự nghiệp.

Red flag trong phỏng vấn là khi ứng viên thể hiện sự thiếu quan tâm tới cơ hội phát triển và không có động lực để phấn đấu cải thiện trong công việc.

10. Không thể giải thích chi tiết về công việc cũ

Một ứng viên tiềm năng là người được kỳ vọng có thể giải thích chi tiết về công việc, kinh nghiệm, những thành tựu và điều họ học hỏi được từ những kinh nghiệm trong quá khứ và họ có thể ứng dụng như thế nào vào vị trí này nếu họ được nhận. 

Không thể nêu ra chi tiết hoặc chứng minh được khả năng làm chủ công việc, hoặc các thông tin không liên kết, rời rạc có thể bắt nguồn từ hai nguyên nhân:

  • Nguyên nhân khách quan: công ty cũ thực sự không rõ ràng trong phạm vi công việc, có văn hóa độc hại như thiếu tính hợp tác, chia sẻ giữa mọi người các cấp và giữa các phòng ban hoặc giấu giếm thông tin công việc,…
  • Nguyên nhân chủ quan: đây là điều mà bạn cần lưu ý ở ứng viên. Họ có thể đang nói dối về các kinh nghiệm đã có, thiếu hiểu biết về công việc, không đào sâu mà chỉ tìm hiểu rất bề nổi, hoặc có thể là người không đúc rút ra được bất cứ kết luận học hỏi nào từ những trải nghiệm cũ. 

11. Khoe khoang về những offer khác

Khi các ứng viên khoe khoang về những offer khác, bạn nên tự hỏi rằng mức độ họ ưu tiên của vị trí này là bao nhiêu; hay liệu họ có đang cố gắng “chém” ra các offer ảo, thổi phồng chúng để khiến bạn đề nghị một mức lương cạnh tranh hơn không? 

Những ứng viên này nếu trở thành nhân viên chính thức có khả năng sẽ bộc lộ sự thiếu cam kết, luôn luôn ở trong trạng thái “đứng núi này trông núi nọ” và sẵn sàng nhảy việc mà không quan tâm tới trách nhiệm trong công việc chỉ để đạt được lợi ích cao hơn. 

Dù vậy, hãy giữ một cái đầu lạnh để có đánh giá minh bạch và khách quan. Một ứng viên luôn có nhiều sự lựa chọn khi ứng tuyển một công việc mới, tương tự với việc một công ty luôn có nhiều ứng viên để đánh giá và xét tuyển. Đôi khi việc đề cập tới một offer khác chỉ là một cách để họ thể hiện mong muốn được đẩy nhanh tiến trình tuyển dụng của công ty, hoặc thể hiện rõ ràng mong muốn so sánh những lợi ích họ nhận được so với những giá trị họ có thể mang lại,…

Đọc thêm: Trò chuyện với người tham chiếu (reference checking) thế nào để tránh bóp méo thông tin?

Tạm kết

Tất nhiên, một red flag chưa đủ để chứng minh bạn có thể đọc vị một người chính xác hoàn toàn, sẽ có những nguyên do khách quan hoặc có thể thông cảm và chấp nhận phía sau những hành vi đó. Vì vậy, bạn cần sử dụng khả năng phán đoán và kỹ năng tuyển dụng để đưa ra quyết định xem ứng viên đó có thực sự là mảnh ghép mà công ty đang tìm kiếm không. 

Đặc biệt, trước khi có những đánh giá này, bạn cần thực sự hiểu và xác định chính xác chân dung ứng viên, biết mình cần tuyển ai, người đó sở hữu kỹ năng gì, đặc điểm tính cách ra sao, từ đó có định hướng trong việc đặt câu hỏi và trao đổi trong quá trình phỏng vấn.

Những tư duy về xây dựng chân dung ứng viên và phương pháp tối ưu quy trình tuyển dụng sẽ được truyền tải trọn vẹn qua khoá học Employer Branding & Hiring. Qua 8 buổi học, Trainers sẽ cùng học viên tìm hiểu 03 nội dung chính:

  • Employer Branding – Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng
  • Candidate Sourcing – Cách tạo nguồn ứng viên
  • Candidate Qualifying – Đánh giá chất lượng ứng viên.

Tham gia khoá học Employer Branding & Hiring để xây dựng thương hiệu tuyển dụng & tăng trưởng nguồn ứng viên cho doanh nghiệp của bạn nhé. Tìm hiểu thêm về khóa học tại đây.

khóa học employer branding & hiring

Bài viết được biên soạn bởi Tomorrow Marketers, xin vui lòng không sao chép dưới mọi hình thức!

Tagged: